Phát triển các tổ chức trung gian cung-cầu công nghệ

Sau gần 6 năm triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường KH&CN, với những con số công bố qua khảo sát về mức tăng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp vài năm gần đây có thể thấy thị trường công nghệ của chúng ta hiện còn đang ở dạng sơ khai, thiếu nhân tố tạo ra đột phá cho sự phát triển nhanh.

Nguyên nhân là do cơ sở pháp lý để thị trường vận hành chưa hoàn thiện; nguồn cung từ các viện NC nghèo nàn; nguồn cầu từ các doanh nghiệp – chủ thể của thị trường công nghệ – rất hạn chế… và nhất là các tổ chức trung gian để tạo môi trường thuận lợi cho giao dịch mua bán công nghệ: thông tin, giám định kiểm định, đánh giá công nghệ … rất ít về số lượng, yếu kém về năng lực. Chẳng hạn như hệ thống giám định sở hữu trí tuệ (SHTT) hiện chỉ có duy nhất 1 đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Vì vậy việc Bộ KH&CN xây dựng đề án Chương trình Quốc gia phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020, với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng giao dịch mua bán công nghệ bình quân 15-17% vào năm 2020 nhằm tạo sinh lực mới cho sự phát triển thị trường công nghệ, góp phần đáp ứng nhu cầu cơ cấu lại nền kinh tế nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, là hết sức cần thiết.

Để đạt được mục tiêu đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý của thị trường công nghệ, đề án cần có những giải pháp cụ thể, mang tính khả thi cao để phát triển đồng bộ cung, cầu và đặc biệt là những tổ chức trung gian cung cầu trong cả nước, bao gồm một số việc trọng tâm:

– Xây dựng một hệ thống giám định về SHTT có sự tham gia của các tổ chức xã hội, hiệp hội, để hình thành một tổ chức giám định mạnh; xây dựng cơ sở dữ liệu, trang thiết bị để thành lập cơ quan định giá, tiến tới tổ chức sàn đấu giá tài sản trí tuệ; tổ chức một số đơn vị chuyên khai thác dữ liệu của nước ngoài, đặc biệt là các công nghệ đã hết thời gian bảo hộ nhưng còn giá trị sử dụng…

– Đồng thời với việc ban hành các quy định về trích lợi nhuận trước thuế để thành lập các quỹ KH&CN của các doanh nghiệp, cần thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn đầu tư đổi mới công nghệ với một quy trình chặt chẽ, minh bạch (qua kiểm toán) đồng thời linh hoạt, bảo đảm cho dự án đầu tư R&D có triển vọng tốt để được bảo lãnh cần thiết…

– Và trên hết là phải có một chương trình đào tạo bài bản hệ thống đội ngũ chuyên gia cho các tổ chức lĩnh vực kể trên.

Có thể nói các giải pháp về phát triển mạng lưới trung gian cung – cầu cần được coi là một trong những trọng tâm hàng đầu của đề án Chương trình Quốc gia phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020.

Nói thêm về tên của đề án:

Cách đây 7 năm, tại Hội thảo về đề án “Phát triển thị trường KH&CN VN” do Viện CL& CS KH&CN soạn thảo, hầu hết các đại biểu đều có chung quan điểm với GS Phạm Duy Hiển là cần xem lại tên đề án vì “chưa thấy ở nơi nào có nói đến khái niệm thị trường KH. Chức năng của KH là nghiên cứu, khám phá các quy luật tự nhiên. Sản phẩm của nó là các công trình nghiên cứu công bố trên các tạp chí KH để mọi người sử dụng. Với phát minh vĩ đại của mình, Einstein đâu có thu được đồng nào!” (Tia Sáng tháng 7/2004). Nhưng rồi tên đề án vẫn được giữ nguyên, với lý do trong báo cáo chính trị  Đại hội Đảng X đã ghi rõ là cần phát triển thị trường KH&CN.

Nay trong việc dự thảo đề án Chương trình Quốc gia phát triển thị trường công nghệ đến năm 2020, hẳn ban soạn thảo của Viện CL&CS KHCN dự thảo, đã đồng quan điểm không có thị trường khoa học của các nhà KH cách đây 7 năm, và nội dung của đề án đã được soạn thảo theo quan điểm đó, dù không ít ý kiến từ các nhà KHXH cho rằng cần giữ nguyên tên đề án như trong các văn kiện của Đảng. Hy vọng quan điểm của ban soạn thảo sẽ nhận được sự đồng tình của cấp có thẩm quyền.

            Tia sáng

Tác giả