Phi lê cá hồi từ phòng thí nghiệm

Sebastian Rakers và Simon Fabich có kế hoạch tạo ra cá từ phòng thí nghiệm. Cả hai là người thành lập Bluu Biosciences, một startup về công nghệ sinh học. May mắn là họ nhận được hỗ trợ của Ngân hàng Tái thiết (KfW) để phát triển ý tưởng.

Sebastian Rakers đã nếm thử chút xíu miếng cá hồi mà cho đến nay chưa ai từng được thưởng thức. Miếng cá xinh xinh này được chế tạo trong phòng thí nghiệm của Bluu Biosciences ở Lübeck. Tại đây, người ta đã nuôi cấy từ một tế bào cá hồi trong ống nghiệm. Mục đích của startup này không chỉ có vậy mà còn là tạo ra nhiều sản phẩm cá khác nhau, trước tiên là chế tác ra các lát cá tẩm bột rán rồi tiến tới làm ra phi lê cá hồi. Hiện tại, họ đã thành công trong việc tạo ra những khối lượng cá nhỏ có hương vị rất triển vọng.

Khai trương doanh nghiệp bất chấp đại dịch

Bluu Biosciences ra đời đầu năm 2020, vào một thời điểm đầy rủi ro do bùng phát đại dịch corona. Việc sản xuất cá trên cơ sở nuôi cấy tế bào là một phương pháp có ý nghĩa về bảo vệ môi trường và bảo vệ khí hậu, đặc biệt nhằm hạn chế việc đánh bắt quá mức nguồn thủy hải sản trong tự nhiên. Theo Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), 33% trữ lượng cá được sử dụng thương mại trên trái đất hiện đang bị đánh bắt quá mức, ở Địa Trung Hải là 62%. Từ quan điểm sinh thái, các trang trại nuôi cá cũng không phải là một giải pháp thay thế hoàn hảo, vì cần rất nhiều thức ăn để chăn nuôi và theo WWF, các chất thải gây ô nhiễm, trong đó có cả kháng sinh, có thể tràn ra biển.

Theo nhìn nhận của Bluu Biosciences thì việc sản xuất trong ống nghiệm có tính bền vững cao hơn nhiều. Một mặt, người ta không còn phải đánh bắt và giết mổ cá, qua đó, có thể giúp bảo vệ được nguồn dự trữ trong tự nhiên. Điều này có thể thành hiện thực trong tương lai. Mặt khác, sản xuất cá trong phòng thí nghiệm  hiệu quả hơn nhiều so với nuôi trồng thủy sản, vì những gì làm ra được, đều trở thành thức ăn, không có gì phải vứt bỏ như vây, xương, nội tạng vv…. Ngoài ra, người ra cũng không còn phải sử dụng thuốc kháng sinh, vì việc sản xuất cá trong phòng thí nghiệm hầu như không phải đối mặt với mầm bệnh. Nhà sinh vật biển Rakers cũng nhận thấy những lợi thế về lâu dài của giải pháp này đối với khí hậu “Người ta có thể sản xuất phi tập trung, gần  với người tiêu dùng và có thể chấm dứt vận chuyển đường dài”. Năng lượng điện phục vụ sản xuất có thể là điện mặt trời, tóm lại việc sản xuất gần như hoàn toàn “xanh”.

Hiện tại, không riêng gì Bluu Biosciences mà một loạt doanh nghiệp khác đều có ý đồ sản xuất thịt trên cơ sở nuôi cấy tế bào. Thí dụ hãng Mosa Meats của Hà lan hoặc Memphis Meats của Mỹ dự kiến nuôi cấy tế bào để sản xuất thịt bò và gia cầm.

Tuy nhiên không phải không có thách thức với lĩnh vực này, trong đó một trở ngại lớn đối với tất cả những người đi tiên phong là “sự chết của tế bào”. Thông thường, các đơn vị sinh học cơ bản của sự sống chỉ có thể phân chia từ  20 đến 30 lần trước khi chúng bị chết. Do đó, từ một tế bào duy nhất sẽ không thể nuôi cấy để có một lát cá hồi mà phải tạo ra từ hàng tỷ tế bào. Bluu Biosciences đã giải quyết thành công vấn đề này: các nhà khoa học đã thành công trong việc phân lập cái gọi là tế bào gốc bất tử, qua đó có thể phân chia thường xuyên, vô tận. Thách thức lớn thứ hai trong quá trình sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm là tìm ra chất lỏng dinh dưỡng để các tế bào có thể phát triển tối ưu. Cho đến nay, cái gọi là huyết thanh này vẫn chứa các thành phần động vật, ví dụ như máu bê. Nhưng Bluu Biosciences đã tìm ra các giải pháp thay thế – các yếu tố tăng trưởng được tạo ra từ thực vật, vi khuẩn hoặc tảo. Bước tiếp theo là chuyển kết quả thí nghiệm sang sản xuất đại trà – Bluu Biosciences phải chuyển từ một công ty nghiên cứu sang một nhà sản xuất thực phẩm.

Có thể trong tương lai, những món cá hồi mà người ta thưởng thức sẽ đến từ các phòng thí nghiệm. Nguồn: stern.de

Công nghệ sinh học có thể nuôi hàng triệu người

Sau không đầy hai năm, Bluu Biosciences đã có 15 nhân viên thường xuyên. Hiện bộ đôi sáng lập viên này đang phải tìm địa bàn để mở rộng các phòng thí nghiệm sinh học. Trước mắt doanh nghiệp nhằm vào thị trường tiêu thụ ở Đức nhưng về lâu dài là thị trường toàn cầu. Lý do hiện tại khoảng ba tỷ người sử dụng chất đạm từ nguồn lợi hải sản. Người ta tin rằng các nước đang phát triển và mới nổi sẽ là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng trong tương lai.

Bluu Biosciences gặp may, hiện đã có nguồn tài chính trị giá 7 triệu euro đầu tư cho họ. Kế hoạch của danh nghiệp này là trong năm tới tạo ra được một lượng mô tế bào lớn hơn. Cuối năm 2023 phán đấu có lô sản phẩm đầu tiên bán ra thị trường trước mắt dưới dạng cá que và bánh cá Tatar. Về lâu dài là tạo ra được file cá hồi. Cái khó ở đây là bên cạnh mớ tế bào còn phải tạo ra các lớp mỡ và mạch máu trong miếng cá hồi. Những cấu trúc phức tạp như vậy vẫn chưa thể  tạo ra được trong phòng thí nghiệm. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy các giải pháp khả thi: Ví dụ, một máy in 3-D có thể chồng các lớp tế bào khác nhau hoặc bằng một cách khác, miếng phi lê có thể được xây dựng bằng cách sử dụng khung sinh học. Dù sao thì để đên khi có được một lát cá hồi Bluu trên đĩa của bạn, ít nhất cũng phải mất vài ba năm nữa.

Xuân Hoài tổng hợp

Nguồnhttps://www.welt.de/sponsored/kfw/nachhaltigkeit/article233792694/Unternehmensgruendung-Lachsfilets-die-aus-dem-Labor-kommen.html

https://www.swr.de/wissen/fisch-aus-dem-labor-100.html

Tác giả