Quy trình sản xuất, có khả năng phòng trừ nhện đỏ hai chấm gây hại trên cây trồng

Sản phẩm do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM nghiên cứu và hoàn thiện quy trình sản xuất, có khả năng phòng trừ nhện đỏ hai chấm gây hại trên cây trồng.

Nhện đỏ hai chấm (Tetranychus urticae) gây bệnh trên nhiều loại cây trồng, dẫn đến các đốm hoại tử trên lá, cánh hoa bị cháy, làm cây giảm sức sống và chết nhanh hơn. Do chu kỳ sống ngắn (10-15 ngày) và sự thay đổi thế hệ nhanh, mật độ tăng cao nhanh, nhất là trong điều kiện khô hạn, nhện đỏ có thể gây hại hàng loạt trên cây trồng. Biện pháp phòng trừ hiện nay là sử dụng các loại thuốc hóa học phối hợp hoặc luân phiên phun lên cây nhằm tiêu diệt nhện. Tuy nhiên, việc lạm dụng các loại thuốc trừ sâu hóa học kéo dài làm tăng khả năng kháng thuốc, ảnh hưởng trực tiếp trên cây trồng, sức khỏe người dùng và môi trường sinh thái.
Hiện nay, để vừa tiêu diệt nhện/côn trùng gây bệnh, vừa thân thiện với môi trường, nhiều loài nấm côn trùng đã được ứng dụng trong đấu tranh sinh học kiểm soát dịch hại, như Cordyceps, Beauveria, đặc biệt là chi nấm Isaria. Chi Isaria bao gồm các loài nấm ký sinh côn trùng phân bố khá rộng, dễ dàng thu thập trong tự nhiên, có tiềm năng trong việc sử dụng phòng trừ nhện và sâu hại.
Tại Việt Nam, đã có khá nhiều chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại trên cây trồng được sản xuất từ các loại nấm (xanh, trắng,…). Tuy nhiên, chế phẩm phòng trừ nhện đỏ từ nấm hầu như rất ít, chủ yếu dạng thô, chất lượng chưa ổn định.
Trong bối cảnh đó, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM đã nghiên cứu sử dụng nấm Isaria sp. để sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ nhện đỏ hai chấm. Cụ thể, các chủng nấm Isaria sp. sau khi phân lập từ ngoài tự nhiên, được nuôi cấy trên đĩa petri và trong môi trường lỏng (lên men cấp 1). Khi nấm phát triển thành hệ sợi từ 7 – 8cm, tiếp tục lên men cấp 2 để thu bào tử, sinh khối nấm (sau khi cấy 15 ngày). Sinh khối nấm này được sấy khô rồi nghiền nhỏ, rây lấy bột mịn, rồi phối trộn với chất phụ gia (bột cao lanh theo tỷ lệ 90% phụ gia, 10% bào tử nấm) để tạo thành chế phẩm Isaria sp.
Thử nghiệm chế phẩm trên cây cà tím cho thấy hiệu quả phòng trừ nhện đạt 72% sau 10 ngày phun, thấp hơn khả năng diệt trừ nhện của thuốc hóa học (penpyroximate 5%) 82% và thuốc sinh học (Abamectin, Emamectin benzoate) 73%.
Trung tâm đã hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm sinh học phòng trừ nhện đỏ hai chấm từ nấm Isaria sp. với chi phí sản xuất 34 nghìn đồng/kg chế phẩm. Quy trình có thể phát triển sản xuất ở quy mô lớn, sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, tổ chức có nhu cầu.
Nguyễn Trang

Tác giả