PUTIN – Nhân vật năm 2007

Với tầm ảnh hưởng lớn, Ông ấy là một nhà lãnh đạo tài ba trong việc đánh thức “người khổng lồ” Nga trở lại vị thế một quyền lực của thế giới. Đó là lý do TIME đã chọn Vladimir Putin là "Person of the Year" – nhân vật năm 2007.

Ấn tượng đầu tiên về Vladimir Putin, đó là con người của quyền lực: cứng rắn và hiệu quả. Dù chỉ cao chừng 1m7, ông có cơ thể cân đối nhờ nhiều năm luyện tập tới đai đen judo và bơi lội mỗi sáng chừng một tiếng. Putin là một người Nga điển hình với khuôn mặt rắn rỏi và đôi mắt sắc sảo. Putin thích thư giãn bằng nhạc của Brahms, Mozart, Tchaikovsky và bài Yesterday của nhóm Beatles. Dù sinh ra trong thời Xô Viết, ông vẫn giữ đức tin và thường xuyên đọc Kinh Thánh. Thiếu kiên nhẫn trước thái độ khiếm nhã trong các cuộc trò chuyện nhưng ông là người hoàn toàn làm chủ lời nói của mình.
Ông thấu hiểu vai trò của nước Nga trên thế giới. Tin rằng sự tan rã của Liên Bang Xô Viết là một bi kịch, nhưng ông nói không muốn xây dựng lại Liên Xô hay tái lập các khối liên minh chính trị. Hơn hết, Putin là người theo chủ nghĩa thực dụng. Ông đã kiến thiết một thị trường tự do nhưng dựa trên một nền tảng quản lí chặt chẽ.
Giống như tổng thống Mỹ George W. Bush xem khủng bố là một trong những mối đe dọa sẽ ảnh hưởng sâu rộng trong thế kỉ mới, nhưng ông cũng tỏ ra khá thận trọng khi đề cập đến điều đó dưới cái mác đạo Hồi. Ông nói: “Cực đoan có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào”. Putin tiết lộ rằng Cục điều tra Nga gần đây đã phát hiện một “nguy cơ” khủng bố chống lại cả 2 nước Nga và Hoa Kỳ, và ông đã nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Bush về điều này.
Điều Putin lo ngại là việc Mỹ luôn muốn can thiệp quá sâu vào nội bộ nước Nga. Ông nói: “Chúng tôi muốn là bạn với người Mỹ, nhưng đôi khi chúng tôi có ấn tượng rằng người Mỹ không cần có bạn”. Nhưng dường như Mỹ lại xem Nga như những vị khách không mời trong bữa tiệc.
Putin đã tuyên bố sau khi kết thúc nhiệm kì tổng thống, ông có thể trở thành thủ tướng. Điều đó sẽ cho phép ông hoàn thành được công việc mà ông đã khởi xướng trong 8 năm làm tổng thống. Ông đã dẫn dắt đất nước trải qua những cột mốc đáng chú ý: khôi phục lại sự ổn định và tinh thần yêu nước của người dân, những người mà sau những năm tháng trì trệ đã gần như không còn niềm tin vào tăng trưởng. Ngày nay, người Nga giàu vẫn ngày càng giàu thêm, song người nghèo cũng có cuộc sống khá hơn: từ năm 2003, lương của công nhân đã tăng gấp đôi phần lớn nhờ giá dầu tăng tới 90 USD một thùng.
Sau nhiều thập kỉ chìm trong giấc ngủ sâu trì trệ, “người khổng lồ” Nga đã tỉnh giấc. Tham vọng ảnh hưởng toàn cầu của Putin dường như rõ ràng. Quan trọng hơn, ông muốn nước Nga hoàn toàn độc lập, tự chủ, không phải chịu bất cứ một can thiệp nước ngoài nào. Ông đã từ bỏ quan điểm của Yeltsin, rằng tương lai của Nga cần sự đồng thuận lớn từ phương Tây.

Đứng lên từ hoang tàn

 
Một nước Nga mới

Để hiểu một cách trọn vẹn về con người Putin và cách hành xử của ông, cần quay ngược trở lại vào những năm 90. Adi Ignatus, phóng viên tờ Time ở Nga kể: “Tôi vẫn còn nhớ những hình ảnh khó quên của thời bấy giờ. Hình ảnh thứ nhất: nhóm “tinh hoa” và những “chuyên gia” được đào tạo của các nước Phương Tây của điện Kremlin soạn những dự thảo, mà tất cả rốt cục đều vô nghĩa. Hình ảnh thứ hai: dòng người dài những phụ nữ nghèo trong cái lạnh của Moscow, cố bán cho được bất cứ cái gì để sống.
Vô hình trung, tất cả những tài sản đáng giá – dầu lửa, lãnh thổ, và truyền thông – đều rơi vào của những người thân tổng thống. Nạn tham nhũng và tội phạm hoành hành, tiền trợ cấp bị lờ đi. Nước Nga của năm 1998 chìm trong những nợ nước ngoài. Đồng Rúp và thị trường tài chính sụp đổ. GS Stephen Sestanovich, ĐH Columbia nhận định: “Putin đã bước vào ‘cuộc chơi’ trước sự bất bình của người Nga”.
Và thực tế, từ cuối năm 1999,  khi Putin kế nhiệm, không còn nơi nào ở Nga suy sụp nữa mà chỉ có phát triển.

Con đường tới quyền lực

Điều gì đã đưa Putin tới quyền lực? Con đường thăng tiến của Putin khiến các nhà quan sát vẫn phải ngạc nhiên. Ông sinh năm 1952, trong một gia đình bình thường ở  St. Petersburg. Bố ông tham gia Chiến tranh thế giới thứ 2, sau đó làm công nhân nhà máy đầu máy xe lửa. Mẹ ông, một người theo đạo Cơ đốc, cũng chỉ có học vấn trung bình và làm công việc chân tay. Cả gia đình sống trên tầng 5 tại một khu nghèo ở St. Petersburg. Người đáng chú ý duy nhất trong dòng họ của Putin là ông nội, người đã phục vụ bếp cho cả Lenin và Stalin. Nhưng không có gì chứng tỏ việc này có mối liên hệ tới sự nghiệp của Putin.
Thời trẻ, Putin hay bị bạn bè bắt nạt. Chính vì vậy ông học sambo -một môn võ pha trộn giữa judo và đấu vật – rồi sau đó là judo. Trong môn võ nào, ông đều tuân thủ hết mình tinh thần thượng võ.
Chính KGB đã khiến cho một đứa trẻ trở thành một người đàn ông thực thụ. Năm1975, trong học kì đầu tại Đại học Leningrad, một người lạ mặt đã nói với ông rằng:  “Tôi cần nói chuyện về sự nghiệp của cậu. Tôi không muốn nói chính xác điều đó là gì”.  Putin, người vẫn từng mơ về một ngày được trở thành một điệp viên, đã vô cùng thích thú. Trong vòng 1 tháng, ông đã được huấn luyện ở cục phản gián. Vào giữa những thập kỷ 80, ông được gửi đến Đông Đức. Nhưng khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm1989 thì sự nghiệp KGB của Putin cũng chấm dứt.
Bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Putin là được một người bạn giới thiệu với Anatoli Sobchak, thị trưởng  St. Petersburg. Nhưng sau đó, Sobchak, bị vướng vào một tin đồn về vụ tham nhũng và mất ghế.
Dù Putin luôn nói rằng ông không có bất cứ mối quan hệ nào khi ông tới thủ đô vào giữa năm 1996, thì ông vẫn có một vài các đồng minh có vị thế đã giúp ông làm việc tại Kremlin. Ông trở thành người đại diện tại trụ sở Bộ chỉ huy tại đại bản doanh của Yeltsin. Sau 2 năm, ông được mời vào vị trí lãnh đạo FSB, một tổ chức kế tục KGB. Putin kể trong cuốn tự truyện rằng ông nhận được cuộc gọi bất ngờ yêu cầu ông tới sân bay để gặp Thủ Tướng Nga Sergei Kirienko: “Sắc lệnh đã được kí duyệt. Ông được chỉ định trực tiếp vào FSB.” Sau đó, vào tháng 8 năm 1999, Putin được bổ nhiệm làm Thủ Tướng – một chức danh quan trọng nhưng luôn bị thay đổi: Putin là Thủ Tướng thứ năm của Yeltsin trong vòng 17 tháng. Nhưng khác với những người tiền nhiệm, sau bốn tháng làm Thủ tướng, một Yeltsin mệt mỏi đã yêu cầu Putin đảm nhận chức Tổng thống. Ban đầu ông từ chối, nhưng chính Yeltsin nhấn mạnh: “Đừng trả lời “Không”. Và vào ngày cuối cùng của năm 1999, Putin chính thức trở thành người đứng đầu nước Nga.
Khi được hỏi, trước đó có bao giờ nghĩ mình sẽ đảm nhiêm một vị trí lịch sử như vậy không, Putin nói: “Đó hoàn toàn là một bất ngờ”. Putin đã đạt được sự ủng hộ của Yeltsin bởi ông thực sự giỏi, và bởi ông không thuộc một phe cánh quyền lực nào.

Điều hành đất nước
Năm 1999, khi trở thành Tổng thống, dường như chẳng mấy ai biết rõ Putin. Với phương Tây, Putin cũng là một ẩn số: Phải chăng ông là một nhà cải cách theo phương Tây (vì từng làm việc cho Sobchak), hay là người có lập trường kiên định?(vì từng là nhân viên KGB). “Hình ảnh quốc tê” của ông bắt đầu với cuộc gặp gỡ các vị lãnh đạo các quốc gia APEC. Sestanovich, người đã theo cùng Tổng Thống Clinton, nhớ lại cuộc gặp mặt với Putin tại khách sạn nơi nghỉ của Tổng Thống Clinton: “Ông ấy là người mới ở đây, không thể đoán biết được chắc chắn điều gì về ông ấy. Nhưng Clinton lại có cảm tình với ông ấy. ‘Volodya’ –  Clinton gọi tên thân mật của Vladimir – ‘Tôi đề nghị chúng ta sẽ cùng ra ngoài’.  Cả hai ông cùng bước ra. Mọi người đã vỗ tay”.
Clinton không phải là người Mỹ duy nhất có cảm tình với Putin. 2 năm sau, Tổng thống Bush đã tuyên bố rằng ông đã nhìn thấy một tâm hồn bên trong của Putin. Đó là lần gặp gỡ đầu tiên của hai người trong buổi gặp mặt ở Slovenia. Bush nói, “Tôi đã nhìn vào đôi mắt ông ấy, tôi nhận thấy sự thẳng thắn và trung thực trong đó. Tôi có thể cảm nhận được tâm hồn ông ấy.”
Vụ khủng bố ngày 11/9 đã đem tới cho Putin hình ảnh mới trong mắt người Mỹ. Ông là một trong những vị nguyên thủ đầu tiên trên thế giới gửi lời chia buồn và mong muốn giúp đỡ tới tổng thống Bush. Nhưng những khởi đầu chia sẻ giữa Putin với Bush cũng dừng ở đó. Putin cực lực phản đối cuộc tấn công của nước Mỹ vào Iraq, yêu cầu các quyết định về Iraq cần được đưa ra bởi Liên hợp Quốc. Putin tuyên bố chính thức trước Liên hiệp quốc: Các quốc gia không nên can thiệp vào nội bộ các nước khác. Và dĩ nhiên, điều đó cũng có nghĩa là không một quốc gia nào có thể can thiệp vào nội bộ của Nga. Có một câu chuyện vui: Putin và Bush đang đi câu trên sông Volga. Sau nửa giờ, Bush phàn nàn: “Vladimir, tôi phát điên vì bọn muỗi, nhưng chẳng thấy con nào làm phiền ông”. Putin nói: “Bọn chúng biết rằng tốt hơn là nên như vậy”
Dưới thời Putin, cuộc sống ở Nga đã tốt hơn nhiều so với những năm trước. Các cửa hàng tích trữ nhiều hàng hóa. Đồng Rúp trở thành một đồng tiền có sức mạnh. Tội phạm vẫn còn, nhưng không còn các vụ lớn như trước.
Nhiệm vụ của Putin không phải là vượt qua các nước Phương Tây mà là khôi phục lại vị thế của một nước Nga hùng mạnh – vị thế đôi khi đã bị lãng quên. Điều đó không phải là một giấc mơ.

MINH HẰNG – theo TIME

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)