Quá trình xây dựng Đinh Tiên Hoàng trở thành một biểu tượng đa năng

Trong nhiều ghi chép lịch sử từ thời trung đại cho đến các nghiên cứu của giới học giả hiện đại, Đinh Bộ Lĩnh đã hiện lên như là một biểu tượng đa chiều kích với nhiều chức năng khác nhau. Bài này, sẽ đưa ra những góc nhìn mới về Đinh Tiên Hoàng từ góc độ của biểu tượng học lịch sử. Từ các sử liệu quan phương, biểu tượng lịch sử Đinh Tiên Hoàng hiện lên như là kết quả của quá trình kiến tạo lịch sử và sự truyền bá nội hàm biểu tượng (với các diễn ngôn chính trị) của các phe viết sử.

LTS: Những nhân vật lịch sử thường được sử gia các thời kỳ kiến tạo, “bồi đắp” hay có khi cố tình lờ đi một số thông tin, để nhằm tạo dựng nên những “tượng đài lịch sử” mang nhiều ý nghĩa khác nhau, phù hợp với tư tưởng của các thời đại khác nhau. Như vậy, rõ ràng là các thế hệ hậu sinh hầu như không có khả năng tiếp cận được với các nhân vật lịch sử – như là chính họ, tiếp cận với sự thật lịch sử, mà chỉ qua các lăng kính mang màu sắc chính trị. Nối tiếp những phân tích về quá trình xây dựng hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga vốn luôn bị cuốn theo và phụ họa cho tư tưởng nam quyền (trong số 17-05.9.2018 trên Tia Sáng), TS. Trần Trọng Dương tiếp tục lật lại những nhận định của các sử gia về Đinh Tiên Hoàng.

Kỳ 1: Dưới bàn tay bồi đắp của các sử gia phong kiến

Tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình. Nguồn: Zing

Từ các truyền thuyết dân gian, biểu tượng lịch sử này thể hiện các xu hướng tăng quyền của cả chính quyền lẫn nhân dân. Hai xu hướng này không chỉ diễn ra trong thời trung đại mà còn tiếp tục triển nở trong thời hiện đại dưới ngòi bút của các nhà nghiên cứu và các văn nghệ sĩ.

Trong con mắt của các sử gia, ông là một hoàng đế khai cơ cho nền chính trị Nho giáo ở Việt Nam, một hoàng đế có công thống nhất đất nước, hoàng đế dẹp loạn, một hoàng đế đại diện cho sức mạnh của nông dân/ nhân dân, một hoàng đế cờ lau khởi nghĩa, một hoàng đế của chính nghĩa…

Đinh Bộ Lĩnh là người nổi lên sớm nhất trong triều đại Hậu Ngô Vương. Từ năm 951 trở đi, ông tiếp tục xây dựng quân đội ở Hoa Lư, ngầm liên lạc với các lực lượng khác. Năm 954, khi Đinh Bộ Lĩnh 30 tuổi, Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập mất, Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn tiếp tục nắm quyền. Năm 965, Ngô Xương Văn chết trận tại hai thôn Đường – Nguyễn ở Thái Bình. Lợi dụng tình hình chính sự xáo trộn, Đinh Liễn trốn thoát về Hoa Lư với cha sau 15 năm làm con tin/tù binh ở kinh đô Cổ Loa (tr.208). Như vậy, Đinh Bộ Lĩnh đã là một lực lượng chính trị- quân sự chống đối triều nhà Ngô ít nhất là 15 năm (từ 951-965). Đến năm 965, Đinh Bộ Lĩnh 41 tuổi. Cái chết của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn đã tạo nên biến động quan trọng trên chính trường nhà Ngô. Đến lúc này, ít nhất có 3 – 4 lực lượng quân sự chống lại nhà Ngô đã ra mặt, trong đó có Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư. Đến năm 967, khi Đinh Bộ Lĩnh đánh thắng được Đỗ Cảnh Thạc cùng 500 con cháu họ Ngô, và tiêu diệt lực lượng Ngô Xử Bình ở Cổ Loa, thì nhóm Đinh Bộ Lĩnh (gồm cả Phạm Phòng Át- Trần Thăng- Ngô Phó sứ) đã trở thành lực lượng mạnh nhất. Kể từ đây, Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục đi đánh dẹp các Thứ sử/ Sứ quân khác. Các thế lực chính trị này, hoặc là đã chịu thất bại, hoặc là chịu đầu hàng. An Vương Ngô Nhật Khánh, trước tình thế đại bại của các lực lượng thứ sử, nên có lẽ sau đó buộc phải đầu hàng. Đinh Bộ Lĩnh xưng là Vạn Thắng Vương. An Nam chí lược ghi “Đinh Bộ Lĩnh cướp ngôi họ Ngô” (宋初丁部領簒呉)1, cũng không phải là không có lí do riêng.

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, đặt đô ở Hoa Lư, bề tôi dâng tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Để tiếp nối tính chính danh, ông sử dụng phương thức hôn nhân ràng buộc. Bộ Lĩnh lấy Dương hậu, lại đem con gái gả cho Ngô Nhật Khánh, và đem em gái Khánh gả cho Đinh Liễn.

Hoàng đế dẹp loạn

Bản đồ loạn 12 sứ quân. Nguồn: Nghiencuulichsu

Như trong bài viết “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Ngô Xử Bình” và “Có hay không loạn 12 sứ quân” đã chứng minh, các sử liệu “12 sứ quân tranh nhau làm loạn”, và “Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn” chỉ là cách “dựng hiện trường” của những dòng bút sử chiến thắng dành cho những kẻ đã chiến bại. Thực tế sử liệu cho thấy, Đinh Bộ Lĩnh “nổi lên/ loạn” sớm nhất ngay từ năm 951 đời nhà Ngô thời Nam Tấn Vương- Thiên Sách Vương. Ông “cát cứ” ở Hoa Lư trong vòng 15 năm cho đến khi Ngô Xương Văn chết trận. Ngô Xử Bình đà đao theo cái chết của Xương Văn, dẫn quân chính quy về đảo chính triều Ngô. Con cháu nhà Ngô thất thủ, chạy khỏi kinh đô Cổ Loa về với thuộc tướng Đỗ Cảnh Thạc. Đinh Bộ Lĩnh sau khi tiêu diệt 500 con cháu họ Ngô, lực lượng Đỗ Cảnh Thạc, tiếp tục đánh bại Ngô Xử Bình ở Cổ Loa, và nhiều Thứ sử khác. Sau khi chiến thắng và lên ngôi Hoàng đế, ông dĩ nhiên là người có đủ khả năng nhất để ra lệnh viết nên những dòng sử chiến loạn vào giai đoạn này. Tất cả những Thứ sử đã thua hiện lên như những kẻ làm loạn đất nước. Các sử quan thời Đinh hiện biết là Trịnh Tú và Vương Thiệu Tộ. Đây đều là hai nhân vật từng đi sứ nước Bắc và được nhà Tống cho làm Ngự sử Đại phu2.

Cách mô tả của Toàn thư cho thấy thủ pháp sắp đặt hiện trường của sử gia ăn lộc triều đình. Việc “loạn 12 sứ quân” được nhắc rất chi tiết trong hai vị trí ở Toàn thư. Một lần ở phần Ngô sứ quân. Một lần được chép trong Kỷ nhà Đinh thời Tiên Hoàng Đế. Câu mở đầu của cả hai đoạn đều là “các hùng trưởng tranh nhau nổi dậy chiếm cứ quận ấp” hay “bấy giờ 12 sứ quân đều tự xưng hùng trưởng, cát cứ đất đai”. Sức mạnh của hai đoạn sử liệu này là đã liệt kê chi tiết tên họ từng sứ quân, họ tự xưng ra sao (hàm ý tiếm xưng), cát cứ đất nào. Mặt khác hai đoạn sử liệu này cũng giấu nhẹm đi chức vụ Thứ sử của họ. Toàn thư ghi như sau: “1/ Ngô Xương Xí chiếm Binh Kiều; 2/ Kiểu Công Hãn (xưng là Kiểu Tam Chế) chiếm Phong Châu (nay là huyện Bạch Hạc); 3/ Nguyễn  Khoan (xưng là Nguyễn Thái Bình) chiếm Tam Đái; 4/ Ngô Nhật Khánh (xưng là Ngô Lãm Công) chiếm Đường Lâm (có sách chép là chiếm Giao Thủy) ; 5/ Đỗ Cảnh Thạc (xưng là Đỗ Cảnh Công) chiếm Đỗ Động Giang; 6/ Lý Khuê (xưng là Lý Lãng Công) chiếm Siêu Loại; 7/ Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm Tiên Du, 8/ Lữ Đường (xưng là Lữ Tá Công) chiếm Tế Giang; 9/ Nguyễn Siêu (xưng là Nguyễn Hữu Công) chiếm Tây Phù Liệt; 10/ Kiểu Thuận (xưng là Kiểu Lệnh Công) chiếm Hồi Hồ (nay ở xã Trần Xá huyện Hoa Khê vẫn còn nền thành cũ); 11/ Phạm Bạch Hổ (xưng là Phạm Phòng Át) chiếm Đằng Châu ; 12/Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu; gọi là 12 sứ quân.”3 Cách gọi “sứ quân” có lẽ đã được dùng thay cho các chức hiệu chính danh là “Thứ sử” hoặc các Thuộc tướng của nhà Ngô (đã được ban thực ấp). Các sử liệu Hán văn còn ghi cụ thể tên và chức một vài vị, như Phong châu Thứ sử Kiều Tri Hựu (tức Kiều Công Hãn, Kiều Tam Chế), Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy (xem sử liệu đã dẫn trong bài “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Ngô Xử Bình”. Các sử liệu nhà Tống còn ghi thêm chi tiết thú vị, Đinh Bộ Lĩnh khi dẹp loạn không phải ở Hoa Lư, mà với tư cách “Hoan châu Thứ sử”. Điều này là khác so với chính sử Việt Nam. Có lẽ, việc Đinh Bộ Lĩnh “dẹp loạn 12 sứ quân”4 với tư cách Thứ sử chỉ là thông qua lời tâu của sứ thần nhà Đinh trước nhà Tống. Ta biết, sứ giả không ai khác chính là Đinh Liễn. Nên, trong Tống sử, Đinh Liễn hiện lên còn rõ nét hơn cả Đinh Bộ Lĩnh. Việc Liễn “thêm nếm mắm muối” hay “cắt cúp các chi tiết” để củng cố tính chính thống cho triều đại mình là điều có thể hiểu được.

Trở lại với liệt kê trong Toàn thư về các sứ quân. Ta thấy, hầu như không có sứ quân nào tự xưng vương cả, mà phần lớn chỉ là xưng “công”. Nếu mà chỉ có xưng công thì chắc cũng chưa đủ chứng cớ để chứng minh tham vọng tranh đoạt của các vị này. Dẫu rằng, trong số đó hẳn cũng có người có lòng khác với nhà Ngô (như Trần Minh Công, Phạm Phòng Át, và cả Đinh Bộ Lĩnh nữa). Nhưng sử liệu cho thấy, chỉ có Phong châu Thứ sử Kiều Công Tiễn, và Vũ Ninh châu Dương Duy là cất quân đánh Ngô Xử Bình- người đã đánh phá kinh đô Cổ Loa. Trong nhóm ấy có hai người không thấy đoạn sử liệu trên chép xưng công đó là Ngô Xương Xí và Ngô Nhật Khánh. Nhưng ở đoạn sau trong Toàn thư có ghi rõ, Ngô Nhật Khánh xưng An Vương. Ông này xưng vương hẳn có lý do (mà theo ông là chính đáng). Bởi Ngô Nhật Khánh là con trai của Dương hậu (với Ngô Xương Văn). Còn Ngô Xương Xí là con trai thứ hai của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, em trai của Ngô Chân Lưu (Khuông Việt đại sư), được sinh ra ở Nam Sách khi Xương Ngập bị Tam Kha truy sát. Năm 965, khi Nam Tấn Vương chết, Ngô Xương Xí được ghi là “chiếm Bình Kiều” nay là Bình Kiều, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; còn Ngô Nhật Khánh chiếm Đường Lâm (Nghệ An nay). Nghe tin chú mất, Cổ Loa thất thủ, Ngô Xương Xí vẫn tiếp tục giữ đất Bình Kiều (có thể khi đó ông là Hoan châu Thứ sử). Còn Ngô Nhật Khánh, khi nghe tin bố mất, đã xưng An Vương và tiếp tục quản lý châu Đường Lâm- đất mồ mả tổ tông.

Ngô Thì Sĩ cũng như nhiều sử gia khác trước ông, đều chỉ tập trung tô đắp hình tượng mà mình muốn có. Việc dựng nên sự nổi loạn của 12 sứ quân là một thao tác chính trị của sử thần Nho giáo. Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp loạn 12 sứ quân kia thì đó là một công lao đáng để ca ngợi. Ngô Sĩ Liên bàn rằng: “vận hội của trời đất có lúc bĩ rồi lại thái, bắc nam cũng cùng một lẽ ấy. Thời Ngũ đại ở Bắc triều rối loạn thì Tống Thái Tổ nổi lên, 12 sứ quân ở Nam triều giành nhau thì Đinh Tiên Hoàng trổi dậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà do trời đấy”5. Sử thần Lê Văn Hưu bình rằng: “Đinh Tiên Hoàng nhờ tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược hơn đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, lũ hùng trưởng cát cứ, một lần nổi lên mà 12 sứ quân phải hàng phục”6.

Ở đây cần có đôi dòng phân tích về lối bình sử của các sử gia. Cả Ngô Sĩ Liên lẫn Lê Văn Hưu và Ngô Thì Sĩ đều góp tay chép soạn các bộ sử. Nhưng cả ba ông đều không để ý đến sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đã nổi lên từ năm 951, trước cái gọi là “loạn 12 sứ quân” 15 năm. Các ông chỉ nhớ đến việc Đinh Bộ Lĩnh đã đánh bại 12 sứ quân đó, mà không để ý đến tuyến tính chi tiết của các lực lượng chính trị. Ngô Thì Sĩ thông luận rằng Ngô Xương Xí “đã lấy chút đèn tàn ở xứ Bình Kiều mà dự vào hàng ngũ sứ quân”7, hàm ý rằng ông này cũng nổi loạn như đám sứ quân nổi loạn, tức là tự chống lại chính triều đại Ngô nhà mình, tức là đứng về phe phi nghĩa. Chi tiết Ngô Nhật Khánh xưng An Vương nối chức cha, cũng đã bị bỏ qua, không bình luận đến8. Ít nhất ở đây, các sử gia đã bình luận trên những sử kiện đã được “tái cấu trúc” từ con mắt của người chiến thắng về những kẻ chiến bại. Những kẻ bại trận đã bị mô tả như là những lực lượng làm loạn; còn Đinh Bộ Lĩnh – người chiến thắng mới là người ở phe chính nghĩa, là người có công lập lại trị an.

Đại Thắng Minh Hoàng đế – biểu tượng nối lại quốc thống

Việc lên ngôi hoàng đế là một trong những lý do khiến các sử quan Nho giáo đời sau xưng tụng Đinh Bộ Lĩnh như là một biểu tượng quan trọng của mẫu hình nhà nho Đế vương ở Đại Việt. Họ Khúc ba đời nhưng mới chỉ là tự quản / tự trị với danh nghĩa Tiết độ sứ theo mô hình quan chế nhà Đường. Dương Đình Nghệ dù có chiến thắng nhưng ngay sau đó đã bị ám sát. Ngô Quyền đã xưng vương, nhưng ngoài chiến thắng Bạch Đằng, ông không để lại nhiều dấu vết có lợi mà thể chế nho giáo đời sau cần có để chứng minh cho tính chính thống của triều đại mình. Bình Vương Dương Tam Kha dù xưng vương như là một sự tiếp nối quyền lực của bố đẻ Dương Đình Nghệ và của ông anh rể Ngô Quyền; nhưng cũng chỉ được coi là kẻ tiếm đoạt triều đại, và phá hoại Ngô triều.

Phải đến Đại Thắng Minh Hoàng Đế, mọi yếu tố đã hội tụ đầy đủ, với các cứ liệu rõ rệt và có hệ thống. Vị Hoàng đế mới của một kỷ nguyên mới, đã tiến hành hàng loạt cải cách chính trị. Ông đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đặt đô ở Hoa Lư, cho xây dựng kinh đô mới, đắp thành trì, đào hào, xếp đặt triều nghi phẩm phục, lập Hoàng hậu, phong vương cho các con, đặt niên hiệu Thái Bình, đúc tiền lưu thông buôn bán. Về việc sắp đặt triều đình, ông quy định các cấp bậc văn võ cũng như tăng đạo. Dùng Nguyễn Bặc làm Định quốc công, dùng Lưu Cơ làm Đô hộ phủ Sĩ sư, Đinh Điền làm Ngoại giáp, cho Lê Hoàn làm Thập đạo Tướng quân, Ngô Chân Lưu (cháu đích tôn của Ngô Quyền, con trai cả của Thiên Sách Vương) làm Tăng thống ban hiệu là Khuông Việt đại sư, Ngô Nhật Khánh (con trai của Ngô Xương Văn) làm Phò mã, kiêm Hoan châu Thứ sử (như cũ). Phong Trương Ma Ni làm Tăng lục, và đạo sĩ Huyền Quang làm Sùng Chân Uy Nghi, Trần Thăng làm Phò mã Đô úy, phong Hạng Lang làm Hoàng Thái tử.

Chính vì có những hoạt động kiến thiết một mô hình nhà nước theo mẫu hình Nho giáo như thế, ông mới trở thành biểu tượng của các triều đại sau này. Đại Việt sử ký toàn thư ca ngợi: “vua tài năng sáng suốt hơn người” là dựa vào chữ “minh” trong đế hiệu, lại khen “dũng cảm mưu lược nhất đời” là dựa vào công tích “đánh dẹp hùng trưởng các phương”. Rất có khả năng đây là những lời ngợi ca của chính những sử quan đương thời. Từ vị trí của một người chống đối bên rìa nhà Ngô trong 15 năm, Đinh Bộ Lĩnh trở thành người làm nên lịch sử sau khi làm nên “muôn chiến thắng”. Những kẻ chiến bại dưới tay ông đều được xây dựng như những kẻ làm loạn. Cái thuật ngữ “loạn 12 sứ quân” và công nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân ấy không biết đích xác được định danh từ khi nào. Nhưng sớm nhất nó có thể đã xuất hiện trong các bộ sử của thời Lý thời Trần (ví dụ như của Lê Văn Hưu), mà trên đó Ngô Sĩ Liên đã tái dụng. Hoặc giả, nó đã được viết ngay dưới bàn tay của các các Ngự sử Đại phu nhà Ngô như Triệu Tú, Vương Thiệu.

Việc lên ngôi Hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh được đánh giá là “nối lại quốc thống của Triệu Vũ Đế” (như lời trong Toàn thư). Chữ “quốc thống”(國統) là một khái niệm Nho giáo hay sử dụng, hoặc dùng để chỉ thể chế chính trị quốc gia, hoặc dùng để chỉ “tính chính thống” của thế lực cầm quyền vốn là một sự kế thừa tiếp nối từ triều đại trước đó trong lịch sử9. Ở đây, Triệu Vũ Đế đã được coi làm biểu tượng tiền lệ cho sự xưng đế của Đinh Bộ Lĩnh. Và đến lượt ông, Đinh Bộ Lĩnh được coi là vị hoàng đế chính thống đầu tiên của đất Việt sau nghìn năm bắc thuộc. Lý Nam Đế đã không được nhắc đến chắc chắn vì sự thất bại về quân sự của mình. Sự xưng đế mà thất bại dĩ nhiên không phải là một tiền lệ đẹp, nó vừa xui xẻo lại vừa dễ gây nguy hiểm cho những sử thần ngợi ca! Còn đối với Triệu Vũ Đế, các nhà Nho đã vượt qua khoảng cách ngàn năm lịch sử, và hàng trăm cây số về mặt không gian, cũng như các vấn đề về nguồn gốc dân tộc, để duy danh theo một phiên âm “Việt” (một thứ khác Hán) ở phương Nam, từ đó xây dựng nên cặp đôi biểu tượng đầu tiên cho nền hành chính Nho giáo tại Đại Việt.

Đến thế kỷ 17, khi lịch sử đã tiến rất xa, các triều đại Đinh- Lê- Lý- Trần- Lê đã thay nhau trị nước bảy tám trăm năm thì Triệu Vũ Đế lúc ấy không còn giá trị như một biểu tượng tiền lệ của mô hình Đế vương phương nam nữa, nên Đinh Tiên Hoàng mới được sử quan Lê – Trịnh ca ngợi là vị vua chính thống đầu tiên của nước Việt (chính thống chi quân tự thử 正統之君自此)10. Chúa Trịnh đã cho xây dựng Đền Vua Đinh và Đền Vua Lê để đưa biểu tượng lịch sử vào trong điển chế tế tự cấp quốc gia của triều đình. Sau khi xây đền, liền sai quan làm bia công đức với dụng ý nổi ở đầu ngọn bút: “có công với dân thì thờ, bậc đế vương của các triều đại trước khoanh tay rủ áo ở trong triều để mà trị nước, nêu rõ pháp độ điển chương, làm ra phép tắc lễ nhạc, ân đức ấy thấm đến dân này từ lâu. Vì đã có công lao to lớn với nước với dân muôn ngàn năm nay rồi, nên không thể quên được. Bởi thế người đời sau mới truy ơn công đức của họ, dựng đình xây miếu để bốn mùa xuân thu phụng thờ báo đáp”11. Tâm linh hóa lịch sử và thần hóa các vị đế vương là một thủ pháp chính trị để tăng tính chính thống cho các triều đại. Đây là một hành vi thực hành tín ngưỡng mà mọi thể chế chính trị đều sử dụng, kể cả ở thời điểm hiện tại. 

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử đầu tiên ghi chép huyền thoại dân gian về hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh như là một đứa trẻ mồ côi cha, cùng tập trận với đám trẻ chăn trâu. Câu chuyện này được sáng tác về sau (ít nhất là trước Lê Văn Hưu 1272, Phan Phu Tiên 1455, Ngô Sĩ Liên 1479). Và với tinh thần văn – sử – triết bất phân, các sử gia đã chép lại huyền thoại này vào bộ sử chính thống của quốc gia nhằm chứng minh cho lý thuyết “thiên mệnh” của Nho giáo. “Thiên mệnh” đã được thể hiện thông qua việc xây dựng hình xây dựng hình tượng một cậu bé thông minh tính trời, có khả năng lãnh đạo đám đông, làm “điềm báo tương lai” cho sự lên ngôi tất yếu (đã biết) sau này. Nào là “bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng” nên “suy tôn làm trưởng”, “bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử”, những mô tả này hô ứng với các đoạn viết của sử quan: “tài năng sáng suốt hơn người”, “bề tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế”. Đến khi có mâu thuẫn và thất thế trước Đinh Dự, thì Đinh Bộ Lĩnh lại được hai con rồng vàng hộ vệ để đánh bại ông chú ruột. Rồng hộ mạng, như quan niệm của dòng sử bút Nho gia, là biểu tượng cho quyền lực đế vương. Như vậy, một tác phẩm văn học dân gian đã được đưa vào chính sử để bù lấp khoảng trống sử liệu về Đinh Bộ Lĩnh trong vòng 35 năm từ lúc cha mất (tuổi nhi đồng, trên dưới 7 tuổi, tức khoảng trước sau mốc năm 930) cho đến năm 965. Các tình tiết và motif của câu chuyện đã được điều hướng đến mục đích duy nhất: xây dựng hình ảnh một vị hoàng đế thiên định được sự ủng hộ của cộng đồng nhân dân (đám trẻ mục đồng, bà mẹ thân sinh, và các phụ lão).

(Đón đọc kỳ 2: Đinh Tiên Hoàng dưới con mắt các sử gia hiện đại)

 

——–

1 Lê Trắc, 1335,  An Nam chí lược, Sđd., 2002, tr.224.
2 Tống sử, Q.488. trong “An Nam truyện: ghi chép về Việt Nam trong chính sử Trung Quốc xưa”, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb. Hội Nhà Văn. Hà Nội, 2018, tr.22.
3 [Ngô Sĩ Liên, 1479, Toàn thư, 1998,  tr.208-209, 211.]
4 Các sử gia đời sau dựa trên hiện trường này để bình luận theo những chiều hướng khác nhau: “Lúc ấy hai vua Ngô Tuy mất. Xương Xí là dòng dõi Thiên hoàng, cũng như Đông Chu Quân nhà Chu, Hoài Dương Vương nhà Hán, nếu các thổ hào cùng nhau phục tòng, hợp hơn mười bọn nhỏ, làm một nước lớn, tôn Ngô Xương Xí lên làm thiên hạ cộng chủ, để nối dòng họ Ngô, mà các bộ sứ quân thời tự trị lấy trong bộ mình,… Về sau, Đinh Tiên hoàng vốn xưng Vạn Thắng, thì thế lực không thể chống nổi, nhưng vẫn là người Nam làm vua nước Nam, tưởng 12  sứ quân có linh thiêng, cũng nên ngậm cười dưới suối.” [Nguyễn Đình Tuân  soạn, Đại Việt quốc sử ký cải lương <大 越 國 史 改 良>, 1 bản viết, 774 tr, 30 x 21, 1 tựa. A.1146/1-2, Q1. T.65a-66b; Ngô Giáp Dậu 吳 甲 酉 soạn, Trung học Việt sử toát yếu中學越史撮要, Phạm Văn Thụ 范 文 樹 duyệt, Đoàn Triển 段 展 , Phạm Văn Thụ 范 文 樹, Cao Xuân Dục 高 春 育 đề tựa. Q.3. In tại số nhà 22 phố Hàng Bè, Hà Nội, 1911. tr.5b. Kí hiệu: VHv.987/1 – 4. VNCHN.
5 Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb KHXH. H. 1997, tr. 148.
6 Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb KHXH. H. 1997, tr. 153.
7 Đại Việt sử ký tiền biên, Nxb KHXH. H. 1997, tr. 149.
8 Toàn thư chỉ chép Phò mã Ngô Nhật Khánh rạch má vợ, bỏ trốn vào Chiêm Thành và chết cùng đám viện binh ở cửa Đại Ác – Tiểu Khang. Xem thêm [Đặng Xuân Bảng, 1905, Việt sử cương mục tiết yếu, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. KHXH. H. 2000, tr. 62].
9 La Trúc Phong, 1992, Hán ngữ đại từ điển, T3. Tr. 642.
10 Văn bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức bi ký tịnh minh 前朝丁先皇帝功德碑記並銘 khắc năm Hoằng Định 9 (1608), Đền vua Đinh (Ninh Bình), thác bản Viện NC Hán Nôm, ký hiệu 29483-29484. Bia này do Nguyên soái Quốc chính phụ Bình An Vương Trịnh Tùng cho khắc.
11 Tiền triều Đinh Tiên Hoàng Đế miếu công đức bi ký 前朝丁先皇帝廟功德碑記, Đền Vua Đinh (Ninh Bình), thác bản Viện NC Hán Nôm, ký hiệu 15853-15854. [bản dịch của Mai Hồng, chuyển dẫn Nguyễn Danh Phiệt, 1990, sđd. Tr.170-178.]

Tác giả

(Visited 103 times, 1 visits today)