Quan hệ cộng sinh giữa Đức và Trung Quốc trên chiến trường kinh tế – công nghệ

Nước Đức chủ yếu phải cám ơn Trung Quốc cho xu thế tăng trưởng kinh tế lạc quan hiện nay, đặc biệt là với nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị máy móc nhập khẩu từ Đức và những mặt hàng tương tự. Nhưng nhiều nhà công nghiệp Đức đang tự hỏi mối quan hệ cộng sinh này sẽ kéo dài trong bao lâu, khi mà Bắc Kinh cũng nuôi khát vọng trở thành một nền kinh tế công nghệ cao. Bài viết do nhóm tác giả của Spiegel thực hiện.

Phụ thuộc lẫn nhau 

Kinh tế nước Đức ngày nay phụ thuộc vào phục hồi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ quốc gia công nghiệp phương Tây nào khác. Quan hệ thương mại với Bắc Kinh là động lực lớn nhất đằng sau đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Đức. Đây cũng là lý do khiến các nhà kinh tế dự đoán một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế của Đức trong khoảng thời gian trung hạn trước mắt.

Nền công nghiệp Đức đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ mà quốc gia Đông Á đang đòi hỏi, từ xe hơi sang trọng tới các trang thiết bị máy móc, những tuốc bin cho các nhà máy sản xuất năng lượng. Nhưng trạng thái hân hoan tại những tập đoàn công nghiệp lớn của Đức như Siemens hay BASF gần đây đang chuyển sang âm u vì những câu hỏi lo lắng. Điều gì sẽ xảy ra khi Trung Quốc bắt đầu cạnh tranh trên những thị trường công nghệ cao? Đâu sẽ là hậu quả khi mà nhiều ngành công nghiệp sẽ bị chi phối bởi bàn tay chính trị của Bắc Kinh trong tương lai?

Và tương lai nào sẽ đến nếu bức tranh tăng trưởng của Trung Quốc hiện nay chỉ là bong bóng? Thực tế thì Chính phủ Trung Quốc hiện nay đang phải tìm cách ngăn chặn xảy ra vỡ bong bóng trên thị trường bất động sản.

“Tôi nhận thức rằng sự lệ thuộc của công ty vào quốc gia này (Trung Quốc) đang gia tăng”, nhận định từ Dieter Zetsche, CEO của hãng sản xuất ô tô Daimler. Và quan hệ phụ thuộc này sẽ kéo dài cả khi tốt lẫn khi xấu. 

Tự xác lập luật chơi riêng 

Trung Quốc tìm cách bắt tay với phương Tây, nhưng theo luật chơi riêng của mình. Các công ty Đức nay đã bắt đầu cảm thấy được hậu quả từ những luật chơi này. Ví dụ như, họ lưu ý một cách lo ngại rằng người Trung Quốc ngày càng có những đòi hỏi rõ ràng về việc cung cấp bí quyết công nghệ để đánh đổi lấy quyền làm ăn ở Trung Quốc. Họ cũng lo ngại vì người Trung Quốc kiểm soát rất chặt các nguồn nguyên liệu thô trên lãnh thổ của mình, trong khi tìm cách giành quyền kiểm soát những mỏ dự trữ năng lượng quan trọng ở cả châu Á và châu Phi. Và người Đức cũng phát bực vì Trung Quốc ngày nay đang coi những thị trường công nghiệp truyền thống của Đức là sân chơi chiến lược của mình. 

Việc làm ăn với Trung Quốc cũng đem đến thay đổi sâu sắc trong cơ cấu các doanh nghiệp Đức. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức – nổi tiếng được biết đến như các Mittelstand – ngày nay có tới hơn một nửa thị phần là ở Đông Á, và số lượng các công ty liên doanh giữa Đức và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục gia tăng. Các giám đốc người Trung Quốc ngày nay đã len vào hàng nhân sự cao cấp trong một số công ty Đức. Hiếm có công ty blue-chip nào trên sàn chứng khoán DAX của Đức mà không bị thẩm thấu một phần bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Sự mâu thuẫn len cả vào các bài phát biểu của doanh nghiệp tập đoàn. Khi các lãnh đạo cao cấp của Đức có mặt ở Bắc Kinh hay Thượng Hải, họ không có gì để nói hơn là ca tụng đất nước này. Nhưng ngay khi trở về Munich hay Düsseldorf, họ than phiền về vấn nạn gián điệp công nghệ, và chỉ đạo các bộ phận nhân sự phải bằng mọi giá tránh tuyển các nhân viên tập sự người Trung Quốc.

Trong bối cảnh khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn đang đau ốm, và Châu Âu phải thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng khắc khổ, các công ty từ cấp độ đa quốc gia tới các doanh nghiệp nhỏ đang phải đối diện với lựa chọn lạnh lùng: Trung Quốc hay là chết.

‘Trung Quốc là cứu cánh của chúng tôi’ 

Đây là câu nói của Martin Herrenknecht, chủ sở hữu của công ty cùng tên có chức năng sản xuất những cỗ máy đào hầm. “Nếu không có Trung Quốc, chúng tôi đã không thể sống khỏe qua cơn khủng hoảng như đã làm được”.

Các số liệu của công ty này cho thấy tổng sản lượng của nó chỉ giảm 6% trong năm 2009, năm tồi tệ nhất của cuộc suy thoái toàn cầu. Không có nhân viên nào bị sa thải ở Herrenknecht, và công ty cũng không cần đến chương trình “hỗ trợ nhân công ngắn hạn” của Chính phủ Đức vốn đã giúp khá nhiều công ty Đức tránh phải sa thải người làm. Doanh thu của công ty trong năm 2009 là 866 triệu Euro (khoảng $1,1 tỷ USD), với 25% doanh thu là từ châu Á. “Trung Quốc, Trung Quốc, Trung Quốc”, lời nói thốt lên từ vị doanh nhân tóc bạc. “Quốc gia này năng động không thể tin được”.

“Tốc độ ánh sáng” 

Nguyên nhân chính khiến Herrenknecht thấy rằng Trung Quốc năng động là vì đất nước này liên lục đào hầm – hầm to, hầm bé, hầm dài, hầm ngắn. Herrenknecht nhận được tới 19 đơn đặt hàng đào hầm tàu điện ngầm và 7 đơn đặt hàng đào hầm tàu điện cao tốc riêng trong năm ngoái.

Vào lúc này ông ta đang chuẩn bị hoàn tất đàm phán cho một hợp đồng mới nhất. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, ông sẽ bay đi Bắc Kinh trong vài ngày tới. Ông tới Bắc Kinh cứ 2 tháng một lần. Công ty có 9 cơ sở tại Trung Quốc, với tổng số 500 nhân viên. Herrenknecht vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị điện và thủy lực tại nhà máy chính ở Schwanau, Đức, nhưng doanh thu từ thị trường nội địa Đức không đủ để bộ máy vận hành hết công suất trong những năm gần đây. “Nếu bạn muốn hoàn thiện một dự án xây dựng ở Đức thì sẽ mất rất nhiều thời gian,” doanh nhân này cho biết, “nhưng ở Trung Quốc thì khác, khó mà có thể theo kịp với tốc độ phát triển xây dựng cho hệ thống tàu điện ngầm ở đây

Nhiều doanh nghiệp Đức có trải nghiệm tương tự như Herrenknecht. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc dường như đang lên cơn khát không thể nguôi được đối với các sản phẩm từ Đức. Tuy các quốc gia trong Liên minh Châu Âu khác vẫn chiếm tới 2/3 trong số 800 tỷ Euro tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Đức, nhưng không có thị trường nào tăng trưởng nhanh chóng như thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 60% trong năm nay.  

Trung Quốc là điểm đến hàng đầu của hàng hóa xuất khẩu từ Đức

Các công ty và người tiêu dùng từ Trung Quốc đang giúp nền kinh tế Đức tăng trưởng với tốc độ gần như theo kịp các nước Đông Á. Trong Quý 2 năm nay, tổng sản lượng kinh tế của Đức tăng ở mức độ tương đương với 4%/năm, gần bằng một nửa của Trung Quốc. Nhưng nguyên nhân không chỉ là người Đức được hưởng lợi từ đồng Euro yếu. Họ giỏi hơn các nước châu Âu khác trong việc tự điều chỉnh theo hoàn cảnh thị trường toàn cầu. Những giám đốc điều hành của các công ty ở những thành phố như Düsseldorf, Frankfurt hay Stuttgart đã điều chỉnh cơ cấu tổ chức để trở nên linh hoạt hơn, và thường xuyên tạo ra những sản phẩm mới, trong khi công đoàn cũng hợp tác với việc đồng ý không đòi tăng lương quá nhiều.

Điều này dẫn tới giảm được chi phí lao động, một chỉ tiêu quan trọng phản ánh tính cạnh tranh của một nền kinh tế. Các sản phẩm của Đức vẫn giữ được chất lượng cao mà giá cả không đắt đỏ. Điều này chỉ có lợi cho các thương hiệu của họ trên thị trường toàn cầu.

Đáp ứng mọi nhu cầu của một nền kinh tế đang phất lên

Nền kinh tế Đức cũng đáp ứng được nhu cầu cho nhiều chủng loại mặt hàng. Các công ty Đức có thể cung cấp mọi nhu cầu mà một nền kinh tế đang nổi lên cần đền, từ thiết bị máy móc tới các sản phẩm hóa chất, hay các dây chuyền luyện kim.

Các công ty Đức cũng được hưởng lợi từ chương trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng có giá trị 400 tỷ Euro do Chính phủ của Thủ tướng Ôn Gia Bảo thông qua nhằm kích cầu nền kinh tế. Không giống như các quốc gia phương Tây khác, ví dụ như Anh, Đức chưa bao giờ cho phép nền tảng sản xuất công nghiệp của mình suy thoái – một chiến thuật mà ngày nay đem lại thành quả xứng đáng.

Một lợi thế khác cho các công ty Đức là họ hòa nhập vào xu thế toàn cầu hóa từ rất sớm. Đa số các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tìm cách đầu tư ra nước ngoài từ 1 hoặc 2 thập kỷ trước nhằm bán sản phẩm ra quốc tế hoặc sản xuất linh kiện ở nước ngoài để nhập trở về trong nước. “Với những ai đã từng hoạt động tích cực ở Trung và Đông Âu từ 20 năm qua, việc bước chân sang Trung Quốc không có gì là khó”, nhận định từ Ãel Nitschke, trưởng phòng kinh doanh quốc tế thuộc Viện Công nghiệp và Thương mại Đức (gọi tắt là DIHK)

Người Trung Quốc ngày càng chuộng hàng Đức

Ngày nay, Đức không chỉ cung cấp các thiết bị phục vụ phát triển công nghiệp Trung Quốc. Khi ngày càng nhiều người Trung Quốc gia nhập tầng lớp thượng lưu, nhu cầu cho sản phẩm tiêu dùng, bao gồm xe hơi loại sang sản xuất bởi Mercedes, BMW hay Audi, hoặc đồ làm bếp thượng hạng hay giày cao cấp. Thậm chí thú nhồi bông của Đức cũng tìm đường sang viễn Đông. Trung Quốc, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất trên Thế giới, ngày nay lại chuộng gấu bông và thỏ bông sản xuất bởi Steiff, thương hiệu sản xuất đồ chơi lừng danh của Đức. Trong khi đó, điều thú vị là nhằm đảm bảo duy trì chất lượng cao, Steiff bắt đầu chuyển một số cấu phần công nghiệp của mình từ Trung Quốc về lại châu Âu.

Nếu mọi chuyện giống như cách người Đức mong muốn, mối quan hệ cộng sinh này có thể kéo dài mãi mãi. Một đằng là Trung Quốc xuất khẩu áo thun, giày thể thao, màn hình phẳng TV, đầu đọc CD sang Đức. Ở chiều ngược lại, Đức xuất khẩu hàng công nghệ cao (xe hơi, máy bay, đường tàu điện, và máy móc…) sang Trung Quốc.

Và vì quốc gia này quá lớn và phần lớn vẫn chưa phát triển, đặc biệt là ở các tỉnh và vùng nông thôn phía Tây, mối quan hệ phân công lao động giữa hai quốc gia như hiện nay có thể kéo dài trong nhiều năm, tạo ra tăng trưởng kinh tế cho cả hai nước.

Điều này nghe có vẻ dễ chịu, tuy nhiên thực tế sẽ không đơn giản như vậy. Trung Quốc đã tăng trưởng quá nhanh trong 3 thập kỷ, thường xuyên tăng trưởng ở mức 2 chữ số. Nhưng thời gian tăng trưởng càng dài thì khả năng suy thoái lại càng cao. 

Những dấu hiệu suy giảm phía trước 

Trung Quốc đang mất dần lợi thế nhân công rẻ

Tuy nền kinh tế Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng ở mức 10% trong năm nay, ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng đang suy yếu.

Ngân hàng Nhà nước Trung Quốc cắt giảm mạnh tay tín dụng cho vay từ nhiều tháng nay. Trong nhiều nhà máy, công nhân được chấp nhận cho tăng lương đáng kể sau nhiều cuộc đình công và phản đối trong các tháng vừa qua. Các chuyên gia cũng lưu ý rằng thị trường bất động sản đang nóng một cách nguy hiểm. Những năm gần đây, giá bất động sản ở các thành phố lớn tăng nhanh hơn đáng kể so với mức tăng thu nhập.

Ít tuần trước, nhà kinh tế người Mỹ  Kenneth Rogoff cảnh báo sự bắt đầu “đổ vỡ của bất động sản”, có thể dẫn tới vỡ nợ ở các ngân hàng, sụt giảm tín dụng, và giảm mạnh tăng trưởng kinh tế. Điều này sẽ tác động nghiêm trọng sang nền kinh tế Đức. 

Ví dụ như Volkswagen, hiện nay bán được ¼ số xe hơi trên toàn cầu của mình ở Trung Quốc. Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm mạnh, nhà sản xuất có trụ sở tại Wolfsburg này sẽ chịu lỗ trên toàn cầu.

(Xem tiếp kỳ sau: thế đối đầu khốc liệt đang thành hình)

Nhóm tác giả: Frank Dohmen, Katrin Elger, Dietmar Hawranek, Ralf Neukirch, Rene Pfishter, Christian Reier Mann, Michael Sauga, Wieland Wagner .
(Spiegel Online International)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)