Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ điều chỉnh phân bổ tài trợ
Dự kiến, một số chính sách mới của Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) sẽ hướng tới cải thiện sự mất cân đối phân bổ tài trợ theo vùng địa lý.
Điều chỉnh này bắt nguồn từ việc hiện nay phần lớn kinh phí của NSF phân bổ hướng tới các trường đại học nghiên cứu hàng đầu tập trung ở một số tiểu bang lớn, trong khi các cơ sở nghiên cứu ở các liên bang còn lại ở một nửa đất nước thường chỉ nhận những khoản tài trợ ít ỏi hoặc không nhận được.
Nguồn tài trợ của NSF đã nghiêng về một số tiểu bang kể từ khi NSF bắt đầu được thành lập và đi vào hoạt động từ những năm 1950. Đại diện của một số tiểu bang từ lâu đã phàn nàn về việc cơ quan tài trợ khoa học quốc gia này đã phớt lờ các bang của họ, và vào năm 1979 NSF đã xây dựng chương trình EPSCoR để giải quyết vấn đề này.
Một số bang trong tổng số 25 tiểu bang ít nhận được tài trợ, như cũng như Puerto Rico, Guam và Quần đảo Virgin đang nhận được tài trợ từ EPSCoR. Nguồn ngân sách này được sử dụng để gieo mầm các nghiên cứu học thuật cũng như để giúp các trường cao đẳng và đại học ở các bang đó xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu cần thiết.
Ngân sách của EPSCoR, đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, hiện ở mức khoảng 215 triệu USD. Nhưng tổng thể cả chương trình tài trợ của NSF thì vẫn mất cân đối. Vào năm 2020, chỉ năm bang – California, Massachusetts, New York, Texas và Maryland — đã nhận được gần 40% chi ngân sách nghiên cứu của NSF, trong khi năm tiểu bang kém nhất — Vermont, West Virginia, North Dakota, South Dakota và Wyoming — cùng nhận được ít hơn hơn 1%. Danh sách phân bổ này thay đổi rất ít trong những năm qua.
Và giờ đây Thượng viện muốn thúc đẩy phân bổ ngân sách đa dạng theo vùng địa lý bằng cách bơm tiền vào EPSCoR. Ví dụ: nếu ủy thác 20% được đưa ra ngay bây giờ, ngân sách của EPSCoR sẽ tăng lên khoảng 1,75 tỷ USD.
Những ý kiến ủng hộ kế hoạch của Thượng viện, mà hầu hết là đại diện cho các bang nhận EPSCoR, nói rằng nếu làm được như vậy sẽ dẫn đến việc cân đối và sử dụng ngân sách NSF tốt hơn.
Trong đó, vào cuối năm 2021, 33 thành viên tại Thượng viện và 26 thành viên Hạ viện, tất cả đều đến từ các bang của EPSCoR, ký một lá thư, lập luận về việc “đảm bảo rằng các tổ chức và nhà nghiên cứu trên toàn quốc nhận được một phần tài trợ R&D của liên bang”.
Nhưng kế hoạch phân bổ lại của Thượng viện không dễ gì được chấp thuận.
Thượng viện muốn NSF thay đổi tình trạng mất cân bằng trong cơ cấu tài trợ theo phân vùng địa lý nhiều thập niên này. Nhưng giải pháp của Thượng viện – phân bổ ngay 20% ngân sách của NSF cho chương trình EPSCoR hiện mới chỉ là một chương trình nhỏ phục vụ những tiểu bang ít nhận quỹ – đang vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều trường đại học.
“Tùy tiện cắt một tỷ lệ khá lớn ngân sách của cơ quan khoa học khỏi phần lớn các cơ quan nghiên cứu của đất nước về cơ bản sẽ làm giảm năng lực khoa học của quốc gia”, 18 thượng nghị sĩ và 78 thành viên Hạ viện viết thư cảnh báo phản đối kế hoạch của Thượng viện ngay khi biết rằng bản kế hoạch này được công bố. Vì theo họ, nếu làm như vậy thì NSF sẽ buộc phải thu hẹp các chương trình hiện có. Mà đây chính là một động thái có thể gây tổn hại cho nhiều cơ sở nghiên cứu, vốn nằm bên ngoài các bang không nhận được tài trợ. Lá thư cũng nêu rõ là có nhiều cách tốt hơn để giải quyết tình trạng mất cân bằng địa lý hiện tại.
Trong một lá thư vào ngày 2/4, hơn 200 trường đại học ở các bang không ở trong chương trình EPSCoR đã thúc giục bỏ đề xuất cắt ngân sách tài trợ từ các các bang “mạnh” sang các bang ít nhận được ngân sách. “Chúng tôi đồng ý rằng bắt buộc phải mở rộng sự tham gia của các nhà nghiên cứu và sinh viên được liên bang tài trợ, bất kể vị trí địa lý. Nhưng một giải pháp dành nguồn lực chỉ cho các tiểu bang trong chương trình EPSCoR sẽ không giải quyết hiệu quả mối lo ngại này… trong khi đó lại sẽ hạn chế đáng kể nguồn tài trợ dành cho các tổ chức khác đang cần”.
Một lá thư khác của 96 nhà lập pháp cũng lặp lại những lo ngại đó. Họ viết rằng 20% được trích lập “sẽ bỏ các tổ chức nghiên cứu mới nổi ở các bang không có EPSCoR lại phía sau”.
Cuộc tranh luận đang trở nên gay gắt trong tháng này, khi các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện cố gắng đạt được thỏa thuận về một dự luật lớn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất công nghệ cao. Cả Thượng viện và Hạ viện đều đã thông qua các phiên bản luật sẽ cho phép tăng gấp đôi ngân sách của NSF. Và cả hai dự luật đều mong muốn thúc đẩy các công nghệ mới nhận được tài trợ của NSF thành các sản phẩm công nghệ cao.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ hy vọng sẽ có một cách giải quyết khác. Đó là Dự luật Cạnh tranh và Đổi mới (USICA), yêu cầu tăng ngân sách gấp 10 lần cho chương trình NSF hướng tài trợ đến các tiểu bang không có tên trong chương trình EPSCoR. Dự luật Cạnh tranh sẽ tạo ra các chương trình nghiên cứu cạnh tranh mới nhằm vào các tổ chức ở bất kỳ tiểu bang nào vốn ít nhận được tài trợ.
Có một giải pháp dung hòa, đó là giúp các bang trước đây ít nhận tài trợ giờ đây gia tăng khả năng nhận được tài trợ bằng cách không cắt giảm nguồn hiện có của NSF cho các bang khác, mà thúc đẩy để họ tăng tỉ lệ nhận được trong nguồn tài trợ mới mà NSF. Ví dụ: nếu ngân sách cấp cho NSF tăng 1 tỷ USD, thì EPSCoR có thể nhận được 20% số tiền mới đó — nhưng không phải 20% trong toàn bộ ngân sách của quỹ hiện nay.
Dự luật Cạnh tranh sẽ cho phép NSF xây dựng một chương trình trị giá 150 triệu USD một năm, mở ra cơ hội cho bất kỳ tổ chức nào có thể nhận quỹ nghiên cứu liên bang. Khoản tài trợ này sẽ được trao dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, cho các hồ sơ xin tài trợ nghiên cứu và xây dựng cơ sở vật chất, tuyển dụng giảng viên, trợ cấp sinh viên đại học và sau đại học, cũng như “các hoạt động khác cần thiết để xây dựng năng lực nghiên cứu”. Nó còn có một điều khoản khác yêu cầu một chương trình thí điểm cạnh tranh sẽ tài trợ cho các dự án chung giữa một công ty nghiên cứu và một “tổ chức nghiên cứu mới nổi” – có ngân sách khoảng 35 triệu USD hằng năm, trong nghiên cứu do liên bang tài trợ.
Các chương trình mới được thiết kế như vậy sẽ hữu dụng hơn là nỗ lực giảm sự mất cân bằng phân bổ ngân sách theo vùng bằng cách “dồn” sang các cơ sở nghiên cứu ít nghiên cứu chuyên sâu hơn ở tất cả các bang.
Công Phạm
(Visited 1 times, 1 visits today)