Quỹ khuyến khích đầu tư sáng tạo

Đầu năm 2017, Tổng cục Thống kê cho hay “Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào” 1.

Một buổi giới thiệu về giáo dục STEM của Trung tâm POMath tại trường tiểu học Sài Đồng. Nguồn: Trung tâm POMath

Những con số này đã gây sốc cho không ít người. Ngay trong thời kỳ “dân số vàng” với số lượng người trong độ tuổi lao động chiếm ưu thế mà chúng ta cũng không thể có được chất lượng lao động cao. Có thể thấy, một phần của nguyên nhân của chất lượng lao động không cao bắt nguồn từ phẩm chất của người lao động trong khi nhắc đến giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta luôn đặt mục tiêu “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,  … sáng tạo”.

Tôi đã từng làm một khảo sát với những người tuổi 20 xung quanh mình. Các bạn ấy cho biết rằng cái mà các bạn muốn làm khác đi, đó chỉ là thay đổi những thói quen, những công việc mà tuổi đi học đã phải làm. Nhiều bạn không có khát vọng để làm mới, làm khác, hay sáng tạo.

Vì sao lại như thế? Có phải vì lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, các học sinh đã quen với việc “học theo, làm theo, làm đúng” là sẽ ĐẠT, thế là đủ?. Có phải các giáo viên, các bậc cha mẹ, những người đi trước các học sinh ấy đã chọn cách làm “tội gì mà sáng tạo”, nên những người học trò, những người con, những người em của họ đã không được biết sáng tạo là gì, sáng tạo có giá trị thế nào với cuộc sống của họ?.

Những người trẻ thường nghĩ rằng sáng tạo là phẩm chất chỉ thuộc về những người có năng lực vượt trội. Do đó, khi nói rằng ai cũng có thể sáng tạo theo cách của mình thì họ không mấy tin tưởng. Nhưng thực chất sáng tạo là gì?. Chúng ta có thể hiểu “Sáng tạo là hoạt động tạo ra bất cứ cái gì có đồng thời tính mới và tính ích lợi (trong phạm vi áp dụng cụ thể)”. Hoặc đơn giản như Steve Jobs (dù đã không còn sống trên cõi đời này nhưng chúng ta vẫn luôn nghĩ ông tồn tại và gắn liền với thương hiệu Apple), “sáng tạo chỉ là kết nối nhiều thứ lại với nhau. Khi bạn hỏi những người sáng tạo về cách họ thực hiện một việc gì đó, họ sẽ cảm thấy ngượng ngùng một chút vì họ không thực sự làm gì cả. Qua thời gian, những ý tưởng ban đầu dần trở nên rõ ràng hơn mà thôi.”. 

Ai khơi gợi sáng tạo?

Câu chuyện về những người 20 tuổi cho thấy nếu không có người truyền cảm hứng sáng tạo cho các học sinh thì thật khó để giúp họ có cơ hội dám sáng tạo và sáng tạo thành công. Và người truyền cảm hứng sáng tạo cho họ chính là những người gần gũi, thân thiết như cha mẹ, giáo viên.

Khi nghĩ về sáng tạo, người tạo cảm hứng cho tôi là Thomas Alva Edison (1847 – 1931) – một trong những nhà phát minh giàu ý tưởng nhất trong lịch sử. Ông giữ 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ. Cùng với các bằng sáng chế ở Anh Quốc, Pháp, và Đức, tổng cộng 1.500 bằng phát minh trên toàn thế giới được cho là của ông. Thế nhưng ít người biết, hồi nhỏ, ông đã từng là một đứa trẻ ốm yếu, luôn lơ mơ trong lớp và giáo viên của ông (Reverend Engle) đã gọi ông là đứa trẻ “rối trí”. Vì những trò nghịch ngợm của mình mà Edison đã bị đuổi học ngay khi tới trường được ba tháng. Nhờ có mẹ từng là giáo viên, việc học của ông đã được tiếp tục tại nhà. Bà cũng là người khuyến khích và dạy ông đọc, làm thực nghiệm. Ông nhớ lại, “mẹ đã tạo ra tôi. Bà rất tin tưởng về tôi; và tôi cảm thấy rằng mình có một điều gì đó để sống, một ai đó để mình không thể làm cho thất vọng”.

Câu chuyện về Edison được kể ở trên là một minh họa cho thấy, chẳng ai khác, những người thầy đầu tiên của trẻ em chính là người truyền cảm hứng sáng tạo cho họ, cho họ niềm tin để sống, để dám làm và làm có trách nhiệm. Theo nghĩa đó, thúc đẩy sáng tạo là một trách nhiệm lớn của người thầy.

Ai cản trở sáng tạo?

Người có thể truyền cảm hứng cũng chính là người có thể cản trở sự sáng tạo trong con trẻ. Một nghiên cứu trên mạng xã hội đã chỉ ra tâm lý “an toàn” của cha mẹ phổ biến đến mức, ngay khi trẻ đi học lớp 1, họ cũng “sợ nhất” là con làm sai, họ muốn các giáo viên làm mẫu, hướng dẫn trẻ làm đúng như mẫu.

Còn người thầy cản trở sáng tạo bằng cách nào? Có thể họ không lường được sự thích “an toàn”, “thích đúng”, “thích thành tích cao” của mình lại giết đi sự sáng tạo trong học trò. Có một sự thật là các giáo viên cũng vì tâm lý “sợ sai”, “an toàn” mà dạy trẻ “đúng” mà “không đủ”. Rất ít giáo viên để ý khơi gợi ở trẻ những cách làm mới, hoặc dẫn vào bài làm những căn cứ, những lập luận mà sách giáo khoa không đề cập. Họ muốn học sinh làm theo mẫu mực đến mức có thể học thuộc. Nếu học sinh có cách làm khác, có giáo viên đã không ủng hộ. Điều đó dẫn đến hiện tượng “đúc khuôn” những bài văn, những bài trình bày lời giải toán của học sinh mà người ta vẫn than phiền.

Dần dần, khi lớn lên, thói quen làm theo mẫu đã trở thành “tính cách” của mỗi đứa trẻ đó. Cho đến tận khi chúng là người trưởng thành. Nhiều nhà nghiên cứu than phiền rằng sinh viên đại học ở Việt Nam không khác gì học sinh phổ thông, không có động lực để mày mò, tìm hiểu, chưa nói đến chuyện sáng tạo trong công việc.

Có một thực tế khác là cũng có những người trẻ muốn thực hiện một số cải tiến để công việc của họ hiệu quả hơn, tốn ít thời gian hơn, thậm chí tiết kiệm kinh phí đầu tư vào công việc nhưng không phải bao giờ họ cũng được ủng hộ. Một mặt, ở mỗi cơ quan, dù có dán những khẩu hiểu cổ vũ “sáng tạo, đổi mới” nhưng với lề lối làm việc đã thành lối mòn thì sự khởi động cho “sáng tạo” nào cũng là sự “mạo hiểm”, nhất là khi người trẻ còn ít kinh nghiệm. Mong muốn đổi mới dựa trên vốn hiểu biết ít ỏi và không được hợp tác ủng hộ khiến đề xuất của họ trở thành “sáng tạo nửa vời”. Rõ ràng điều chúng ta thiếu ở đây là cơ chế niềm tin, sự ủng hộ cho sự sáng tạo ở mỗi tập thể, cá nhân.

Hai yếu tố đó là những thành tố của quỹ đầu tư cho sáng tạo. Không nhất thiết đề cập đến quỹ là đề cập đến tiền, có thể đó chỉ là sự chấp nhận “cho phép làm sai” và sẵn sàng “khắc phục”. Nó tạo cơ hội cho người trẻ được thử nghiệm, thay đổi một vài quy trình khi còn đang học tập. Sự không đầu tư cho sáng tạo chính là cản trở. Mà ai có thể làm chủ quỹ đầu tư cho sáng tạo? Đối với trẻ em thì đó là những người lớn như cha mẹ, là giáo viên. Bản thân chúng ta, dù có muốn “sáng tạo” đến mấy cũng có thể trở thành người cản trở sự sáng tạo nếu chúng ta nghĩ rằng đây là đặc quyền của những người có tố chất đặc biệt và mọi sáng tạo phải đem đến hiệu quả tức thì.

———-

1. http://vneconomy.vn/tong-cuc-thong-ke-nang-suat-lao-dong-nguoi-viet-thua-lao-bang-7-singapore-20171227161950647.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)