Rác thải nhựa của chúng ta đi đâu?

Một cuộc điều tra do The Guardian (Anh) thực hiện trên phạm vi 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tìm ra “bí mật bẩn thỉu” trên đường tới các bãi đỗ nước ngoài của rác thải nhựa Mỹ.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm được trả 6,5 USD mỗi ngày để phân loại rác thải nhựa. Nguồn: Bac Pham/The Guardian

Theo những lời quảng cáo của ngành công nghiệp nhựa Mỹ, các chất thải nhựa sẽ được đưa vào một nhà máy tái chế để chuyển thành những sản phẩm mới. Nhưng trên thực tế, quá trình đó lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Ví dụ là trường hợp của bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, một thành viên trong đội quân “tái chế” ở vùng ngoại ô Hà Nội, sống giữa những ống nhựa Mỹ đầy cáu bẩn đã qua sử dụng, vỏ túi bim bim Cheetos, túi nhựa từ ShopRite, một hệ thống siêu thị tại New Jersey… Bà được trả 6,5 USD mỗi ngày để phân loại rác thải và làm sạch những thứ có thể thái chế.

Điều tra của The Guardian đã tìm ra mỗi năm, hàng trăm ngàn tấn chất thải nhựa Mỹ đã được chuyển đi bằng tàu biển tới các quốc gia đang phát triển trên toàn cầu cho một quá trình tái chế đòi hỏi nhiều nhân công thiếu an toàn, có thể dẫn đến các vấn đề về y tế công cộng và môi trường khủng khiếp. Năm 2018, ước tính có 68.000 container như vậy được xuất khẩu từ Mỹ. Chính điều đó đang làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng chất thải nhựa đang không ngừng tăng lên – một loại vật liệu có mặt trong nhiều loại thiết bị, vật dụng như bàn chải đánh răng đến mũ của các phi hành gia vũ trụ và được tìm thấy với số lượng lớn trong các đại dương và cả hệ tiêu hóa của con người.

Vào tháng trước, 187 quốc gia đã ký một hiệp ước trao quyền cho các quốc gia từ chối nhập khẩu chất thải hoặc chất thải nhựa khó tái chế. Chỉ một vài quốc gia không ký, trong đó có Mỹ.

Nơi nào chứa chất thải nhựa Mỹ?

Theo ước tính của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, vào năm 2015, chỉ có 9% chất thải nhựa Mỹ được tái chế, Trung Quốc và Hong Kong xử lý hơn một nửa: khoảng 1,6 triệu tấn mỗi năm khi phát triển một ngành công nghiệp khổng lồ để khai thác và tái chế những rác thải có giá trị nhất và tạo ra những sản phảm có thể đưa trở lại thế giới phương Tây. Tuy nhiên do trong các đống rác thải này có nhiều loại gây ô nhiễm hoặc không thể tái chế hoặc đơn giản là tìm “bãi đáp” tại Trung Quốc nên làm dấy lên những nỗi sợ hãi về sức khỏe và môi trường, Trung Quốc quyết định đóng cửa trước mọi loại rác thải nhựa vào cuối năm 2017.

Kể từ đó, chất thải nhựa của Mỹ trở thành quả bóng được nảy đi nảy lại từ quốc gia này sang quốc gia khác. Phân tích của The Guardian cho thấy, Mỹ vẫn chuyển hơn 1 triệu tấn mỗi năm ra nước ngoài.

Các nhà nghiên cứu cũng tìm hiểu và thấy nhiều quốc gia ở mức nghèo đói đã tham gia vào “đường dây” này. Theo một nghiên cứu của Jenna Jambeck (trường đại học Georgia) thì Malaysia là quốc gia tiếp nhận kỷ lục rác thải nhựa Mỹ, và 55% lượng này không được quản lý đúng quy trình – có nghĩa là chỉ đưa vào các địa điểm lộ thiên. Indonesia và Việt Nam thì lần lượt có tới 81% và 86% lượng rác thải quản lý không đúng quy trình.

Ở Việt Nam, làng Minh Khai – một ngôi làng bên bờ sông Hồng ở Văn Lâm, Hưng Yên, có gần 1000 nóc nhà, là trung tâm của ngành công nghiệp quản lý rác thải nông thôn. Rác từ mọi nơi trên thế giới, từ Ả rập đến Pháp, la liệt trên mọi nẻo đường ở đây. Những người làm việc trong các “xưởng tái chế” xử lý những thứ có thể tái sử dụng giữa khói độc và mùi hôi.

Năm 2018, Mỹ chuyển 83.000 tấn rác thải nhựa tới Việt Nam. Có những dấu hiệu rõ ràng là các đồ thải đó có nguồn gốc từ Mỹ, ví dụ một cái túi đựng kẹo York Peppermint Patties của hãng Hershey với nhãn hiệu Mỹ, một cái túi rỗng đựng đồ hóa chất từ Ohio. “Chúng tôi vô cùng sợ cái túi nhựa có mùi kinh khủng này, chúng tôi còn không dám uống nước giếng ở đây nữa”, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm với găng tay bằng vải rất dày, khẩu trang bịt kín mặt và nón đội đầu, nói. “Không có tiền nên chúng tôi không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài việc làm ở đây”.

Trong khi những ảnh hưởng đến sức khỏe người làm nghề đồng nát do phơi nhiễm rác thải nhựa vẫn chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo, mùi hôi từ việc đốt nhựa hoặc từ quá trình tái chế có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh hô hấp. Việc tiếp xúc thường xuyên có thể khiến người làm và cả cư dân xung quanh có nguy cơ nhiễm độc hàng trăm chất độc với cơ thể con người, bao gồm axit clohydric, lưu huỳnh điôxit, dioxin và nhiều loại kim loại nặng, vốn có khả năng phát triển thành các chứng rối loạn nội tiết ung thư.

Những “đồng nghiệp” của bà Thắm tại Philippines cũng lâm vào cảnh tương tự. Helen Lota, chủ một vựa tái chế ở thành phố Valenzuela, một thành phố lân cận của thủ đô Manila (Philippines), cũng phàn nàn về mùi hôi bốc lên vào buổi chiều. “Thật khó thở, nhiều người trong chúng tôi đã bị ốm. Tôi đã phải đưa con gái đi khám bệnh vì nó ho suốt. Kết quả X quang thật rõ ràng, ho là do không khí.”

Rác nhựa sau khi được những người như bà Thắm phân loại được đưa vào máy nghiền rồi làm thành hạt nhựa sau quá trình gia nhiệt và ngưng tụ. Vào tháng 4/2019, hơn 23.400 container rác thải bị hải quan giữ lại nhưng công việc vẫn tiếp tục tiến triển ở làng Minh Khai. Bà Thắm nói, đồ phế liệu vẫn hàng ngày tới từ Hải Phòng và những nơi khác. Và theo điều tra của The Guardian, hồ sơ cho thấy việc nhập khẩu cũng vẫn được duy trì.

Khi các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan cấm nhập khẩu thì chất thải nhựa tìm bến đỗ ở một loạt các quốc gia mới như Campuchia, Lào, Ghana, Ethiopia, Kenya và Sénégal, những nơi trước chưa từng xử lý chất thải nhựa Mỹ. The Guardian còn điều tra ra, hàng tháng trong nửa cuối năm 2018, các chuyến tàu chở container mang 260 tấn rác thải nhựa Mỹ biến thành phố cảng Sihanoukville thành một nơi ngập rác và bãi biển thành một tấm thảm polymer bắt sáng. Khi được hỏi, không ai ở Sihanoukville biết rác thải từ Mỹ tới và không rõ điều gì sẽ diễn ra với nó.

Không riêng gì người dân Sihanoukville mà cả người dân Valenzuela cũng không biết rác thải nhựa họ đang tái chế là từ Mỹ (mỗi tháng có 120 container rác nhựa được chở tới Philippines bằng tàu biển), chỉ có các hồ sơ nhập khẩu cho biết chúng được vận chuyển từ nhiều nơi như Los Angeles, Georgia và New York.

Các chuyên gia ước tính, từ 20 đến 70% chất thải nhựa được đưa vào các cơ sở tái chế trên toàn cầu sẽ bị loại bỏ bởi không thể tái chế được – vì vậy quá trình tái chế tại Sihanoukville rút cục cũng dẫn đến kết quả là đem lại nhiều thứ xà bần đồng nát ở đây hơn nữa.

Rác nhựa đã trở thành nhiên liệu cho kinh doanh toàn cầu như thế nào?

Làm thế nào để đồ nhựa do bạn thải ra lại có thể tới một làng quê Đông Nam Á? Dĩ nhiên là thông qua một mạng lưới thương mại trải rộng qua các đại dương và lục địa, một mạng lưới đầy phức tạp, đôi khi bất chính và chỉ một vài thành viên là hiểu rõ vai trò của mình.

Nơi dừng chân đầu tiên của nhựa nhựa sau một cuộc hành trình kéo dài nhiều tháng là một cơ sở tái chế, nơi phân loại thành nhiều dạng – chai soda, bình sữa, các loại hộp khác, và sẵn sàng để bán. Là một loại hàng hóa, những người môi giới tái chế tìm kiếm những người sẵn sàng mua, họ sẽ nghiền rồi đun chảy nhựa và tạo ra những sản phẩm mới. Trước đây, việc chuyển rác nhựa đến châu Á mang ý nghĩa lớn, bởi những công ty vận chuyển vẫn mang hàng hóa do Trung quốc sản xuất tới Mỹ và khi không có đủ hàng Mỹ trên đường trở lại Trung Quốc, họ sẵn sàng lấp đầy các container rỗng bằng rác nhựa.

Steve Wong, một thương gia gốc Hong Kong, là một trong số những người trung gian môi giới rác nhựa. “Có lúc, tôi là một trong những người xuất khẩu rác nhựa lớn nhất thế giới”, ông nói, công việc trị giá hàng triệu USD. Tuy nhiên hiện tại, công ty của ông, Fukutomi Recycling, có trụ sở tại Hồng Kong, đang ngập trong nợ nần.

Vấn đề của Wong không nằm ở nguồn cung hay cầu. Mỗi tháng, hàng ngàn container rác nhựa ở Mỹ và ở Trung Quốc có rất nhiều nhà máy tái chế cần nguyên liệu để tạo ra sản phẩm mới – từ đồ chơi trẻ em đến khung ảnh và đồ làm vườn. Vậy điều gì xảy ra với doanh nghiệp của ông? Ngày càng có nhiều quốc gia trở nên khắt khe hơn với ngành công nghiệp tái chế, sau khi có nhiều nhà vận chuyển và điều hành thiếu đạo đức đã tham gia cuộc chơi với những mức giá rẻ nhất có thể, không quan tâm đến môi trường hay cư dân sở tại. “Trong lĩnh vực này, nếu làm đúng cách thì bạn vẫn có thể bảo vệ môi trường. Còn ngược lại, thì bạn sẽ phá hủy môi trường,” Wong nói.

Ông có thể đưa ra mức giá 150 USD cho một tấn rác thải nhựa từ Mỹ. Một khi được chuyển ra nước ngoài, bán cho một cơ sở tái chế nào đó, có thể đạt mức giá 800 USD/tấn.

Wong tin câu trả lời trong tương lai cho vấn đề rác thải nhựa sẽ là việc hình thành điểm tái chế gần Mỹ hơn. Bản thân ông muốn xây những nhà máy hiện đại với các hệ thống xử lý cập nhật để có thể hạn chế phát thải cho môi trường nước và không khí. Tuy nhiên, ông biết có nhiều người sẵn sàng cạnh tranh với mức giá rẻ, vì thế ngay cả khi nhiều quốc gia đã cấm việc nhập khẩu rác nhựa thì loại vật liệu này vẫn tìm được bến đỗ một cách mờ ám. Nhiều doanh nghiệp tái chế cũng đã thiết lập các cơ sở tái chế ở quy mô công nghiệp tại nhiều quốc gia. Nhưng họ không đủ nguồn cung, vì thế họ phải nhập lậu, dẫu pháp luật không cho phép, họ phải làm những gì có thể để có được nguyên liệu nhựa.”

Về danh nghĩa, việc nhập khẩu rác thải nhựa để tái chế trong các nhà máy sẽ giúp giải quyết vấn đề môi trường. Nhưng trong thực tế, không phải lúc nào cũng vậy, nhất là khi nó được nhập khẩu qua những doanh nghiệp mà theo cách gọi của ông Wong là thiếu đạo đức, rao bán thứ hàng hóa đặc biệt theo mức rẻ nhất có thể. Do đó, nó ảnh hưởng đến nguồn sống của những người thu mua phế liệu quy mô nhỏ lẻ ở nước sở tại. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà nhập khẩu rác nhựa Mỹ đã đưa một lượng rác nhựa khổng lồ, từ 159.000 tấn lên 439.000 tấn trong vòng hai năm. Mỗi tháng, khoảng 10 chuyến tàu cập cảng Istanbul và Adana, mang tới 2.000 tấn rác nhựa giá rẻ mà Trung Quốc giờ cũng không cần, phần lớn từ cảng Georgia, Charleston, Baltimore và New York. Việc này khiến 500.000 người thu gom đồng nát Thổ Nhĩ Kỳ không còn tìm ra người mua hàng hóa của mình nữa. Baran Bozoğlu, người phụ trách Phòng Kỹ thuật môi trường Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại, việc nhập khẩu rác thải nước ngoài một cách “không kiểm soát và không giới hạn” sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Họ sẽ sống bằng gì? Ai sẽ giải quyết vấn đề môi trường ở Thổ Nhĩ Kỳ?

Cuộc chiến chống lại rác thải nhựa

Nếu nhiều người dân ở các thành phố nhập khẩu rác nhựa Mỹ không biết nguồn gốc của thứ hàng hóa này thì nhiều người dân Mỹ cũng không hề biết tác động xấu đến môi trường và sức khỏe của nó với nước sở tại.

Một công trình mới do nhóm nghiên cứu về môi trường mang tên Gaia xuất bản vào tháng 5/2019 cho biết, “tác động của chuyến tàu chở rác nhựa thương mại tới Đông Nam Á thật đáng kinh ngạc- ô nhiễm nguồn nước, tàn phá mùa màng, bệnh về đường hô hấp do phơi nhiễm với việc đốt nhựa, sự gia tăng của tội phạm có tổ chức tại các điểm nhập khẩu nhựa. Các quốc gia này và người dân của họ đang mang gánh nặng kinh tế, môi trường và xã hội của sự ô nhiễm, có thể ‘truyền’ cho thế hệ tiếp theo”.

Với nhiều chuyên gia, một ví dụ đáng lưu tâm là Malaysia với việc chính quyền tìm mọi cách kiểm soát ngành công nghiệp tái chế. Một giải pháp quyết liệt cả họ là loan báo kế hoạch dừng cấp giấy phép nhập khẩu rác nhựa mới và kết thúc hoàn toàn trong vòng 3 năm. Dẫu vậy, quốc gia này vẫn còn tồn tại hàng ngàn tấn rác nhựa. Ở ngoại ô Jenjarom, một thị trấn ở  vùng Kuala Langat, bang Selagor, chính quyền địa phương đã đóng cửa 34 cơ sở tái chế và gần đó, một khu vực rộng lớn chất đầy rác nhựa bị bỏ lại sau khi những người chủ Trung Quốc bỏ đi.

Tuy nhiên, tất cả như muối bỏ bể. Theo lời bộ trưởng Bộ Môi trường Yeo Bee Yin, nhiều chuyến tàu vẫn tiếp tục cập bến va nhiều nhà vận chuyển chỉ cần thay đổi mã tàu liệu khai báo là có thể đưa rác nhựa  thành nhựa nguyên chất.

Pang Song Lim, một kỹ sư sống ở Sungai Petani, một thị trấn thuộc bang Kedah, nơi có tới 20 cơ sở tái chế bất hợp pháp, cho biết là khoảng sau 8 giờ tối thì các cơ sở này hoạt động, đốt để làm chảy nhựa. Mùi khói hôi như muốn nhấn chìm các ngôi nhà của thị trấn. “Một ngày nào đó, rác sẽ chiếm đoạt vùng đất này”, anh nói.

Tô Vân lược dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/us-news/2019/jun/17/recycled-plastic-america-global-crisis

Tác giả

(Visited 30 times, 1 visits today)