R&D cần song hành với quản trị trong doanh nghiệp

Chiều 2/10, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã phối hợp cùng tạp chí Tia Sáng tổ chức tọa đàm “Những doanh nhân tiên phong công nghệ sáng tạo trên trang báo Tia Sáng” trong khuôn khổ Techmart 2015 với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân.

Bốn diễn giả – bao gồm ông Lý Huy Sáng (Phó tổng giám đốc công ty Minh Long I), ông Nguyễn Đoàn Thăng (Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), ông Nguyễn Thanh Mỹ (Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan), và bà Lê Diệp Kiều Trang (giám đốc kinh doanh của Misfit) – đã lần lượt kể câu chuyện làm R&D thành công của mình trong bối cảnh Việt Nam và với nhân lực hoàn toàn là người Việt. Qua câu chuyện của họ, có thể thấy rằng, việc xây dựng bộ phận R&D phải được tiến hành song song với việc nâng cao khả năng quản trị trong doanh nghiệp.

“Việt Nam cần có nhiều hơn nữa những nhà khoa học có tinh thần doanh nghiệp và các doanh nghiệp có tinh thần ứng dụng KH&CN.”

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Quân tại tọa đàm
“Những doanh nhân tiên phong công nghệ sáng tạo trên trang báo Tia Sáng

Quan điểm này được thể hiện rất rõ trong việc quản trị của Minh Long I. Ông Lý Huy Sáng cho biết, Minh Long I là “một công ty gốm sứ vốn được nhiều người biết đến như một ngành nghề thủ công chứ không sử dụng công nghệ”. Định kiến này khiến những người nghiên cứu khoa học hoặc được đào tạo trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ cảm thấy rụt rè và “ái ngại” khi nộp đơn ứng tuyển vào Minh Long I. Ông Lý Huy Sáng cho biết, để thay đổi tâm lí này, công ty phải tạo ra một môi trường đổi mới sáng tạo, trước hết là bằng cách sử dụng dây chuyền và công nghệ hiện đại, tiên tiến trong sản xuất. Bên cạnh đó, cứ năm tháng một lần, Minh Long I lại có một cuộc họp giữa ban lãnh đạo công ty và các trưởng bộ phận. Trong đó, các trưởng bộ phận phải đề xuất ít nhất năm ý tưởng cải tiến công nghệ của các công nhân và ít nhất là hai trong số đó khả thi. Việc khen thưởng của Minh Long cho từng bộ phận và cá nhân cũng dựa trên những ý tưởng và đề xuất như vậy. Theo ông Lý Huy Sáng, điều này khuyến khích toàn bộ tập thể trong một công ty lâu đời như Minh Long không ngừng linh hoạt và sáng tạo trong công việc. Quan niệm của ông Lý Huy Sáng rất giống với Elon Musk, người cho rằng: “Mọi thay đổi dù nhỏ cũng đều hữu ích và những ý tưởng cần phải đến từ người công nhân hơn là người quản lí”

Còn theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, với một công ty có 3.000 như Rạng Đông, để đội ngũ R&D tập trung năng lực phục vụ cho những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp, cần xây dựng đội ngũ quản trị doanh nghiệp giỏi. Rạng Đông đã phối hợp với Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế để xây dựng các khóa học nâng cao năng lực cho các cán bộ của công ty.

Khác với Rạng Đông và Minh Long I, Tập đoàn Mỹ Lan và Misfit tiến hành công việc R&D từ những ngày đầu thành lập nhưng khó khăn của họ nằm ở việc tuyển dụng nhân lực nghiên cứu. Ông Nguyễn Thanh Mỹ thấy rằng, điểm yếu của các nhà khoa học Việt Nam là thường “ùa theo” những hướng nghiên cứu “thời thượng” mà không cân nhắc năng lực của bản thân và yêu cầu của thị trường. Điều này khiến cho Tập đoàn Mỹ Lan gặp khó khăn trong việc thuyết phục và hợp tác với các viện nghiên cứu và trường đại học để cùng phát triển sản phẩm.

Đồng tình với ông Nguyễn Thanh Mỹ về việc các nhà khoa học chưa có sự nhạy cảm cần thiết về thị trường, bà Lê Diệp Kiều Trang chia sẻ từ chính ví dụ của công ty mình, bộ phận R&D của Misfit tại Việt Nam từng viết một dòng lệnh rất cao siêu nhưng mất tới 15 phút để Misfit Shine có thể kết nối với điện thoại di động (mà điều này về mặt kinh doanh là không khả thi). Chính vì vậy, bà Kiều Trang khẳng định, để có một sản phẩm công nghệ cạnh tranh với thị trường thế giới, một công ty cần phải có cả đội ngũ phát triển thị trường và đội ngũ R&D giỏi cùng hợp tác, trao đổi và chia sẻ tầm nhìn với nhau.


Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)