San sẻ rủi ro cho doanh nghiệp

Nhà nước cần chia sẻ những rủi ro trong nghiên cứu – phát triển, thúc đẩy việc cấp phép lưu hành sản phẩm và song hành với doanh nghiệp trong quá trình thương mại hóa.

Doanh nghiệp trả phí cho những rủi ro nào?

“Có những thứ mình không nên chờ đợi nguồn lực từ Nhà nước, nếu thị trường có tín hiệu tốt thì chúng tôi thúc đẩy sớm” – Câu nói của anh Cao Văn Hùng, Phó giám đốc Công ty Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD), doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia (CTPTSPQG) thể hiện sự chủ động của công ty nhưng cũng ngầm phản ánh một bất cập, đó là cơ chế của Nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của doanh nghiệp.

Trong CTPTSPQG, RTD kết hợp với Học viện Nông nghiệp thực hiện hai dự án KHCN, đó là vaccine phòng bệnh tai xanh và lở mồm long móng cho vật nuôi. Trong đó, vaccine tai xanh đang trong giai đoạn sản xuất thử nghiệm và vài tuần tới sẽ có kết quả. Đến đầu năm 2016, họ đã có sản phẩm và đưa vào đăng kí lưu hành. RTD đã tự lực triển khai nghiên cứu và phát triển vaccine tai xanh từ năm 2010. Theo anh Hùng: “Để có thể thành công được thì mình phải mạnh dạn đầu tư vào khâu nghiên cứu. Nhưng nếu có những rủi ro trong quá trình nghiên cứu thì không ai hỗ trợ doanh nghiệp cả”.

Đồng tình với ý kiến này, anh Đỗ Tuấn Đạt, Giám đốc công ty TNHH-MTV Vaccine và Sinh phẩm sổ 1 (VABIOTECH), thành viên hội đồng thẩm định chuyên môn cho vaccine phòng bệnh cho thú y, thẳng thắn: “Gần như là khi các nhà khoa học làm hồ sơ đăng kí một đề tài nghiên cứu nghĩa là đã phải làm được hòm hòm rồi. Cái lúc [đáng lẽ phải] nghiên cứu thì chỉ là thời gian để làm chứng từ thôi. Còn nếu vừa làm nghiên cứu, vừa làm chứng từ thì không ai làm được”.

Để có thể thành công được thì mình phải mạnh dạn đầu tư vào khâu nghiên cứu. Nhưng nếu có những rủi ro trong quá trình nghiên cứu thì không ai hỗ trợ doanh nghiệp cả.

Khi được hỏi về khó khăn trong khi tham gia CTPTSPQG, câu trả lời của anh Cao Văn Hùng là: “rào cản đầu tiên, bài toán muôn thuở vẫn là thủ tục về thanh quyết toán”. Các quy định về dự toán cho các đề tài vẫn cứng nhắc theo kiểu trong thuyết minh sử dụng hóa chất, nguyên vật liệu, công nghệ nào để nghiên cứu thì khi thực hiện phải sử dụng y hệt như vậy, nếu không, khi Kiểm toán hoặc Thanh tra của Bộ Tài chính kiểm tra có thể bị yêu cầu xuất toán. Chính vì vậy, họ phải nghiên cứu trước khi sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách.“Nhiều người kêu trời là tôi dự toán thế này nhưng khi nghiên cứu thì hôm nay dùng nguyên vật liệu này, không thành công thì ngày mai tôi phải đổi sang cái khác, tại sao lại bắt tôi phải dùng y hệt thuyết minh? […] Cho nên, chúng tôi mới phải nghiên cứu thăm dò trước xem nó phải là hóa chất nào, bộ kit thử nghiệm nào, nhưng cũng chỉ tương đối thôi, không chính xác 100% đâu. Lúc làm có khi vẫn không ra kết quả được, nếu có ai giới thiệu cho hóa chất, bộ kit khác thì doanh nghiệp tự bỏ tiền cho nhanh.”

Bên cạnh việc “trả phí” rủi ro  trong nghiên cứu, trước khi tung sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp nhiều khi bỏ lỡ cơ hội bởi việc cấp phép lưu hành quá lâu do các quy định và văn bản chưa hợp lí.

Mặc dù RTD tự tin rằng họ sẽ có sản phẩm vào đầu năm 2016 nhưng bao giờ có thể thương mại hóa thì anh Cao Việt Hùng tỏ ra dè dặt: “Tùy thuộc vào hội đồng Nhà nước, nhanh thì đến tháng 5, 6 còn chậm thì đến cuối năm”. Trước đây, chỉ cần thông qua Hội đồng chuyên môn của Cục Thú y, nếu đạt tiêu chuẩn là được cấp phép lưu hành. Tuy nhiên hiện nay, sau khi hội đồng có kết quả, phải báo cáo lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Sau đó, Bộ trưởng sẽ chỉ đạo một hội đồng gọi là Tổ 20 để thẩm định, rà soát lại hồ sơ. Hạn chế của quy trình này là thời gian cấp phép bị kéo dài từ ba đến sáu tháng. Đồng thời, với sự can thiệp của Tổ 20 chủ yếu gồm các cán bộ quản lí “ở góc độ chuyên môn sâu thì họ không thể hiểu được” mà đánh giá chủ yếu dựa vào văn bản pháp lí. Tuy nhiên, “các văn bản pháp lý liên quan đến thú y đã lạc hậu khoảng chục năm, không phù hợp với tình hình thực tế.” – Anh Hùng cho biết.  

Dựa chủ yếu vào nội lực doanh nghiệp?

Thực tế cho thấy, việc dựa chủ yếu vào nội lực của doanh nghiệp, không đủ để tạo ra “sản phẩm hàng hóa Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh về tính mới, về chất lượng và giá thành […] nâng cao năng lực đổi mới của doanh nghiệp và tiềm lực KHCN quốc gia” như tham vọng của CTPTSPQG. Trên thị trường Việt Nam hiện nay, chưa đến 10% vaccine phòng bệnh cho vật nuôi là sản phẩm trong nước. Nếu dựa chủ yếu vào tiềm lực của doanh nghiệp, đến năm 2020, sẽ chỉ tạo ra những sản phẩm có chất lượng trung bình, chiếm một thị phần nhỏ trong cả nước. Theo anh Cao Văn Hùng, “Mình làm được nhưng không thể so sánh với các sản phẩm nước ngoài. Họ đi trước, có bề dày nghiên cứu bao nhiêu năm, mình đi sau, vốn lại nghèo nàn nên mình không kỳ vọng là đạt chất lượng như họ ngay từ đầu mà chỉ bằng 60-68%”.

Chính vì vậy, bên cạnh việc thay đổi cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp (bằng cơ chế quỹ và khoán đến sản phẩm cuối cùng) và cập nhật các văn bản pháp lí sao cho phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ trong nông nghiệp để thúc đẩy sản phẩm ra đời, Nhà nước còn phải song hành với doanh nghiệp trên cả khâu thương mại hóa: “Pha thương mại đối với vaccine cần đầu tư nguồn vốn rất lớn. Sản phẩm sản xuất ra cũng chưa đủ điều kiện ngay để cạnh tranh sòng phẳng với các tập đoàn nước ngoài. Nếu Nhà nước không tạo điều kiện hỗ trợ về mặt đất đai, nhà xưởng, cho vay thì rất khó cho doanh nghiệp.” Anh Cao Việt Hùng cho biết. 

Hơn nữa, các chương trình quốc gia cũng cần liên kết với nhau để tạo ra thị trường cho sản phẩm. Hằng năm, trong các chương trình vaccine quốc gia cho vật nuôi hoặc chương trình phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm, Nhà nước vẫn nhập khẩu hàng triệu liều từ các nhà cung cấp vaccine trên thế giới để cung cấp cho các hộ chăn nuôi trên cả nước. Vì vậy, các doanh nghiệp trong CTPTSPQG nên được ưu đãi tham gia những chương trình này. “Nếu mình làm được, sản phẩm không đến nỗi tồi mà còn được tham gia các chương trình [vaccine phòng bệnh cho vật nuôi] này nữa thì sẽ không mất tiền marketing, quảng bá… mà vẫn đảm bảo sản lượng hằng năm, kết hợp với các kênh thương mại có từ trước thì sẽ rất tốt.” – Anh Hùng cho biết.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)