Sản xuất vaccine: Cần nhiều hơn một bằng sáng chế

Để chuyển giao hiệu quả công nghệ sản xuất vaccine mới phức tạp đòi hỏi một hệ sinh thái tiếp nhận có thể mất nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ, để xây dựng.


Một loại vaccine COVID-19 của Trung Quốc ở Mashhad, Iran, tháng 3/2021

Vào ngày 5/5, Tổng thống Joe Biden thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ ủng hộ cam kết toàn cầu trong việc xóa bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine trong thời gian xảy ra đại dịch coronavirus. Điều đó cho phép nhiều quốc gia tăng cường sản xuất vaccine thậm chí là với công nghệ “tinh xảo” của vaccine Pfizer-BioNTech và cả Moderna để chống lại COVID-19. Nhiều cộng đồng y tế trên toàn cầu và các nước đang phát triển hoan nghênh quyết định này như một thắng lợi giúp cho việc phân phối vaccine công bằng hơn, khi các nước thu nhập trung bình và thấp đang tụt hậu quá xa so với các nước giàu có.

Nhưng sự hân hoan này có lẽ còn quá sớm. Động lực cho việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ một phần bắt nguồn từ kinh nghiệm của thế giới vừa trải qua cuộc chiến chống lại HIV/AIDS. Trao đổi bằng sáng chế, miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ và các cơ chế tự do hóa khác là cấp thiết trong việc đảm bảo quyền bình đẳng để tiếp cận thuốc đặc trị trong thời kỳ đại dịch. Nhưng những công cụ này phù hợp với các loại thuốc và dược phẩm khác hơn là vaccine. Sản xuất vaccine – đặc biệt là những vaccine phức tạp về mặt công nghệ (như RNA thông tin – mRNA) chống lại COVID-19 không chỉ đòi hỏi bằng sáng chế mà cần toàn bộ cơ sở hạ tầng không thể chuyển giao trong một sớm một chiều. Việc chia sẻ các bằng sáng chế là một bước phát triển quan trọng và đáng hoan nghênh trong dài hạn, nhưng nó thậm chí có thể không phải là bước đầu tiên cấp bách nhất.

Gỡ nút thắt

Vào đầu những năm 2000, các công ty dược phẩm đa quốc gia đã tính phí 10.000 USD mỗi bệnh nhân cho chế độ điều trị hằng ngày để duy trì sự sống cho những người nhiễm HIV/AIDS. Những bệnh nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở châu Phi hay những nơi khác chỉ có thể tiếp cận các loại thuốc hỗn hợp này (cocktail drug) trong một số trường hợp hạn chế. Sau đó, vào năm 2001, nhà sản xuất thuốc Ấn Độ Cipla Limited bắt đầu sản xuất các phiên bản của một loại cocktail ba thuốc kháng virus với giá chỉ 350 USD. Cipla, cộng tác với Médecins Sans Frontières (Doctors Without Borders – Bác sĩ không biên giới), đã giúp mở ra một kỷ nguyên mới về tiếp cận toàn cầu đối với các loại thuốc thiết yếu — một kỷ nguyên đánh dấu cho việc nới lỏng hoặc thậm chí miễn trừ quyền bảo hộ các bằng sáng chế quốc tế và các quyền sở hữu trí tuệ khác để sản xuất và phân phối một loại thuốc quan trọng và cứu mạng hàng triệu con người – được biết đến là thuốc generic – thuốc mang tên gốc (sau khi hết thời hạn bảo hộ bằng độc quyền sáng chế, các công ty dược khác được phép nghiên cứu, sản xuất những thuốc tương tự biệt dược gốc và được gọi tên là thuốc generic).

Kể từ thời điểm đó, các tổ chức vận động y tế toàn cầu đã thiết lập những cách thức ngày càng “tinh vi” hơn để hợp tác với các công ty đa quốc gia trong việc đảm bảo cho các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận các loại thuốc thiết yếu. Vào những năm 2010, sáng kiến y tế toàn cầu Unitaid đã giúp tạo ra Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medicines Patent Pool – MPP), trong đó các công ty dược phẩm từ khắp nơi trên thế giới có quyền cấp li-xăng cho thuốc kháng virus, mở ra một con đường để phát triển nhiều phiên bản thuốc generic, miễn là đổi lại, chủ sở hữu bằng sáng chế được tiền bản quyền. Cơ chế này vừa cung cấp li-xăng tự nguyện cho các nhà sản xuất mới, trong khi vẫn bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất ban đầu của thuốc. Ví dụ, các công ty như Gilead đã cấp li-xăng tự nguyện của thuốc kháng virus của họ cho các nhà sản xuất thuốc generic, cho phép các quốc gia trên thế giới tự định giá bán lẻ loại thuốc này. 

Cũng dễ hiểu rằng, các chuyên gia y tế toàn cầu đang tìm cách xác định liệu cách tiếp cận tương tự như trên có thể giúp cho việc phân phối vaccine COVID-19 công bằng hơn. Hơn một tỷ liều vaccine hiện đã ra thị trường – nhưng hầu như chỉ dành cho những người sống ở một số rất ít quốc gia. Hơn một nửa số liều thuộc về riêng Hoa Kỳ (250 triệu) và Trung Quốc (290 triệu), tiếp theo là Ấn Độ (160 triệu), Vương quốc Anh (51 triệu) và Đức (32 triệu). Ngược lại, mặc dù rất cần thiết, số lượng vaccine COVID-19 được chuyển đến châu Phi hoặc tới các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình ở châu Á và châu Mỹ Latinh là không đáng kể. Các nhà vận động y tế toàn cầu đã đối phó với sự bất công bằng này bằng cách tìm cách áp dụng các bài học mà họ học được từ thuốc kháng virus và yêu cầu trao đổi bằng sáng chế hoặc các miễn trừ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19. Vào tháng 3/2021, Médecins Sans Frontières tổ chức các cuộc biểu tình tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, giăng một biểu ngữ “Không độc quyền COVID — Các quốc gia giàu có ngừng chặn việc miễn trừ Hiệp định TRIPS”. Hiệp định TRIPS là thỏa thuận giữa các nước trong WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. (Hiệp định này bảo hộ chặt chẽ quyền lợi của những người sở hữu các bằng sáng chế. Nó cho phép các công ty công nghệ lớn độc quyền và tối đa hóa lợi nhuận trên các sản phẩm của mình. Điều này bị chỉ trích rất nhiều từ các quốc gia đang phát triển, giới học thuật và các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt là khi các sản phẩm đó lại liên quan đến sức khỏe con người và những người nghèo, nước nghèo lại không thể tiếp cận được vì lí do tài chính). 


Stephen Cornish, giám đốc trung tâm vận hành của tổ chức Bác sĩ không biên giới, biểu tình trước trụ sở của WTO với tấm panel ghi rõ: “Các nước giàu dừng ngay việc trì hoãn miễn trừ thỏa thuận TRIPS!” (Wealthy countries stop blocking tripps waiver).

Giả định đằng sau đòi hỏi của Frontières đó là quyền sở hữu trí tuệ là một rào cản chính, ngăn chặn các nhà phát triển vaccine, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình mở rộng quy mô sản xuất vaccine COVID-19 – đặc biệt là vaccine mRNA hiệu quả cao mà Pfizer-BioNTech và Moderna hiện đang sản xuất. Những vaccine này có hiệu quả bảo vệ lên tới hơn 90%, đối với các ca bệnh COVID có triệu chứng và không có triệu chứng. Các vaccine này đang thúc đẩy thành công sự phục hồi nhanh chóng của Hoa Kỳ, Israel và các quốc gia khác. Nhưng cho đến nay, vaccine mRNA hầu như vắng mặt ở châu Phi, Mỹ Latinh và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ở các khu vực khác. Người ta hi vọng rằng miễn trừ hiệp định TRIPS và trao đổi sáng chế sẽ thúc đẩy công nghệ tạo ra sự phục hồi trên toàn cầu.

Cần cả một hệ sinh thái

Chia sẻ tài sản trí tuệ có thể hữu ích về lâu dài. Nhưng việc sản xuất ra các loại sinh phẩm phức tạp, đặc biệt là những loại cải tiến như vaccine mRNA hoặc vector adenovirus, không chỉ là vấn đề tiếp cận bằng sáng chế. Với các loại thuốc kháng virus phân tử nhỏ thì tương đối đơn giản: các quá trình hóa học nhiều bước để tổng hợp thường được trình bày chi tiết đầy đủ trong các bằng sáng chế hoặc bài báo khoa học đã xuất bản. Các nhà hóa học và chuyên gia bào chế thường có thể tổng hợp và mở rộng quy mô sản xuất chỉ từ việc hiểu biết về cấu trúc thuốc. Nhưng vaccine thì khác. Chế tạo và sản xuất các phân tử mRNA được bọc trong vỏ lipid, tái tổ hợp adenovirus, hoặc thậm chí là protein hay toàn bộ virus bất hoạt được sử dụng trong vaccine thế hệ cũ đòi hỏi mức độ tinh vi cao hơn nhiều so với sản xuất thuốc phân tử nhỏ. Hơn nữa, việc sản xuất vaccine phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và giám sát theo quy định.

Việc chuyển giao hiệu quả của công nghệ phức tạp như vậy đòi hỏi một hệ sinh thái tiếp nhận có thể mất nhiều năm, đôi khi hàng thập kỷ, để xây dựng. Các quốc gia đang tìm cách tăng tốc sản xuất vaccine sẽ cần đào tạo đội ngũ nhà khoa học và kỹ thuật. Họ cũng sẽ cần các quản trị viên khoa học không chỉ thông thạo nghiên cứu cơ bản và phát triển mà còn lưu giữ hồ sơ chi tiết, bao gồm các tài liệu thực hành cụ thể như hồ sơ sản xuất theo lô. Hơn nữa, họ sẽ cần hệ thống kiểm soát chất lượng mạnh mẽ và các hàng rào bảo vệ theo quy định. Việc xây dựng một cơ sở hạ tầng như vậy đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu, thường là đầu tư tài chính đáng kể nhiều rủi ro và cần có thời gian. Theo một số ước tính, việc phát triển vaccine cần ít nhất 11 năm, và thậm chí xác suất sau ngần đó nỗ lực để có thể đưa vaccine ra thị trường chỉ là dưới 10 phần trăm. Hãy coi vaccine COVID-19 là kết quả của nhiều thập kỷ nghiên cứu và phát triển. Rất ít quốc gia chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận những rủi ro như vậy.

Hiện số các quốc gia thu nhập thấp hoặc trung bình có khả năng sản xuất các vaccine mới chỉ chưa đầy một bàn tay. Đáng chú ý nhất và lớn nhất là Ấn Độ, đang sản xuất vaccine vector adenovirus do Janssen, Oxford và AstraZeneca phát triển, cũng như công nghệ cũ hơn là vaccine protein tái tổ hợp hay vaccine virus bất hoạt. Các nhà sản xuất ở Brazil, Cuba và một số nước Đông Nam Á có kinh nghiệm sản xuất vaccine cho trẻ nhỏ cũng có thể nâng cao năng lực sản xuất vaccine COVID-19.  Những nơi khác cũng có thể có khả năng, bao gồm cả ở Trung Đông và châu Phi. Nhưng trước mắt, các nhà sản xuất này sẽ đối mặt với yêu cầu đầu tư tài chính, tiếp cận với lượng lớn nguyên liệu và vật tư (có thể bao gồm cả việc nới lỏng kiểm soát xuất khẩu), và một số chuyên môn kỹ thuật trong sản xuất và kiểm soát chất lượng nếu họ muốn sản xuất các loại vaccine hiện có để chống COVID -19. Chỉ riêng việc tiêm chủng cho Ấn Độ sẽ cần gần hai tỷ liều, và yêu cầu hơn 12 tỷ liều để tiêm chủng cho thế giới. Sự xuất hiện của các biến thể mới và nhu cầu về liều tăng cường có thể làm tăng nhu cầu hơn nữa. Liệu công nghệ vaccine mRNA có thể được mở rộng để sản xuất hàng tỷ liều vào năm 2021, hoặc thậm chí vào đầu năm 2022 hay không vẫn chưa rõ, nhưng mục tiêu này rất đáng để theo đuổi. Để đạt được điều này, “nới lỏng” bằng sáng chế có thể là cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ. Các nhà sản xuất sẽ cần bí quyết kỹ thuật, các quy định kiểm soát và các thành phần đang thiếu hụt, chẳng hạn như nucleotide và lipid.

Tầm nhìn thập kỉ

Để tạo cơ sở cho việc chuyển giao công nghệ vaccine mRNA cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, các nhà sản xuất vaccine ở Ấn Độ, Brazil và một quốc gia châu Phi hoặc một quốc gia ở Trung Đông nên bắt đầu bằng cách thiết lập các trung tâm xuất sắc về sản xuất và kiểm soát hóa học. Các trung tâm này sau đó sẽ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vaccine mRNA ở các khu vực đang thiếu khả năng tiếp cận trên thế giới. Họ sẽ cung cấp đào tạo tại chỗ cho các chuyên gia. Những người này cũng sẽ nhận được hướng dẫn từ các nhóm vận hành kỹ thuật tại Pfizer-BioNTech và Moderna. Các trung tâm nên làm việc với WTO để đảm bảo rằng các thiết bị và thành phần vaccine được lưu thông tự do qua các nguồn cung quốc tế. Các nhà máy sản xuất có thể phải sản xuất thiết bị và vật liệu cho các trung tâm đó: ví dụ như các túi phản ứng sinh học (bioreactor bags) và các bộ lọc chuyên dụng. Các trung tâm và nhà sản xuất vaccine ở các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ cần sự hỗ trợ từ cộng đồng cũng như tài trợ bền vững từ Hoa Kỳ và các quốc gia G-7 khác, cùng với Ngân hàng Thế giới, có thể là nhờ vào các công cụ tài chính sáng tạo như trợ cấp vốn hoặc hợp đồng mua bán.


Chỉ có 2% số vaccine COVID-19 trên thế giới được gửi đến các nước châu Phi.

Cơ sở vật chất sản xuất vaccine mà các quốc gia xây dựng ngày nay có thể là một bức tường thành chống lại các đại dịch trong tương lai. Nhưng để được như vậy đòi hỏi phải suy nghĩ trước cả thập kỉ. Các tổ chức toàn cầu như Liên minh Đổi mới Chuẩn bị sẵn sàng Dịch bệnh được thành lập gần đây, cùng với Gavi, Liên minh Vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới và các đối tác của Quỹ Bill & Melinda Gates, sẽ cần đầu tư vào việc chuẩn bị cho các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất thích ứng với nhiều công nghệ vaccine khác nhau. Tính đa dạng là rất quan trọng: không có cách nào để dự đoán công nghệ vaccine nào sẽ là tối ưu để sử dụng chống lại một mầm bệnh cụ thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu và nhà sản xuất cần phải chuẩn bị để tăng cường nỗ lực cho bất kỳ tác nhân nào trong số chúng. Ví dụ, vaccine virus vector (dùng virus gây bệnh mụn nước trên gia súc làm vector để chuyên chở protein của kháng nguyên) được xem là hoạt động tốt nhất để ngăn chặn Ebola ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào năm 2019, trong khi mRNA tỏ ra có lợi thế hơn trong việc ngăn chặn COVID-19. Do đó, các nỗ lực đào tạo nên hướng tới việc tạo dựng nền tảng chuyên môn trong một loạt các lĩnh vực từ vi sinh vật học đến công nghệ sinh học. Song song đó, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu nên tiếp tục dỡ bỏ các rào cản thương mại và cung cấp các nguồn lực và nguyên liệu cần thiết để sản xuất và mở rộng quy mô các loại vaccine hiện tại của họ.

Hợp tác quốc tế sẽ rất quan trọng đối với tương lai của việc phát triển và sản xuất vaccine, cũng giống như tình trạng khẩn cấp hiện nay. Nếu các công ty dược phẩm toàn cầu tỏ ra không muốn cấp giấy phép tự nguyện, thì việc miễn trừ bằng sáng chế có thể là cần thiết. Nhưng đó vẫn luôn là yếu tố có vai trò khiêm tốn nhất trong bất kì nỗ lực toàn cầu nào trong việc sản xuất vaccine. Việc sản xuất vaccine cho thế giới rất phức tạp và hệ sinh thái vaccine toàn cầu hiện tại rất mong manh – nhưng việc mở rộng hệ sinh thái này ra các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới sẽ có tiềm năng rất lớn để ngăn chặn đại dịch COVID-19 khủng khiếp này.□

Hạ Nhiên dịch
Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/articles/united-states/2021-05-10/producing-vaccine-requires-more-patent

Tác giả