Sau thỏa thuận Bali: Chưa thể quá lạc quan

Phải thừa nhận Thỏa thuận (Agreement) hay Gói (Package) Bali là một tiến bộ trên con đường vạn dặm tự do hóa thương mại. Con số lợi ích cho GDP toàn cầu được dự báo lên đến nghìn tỷ USD hằng năm làm nức lòng mọi người, song chúng có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào quá trình thực hiện, trong đó nhiều cam go vẫn đang ở phía trước.

Sáng sớm ngày 7/12/2013 tại hòn đảo Bali, Indonesia, sau khi đã họp suốt đêm và quá một ngày so với chương trình dự kiến, làm lỡ chuyến bay của 12 Bộ trưởng phải sang Singapore để họp về TPP ngày hôm ấy, Hội nghị 159 vị Bộ trưởng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã vỗ tay nồng nhiệt sau khi thông qua Thỏa thuận Bali (Bali Agreement) về thương mại thế giới. Họ vui mừng vì đó là kết quả của năm ngày đêm đàm phán, tranh cãi nảy lửa và cuối cùng đi đến một thỏa hiệp, đặc biệt hơn đó là thỏa thuận đầu tiên từ khi thành lập tổ chức này năm 1995, và sau 12 năm kể từ khi vòng đàm phán Doha thất bại, thậm chí được coi là “chết lâm sàng” vì không thể đi đến thỏa thuận cắt giảm các rào cản thương mại và trợ cấp cho nông nghiệp. Tổng Giám đốc mới Roberto Azevado đã xúc động bật khóc bên lề hội nghị ở Bali vì thỏa thuận lần này đã thực sự cứu vãn sự tồn tại của tổ chức mà ông mới đứng đầu từ tháng 9/2013. So với các vị tiền nhiệm, ông đã có được thành công ban đầu ngoạn mục, do đã khôn khéo chỉ đưa ra một “gói” thỏa thuận với tham vọng chỉ bằng 1/10 gói Doha, theo tinh thần chậm và ít còn hơn không có gì!

Trước hết, phải thừa nhận Thỏa thuận (Agreement) hay Gói (Package) Bali là một tiến bộ trên con đường vạn dặm tự do hóa thương mại. Thỏa thuận gồm 10 văn kiện nằm trong ba phần là: 1) Hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, 2) Cam kết về nông nghiệp và 3) Cam kết về phát triển, trong đó có hiệp định về thuận lợi hóa thương mại, giảm các thủ tục hải quan là tiến bộ có ý nghĩa nhất.

Về cơ bản thỏa thuận mới cam kết sẽ cải thiện hệ thống hạn ngạch thuế quan (tariff quota TRQ), tinh giản trình tự đi qua cửa khẩu và hải quan, cho phép các nước đang phát triển có quyền lựa chọn nhiều hơn trên vấn đề an ninh lương thực, hỗ trợ phát triển thương mại của các nước chậm phát triển, v.v.

Viện Peterson về kinh tế học quốc tế ở Mỹ đã ngay lập tức đưa ra dự đoán con số lợi ích cho GDP toàn cầu lên đến 1.000 tỷ USD hằng năm (những tính toán khác đưa ra con số giữa 500 và 1.300 tỷ USD), tạo thêm 21 triệu việc làm trong đó có 18 triệu việc làm ở các nước đang phát triển. Những giá trị gia tăng này được mang lại do việc các quốc gia áp dụng các nguyên tắc công khai minh bạch, chia sẻ thông tin, qua đó giúp cắt giảm 10% chi phí ở các nước phát triển và 15% ở các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, trong tình hình kinh tế thế giới đầy rủi ro như hiện nay, những con số trên làm nức lòng mọi người, song chúng có thành hiện thực hay không còn tùy thuộc rất nhiều vào quá trình thực hiện, trong đó nhiều cam go vẫn đang ở phía trước.

Cam kết về nông nghiệp chỉ đạt được sau khi Ấn Độ – đứng đầu nhóm G-33 các nước đang phát triển – chấm dứt phản đối về nguyên tắc việc cắt giảm hỗ trợ nông nghiệp đối với nông dân để đổi lấy một “điều khoản hòa bình” cho phép các nước đang phát triển tiếp tục hỗ trợ nông nghiệp trong ít nhất là 4 năm cũng như các ưu đãi về thuế quan đã nêu trên đây. Trong khi đó, các nước giàu có sẽ vẫn tiếp tục trợ giá xuất khẩu nông sản của họ và đây là một vấn đề nan giải. Tổng giám đốc Azevedo hứa sẽ thúc đẩy thỏa thuận về mức độ trợ giá và đàm phán về các quy định bảo vệ đầu tư xuyên biên giới bao gồm nhiều lĩnh vực rất đa dạng từ công nghệ xanh đến tư vấn bảo vệ môi trường.

Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục trên nhiều lĩnh vực về dịch vụ như công nghệ thông tin và một số nước sẽ đi đến thỏa thuận nhiều bên (plurilateral) thay cho đa phương (multilateral) nếu như một số thành viên WTO chưa sẵn sàng tham gia. Tại Bali, Trung Quốc đã ủng hộ cách tiếp cận này, để ngỏ khả năng có những thỏa thuận nhóm to nhỏ khác nhau như vậy.1

Trước mắt, trong thời gian tới, hiệp định sẽ cần được tất cả các nước thành viên phê chuẩn. Rõ ràng quá trình này sẽ không dễ dàng vì với mỗi quốc gia không phải mọi quy định đều có hiệu lực bắt buộc về pháp lý khi vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời đòi hỏi các quốc gia phải áp dụng những cải cách về cơ chế thương mại, thủ tục hải quan, công khai minh bạch, cắt giảm hệ thống quan liêu phổ biến trong hệ thống hải quan và thuế trên thế giới. Những cải cách và hiện đại hóa đó cũng đòi hỏi đầu tư và chi phí không nhỏ. Vì vậy, không ít ý kiến hoài nghi về những con số to lớn về lợi ích đã được tính toán dựa trên giả định mọi việc sẽ được thực hiện đầy đủ và đúng thời gian. Trong khi đó, ngay lúc này người ta đã bắt đầu nói đến vòng đàm phán sau Bali (post-Bali) để giải quyết tiếp những vấn đề khó khăn hơn chưa thỏa thuận được trong lần nay.

Tuy nhiên, điều đáng nói là việc thực hiện các thỏa thuận khác như trợ giúp của các nước phát triển không có tính ràng buộc nhưng cũng sẽ được giám sát, và đây là lần đầu tiên WTO thỏa thuận được về một cơ chế giám sát như vậy.

Về phía Việt Nam, chúng ta hi vọng Nhà nước ta có thể đẩy mạnh cải cách để chia sẻ phần lợi ích chính đáng trong thỏa thuận mới của WTO. Về lý thuyết Việt Nam có lợi trong xuất khẩu nông sản vì thuế nhập khẩu sẽ giảm nhiều. Tuy nhiên, thách thức của Việt Nam là đã đạt giới hạn của mô hình tăng trưởng hiện nay. Nếu không đầu tư công nghệ, thay đổi mô hình canh tác, phát triển công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch, Việt Nam sẽ không nâng cao sản lượng được. Mặc dù chúng ta có thể được lợi từ khả năng Nhật Bản tăng cường đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam vì cả hai nước là thành viên TPP, qua đó giúp sản lượng tăng lên, chất lượng được cải thiện sẽ góp phần nâng cao xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đó chỉ mới là dự kiến chưa phải hiện thực ngày hôm nay hay ngày mai.

Về thuận lợi hóa thương mại, hiệp định quyết định sớm thành lập Ủy ban trù bị, xem xét các văn bản hiệp định về pháp luật, thiết thực đảm bảo những điều khoản liên quan bắt đầu có hiệu lực từ ngày 31/7/2015. Các bên ra tuyên bố đồng ý dốc sức xây dựng mô hình “một cửa” để đơn giản hóa việc làm thủ tục thông quan, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các nước đang phát triển xuất khẩu nông sản. Thỏa thuận cũng dành cho những nước phát triển kém phát triển nhất (Least Developing Countries) một số ưu đãi thuế quan nhất định trên cơ sở quy tắc xuất xứ thuận lợi hơn trong khuôn khổ miễn giảm thuế và hạn ngạch.

Về nông nghiệp, hiệp định đồng ý cung cấp hàng loạt dịch vụ nông nghiệp cho các nước đang phát triển, đồng thời trong điều kiện nhất định đồng ý việc các nước đang phát triển dự trữ lương thực công nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Về cam kết phát triển, hiệp định đồng ý thực hiện chế độ quota miễn giảm thuế cho các nước chậm phát triển xuất khẩu sản phẩm sang các nước giàu; tinh giản hơn nữa trình tự chứng nhận sản phẩm xuất khẩu của các nước chậm phát triển; cho phép dịch vụ của các nước chậm phát triển được ưu tiên đi vào thị trường các nước giàu; đồng ý xây dựng cơ chế giám sát, tiến hành việc giám sát việc dành quy chế ưu đãi cho các nước chậm phát triển.

Ngoài ra, trong Hội nghị lần này, Yemen được chính thức phê chuẩn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, nâng số thành viên của tổ chức này lên tới 160 thành viên.

1 http://www.economist.com/news/finance-and-economics/21591625-global-trade-talks-yield-deal-first-time-almost-20-years-unaccustomed

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)