Silicon Valley hơn Đức ở điểm nào ?

Những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ như Apple, Facebook, Google hay Microsoft đều là công ty của Mỹ. Người ta cũng thấy nhiều trường hợp thành công tương tự ở Thung lũng Silicon Valley. Thế nhưng theo quan sát của Wiwo, vẫn chưa có làn sóng doanh nghiệp công nghệ như vậy tại Đức. Vậy đâu là nguyên nhân ?

Từ một doanh nghiệp ở trong gara trở thành doanh nghiệp tầm cỡ thế giới: Apple chỉ là một ví dụ về sự thành công của Silicon Valley.

Hãy nhìn vào một trường hợp cụ thể: Catalin Voss, một sinh viên Đức đang theo học tại đại học Stanford (Mỹ) đã mô tả về những giá trị mà ngôi trường của mình đem lại: “Tôi đã được truyền thụ rằng đôi khi thất bại lại đem lại may mắn”. Thất bại mà lại may mắn ư? Nghe có vẻ trái ngược nhưng chính đây là tinh thần mà môi trường đại học Mỹ đem lại cho các sinh viên của mình. Bản thân Voss cũng là một con người xuất sắc, anh theo học ở  đây từ năm 17 tuổi và trước đó, khi còn nhỏ đã tự học lập trình, đặc biệt là những ứng dụng trên điện thoại. Giờ đây, Voss đang thiết lập một công ty riêng của chính mình mang tên Sension với sản phẩm công nghệ chính là một ứng dụng nhận biết tâm trạng thông qua các biểu hiện trên gương mặt nhờ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence). Công nghệ này hữu ích trong việc tìm hiểu suy nghĩ của những người mắc chứng tự kỷ. GAIA, một công ty của Toyota, đã mua công nghệ này.

Không chỉ Voss mà nhiều gương mặt tài năng khác được đào tạo trong môi trường có tinh thần “thất bại là may mắn” cũng có khả năng đạt được thành công như vậy. Tuy nhiên cũng phải công bằng mà nói, Stanford đã dành một khoảng kinh phí gần sáu tỷ euro chỉ để hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, qua đó khuyến khích tinh thần này, nghĩa là gấp trên mười lần so với đại học Hannover (Đức).

Câu chuyện của Catalin Voss có thể gây ngạc nhiên ở Đức nhưng nó lại quá bình thường với Silicon Valley, nơi dường như quy tụ các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu. Apple, Google và Facebook đặt trụ sở chính tại đây, bên cạnh những Tesla, nhà tiên phong về ô tô điện hay Uber, Airbnb, những cái tên mới nổi nhưng đã có sức lan tỏa trên thế giới.

Tại sao làn sóng doanh nghiệp công nghệ lại bắt nguồn từ  Silicon Valley?

Nhiều doanh nghiệp công nghệ đều trưởng thành từ các trường đại học liền kề Valley. Có thể thấy mô hình kinh doanh của các ông lớn ở Silicon Valley đều dựa trên tinh thần đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp công nghệ này không chỉ đem lại sản phẩm mới hay tạo dựng thị trường mới mà còn phá bỏ cả những sản phẩm đang tồn tại trên thị trường, ví dụ bằng một ứng dụng trên điện thoại, Uber tấn công vào thế giới tắc xi, Airbnb thách thức các chuỗi khách sạn kinh điển, iPhone của Apple đánh bại nhà sản xuất điện thoại di động Nokia.

Tại sao điều này xảy ra ở Silicon Valley mà không diễn ra ở Berlin hay Tokyo, nơi cũng có nhiều trường đại học nổi tiếng, các nhà đầu tư mạo hiểm và các cố vấn giầu kinh nghiệm, và điều gì là cốt lõi của nó?

“Silicon Valley đơn thuần là một địa danh cố định trên bản đồ, ẩn chứa trong nó là một cách tư duy”, Chuhee Lee, nhà nghiên cứu về phương tiện di chuyển trong tương lai của hãng Volkswagen ở Silicon Valley, nhận xét. “Ai không trải qua thất bại thì khó có thể được tôn trọng thật sự tại nơi này”.

Người Mỹ thích hành động

Rene van den Hoevel, giám đốc phụ trách Phòng Thương mại Đức – Mỹ, lý giải: “Những gì diễn ra ở Mỹ nhanh đến chóng mặt. Người Mỹ không chờ cơ hội, đơn giản là họ hành động ngay. Thế mạnh của họ chính là sự năng nổ”. Còn ông  Stefan Schlüter, Tổng lãnh sự Đức ở San Francisco, nhấn mạnh: “Ở Stanford, không giáo sư kinh tế nào mà lại không đặt chân vào lĩnh vực kinh tế, họ có thể tự lập một startup hay tham gia với tư cách cố vấn”.

Doanh nghiệp như Volkswagen từ lâu đã đề cao  tinh thần của Silicon Valley. “Chúng ta cầm có thêm một chút tinh thần của Silicon Valley”, cuối năm 2015 nhà lãnh đạo tập đoàn VW Matthias Müller đã lớn tiếng kêu gọi. Song người ta có thể kêu gọi suông không mà vẫn đem lại hiệu quả? “Cũng có một vài điểm mà chúng ta có thể học hỏi được”, Ferdinand Dudenhöffer, phụ trách Trung tâm nghiên cứu ô tô CAR của trường ĐH Duisburg-Essen nói, tuy nhiên ông cũng lưu ý là chỉ đơn giản đưa về Đức một vài công ty đầu tư mạo hiểm, thiết lập mấy doanh nghiệp khởi nghiệp thì ngần ấy là chưa đủ.

Dudenhöffer nhận thấy ở Mỹ còn có những vấn đề đóng vai trò quan trọng thúc đẩy khởi nghiệp như chính sách của nhà nước tạo bệ phóng như mở ra các cuộc thi về công nghệ. Nhiều công nghệ trong số đó đã được nhiều cơ quan chính phủ để mắt đến như trường hợp công nghệ về ô tô robot và vật thể bay không người lái được Bộ Quốc phòng Mỹ mua đứt. “Điều này không có ở Đức”, Dudenhöffer nhận xét.

Tại Mỹ những điều tiết trong chính sách của nhà nước buộc người ta phải đổi mới. Ngay từ những năm 1970, quy định về khí thải của Mỹ buộc các doanh nghiệp sản xuất ô tô phải áp dụng hệ thống lọc than hoạt tính ba chiều mà giờ đây vẫn được sử dụng rộng rãi. “Ở Đức mọi điều đều diễn ra ngược lại. Người ta tìm cách đưa dầu diesel sang thế kỷ 21 và nghĩ rằng đó là sáng tạo, mặc dù ai cũng biết đến tác hại của việc dùng dầu diesel như thế nào. Nguyên nhân là ở Đức, thuế đánh vào dầu diesel thấp”.

Sau những thành công của mình, trường đại học Stanford còn được đọc trại ra là “Farm” (nông trại) vì người ta tin rằng sẽ còn gặt hái được những vụ mùa bội thu startup từ nông trại đó.

Xuân Hoài lược dịch

Nguồn: http://www.wiwo.de/technologie/digitale-welt/start-ups-was-hat-das-silicon-valley-deutschland-voraus/14656608.html

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)