Singer: Cải tiến linh hoạt để cạnh tranh với những ông lớn

Singer là một doanh nghiệp đã có mặt trên thị trường hơn 100 năm, từng sản xuất máy may và thành công trong một thời gian rất dài. Nhưng khi các nhà máy may dần dần dời sang Trung Quốc khiến thị trường dành cho máy may Thái Lan lụi tàn, Singer đã nhanh chóng thay đổi, trở thành một công ty sản xuất đồ gia dụng (tivi, tủ lạnh, tủ trữ đông).

Trong một thị trường khắc nghiệt với nhiều đối thủ lớn, Singer đã tự mình cải tiến để cạnh tranh và phát triển, ngày nay có tới khoảng 3500 đại lý kinh doanh trên toàn Thái Lan, từ năm 2010 đến nay đã trở thành một trong những nhà bán lẻ thành công nhất ở đất nước này.

Để làm được điều đó, Singer tận dụng thương hiệu sẵn có trước đây, thúc đẩy các kênh phân phối sản phẩm và kết nối với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng nông thôn. Họ thay đổi quan điểm từ bán lẻ đơn thuần sang bán lẻ kết hợp với dịch vụ tài chính, đồng thời sử dụng nền tảng công nghệ và điện tử để gia tăng tính dễ tiếp cận của mô hình kinh doanh. Họ cũng tăng cường trao quyền cho đội ngũ nhân viên để có thể quản lý tốt trên diện rộng.
Singer có hai lĩnh vực sản phẩm kinh doanh chính ngày nay là hàng tiêu dùng và lĩnh vực đồ điện cho doanh nghiệp (như các tủ trữ đông trong các cửa hàng tạp hóa hay các máy bán xăng tự động ở các vùng nông thôn xa xôi…). Họ tập trung vào quản lý các mối quan hệ với khách hàng, vươn tới từng ngôi làng. Các nhân viên bán hàng đến ngôi làng mình phụ trách ít nhất 1 tuần/ lần để làm nhiều nhiệm vụ như bảo hành, bảo dưỡng, thu tiền góp, đưa catalog cho khách hàng lựa chọn sản phẩm đặt hàng, v.v. Họ biết rõ từng cá nhân khách hàng, vì thế có thể phục vụ khách hàng một cách tốt nhất ngay tại nhà, mọi yêu cầu đều được nhanh chóng phản hồi đáp ứng. Đây là một chiến lược rất thành công của Singer.

Vượt ra khỏi khuôn khổ công việc của một nhà bán lẻ thuần túy, các nhân viên Singer – thường là người cùng địa phương nơi khách hàng cư trú – có thể đến nhà khách hàng thảo luận cùng họ những vấn đề liên quan đến tài chính và hỗ trợ kịp thời cho họ. Với cách này họ đã thu nợ đúng hạn được 80% các khoản cho vay, so với công ty tài chính thì họ đạt được mức lợi nhuận 15%, một tỉ lệ mà bản thân các ngân hàng ở Việt Nam cũng khó đạt được.

Singer sử dụng công nghệ CIP, một giao diện tổng thể để quản lý các mảng tài chính, nhân sự, kế toán bán hàng của một doanh nghiệp. Khi quản lý hệ thống trả góp toàn quốc, người quản lý có thể nhìn thấy chi tiết từng khoản trả góp và kỳ trả góp của khách hàng. Nhờ hệ thống này họ có thể giao hàng và thu tiền đúng hẹn. Đây là công nghệ không thể thiếu cho các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chơi phân phối trên thị trường ngày nay.

Ngoài ra, khác với các tập đoàn như Samsung, LG có nhiều sản phẩm đa dạng, Singer chỉ tập trung vào một số sản phẩm đơn giản. Đây cũng là một phương thức kinh doanh hiệu quả với phân khúc thị trường đại chúng, giúp các sản phẩm dễ bán được và nguồn lực tiếp thị không bị dàn trải.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)