Sở hữu trí tuệ: Tập trung vào thực thi

Các cơ quan quản lý cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ hơn nữa, để không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu sáng chế, mà còn bảo đảm cân bằng giữa lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng với lợi ích của các cá thể.

Việt Nam vừa kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do  với EU (EVFTA) cuối năm 2015. Cùng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), EVFTA dự kiến sẽ tạo ra những tác động lớn tới nhiều chính sách của Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT).

Trên thực tế, SHTT là lĩnh vực mà đối tác EU đặc biệt quan tâm và có các yêu cầu cam kết cả về nội dung và thực thi cao đối với Việt Nam.

Từ góc độ của Việt Nam, việc bảo đảm tuân thủ cam kết cao về SHTT đặt ra những thách thức lớn, từ tiêu chuẩn bảo hộ, lẫn cơ chế thực thi. Do đó, để tuân thủ các cam kết này của EVFTA, Việt Nam chắc chắn sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh pháp luật cho phù hợp.

Với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, hôm nay (1/3), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về SHTT trong EVFTA” nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia cho dự thảo kết quả rà soát mà VCCI đã thực hiện.

Rà soát của VCCI nhằm xác định các quy định khác biệt, chưa tương thích giữa pháp luật Việt Nam về SHTT với các cam kết cụ thể của EVFTA, từ đó đề xuất giải pháp sửa đổi pháp luật và thực thi từ góc độ của doanh nghiệp nhằm bảo đảm tuân thủ Hiệp định theo cách thức có lợi nhất cho các doanh nghiệp.

Theo chuyên gia Phạm Phú Khánh Toàn, các quy định về SHTT của Việt Nam tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên, điều quan trọng là vấn đề thực thi như thế nào.

Các cơ quan quản lý như Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cùng các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi các quy định về SHTT hơn nữa, để không chỉ bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu sáng chế, sở hữu sản phẩm trí tuệ, mà còn bảo đảm cân bằng giữa lợi ích xã hội, lợi ích cộng đồng với lợi ích của các cá thể.

Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, rất nhiều nghĩa vụ trong EVFTA, không chỉ bao gồm nghĩa vụ bảo hộ, mà còn là yêu cầu bảo hộ “đầy đủ” (adequate), “hiệu quả” (effective). Trong khi đó, thực tế thực thi bảo hộ SHTT ở Việt Nam có nhiều bất cập và có lẽ còn ở mức độ hiệu quả khá xa so với yêu cầu.

Do đó, nghiên cứu rà soát khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền tập trung vào công tác thực thi trên thực tiễn để bảo đảm thi hành hiệu quả các nghĩa vụ mà pháp luật Việt Nam “đã tương thích”.

Thứ hai, kết quả rà soát cho thấy, hiện chỉ có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận và thực sự tương thích là: Quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm…

Nguồn: http://baodientu.chinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/So-huu-tri-tue-Tap-trung-vao-thuc-thi/248781.vgp

Tác giả