Số phận của những chiếc xe hơi điện đời đầu

Nghiên cứu mới của Đại học Lund cho thấy cơ sở hạ tầng thiếu thốn là yếu tố then chốt khiến các nhà sản xuất ô tô Mỹ lựa chọn ô tô chạy xăng thay vì ô tô điện vào đầu thế kỷ 20. Theo công bố trên tạp chí Nature Energy, nếu lưới điện được mở rộng chỉ 15 hoặc 20 năm trước đó, phần lớn các nhà sản xuất có khả năng sẽ chọn xe hơi điện.

“Người ta thường quan niệm rằng xe hơi điện đắt đỏ và kém về mặt kỹ thuật hơn xe hơi chạy xăng. Chúng tôi cho rằng điều này không hẳn đúng. Xe hơi điện đắt hơn nhưng giá cả như vậy là hợp lý so với hiệu suất của chúng”, Josef Taalbi, Phó Giáo sư Lịch sử kinh tế tại ĐH Lund (Thụy Điển), cho biết.

Quảng cáo của Detroit Electric năm 1912. Nguồn: Wikimedia Commons

Trong nghiên cứu của mình, Josef Taalbi và Hana Nielsen đã tìm hiểu lý do đằng sau việc xe hơi điện bị “ruồng rẫy” và xe hơi chạy bằng xăng lại chiếm ưu thế dựa trên một cơ sở dữ liệu về hơn 36.000 mẫu xe con của Mỹ. Kết quả cho thấy không phải lúc nào công nghệ tối ưu nhất cũng là kẻ thống trị. 

“Theo ước tính của chúng tôi, xe hơi điện rẻ hơn vào những năm 1920 nhờ điện giá rẻ. Việc chuyển sang dùng xe điện sẽ giúp giảm lượng khí thải lớn – tương đương 20 triệu tấn CO2 – chỉ riêng trong năm 1920”, Hana Nielsen, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại ĐH Lund, chia sẻ.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất xe hơi đã chọn sản xuất xe hơi chạy bằng xăng ngay từ đầu thế kỷ 20. Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng điện địa phương được coi là yếu tố then chốt trong việc dự đoán liệu nhà sản xuất chọn động cơ điện hay xăng.

“Việc mở rộng cơ sở hạ tầng điện quá chậm dẫn đến nhiều nhà sản xuất đã sớm chọn đầu tư vào xe hơi chạy xăng thay vì xe hơi điện. Một phần lý do bắt nguồn từ việc thị trường điện cho hộ gia đình không mang lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất điện tư nhân. Lưới điện xuất hiện lần đầu tiên trong Thỏa thuận Mới của Franklin Roosevelt vào những năm 1930, nhưng lúc bấy giờ mọi thứ đã quá muộn với ngành sản xuất xe hơi điện”, Hana Nielsen giải thích. 

“Kết quả của chúng tôi cho thấy các nhà sản xuất xe hơi đã chọn công nghệ dựa trên những điều kiện phổ biến vào đầu thế kỷ 20. Mặc dù mạng lưới điện đã được mở rộng trong những thập kỷ sau, vẫn không có thay đổi gì quá lớn. Đến những năm 1910, số phận của ngành công nghiệp xe hơi điện đã được định đoạt”, Josef Taalbi nói.

“Các yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng. Các nhà sử học đã nhấn mạnh rằng xe hơi điện được coi là sang trọng và là ‘xe hơi dành cho phụ nữ’, trong khi xe hơi chạy xăng được coi là ‘xe hơi phiêu lưu’, hấp dẫn nhóm người tiêu dùng nam giới. Điều này đã góp phần vào việc lựa chọn công nghệ ở một mức độ nào đó, nhưng chúng tôi chưa thể chỉ rõ trong nghiên cứu này. Tuy nhiên, khá hợp lý khi cho rằng những chiếc xe hơi điện đã bị ép vào một phân khúc hẹp hơn”, Josef Taalbi nói.

Vậy thì điều gì sẽ xảy ra nếu lưới điện đã có từ trước đó? “Theo các mô hình của chúng tôi, phần lớn các nhà sản xuất xe hơi sẽ sản xuất xe hơi điện, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Tuy nhiên, xe hơi chạy xăng có lợi thế hơn khi đi du lịch. Thêm vào đó, xe hơi điện có một số nhược điểm như tốc độ thấp. Bức tranh khả thi nhất đó là một hệ thống giao thông kép, nơi xe điện có thể được sử dụng như một phương tiện giao thông đáng tin cậy trong môi trường đô thị, trong khi xe chạy xăng có những lợi thế lớn để trở thành một chiếc xe du lịch”, Josef Taalbi cho biết.

Nhóm nghiên cứu tin rằng kết quả này có thể đóng góp phần nào trong các cuộc thảo luận hiện nay. 

“Đối với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay, kết quả nghiên cứu cho thấy việc đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng đóng vai trò quan trọng nếu muốn có hệ thống giao thông và năng lượng bền vững. Điều này không chỉ đúng với xe hơi điện, mà còn với cả những công nghệ năng lượng tái tạo khác”, Hana Nielsen nhận định.

Hà Trang dịch

Nguồn: https://techxplore.com/news/2021-10-lack-power-grids-fate-early.html

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)