Steve Jobs qua đời ở tuổi 56

Steve Jobs - nguyên giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty công nghệ khổng lồ Apple, đã qua đời ở tuổi 56.

 “Tài năng lỗi lạc, niềm đam mê và năng lượng của Steve là khởi nguồn của vô số đổi mới làm phong phú và cải tiến đời sống của chúng ta. Nhờ Steve mà thế giới đã tốt đẹp hơn rất nhiều”, nhận xét từ thông cáo của Apple.

Jobs tuyên bố mình bị ung thư tuyến tụy năm 2004.

Giám đốc Microsoft Bill Gates tuyên bố “ảnh hưởng sâu sắc” của Jobs sẽ tiếp tục tác động tới nhiều thế hệ tiếp theo. “ Với những người may mắn làm việc cùng Jobs, đó là một vinh dự lớn lao. Tôi sẽ nhớ Steve vô cùng”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bày tỏ sự tưởng nhớ: “Phu nhân Michelle và tôi rất buồn khi nghe tin Steve Jobs qua đời. Steve là một trong những nhà sáng chế Mỹ vĩ đại nhất – đủ dũng cảm để nghĩ khác, đủ táo bạo để tin mình có thể thay đổi thế giới, và đủ tài năng để làm điều đó”.

Thị trưởng New York Michael Bloomberg nói rằng “Nước Mỹ đã mất đi một thiên tài, người sẽ được nhớ tới như Edison và Einstein, với những ý tưởng sẽ tiếp tục định hình thế giới qua các thế hệ sắp tới”.

Gương mặt của Apple

Thông cáo của Apple viết: “Apple đã mất đi một thiên tài có tầm nhìn và đầy sáng tạo, và thế giới đã mất đi một con người tuyệt vời”.

 “Steve để lại một công ty mà chỉ có ông mới xây dựng được, và tinh thần của ông sẽ mãi là nền tảng của Apple”.

Jobs có tiếng là người lãnh đạo trực tính, yêu cầu cao, có thể lấp đầy những chỗ khuyết trong công nghệ – như chuột máy tính và giao diện đồ họa dạng cửa sổ – và khiến chúng trở nên phổ thông với đại chúng.

Ông đã mang máy tính iMac, iPod và iPhone đến với thế giới. Ông qua đời chỉ một ngày sau khi Apple tung mẫu iPhone 4S mới nhất ra thị trường.

Năm 2004, Jobs tuyên bố mình bị ung thư tuyến tụy và 5 năm sau đã được cấy ghép gan .

Steve xin nghỉ ốm vào tháng 1, trước khi từ chức Giám đốc điều hành vào tháng 8 và trao quyền cho Tim Cook.

Trong thư từ chức, Jobs viết: “Tôi tin những ngày đổi mới mạnh mẽ nhất, xán lạn nhất của Apple đang ở phía trước. Và tôi mong muốn chứng kiến và đóng góp vào thành công của công ty trong một vai trò mới”.

Tuy nhiên, Jobs vẫn là chủ tịch của Apple.

Hơn bất cứ một lãnh đạo doanh nghiệp nào, hình ảnh của Jobs gắn liền với công ty, kể từ khi ông đồng sáng lập vào những năm 1970.

Giá trị thị trường của Apple là 351 tỉ USD, hiện là công ty công nghệ giá trị nhất thế giới.

Là khuôn mặt của Apple, Jobs đại diện cho định hướng của công ty vươn tới công nghệ kĩ thuật cao và thiết kế mang tính thời trang.

Trong nội bộ công ty, ông có sức ảnh hưởng chưa từng thấy như ở đa phần các doanh nghiệp khác.

Tuy là một nhân vật trọng yếu nhưng Jobs rất kín đáo về đời tư cá nhân. Ông cưới vợ Laurene năm 1991, và có 3 người con.

Câu chuyện về cái chết (trích dẫn trong diễn văn của Steve Jobs tại lễ tốt nghiệp của Đại học Stanford năm 2005)

Khi tôi 17 tuổi, tôi có đọc được một câu đại ý thế này: “Nếu bạn sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời, tới một ngày nào đó bạn sẽ chắc chắn rằng điều ấy là đúng”. Câu nói để lại ấn tượng trong tôi, và từ đó, tức là 33 năm nay, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và tự hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng trong đời, liệu tôi có muốn làm những việc mà tôi sắp làm hôm nay không?”. Và mỗi khi câu trả lời “Không” tới trong nhiều ngày liền, tôi biết mình cần thay đổi một thứ gì đó.

Nhớ rằng mình sẽ sớm chết đi là một trong những điều quan trọng nhất giúp tôi đưa ra những lựa chọn lớn của cuộc đời. Bởi vì hầu như tất cả mọi thứ – những kì vọng từ bên ngoài, niềm kiêu hãnh, sự sợ hãi bẽ bàng hay thất bại – tất cả những điều này sẽ trôi đi khi đối diện với cái chết, chỉ để lại thứ thực sự quan trọng. Nhớ rằng mình sẽ chết là cách tốt nhất tôi biết để tránh rơi vào cái bẫy nghĩ rằng bạn có điều gì để mất. Bạn hoàn toàn trần trụi. [Vì vậy,] không có lí do gì để không nghe theo trái tim mình…

Thời gian của bạn có hạn, nên đừng lãng phí sống cuộc đời của ai khác. Đừng bị sa vào bẫy của những giáo điều – tức là sống theo những kết quả từ suy nghĩ của người khác. Đừng để những ồn ào từ quan điểm của người khác dìm đi tiếng nói từ bên trong bạn. Và quan trọng nhất, hãy dũng cảm đi theo trái tim và trực quan của mình. Bằng cách nào đó, chúng tự biết điều bạn thực sự mong muốn trở thành. Mọi điều khác đều là thứ yếu.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)