Sự hồi sinh của Kamikatsu
Ở mọi địa phương trên thế giới, thành công của chương trình “Mỗi làng một sản phẩm” thường bắt đầu từ một cá nhân, một con người đủ năng lực vận động, kết nối sức mạnh cộng đồng.
Nông dân Nhật thu hoạch lá phong.
Thị trấn Kamikatsu nằm trên cao nguyên thuộc tỉnh Tokushima. Kamikatsu vẫn thường được lấy làm ví dụ điển hình về sự sụt giảm dân số nông thôn ở Nhật Bản. Năm 1955 dân số có 6.200 người, đến nay chỉ còn 2.100, trong đó những người trên 65 tuổi chiếm 46%. Dự án Irodori thành công rực rỡ như chính tên của nó (Irodori nghĩa là thứ sặc sỡ, rực rỡ) khi chuyển đổi một thị trấn tưởng chừng vô vọng trở thành một khu vực đầy sức sống.
Thị trấn Kamikatsu lấy năm 1979 là bước ngoặt ra đời Irodori, đánh dấu sự có mặt của một thanh niên tên là Tomoji Yokoishi, khi đó vừa tốt nghiệp Cao đẳng Nông nghiệp tỉnh Tokushima, tới thị trấn để mở rộng hợp tác xã nông nghiệp tại đây.
Bước chân đến thị trấn buồn tẻ, nơi những người nông dân sống với thu nhập còm cõi từ những cánh đồng lúa diện tích nhỏ trong những thung lũng sâu, anh ta tự hỏi mình rằng liệu có thể làm được gì để ngăn cản sự sụp đổ trước mắt của thị trấn này.
Câu trả lời đến với anh khi đột nhiên chú ý tới cô gái trẻ ngồi ở bàn bên cạnh khi đang ăn tối tại một cửa hàng sushi ở Osaka. Anh nhận ra rằng cô không hứng thú với miếng sushi mà với chiếc lá phong màu xanh được dùng để trang trí đĩa ăn một cách nghệ thuật – cô gói chiếc lá trong chiếc khăn tay để mang về. Trùng hợp là, Kamikatshu không chỉ có phong phú nhiều loại cây lá, hoa đẹp mà nó còn có thể cung cấp chúng quanh năm cho những hiệu ăn cao cấp ở Nhật. Hơn nữa, phần lớn người già ở thị trấn Kamikatsu có thể vận chuyển sản phẩm này một cách dễ dàng vì nó rất nhẹ.
Ban đầu bị nhiều người phản đối rất dữ dội, nhưng đầy quyết tâm, Yokoishi tiếp tục vận động sự ủng hộ, đặc biệt là từ những người nữ nông dân cao tuổi. Vào năm 1986, Yokoishi cùng với một số người cùng chí hướng triển khai dự án Irodori dưới dạng một hợp tác xã của thị trấn. Doanh thu năm đó, chỉ vào khoảng 1,2 triệu Yen (khoảng 10.000 USD), mỗi gói lá chỉ bán được với giá từ 5-10 Yen vì những người nông dân và bản thân Yokoishi không biết cách đóng gói sản phẩm, thậm chí không biết các loại hoa lá này được sử dụng như thế nào trong những tiệm ăn của Nhật Bản. Sau đó, họ kiên trì quảng bá sản phẩm tới khắp các vùng tại Nhật Bản và tăng doanh thu lên 21 triệu Yen sau hai năm. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc thu thập thông tin thị trường và dồn hầu hết tiền lương cho việc tới các quán ăn Nhật đắt đỏ ở Tokushima, Osaka và Kyoto, Yokoishi dần dần học được cách phát triển sản phẩm, cách thức marketing và nhanh chóng kết hợp với những người ủng hộ mình để cải thiện dự án Irodori. Khi nhóm dự án nắm chắc những kiến thức thiết yếu về thiết kế sản phẩm, kiểm soát chất lượng, phân phối và marketing, số lượng người tham gia dự án ngày càng tăng, từ 44 người trong năm 1988 tới hiện nay là gần 200 người và thương hiệu của dự án Irodori dần được nhiều người biết đến. Doanh thu của dự án trong năm năm là 50 triệu Yen và trong 10 năm đã lên đến 170 triệu Yen. Trong hơn 20 năm kể từ khi dự án khởi động, thu nhập của người nông dân tham gia dự án đã tăng gấp 10 lần. Cùng với đó là sự tăng trưởng liên tục của mẫu mã sản phẩm, từ vài chục mẫu cơ bản đã lên đến khoảng 300 mẫu mỗi mùa thu hoạch. Tất cả những sản phẩm mới đều được phát triển bởi cá nhân người nông dân, tận dụng tài nguyên sẵn có và phổ biến nhất ở thị trấn. Tất cả những thành viên của dự án Irodori kết nối mật thiết với thị trường ở những thành phố lớn trên khắp Nhật Bản thông qua hệ thống thông tin máy tính, đồng thời họ cũng thường xuyên lui tới những quán ăn Nhật cao cấp để tìm hiểu sản phẩm của họ thực chất được sử dụng như thế nào và loại sản phẩm nào đang được ưa chuộng tại đó. Từ đó, họ có thể đánh giá, điều chỉnh những nguồn tài nguyên sẵn có của mình với một góc nhìn mới mẻ, duy trì quá trình phát triển sản phẩm một cách liên tục. Theo tờ Financial Times, dự án đã thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần cạnh tranh và sáng tạo của những người ở thị trấn Kamikatsu mà nhiều người trong số họ đang ở tuổi 70, 80. Chẳng hạn như nông dân Richii Tamura có ý tưởng trồng cây phong trong nhà kính để giữ cho lá của chúng luôn xanh, đã trở thành nhà cung cấp độc quyền lá phong cho nhiều tiệm ăn.
Sự thành công của Kamikatsu không chỉ nằm ở việc họ đã tìm được một sản phẩm độc đáo và một thị trường ngách tiềm năng. Họ đã xây dựng được một thương hiệu (Irodori) uy tín và phát triển một hiểu biết sâu sắc về lá và thị trường lá trang trí qua từng năm khiến những vùng hay thị trấn khác khó có thể cạnh tranh được. Việc vận hành dự án Irodori hiện nay được hỗ trợ bởi một hệ thống cơ sở vật chất hiện đại và phức tạp về cả phần cứng và phần mềm được phát triển hơn 20 năm qua. Mỗi người nông dần đều được tiếp cận với những thông tin mới nhất (ví dụ như giá cả cập nhật từng ngày) cũng như những thông tin dài hơi hơn (những xu hướng trước đó và trong thời gian tới). Tất cả những thông tin này được thu thập và xử lý bởi hợp tác xã Irodori và được cung cấp tới từng cá nhân người nông dân qua hệ thống máy tính. Mỗi sáng, khi đọc thông tin trên máy tính cá nhân, người nông dân quyết định họ sẽ xuất kho mỗi sản phẩm một số lượng nhất định và gửi quyết định của mình cho hợp tác xã. Sau đó, người nông dân thu hái lá, các nhánh cây và hoa từ nông trại của mình và gói chúng để vận chuyển. Tất cả những gói hàng đều được thu gom tại Hợp tác xã nông nghiệp Kamikatsu trước bốn giờ chiều. Những chiếc xe tải đặc biệt sẽ được sử dụng để vận chuyển chúng tới những thành phố lân cận hoặc tới sân bay Tokushima để đưa tới Tokyo hoặc những thành phố ở xa khác.
Như vậy, câu chuyện về điều thần kỳ ở Kamikatsu bắt đầu từ Yokoishi, một chàng trai ngoại tỉnh trẻ tuổi, người đã cùng với những người dân địa phương thành công trong việc phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” theo một cách khác biệt tại một thị trấn vùng sâu vùng xa với nỗ lực bền bỉ suốt hơn 20 năm. Những sản phẩm của họ không ngừng được phát triển bằng cách huy động sáng tạo những nguồn tài nguyên tưởng như rất bình thường (lá cây, những người lao động già và đất trên núi). Sau khi tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm và xây dựng được uy tín thương hiệu Irodori, các sản phẩm của họ tiếp cận tới những thị trường lớn mà không mất quá nhiều chi phí. Yokoishi và những người dân Kamikatsu đã tạo dựng được nền tảng cho sự hồi sinh và phát triển bền vững ở địa phương, đó chính là không khí đổi mới sáng tạo mà tất cả mọi người tham gia đều kết nối với phần còn lại của thế giới.
Hảo Linh dịch
Nguồn: The One-Village-One-Product (OVOP) movement: What it is, how it has been replicated, and recomnendations for a UNIDO OVOP-type project, World Bank 2008
http://solidarityeconomy.web.fc2.com/en/seinjapan01-ooe.html