Sự trỗi dậy của người máy: “Cuộc cách mạng vĩ đại nhất kể từ khi xuất hiện sự sống”

Nhân loại đang đứng trước một cuộc cách mạng vĩ đại nhất kể từ khi trái đất bắt đầu xuất hiện sự sống – sự hòa quyện giữa trí tuệ nhân tạo với công nghệ sinh học có thể thay thế chọn lọc tự nhiên, con người sẽ đóng vai trò của Chúa trời, theo GS. Yuval Harari, tác giả của các cuốn sách Bestseller như “Lịch sử tóm tắt của nhân loại” , “Lịch sử tóm tắt của tương lai”.

Tuần kinh tế (WirtschaftsWoche): Thưa ông Harari, ông có viết một cuốn sách về quá khứ của loài người, giờ ông lại muốn đề cập đến tương lai của chúng ta. Chúng ta có thể vui mừng về những tiến bộ gì sắp tới trong lịch sử loài người?

Yuval Harari: Trong 1.000 năm qua con người chúng ta đã trải qua giai đoạn học hỏi làm sao để có thể chế ngự được tự nhiên, từ rừng núi, muông thú cho đến những dòng sông. Chúng ta từng bước, từng bước dùng sức mạnh của mình tác động vào môi trường sống chung quanh ta. Sự biến đổi lớn nhất trong thế kỷ 21 này sẽ là, chúng ta có thể kiểm soát cả thế giới ở trong bản thân chúng ta.

Nghĩa là trong tương lai sẽ có những nhà phân tâm học tài ba hơn?

Vấn đề còn lớn hơn nhiều. Hiện nay chúng ta náu mình trong cơ thể và bộ não “tự nhiên” gần như giống với tổ tiên chúng ta ở thời kỳ đồ đá cách đây 50.000 năm. Nhưng không lâu nữa chúng ta không chỉ làm ra những chiếc xe ô tô và quần áo ngày càng tốt hơn mà còn có thể tự làm ra cơ thể và bộ não mới và tốt hơn, thậm chí còn có thể tạo ra ý thức nhân tạo hoàn toàn mới. Đấy thật sự là một cuộc cách mạng vĩ đại nhất kể từ khi xuất hiện sự sống trên hành tinh của chúng ta.

Như vậy là sau bốn tỷ năm tiến hoá, chúng ta bước tới cái ngưỡng – từ đây, sự hòa quyện giữa trí tuệ nhân tạo với công nghệ sinh học có thể thay thế chọn lọc tự nhiên. Con người, Homo sapiens, tồn tại từ mười nghìn năm nay, sẽ biến mất trong thế kỷ này.

Nghĩa là chúng ta đóng vai trò của Chúa?

Đúng thế. Chúng ta tận dụng những tiến bộ trong công nghệ thông tin và công nghệ sinh học và tạo ra được một sự nâng cấp vĩ đại với tư cách là một loài (species). Thế hệ hậu sinh của sẽ khác biệt rất lớn so với chúng ta, tương tự như sự khác biệt giữa chúng ta với loài vượn vậy. Sau đó con người sẽ nỗ lực phấn đấu để có thể trở thành bất tử.

Điều này sẽ diễn ra như thế nào?

Chúng ta sẽ thiết kế lại cơ thể của mình. Vai trò của các nghiên cứu về quá trình tác động vào ADN là hết sức to lớn. Không lâu nữa chúng ta có thể rút ngắn quá trình tiến hoá kéo dài hàng triệu năm chỉ còn vài chục năm. Chúng ta có thể tạo ra bộ nhớ tuyệt vời, trí thông minh, thậm chí khả năng tình dục theo ý muốn của mình. Mà đó mới chỉ là những bước đi đầu tiên.

Những bước đi hơn thế nữa là gì?

Bước tiến triệt để hơn sẽ là kết nối giữa các bộ phận hữu cơ với bộ phận nhân tạo từ đó tạo ta đựơc cyborg (sinh vật cơ khí hóa). Khoa học đang nỗ lực tạo giao diện bộ não- máy tính. Khi tạo được sự đột phá thì chúng ta có thể tích hợp chân tay hay mắt và tai giả vào cơ thể và bộ não có thể điều khiển các bộ phận này như đối với các bộ phận tự nhiên của cơ thể. Lúc đó thì con người và máy móc sẽ là một thể thống nhất.

Những điều này nghe như tiểu thuyết khoa học viễn tưởng.

Các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple hay Baidu ở Trung Quốc ngày càng biến thành các doanh nghiệp công nghệ sinh học nhiều hơn. Tất nhiên thật khó để có thể tiên đoán tương lai sẽ ra sao. Vẫn còn nhiều câu hỏi mà chúng ta cần giải đáp như: khi chúng ta dùng công nghệ mới, thí dụ như trí tuệ nhân tạo vì mục đích gì? Nhưng có một điều chúng ta không thể làm, đó là cản trở hoặc đảo ngược xu hướng biến đổi của công nghệ.

Ông có thể nêu một ví dụ nữa về cyborg – sự sống mới của chúng ta trong tương lai?

Các nhà nghiên cứu đang phát triển Nanorobot, loại nhỏ hơn cả tế bào máu để cấy hàng triệu robot siêu nhỏ này vào huyết quản. Tại đây chúng có nhiệm vụ giám sát các cơ quan trong cơ thể, phát hiện bệnh tật và tấn công tế bào ung thư. Một hệ thống miễn dịch cơ năng học (bionic) như vậy có thể được bổ sung, tăng cường liên tục. Siêu vi trùng và vi khuẩn sẽ không còn cơ hội sống sót. Và có thể trong tương lai chúng ta có thể tạo ra những dạng sống hoàn toàn nhân tạo.

Tạo ra sinh vật từ máy tính?

Đúng thế, một số nhà nghiên cứu tin rằng, sau 20 hoặc 50 năm, hay có thể 200 năm nữa chúng ta có thể tạo ra ý thức nhân tạo trong máy tính. Hoặc chúng ta có thể tải ý thức của mình lên máy tính và chạy qua thế giới ảo 3D. Bạn hãy tưởng tượng, bạn có thể tiếp cận được những ký ức thời thơ ấu của tôi thông qua một giao diện trong bộ não. Vậy tôi là ai, và bạn bắt đầu từ đâu? Khái niệm của chúng ta về bản sắc bị vỡ vụn.

Tự do của con người

Công nghệ giám sát ở tận nơi sâu thẳm trong con người chúng ta – thoạt nghe có vẻ như một cơn ác mộng theo nhà văn Orwell. Tại sao chúng ta lại chấp nhận điều đó?

Con người sẽ có quyền lựa chọn giữa một bên là sự riêng tư cá nhân và bên kia là tình trạng sức khoẻ tốt hơn. Bạn hãy tin tôi, số đông sẽ chọn vế thứ hai. Bạn sẽ chấp nhận cung cấp cho Google hay nhà nước những dữ liệu về cơ thể bạn – đổi lại bạn sẽ có một cuộc sống có tuổi thọ cao hơn.

Còn sự tự do thì sao? Phải chăng trong tương lai không còn có chỗ cho tự do?

Loài người chúng ta bắt đầu là một loài sống trong một cộng đồng rất nhỏ và sự sống còn của nó lệ thuộc rất nhiều vào khả năng cố kết của các nhóm này. Nhưng trong tiến trình của lịch sử – đang diễn ra ngày một nhanh hơn –sự tồn tại của mỗi cá thể lệ thuộc ngày càng nhiều vào sự hợp tác chặt chẽ, bền vững với các cá thể khác. Khi bạn có một hệ thống miễn dịch gồm những Nanobot thì cuộc sống của bạn phụ thuộc hoàn toàn vào sự cập nhật (update) của công nghệ ở bên ngoài.

Và con người chúng ta sẽ ở vị trí nào khi mà trong xã hội có vô vàn những siêu nhân thông minh nhân tạo ?

Đây sẽ là một trong những vấn đề lớn nhất. Có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một tầng lớp vô tích sự. Sẽ có hàng triệu người hoàn toàn không thể làm những công việc tốt hơn so với trí tuệ nhân tạo. Khi mà xe ô tô tự hành, các bác sỹ bằng robot và Google dịch thuật tốt hơn con người thì chúng ta sẽ không cần những nghề như lái xe, các bác sỹ cũng như các phiên dịch nữa.

Ông có khuyến nghị gì về vấn đề này?

Hiện chưa có ai phát triển được một mô hình hoàn hảo để giải quyết được với tình huống này. Một số người nói, các trò chơi trên máy tính có thể là một giải pháp: những người này sẽ dành ngày càng nhiều thời gian trong cuộc đời của họ vào thế giới ảo. Điều này đem lại cho họ công việc thú vị hơn và tạo ra sự kích thích cảm xúc mà họ không thể có được trong cuộc sống thật.

Nghe thật là buồn.

Nhưng chí ít thì cũng 2000 năm nay con người đã chơi một trò chơi thực tế – ảo rất đặc biệt. Chúng ta gọi cái đó là tôn giáo và trò chơi này đã mang lại cho hàng tỷ người trên trái đất ý nghĩa của cuộc sống.

Ông nghĩ thật như vậy sao.

Trong sinh hoạt tôn giáo con người cũng luôn đề ra những quy chế và chúng tồn tại trong sự tưởng tượng của họ: khi bạn xưng tội, bạn có điểm, khi bạn phạm tội, bạn mất điểm. Và trong cuộc sống của mình, ai tích luỹ được đủ điểm thì sau khi chết sẽ lên một cấp độ tiếp theo. Nhìn nhận theo cách đó, sau 50 năm nữa con người chủ yếu sẽ sống trong không gian mạng, giết thời gian bằng các cuộc chơi trên máy tính thì việc nói rằng cách tham gia vào thế giới mạng đó giống như thực hành tôn giáo cũng không có gì lạ như nhiều người tưởng.

Mỗi người đều thích nghi với thời đại của mình

Giả thử nhiều dự báo của ông sẽ trở thành hiện thực ngay trong thế kỷ này, thì không lâu nữa những đứa trẻ của ngày hôm nay sẽ chứng kiến một thế giới với những đổi thay triệt để.

Đúng vậy, đây sẽ là một vấn đề lớn đối với những thanh thiếu niên ngày nay. Thế hệ này phải đối mặt với sự tái tạo liên tục, nhanh đến mức những gì người ta học ở tuổi thanh niên đến năm 40 tuổi sẽ trở nên vô dụng. Và nếu như bạn không chịu thay đổi bạn sẽ trở nên lạc lõng. Ngoài ra còn có thêm một nỗi khổ nữa: Bạn hầu như không thể hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình.

Nghe như có khả năng nổ ra một cuộc cách mạng hoàn toàn khác và đầy tính bạo lực.

Hiện tại trên toàn thế giới đang diễn ra một cuộc khủng hoảng về bản sắc do sự phát triển công nghê quá nhanh chóng và sự thay đổi quá triệt để trong xã hội. Do thế giới ngày càng hỗn loạn hơn và thiếu an toàn hơn nên con người không còn khả năng để biết mình là ai. Vì vậy con người càng ước vọng về một sự ổn định. Nhiều chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của Donald Trump là phản ứng của quá trình phát triển này. Hiện nay phản ứng tận đáy lòng của nhiều người là ôm khư khư lấy bản sắc truyền thống, dù đó là truyền thống tôn giáo hay dân tộc, và coi đây là những vấn đề tối thượng so với mọi vấn đề khác.

Điều đó cho thấy nhân loại sẽ không sẵn sàng tham gia vào quá trình nâng cấp chính mình (upgrade)?

Đối với chủ nghĩa tư bản bạn có quyền tự do mua và làm những gì bạn muốn. Chỉ có một điều bạn không được tự do: rời bỏ hệ thống đó. Trong thế kỷ 18 khi người châu Âu xâm chiếm nước Úc thì thổ dân Aborigine cũng không có cơ hội để nói: “Cám ơn, nhưng chúng tôi không thiết gì cái thế giới hiện đại này”. Điều tương tự cũng sẽ diễn ra, với việc thế giới bị thôn tính bởi trí tuệ nhân tạo và công nghệ gene.

Nếu như có thể, ông có sẵn sàng làm một cuộc hành trình tới tương lai – nơi được “thống trị” bởi công nghệ cao hay không?

Mỗi người thích nghi với thời đại của mình. Nếu như tôi phải trở về thời kỳ đồ đá thì tôi sẽ chẳng biết làm thế nào để kiếm được thức ăn vì cho đến nay tôi chỉ được dạy mua thực phẩm trong siêu thị như thế nào. Vì thế trong tương lai tôi cũng không có khả năng, thậm chí tôi sợ không có cơ thể thích hợp, để tồn tại ở đó.

Xuân Hoài lược dịch theo Tuần kinh tế Đức.

 

Giáo Sư Yuval Noah Harari, nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, sinh ở Haifa, Israel, năm 1976, nhận bằng Tiến sĩ ở Đại học Oxford vào năm 2002, hiện là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông chuyên nghiên cứu về lịch sử thế giới, lịch sử thời Trung cổ và lịch sử quân sự. Hiện nay, ông tập trung vào trả lời những câu hỏi khái quát lớn về quan hệ giữa lịch sử và sinh học. Ông đã xuất bản nhiều sách và bài báo, trong đó có một số cuốn bán rất chạy, đánh dấu tên tuổi của ông như: Sapiens: A Brief History of Humankind. (London: Harvill Secker, 2014); The Ultimate Experience: Battlefield Revelations and the Making of Modern War Culture, 1450-2000 (Houndmills: Palgrave-Macmillan, 2008); Special Operations in the Age of Chivalry, 1100-1550 (Woodbridge: Boydell & Brewer, 2007). Trong cuốn Bestseller “Lịch sử tóm tắt của tương lai”, Harari đề cập đến một tương lai mà ở đó con người sẽ trở thành cỗ máy.

Tác giả

(Visited 16 times, 1 visits today)