Suy nghĩ về hướng đi của lạm phát năm 2008
[Lạm phát] có cả vai trò kinh tế lẫn tâm lý. Nó là đòn chí mạng đánh vào nguyên tắc cần kiệm và uy quyền của nhà nước. (Erich Fromm (1941), Escape from Freedom, tr. 214.)
Ngày 21/11/2007, kỳ họp thứ hai và cũng là kỳ họp cuối cùng trong năm của Quốc hội khóA XII đã kết thúc, với việc thông qua chỉ tiêu tăng trưởng cho năm 2008 từ 8,5 đến 9%, và mức lạm phát phải dưới mức tăng trưởng.
So với năm trước, chỉ tiêu trên dường như không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, chưa kể đến những yếu tố bất định của thị trường thế giới, và các nguyên nhân hiện thời vẫn tiếp tục tồn tại, thì lạm phát năm 2008 đã chứa đựng một yếu tố mới, đó là áp lực tăng lương. Áp lực này vừa là kết quả của lạm phát thời gian qua, lại vừa là một phần nguyên nhân quan trọng cho lạm phát trong thời gian tới. Có thể nói quyết định tăng lương đã hoàn thành chu trình tạo ra lạm phát hiện nay, báo hiệu nguy cơ tự tái tạo của hiện tượng này. Do đó, nếu Chính phủ không tiếp tục chống lạm phát một cách cứng rắn, đạt được mục tiêu trên có thể trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Giải cấu trúc lạm phát 2007-2008
Hình 1 phác hoạ cơ chế vận động của chu trình lạm phát trong bối cảnh chung của nền kinh tế Việt Nam.
Hãy lấy điểm xuất phát từ hộp trung tâm, nằm phía dưới của Hình 1, mang tên “Nền kinh tế Việt Nam”. Ba mũi tên đi theo ba hướng thể hiện nền kinh tế đòi hỏi ba yêu cầu lớn là tăng trưởng kinh tế nhanh, phân phối thu nhập quốc dân theo hướng bền vững, và tái cấu trúc để tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Ba yêu cầu này nếu được đáp ứng, thì vừa phản ánh thành quả của nền kinh tế, vừa hỗ trợ sự phát triển của nó trong dài hạn.
Chúng ta bắt đầu phân tích chu trình từ yêu cầu tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc vào ba nhóm động cơ chính (tính từ phải sang trái): hội nhập kinh tế quốc tế, đầu tư của nhà nước và sự lớn mạnh của khối kinh tế tư nhân (không vẽ trong biểu đồ).
Hội nhập kinh tế quốc tế lại có thể quy về ba khía cạnh lớn: nhập khẩu, xuất khẩu, và tiếp nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Để hỗ trợ hàng xuất khẩu và bảo vệ sản xuất trong nước, chính sách tỷ giá hối đoái thường hướng đến mục tiêu giữ cho giá trị đồng Việt Nam không tăng quá nhanh. Tuy nhiên, gần đây có hai nguyên nhân lớn khiến đồng Việt Nam có xu hướng tăng so với đồng USD, là đồng tiền được dùng chủ yếu trong thương mại quốc tế của ta. Thứ nhất, đồng USD suy yếu trên toàn cầu do nền kinh tế Mỹ chịu thâm hụt kép liên tiếp trong mấy năm qua (thâm hụt ngân sách do chính quyền Bush cắt giảm thuế và tăng chi tiêu cho chiến tranh ở Iraq, đi cùng thâm hụt thương mại lớn với thế giới, đặc biệt là Trung Quốc). Thứ hai, dòng kiều hối và các dòng vốn nước ngoài (trực tiếp lẫn gián tiếp) chảy mạnh vào nước ta trong những năm gần đây. Có thể nói, nguyên nhân thứ nhất mang tính toàn cầu, nguyên nhân thứ hai mang tính quốc gia, và cùng gây sức ép làm tỷ giá USD trong nước giảm. Để giữ đồng tiền Việt không lên giá quá nhanh, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua vào rất nhiều USD, dẫn đến cung ứng tiền Việt tăng, góp phần tạo ra lạm phát trong năm 2007 (mũi tên số 1).
Nguyên nhân thứ hai được xem là góp phần tạo ra lạm phát trong năm 2007 là sự tăng giá nguyên liệu và hàng hóa nhập khẩu. Điều này được thể hiện bằng mũi tên (2).
Đó là hai nhân tố gây lạm phát bắt nguồn từ động lực tăng trưởng kinh tế thông qua ngoại thương.
Trở lại động lực tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư nhà nước. Có thể nói đây là một điểm đặc thù của nền kinh tế Việt Nam. Suốt từ khi thực hiện Đổi Mới kinh tế đến nay, đầu tư của nhà nước vẫn luôn giữ vai trò chi phối trong tổng đầu tư của toàn nền kinh tế. Ví dụ, trong giai đoạn 1995-2006, tỷ trọng đầu tư hằng năm của nhà nước bình quân chiếm khoảng 52% trong tổng đầu tư (Biểu đồ 1). Trong khi đó, ở Trung Quốc, con số này chỉ vào khoảng 24%.
Khi có nhu cầu đầu tư lớn, nhà nước thường phải đối diện với một cám dỗ rất khó vượt qua là tài trợ đầu tư thông qua lạm phát, hay thuế lạm phát (thường dưới hình thức phát hành tín dụng ưu đãi cho khu vực nhà nước đi liền với tăng cung tiền để giảm lãi suất thực). Do đó, nhà tư bản tài chính nổi tiếng người Mỹ Warren Buffett thường coi lạm phát là một vấn đề chính trị, liên quan đến nhu cầu ngân sách của Chính phủ.
Mũi tên (3) trong Hình 1 minh họa thêm một nguyên nhân gây lạm phát trong những năm qua, bắt nguồn từ sự tăng trưởng nhanh chóng của tín dụng nhà nước để đáp ứng nhu cầu đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Có thể nói, ba nguyên nhân nêu trên đã khiến lạm phát tăng cao trong năm 2007. Hậu quả là thông tin thị trường bị bóp méo, tích tụ nên những sai lệnh kinh tế. Trong Hình 1 chúng tôi đưa ra hai vấn đề dễ thấy hiện nay: thứ nhất diễn ra trên thị truờng tài chính, thứ hai trên thị trường lao động.
Trên thị trường tài chính, khi lạm phát cao và dai dẳng, người ta có khả năng sẽ cố gắng chuyển sang nắm giữ những tài sản tích cực hơn tiền do lãi suất thực giảm. Chỉ những người thụ động nhất, ít có điều kiện tham gia các thị trường khác, mới giữ tiền trong tài khoản tiết kiệm. Điều này dẫn đến mấy điểm bất lợi về tổng thể xã hội. Thứ nhất, cá nhân tự đầu tư có thể không hiệu quả bằng ngân hàng hay các tổ chức tài chính do mức chuyên môn hóa kém hơn. Đồng thời, thời hạn của vốn huy động sẽ giảm vì người ta e ngại lãi suất thực sẽ có thể âm nếu lạm phát cao. Kết quả là xã hội có thêm nhiều khoản đầu tư rủi ro và tính bất ổn định của các dòng vốn tăng. Thứ hai, khi mọi người tự đầu tư, vì khả năng hạn chế, họ thường đầu tư vào các thị trường có quan hệ gián tiếp với quá trình sản xuất, như chứng khoán hay nhà đất. Điều này có thể góp phần làm xuất hiện bong bóng trên những thị trường phi sản xuất do cầu đầu tư tăng mạnh. Bong bóng, đến lượt nó, dẫn đến ít nhất hai hệ quả: một là nó thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn gián tiếp từ nước ngoài. Điều này gây thêm sức ép làm tăng giá đồng Việt Nam như đã phân tích trên kia. Hai là, tăng trưởng kinh tế bị đe dọa khi bong bóng vỡ.
Trên thị trường lao động, tiền lương thường không điều chỉnh kịp theo mức tăng giá. Vì thế, mức sống của những nhóm có thu nhập cố định như công nhân, viên chức, người về hưu, người buôn bán nhỏ, v.v… bị xói mòn trước sức tấn công của lạm phát. Trong khi đó, nhóm chủ doanh nghiệp thường có lợi nhờ lạm phát, vì khi giá cả tăng, doanh thu của họ tăng theo. Kết quả là, lạm phát đóng vai trò như một loại thuế chuyển giao thu nhập âm thầm nhưng liên tục từ người nghèo sang người giàu.
Do ảnh hưởng đến quá trình phân phối, không sớm thì muộn lạm phát cũng dẫn đến sức ép tăng lương. Quá trình này diễn ra nhanh hay chậm tuỳ thuộc vào ảnh hưởng chính trị của các tầng lớp nhận thu nhập cố định. Như đã thấy, ở nước ta sức ép này đưa tới quyết định tăng lương tối thiểu từ đầu năm 2008. Việc tăng lương tất yếu dẫn đến tăng giá vì chi phí sản xuất tăng (mũi tên số 4).
Thế lưỡng nan của Chính phủ
Như đã phân tích, trong bốn nhân tố gây lạm phát, có một đến từ bên ngoài (tăng giá nhập khẩu), hai đến từ nỗ lực tăng trưởng kinh tế (tăng tín dụng và giữ giá USD), và một là hệ quả của chính tình trạng lạm phát (tăng lương). Do đó, những công cụ chống lạm phát tích cực nhất hiện nay thường mâu thuẫn với sự tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiện nay có khuynh hướng góp tạo ra lạm phát, và nếu muốn chống lạm phát, cái giá phải trả là tăng trưởng kinh tế giảm.
Sự tăng trưởng đi liền với lạm phát cao tạo ra phát triển rất không bền vững. Vì lạm phát tạo ra cơ chế phân phối ngược từ người nghèo sang người giàu, nên nó đang cuốn trôi những thành tựu xóa đói giảm nghèo trong nhiều năm ở nước ta, và tích tụ nên những bất ổn xã hội tiềm tàng.
Về phía nhà nước, các công cụ chính sách cũng trở nên kém hiệu quả hơn. Thứ nhất, hiện tượng ngoại tệ hóa sẽ tăng làm xói mòn sức mạnh của chính sách tiền tệ. Thứ hai, việc phát hành trái phiếu phục vụ cho ngân sách phát triển sẽ gặp khó khăn, nếu không có sự điều chỉnh lãi suất theo lạm phát. Thứ ba, chi phí chống lạm phát ngày càng cao, đặc biệt, khi lạm phát bước vào giai đoạn tự tái tạo như trong năm tới.
Cuối cùng, và quan trọng hơn cả, lạm phát cao và dai dẳng làm giảm niềm tin của nhân dân vào Chính phủ, đồng thời tích tụ những bất ổn kinh tế và tài chính. Lịch sử thế giới đã cho thấy, các nền kinh tế có lạm phát kéo dài đa phần kết thúc bằng khủng hoảng tài chính. Đây sẽ là tổn thất rất lớn và gây hậu quả lâu dài.
Lối thoát từ phía cung?
Có thể thấy một đặc điểm quan trọng là các chính sách chống lạm phát hiện nay chủ yếu mang tính ngắn hạn, và đối tượng tác động là mặt tổng cầu của nền kinh tế. Hạn chế rất rõ của các chính sách này là chúng thường xung đột với mục tiêu tăng trưởng. Do đó, khả năng theo đuổi đến cùng một chính sách không cao. Việc chồng chất các chính sách ngắn hạn và nửa vời thường không đem lại một kết quả thống nhất. Kết quả là lạm phát vẫn không có dấu hiệu suy giảm, cả trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến những kế hoạch tổng thể ở mức dài hạn hơn, với các chính sách hỗ trợ mặt cung nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các nhân tố gây lạm phát hiện nay.
Thứ nhất, tăng hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực tư nhân, cả về thể chế lẫn kinh tế như ưu đãi tín dụng. Khi khu vực nhà nước được thu hẹp tương đối, sức ép lạm phát sẽ giảm (như đã thấy ở Trung Quốc). Thứ hai, tiếp tục phát triển các thể chế hỗ trợ thị trường nhằm giúp thị trường vận hành tốt hơn. Ví dụ, việc giá cả một số mặt hàng tăng nhanh khi giá nhập khẩu tăng, nhưng lại giảm chậm khi có cắt giảm thuế, có nguyên nhân từ cấu trúc độc quyền trong thị trường của mặt hàng đó. Nếu giải độc quyền, giá sẽ giảm linh hoạt hơn. Thứ ba, việc nới lỏng từ từ giá trị đồng USD nên được đi liền với các chính sách tái cấu trúc nền kinh tế, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Điều tương tự cũng nên áp dụng cho thị trường lao động. Việc tăng lương cơ bản đi liền với tỷ giá USD giảm, tất yếu khiến lao động Việt Nam đắt lên tương đối. Để đối phó với tình huống này trong dài hạn, chúng ta cần có các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động để tăng sức cạnh tranh thông qua kỹ năng lao động cao, chứ không phải chỉ nhờ giá lao động rẻ.