Tái cơ cấu hàng loạt tập đoàn kinh tế

Việt Nam chỉ có thể hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đến năm 2020 do tiến trình cải cách khu vực kinh tế này hiện đang rất chậm.

Đây là nhận định của Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ Đoàn Hùng Viện tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức cuối tuần qua ở Nha Trang.

Ông cho biết, dù Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015, song đây là vấn đề không dễ.

Chẳng hạn, Tập đoàn Cao su Việt Nam dự kiến tổng giá trị thoái vốn đến năm 2015 vào khoảng 4.500 tỉ đồng, và đến cuối năm 2015, số vốn đầu tư ngoài ngành chính dự kiến còn 660 tỉ đồng, bằng 1,5% tổng vốn chủ sở hữu của tập đoàn.

Sau năm 2015, tập đoàn tiếp tục thoái vốn dự kiến thu hồi 562 tỉ đồng. Như vậy, số vốn đầu tư ngoài ngành chính chỉ còn 100 tỉ đồng, chiếm 0,2% vốn chủ sở hữu của tập đoàn.

Tập đoàn Cao su dự kiến sẽ giảm từ 168 công ty xuống còn 101 công ty (giảm 40%).

Tập đoàn Dầu khí tập trung vào việc cơ cấu lại 29 doanh nghiệp cấp II (con), 206 doanh nghiệp cấp III (cháu), thoái vốn tại doanh nghiệp cấp IV. Dự kiến sau tái cơ cấu, tập đoàn này sẽ giảm 6 doanh nghiệp cấp II, 80 doanh nghiệp cấp III và dự kiến giảm nhiều hơn nữa số doanh nghiệp cấp IV.

Tập đoàn Than – Khoáng sản sẽ thoái vốn tại 9 doanh nghiệp. Dự kiến nguồn vốn thu được do cổ phần hóa, thoái vốn các lĩnh vực ngoài ngành và bán bớt cổ phần là khoảng 5.000 – 6.000 tỉ đồng. Trong giai đoạn 2011-2015, tập đoàn sẽ cổ phần hóa 8 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trong đó 1 công ty mà tập đoàn nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, sáp nhập 1, giải thể 2 và thực hiện phá sản 1 công ty.

Tổng công ty Lương thực miền Nam cũng xây dựng kế hoạch thoái vốn 152 tỉ đồng ở 8 công ty. Tổng công ty Lương thực miền Nam hiện nay đang có 4 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 12 công ty cổ phần chi phối, 15 công ty liên kết. Tổng công ty dự kiến sau tái cơ cấu sẽ còn 3 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, 10 công ty cổ phần chi phối và 9 công ty liên kết. Dự kiến sẽ thoái toàn bộ vốn tại 18 doanh nghiệp.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hạch toán phụ thuộc, doanh nghiệp thành viên để giảm từ 73 đầu mối xuống còn 37 đầu mối, dưới các hình thức: cổ phần hóa 18 đơn vị, giải thể 2 doanh nghiệp, thoái vốn góp đã đầu tư tại 37 doanh nghiệp và thực hiện phá sản 2 doanh nghiệp.

Tập đoàn Hóa chất đang có 20 công ty con, trong đó có 8 công ty 100% vốn, 12 công ty cổ phần, 19 công ty liên kết. Dự kiến giai đoạn 2012-2015, tập đoàn sẽ cổ phần hóa 6 công ty, Nhà nước giữ cổ phần chi phối và giảm số công ty liên kết xuống còn 9; thoái hết vốn nhà nước tại 13 doanh nghiệp.

Theo ông Viện, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6/9 đề án tái cơ cấu của tập đoàn kinh tế (Dầu khí, Hóa chất, Công nghiệp Cao su, Điện lực, Công nghiệp Than – Khoáng sản, Dệt May); 8/10 đề án tái cơ cấu tổng công ty 91 (Cà phê, Lương thực miền Bắc, Lương thực miền Nam, Hàng không, Đường sắt, Hàng hải, Thuốc lá, Giấy); phê duyệt không tổ chức thí điểm tập đoàn kinh tế nhà nước đối với Tập đoàn Công nghiệp xây dựng và Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị Việt Nam.

Tác giả