Tái cơ cấu kinh tế quốc gia và một số ý kiến về phát triển Tây Nguyên bền vững
Tái cơ cấu là một nhiệm vụ trọng tâm giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam sang xu hướng phát triển theo chiều sâu và bền vững, thân thiện với môi trường. Đối với mục tiêu định hướng phát triển bền vững vùng Tây Nguyên, tái cơ cấu kinh tế đóng vai trò quan trọng sống còn.
Trong quá trình phát triển, theo Porter, các quốc gia sẽ trải qua 3 giai đoạn đó là: (I) Nền kinh tế dựa vào tài nguyên; (II) Nền kinh tế dựa trên năng suất và (III) Nền kinh tế phát triển nhờ sáng tạo, phát minh. Việt Nam đang đi theo mô hình tăng trưởng thấp nhất (I) vẫn chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, công nghệ gia công, và gia tăng vốn đầu tư vào các ngành thâm dụng vốn được nhà nước bảo hộ (xi măng, thép, ô tô…). Những hạn chế này khiến chất lượng tăng trưởng và hiệu quả của nền kinh tế của nền kinh tế thấp. Vì vậy, chúng ta cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, phát triển xanh, thân thiện với môi trường, tức là chuyển sang giai đoạn 2 của quá trình phát triển (xem Hình 1), trong đó đòi hỏi nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguồn : M. Porter
Số liệu thống kê những năm qua cho thấy, mô hình kinh tế phát triển hiện tại của Việt Nam đang đứng trước rất nhiều nguy cơ tiêu cực do tỷ lệ đầu tư công cao (56% GDP 2010), hiệu suất đầu tư thấp (chỉ số ICOR lên tới 6,8 năm 2010), các doanh nghiệp quốc doanh phần lớn kém hiệu quả (VINASIN, EVN), và có quá nhiều các ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu cao…Hậu quả là, lạm phát và thâm hụt thương mại cao ở mức báo động, tốc độ tăng trưởng sụt giảm, trong khi chênh lệch giàu nghèo tăng, môi trường ô nhiễm, tài nguyên dần cạn kiệt.
Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận về tái cơ cấu kinh tế Việt Nam, đề cập tới các chủ để tương đối rộng từ đổi mới giáo dục, cải cách thể chế, quản lý môi trường, an sinh xã hội, tài chính, nợ công, nhập siêu, phân hóa giàu nghèo…đến quản trị quốc gia. Tại Hội Nghị 3 của BCH TW Đảng CSVN, ngày 10 tháng 10 năm 2011 TBT Nguyễn Phú Trọng đã kết luận “Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam cần tập trung vào 3 lĩnh vực”: Tái cơ cấu đầu tư trong đó tập trung vào đầu tư công; Tái cơ cấu khu vực tài chính, tiền tệ, trong đó tập trung vào tái cơ cấu ngân hàng thương mại; và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào tái cơ cấu tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước. Nhận định này đã được đông đảo các nhà kinh tế đồng thuận và là chủ trương nhất quán của chinh phủ trong điều hành đất nước những năm tới.
Vấn đề tái cơ cấu và phát triển bền vững Tây Nguyên
Tây Nguyên đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm, có thể nói hơn hẳn các vùng khác với các chương trình nghiên cứu và quy hoạch đồ sộ cấp nhà nước (Tây Nguyên 1, Tây Nguyên 2… và đang triển khai Tây Nguyên 3, chưa kể các đề tài lớn nhỏ khác. Tình hình kinh tế Tây Nguyên hiện nay đang giống như tình hình kinh tế chung của Việt Nam khoảng 15-20 năm về trước với tốc độ phát triển GPD cao (trung bình 13%/năm), cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp là chính (khoảng 50%), công nghiệp còn ở mức sơ khai với tỷ lệ khá khiêm tốn (trên dưới 20%). Kinh nghiệm phát triển trên thế giới cho thấy, chưa có quốc gia nào duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài với mô hình thuần nông vì hàm lượng giá trị gia tăng thấp và nông nghiệp chịu nhiều tác động của thời tiết, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ngoài ra, bài học của Trung Quốc sau gần 30 năm phát triển với tốc độ cao đã gây ra rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, gây ra nhiều cuộc biểu tình và bạo loạn. Đây là những điều chúng ta cần phải suy ngẫm vì Tây Nguyên là một vùng đặc thù với những đặc điểm khác biệt về mặt sinh thái, tự nhiên, và cũng là một khu vực xã hội nhạy cảm, đa dạng sắc tộc có tính chiến lược về an ninh quốc phòng.
Nguồn: GSO
Những thành quả về tốc độ tăng trưởng kinh tế như vậy là đáng ghi nhận, góp phần đáng kể giúp Tây Nguyên có được vị thế ngày nay, tuy nhiên, dưới góc nhìn phát triển bền vững, thực trạng Tây Nguyên cũng đang ở mức báo động do những vấn đề bất cập trải rộng trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, văn hóa, xã hội lẫn tài nguyên môi trường.
Nguồn: GSO
Trong điều kiện đó, bàn về phát triển bền vững Tây Nguyên, không thể không đặt lại vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế của khu vực này. Những nhận thức rút ra từ vấn đề tái cơ cấu kinh tế Việt Nam có thể đưa đến một vài gợi ý quan trọng cho quá phát triển Tây Nguyên bền vững. Theo chúng tôi, Tây Nguyên cần xác định mình đang ở đâu trong thang bậc phát triển kinh tế theo giai đoạn. Theo biểu đồ Porter, Tây Nguyên đang ở giai đoạn 1, thậm chí mới ở phần đầu của giai đoạn (phát triển chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên) và cần đặt mục tiêu hướng tới là giai đoạn 2 – tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả đầu tư kết hợp với xu hướng sự dụng các công nghệ thân thiện môi trường, và giảm ô nhiễm. Hơn nữa, có lẽ cũng cần đặt lại câu hỏi liệu Tây Nguyên có nhất thiết phải đi theo con đường công nghiệp hóa bằng mọi cách như các vùng khác đang làm không?
Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước: Cần khẩn trương cổ phần hóa các nông lâm trường, giải tán các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả và chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp quốc doanh hoạt động vì mục đích chính trị xã hội. Các nông lâm trường sở hữu diện tích đất rất lớn và quá trình cổ phấn hóa diễn ra quá chậm, ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế. Cổ phần hóa nông lâm trường sẽ không giống như các doanh nghiệp thương mại nên lộ trình, cách thức tiến hành phải nghiên cứu và tính toán kỹ, đồng thời đánh giá các tác động ngoại vi xã hội, dân cư sống xung quanh. Chỉ số ICOR1 của khối tư nhân/ngoài nhà nước cho thấy hiệu quả đầu tư tốt hơn, do vậy nhà nước nên khuyến khích khu vực này phát triển và mạnh dạn chuyển vốn đầu tư sang khu vực ngoài Nhà nước và tạo sân chơi bình đẳng.
Khu vực tài chính ngân hàng: Nông thôn và nông nghiệp là giá đỡ cho nền kinh tế lúc khủng hoảng, hơn nữa khu vực này thường ít được quan tâm tương xứng, và dễ gây những bất ổn xã hội. Thúc đẩy tín dụng nông thôn không những kích thích, hỗ trợ mà còn là đòn bẩy phát triển kinh tế Tây Nguyên, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản, gia tăng giá trị xuất khẩu. Tuy số lượng các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đang rất nhiều nhưng sức khỏe trung bình lại ở thế yếu so với khu vực và phần lớn “đóng đô” ở các đô thị và trục kinh tế quan trọng. Đầu tư vào Tây Nguyên và “bắt tay” với nông dân, các ngân hàng cần được đối xử bình đẳng với những khuyến khích từ phía nhà nước với một số ưu đãi nhất định về lãi suất, cơ chế tài chính (không nên chỉ có một số ít các ngân hàng như Agribank, Ngân hàng chính sách tập chung vào các khu vực nông thôn miền núi). Thủ tục cho vay và các vấn đề thế chấp tài sản đang là những vướng mắc mà người dân không dễ tiếp cận được với ngân hàng.
Đầu tư công: Đây là lĩnh vực ưu tiên giải quyết của không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới. Tây Nguyên với khả năng về vốn có hạn, chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm mang tính thiết thực, nhất là các dự án tốn kém như cơ sở hạ tầng, công nghiệp. Câu truyện bauxite Tây Nguyên vẫn còn tính nóng hổi với những phản biện của các nhà khoa học về hiệu quả đầu tư là một ví dụ. Trong khi đó, thực tế cho thấy hiệu quả đầu tư trong nông lâm nghiệp luôn cao hơn các lĩnh vực khác2, đảm bảo các vẫn đề ổn định xã hội và xóa đói giảm nghèo. Gần đây mô hình liên minh công tư (PPP) tương đối mới đã và đang áp dụng ở Việt Nam, Tây Nguyên cần tranh thủ mở rộng mô hình này, đặc biệt nhằm huy động vốn đầu tư từ phía các doanh nghiệp.
Song song với tái cơ cấu những khu vực trên, Tây Nguyên vẫn nên tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, chú trọng vào giá trị gia tăng và năng suất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái và công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp nói chung và một số cây lương thực và công nghiệp nói riêng vẫn là những lợi thế cần tiếp tục phát huy lợi thế so sánh nhưng tránh phát triển ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, đặc biệt là phá rừng. Công nghiệp nên đi theo hướng hỗ trợ nông nghiệp như công nghiệp chế biến, ứng dụng các công nghệ thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và công nghiệp gắn với nông lâm nghiệp. Với địa hình chia cắt, không có cảng biển, đường sắt và nguồn nhân lực có hạn, Tây Nguyên không có nhiều lợi thế cạnh tranh nếu đi vào các ngành công nghiệp truyền thống và công nghiệp nặng. Nhiều tỉnh, nhiều nơi muốn đầu tư vào công nghiệp vì tăng trưởng nhanh, tạo ra giá trị GDP lớn, nhưng chúng ta thử nhìn lại xem tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ngay cả các tỉnh có nhiều lợi thế là bao nhiêu trong khi lượng vốn đầu tư bỏ ra là không nhỏ. Tiếp nữa, nếu quá xa đà vào các ngành khai khoáng, Tây Nguyên có thể phải trả giá rất đắt cho các thế hệ sau từ những nguy cơ ô nhiễm môi trường. Khoáng sản càng để lâu càng quý và có giá, nên sẽ tốt hơn biết bao nếu coi nó như “của hồi môn” dành cho thế hệ sau, sẽ chỉ khai thác khi đảm bảo được các yếu tố hiệu quả kinh tế, công nghệ tiên tiến và quan trọng hơn cả là hợp lòng dân. Trên thế giới, đã có những mô hình phát triển thành công dựa trên phát triển nông nghiệp, kết hợp đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ (cung cấp đầu vào, chế biến sản phẩm đầu ra), tổ chức cho người nông dân vào các hiệp hội để tăng hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh trên thị trường như Hoa Kỳ, Đài Loan, Trung Quốc, Hà Lan, New Zealand …Ngành dịch vụ bao gồm tài chính ngân hàng, thương mại, du lịch phấn đấu trở thành một trong các trụ đỡ, hỗ trợ, bôi trơn và thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao và ổn định. Du lịch là một lợi thế tiềm năng nếu biết kết hợp các yếu tố văn hóa, rừng và “không gian Kồng Chiêng”. Như vậy, tái cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp hướng vào tạo giá trị gia tăng lớn hơn, hàng hóa nhiều hơn, hiệu quả cao hơn và bền vững hơn với quy mô lớn hơn, công nghệ tiên tiến hơn và lao động chuyên nghiệp hơn.
Gần đây, trước những tác động thảm khốc của thiên tai, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, mô hình kinh tế xanh/tăng trưởng xanh đã được nhắc đến nhiều và dự đoán sẽ là xu hướng phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, GDP xanh sẽ đánh giá toàn diện các mặt tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, vì vậy chắc chắn nó không chỉ phản ánh thực chất sự tăng trưởng của kinh tế mà còn chỉ ra các tổn thất môi trường mà sự tăng trưởng kinh tế có thể gây ra.
Kết luận
Cơ cấu kinh tế hợp lý là cơ cấu hình thành trên cơ sở khai thác, tận dụng tốt các lợi thế cạnh tranh; do đó một khu vực kinh tế có cơ cấu hợp lý sẽ là tiền đề để phát triển nhanh và bền vững. Cùng với chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng lâu dài, Tây Nguyên cần giải quyết ngay những bất hợp lý mang tính cơ cấu trước mắt nhằm tránh những nguy cơ có thể xảy ra song hành với các bất ổn tiềm tàng về mặt văn hóa, môi trường và xã hội. Phát triển bền vững trong điều kiện đặc thù của Tây Nguyên phải chăng cũng đến lúc nên định vị lại mục tiêu phát triển của mình. Dù thế nào, Tây Nguyên cũng phải đặt mình vào sự phát triển chung của cả nước, là một phần “đặc trưng” hơn là một phần “tương tự”, như một ngón tay trong một bàn tay. Kinh tế xanh, kinh tế sinh thái, hay cụ thể hơn là kinh tế rừng cần được hướng tới thay vì quá tập trung vào tốc độ tăng trưởng. Để chốt lại bài viết, ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã công bố năm 2012 là năm “Năng lượng bền vững và bảo vệ môi trường”, vậy mỗi quốc gia, mỗi khu vực cũng nên tự ngẫm lại mình xem liệu chúng ta có đi ngược lại xu hướng tất yếu mà cả thế giới đang hướng tới hay tiếp tục “cứng nhắc, ích kỷ, mù quáng” kiên định con đường đã chọn.
—
2. Đặng Kim Sơn: Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tài liệu tham khảo
1. Holger R., (2011), Kinh tế học bền vững- Lý thuyết kinh tế và thực tế của phát triển bền vững. Nhà xuất bản Khoa học Tự nhiên và Công nghệ, 2011.
2. Huân, N.V, (2011). Một số vấn đề về tăng trưởng kinh tế ở Tỉnh Kon Tum giai đoạn 2000-2010. Tạp chí KHXH Tây Nguyên, Số 3, 2011.
3. Nguyễn Ngọc Sơn, (2010). Tái cơ cấu kinh tế sau khủng hoảng tài chính toàn cầu: Kinh nghiệm của các nước và khuyến nghị cho Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Phát triển.
4. Phạm Đỗ Chí, (2011). Khi rồng muốn thức dậy- Loai hoay với mô hình kinh tế sau đổi mới. Nhà xuất bản Lao động- Xã hội.
5. Tạp chí Cộng Sản- Viện Chiến lược, (2011). Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Hội thảo khoa học.
6. Vietnam Development Report, (2011). Market Economy for a Middle-income Vietnam. Consultant Draft.