Tại sao Đan Mạch suy nghĩ lại về điện hạt nhân?

Đan Mạch được cả thế giới coi là một mô hình thành công trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Nước này dẫn đầu về năng lượng gió. Nhưng hiện nay các chính trị gia và nhà quản lý kêu gọi cần suy nghĩ lại. Có nhiều lý do làm cho người Đan Mạch hoài nghi.

Nhà máy điện hạt nhân Barsebaek nằm ở phía Thụy Điển của Öresund, eo biển ngăn cách Thụy Điển với Đan Mạch. Nhà máy điện nằm cách bờ biển chỉ 25 cây số đường chim bay tới tòa thị chính Copenhagen, thành phố lớn nhất của Bắc Âu.
Phần lớn dân Đan Mạch coi nhà máy điện nguyên tử vận hành bằng công nghệ của những năm 1970, sát vách Copenhagen là một nguy cơ về an ninh. Những người phản đối năng lượng hạt nhân cảnh báo rằng Đan Mạch sẽ bị ảnh hưởng bởi một tai nạn tiềm ẩn từ nhà máy điện hạt nhân nhiều hơn so với người Thụy Điển. Thụy Điển đã quyết định loại bỏ từng bước năng lượng hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân Barsebäck đã ngừng hoạt động và nhà điều hành hiện tại, công ty năng lượng Uniper của Đức, muốn tháo dỡ nó vào năm 2028.
Tưởng như mọi chuyện vẫn ổn thì nay năng lượng hạt nhân lại được Đan Mạch thảo luận trở lại. Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu các nhà máy điện hạt nhân có được xây dựng ở chính Đan Mạch hay không?
Ông Alex Vanopslagh của đảng Liên minh Tự do hồi năm ngoái đã cho hay: “Đan Mạch cần trở thành một quốc gia thân thiện với môi trường và tất nhiên cách tốt nhất để đạt được điều đó là hỗ trợ và có khả năng sử dụng nguồn năng lượng rẻ nhất, an toàn nhất và ổn định nhất trên thế giới. Đó chính là năng lượng hạt nhân”. Ông kêu gọi thành lập một ủy ban điều tra việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự trên đất Đan Mạch. Điều này đã gây ra tranh luận, mấy tuần qua cuộc tranh luận này có phần gay gắt hơn.
Điều này không khỏi gây bất ngờ. Đan Mạch được quốc tế coi là một mô hình thành công trong việc sử dụng năng lượng tái tạo. Đan Mạch đặt cược vào năng lượng gió từ rất sớm; một nguồn tài nguyên phong phú ở quốc gia nằm giữa Biển Bắc và Biển Baltic. Vestas là nhà sản xuất tuabin gió hàng đầu thế giới.
Người Đan Mạch tự coi mình là những người đi tiên phong về bảo vệ khí hậu. Năm ngoái, 60% lượng điện tiêu thụ xuất phát từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là gió. Đan Mạch phấn đấu phát thải về không vào năm 2045, trước EU cả năm năm. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên WWF gần đây đã trao giải khí hậu quốc tế cho đất nước này.
Tuy nhiên, các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng đang buộc người dân nước này phải suy nghĩ lại. Phát thải về không có nghĩa là mức tiêu thụ điện tăng mạnh. Ô tô, lò sưởi, các nhà máy,  thay vì dùng dầu, khí đốt hoặc than đá trong tương lai sẽ sử dụng điện từ năng lượng tái tạo hoặc bằng nhiên liệu cần nhiều điện để tạo ra.
Bất chấp sự bùng nổ của năng lượng tái tạo, điện ở Đan Mạch có giá thành cao hơn hầu hết các nước EU khác. Chỉ có ở Đức có phần đắt hơn. Tuy nhiên ở Đan Mạch, điện dùng trong ngành công nghiệp được trợ cấp rất nhiều, vì vậy giá điện thuộc diện thấp nhất ở châu Âu.
Ngoài ra nổi cộm một vấn đề thực tế: năng lượng gió chỉ được tạo ra khi các turbine hoạt động, khi gió lặng, turbine ngừng quay nên không sản sinh ra điện. Cho đến nay, không có giải pháp công nghệ nào cho việc lưu trữ năng lượng với quy mô lớn và giá cả phải chăng và khả thi. Đây là một vấn đề lớn đối với quá trình chuyển đổi năng lượng ở Đan Mạch.
Lars Rebien Sørensen, một trong những nhà quản lý hàng đầu của nước này cho biết: “Việc tập trung quá mức vào năng lượng gió ngoài khơi gây một số hậu quả đáng lo ngại và đáng tiếc, có thể gây tốn kém đối với người tiêu dùng và xã hội Đan Mạch”. Nghiên cứu và đầu tư vào năng lượng hạt nhân ở Đan Mạch không bị coi là điều cấm kỵ.
Đại diện các ngành kinh tế khác cũng lên tiếng về việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Vấn đề ở đây không xoay quanh các nhà máy điện hạt nhân kiểu cũ, mà là về các công nghệ mới như lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Nhiều đảng và nhiều chính trị gia ở Đan Mạch ủng hộ quan điểm này. Đây là một sự đột phá mạnh mẽ đang thịnh hành ở Đan Mạch. Đất nước này có một trong những phong trào chống hạt nhân lâu đời nhất thế giới. Sản xuất điện hạt nhân đã bị cấm ở Đan Mạch từ năm 1985.
Và việc xử lý cuối cùng chất thải phóng xạ ở mức độ thấp và trung bình từ ba lò phản ứng nghiên cứu nhỏ đã ngừng hoạt động từ năm 2000 vẫn đang được thảo luận. Ở cấp độ EU, Đan Mạch kiên quyết từ chối năng lượng hạt nhân.
Kể từ những năm 1950, việc sử dụng năng lượng hạt nhân dân sự ở Đan Mạch luôn là một chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhưng cuộc tranh luận hiện tại đã bước vào một giai đoạn có chất lượng mới. Một nghiên cứu của viện nghiên cứu dư luận Megafon tiết lộ rằng thái độ của người dân Đan Mạch đối với năng lượng hạt nhân dường như đã thay đổi hoàn toàn.
Trong cuộc khảo sát, 46% số người được hỏi cho biết họ muốn có năng lượng hạt nhân ở Đan Mạch, trong khi 39% phản đối. Có thể so sánh: gần đây nhất là năm 2016, chỉ có 17% người Đan Mạch ủng hộ năng lượng hạt nhân, trong khi 66% phản đối công nghệ này.
Tuy nhiên, nghiên cứu được thực hiện vào tháng 8 năm 2022, khi giá điện ở châu Âu tăng cao kỷ lục do khủng hoảng năng lượng. Nghiên cứu này đã được một nhà sản xuất lò phản ứng cỡ nhỏ dành cho tàu thủy tài trợ.
Trước nhu cầu hạt nhân, mới đây 16 nhà khoa học năng lượng hàng đầu của Đan Mạch đã công bố một nghiên cứu, theo đó điện hạt nhân đắt gấp đôi điện gió và điện mặt trời. Ngoài ra, phải mất quá nhiều thời gian để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới để giải quyết các vấn đề năng lượng của Đan Mạch.
Chuyên gia GTAI Wozniak cảnh báo không nên đọc quá nhiều về những kết quả này. “Ở Thụy Điển, thái độ hoàn toàn phản đối năng lượng hạt nhân nay chuyển sang ủng hộ nó. Ở Đan Mạch, sự dao động không rõ rệt và ý kiến cũng như đa số dao động tùy thuộc vào các cuộc khảo sát,” Wozniak nói.
Ông này cho rằng triển vọng về các nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng ở Đan Mạch cũng rất mong manh. Điều này không chỉ đòi hỏi đa số nghị viện ở quốc gia Scandinavi, mà còn cần có sự đồng thuận rộng rãi của toàn xã hội. Do đó đây là điều khó lường. Điều này gần đây đã được xác nhận bởi Lars Aagaard, Bộ trưởng Khí hậu, Năng lượng và Cung ứng của Đan Mạch. Ông Aagaard đã phát biểu trên tờ Børsen: “Năng lượng hạt nhân ở Đan Mạch đơn giản là không thể sử dụng được”. Ông này cho rằng “thị trường Đan Mạch không có nhu cầu về điện nguyên tử, đơn giản vì không gì rẻ hơn điện mặt trời và điện gió“.
Hoài Nam tổng hợp
Nguồn: https://www.welt.de/vermischtes/weltgeschehen/article245275446/Lebenserwartung-in-Deutschland-im-westeuropaeischen-Vergleich-niedrig.html
https://www.myheimat.de/duesseldorf/c-politik/jetzt-auch-noch-daenemark-energiewende-vorbild-denkt-ploetzlich-ueber-neue-akws-nach_a3462911

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)