Tại sao Israel rất thành công trong nghiên cứu quân sự?

Trong khi tìm kiếm các nhà khởi nghiệp trẻ cũng như kỹ thuật quân sự đầy sức sáng tạo, quân đội Đức thường dõi theo Hoa Kỳ và Israel. Ở hai quốc gia này, quân đội được coi là lò ấp các start up và là nơi đào tạo các nhân tài chất lượng cao nhất.

“Này, anh kia!”, người lái xe bus đã luống tuổi vung tay đứng chắn lối người khách đi xe. “Không được mang hành lý lên khu vực dành cho hành khách”, ông to tiếng với người thanh niên mặc áo phông, “mời anh đi xuống và để hành lý vào khoang hành lý.” Người lái xe phân bua, đây là quy định về an ninh, không thể lơ tơ mơ được, ông nói. “Ba đồng nghiệp của tôi đã chứng kiến những tên khủng bố trà trộn lên xe của họ. Tôi không muốn chứng kiến cái cảnh đó.”

Tại Israel có quy định, va li và túi xách lớn không được mang lên khoang dành cho hành khách – người ta hy vọng, qua đó có thể giảm thương vong, nếu bom phát nổ ở khu vực để hành lý. Ngay lập tức xuất hiện hai anh lính trẻ, khi người hành khách, có lẽ là du khách, tỏ ra không hiểu điều người lái xe đã nói.

Boaz, 22, và Dalit, 21, tuy không trong thời gian làm nhiệm vụ và đang trên đường về nhà, tỏ ra sẵn sàng giúp một tay, họ nói. “Ở Israel chúng tôi luôn trong tình trạng ít nhiều có lo lắng”, Dalit nói, “chúng tôi luôn phải tính đến điều tồi tệ nhất có thể xẩy ra.” Israel Defence Forces, Lực lượng phòng vệ Israel, viết tắt IDF, có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước nhỏ bé với 8,4 triệu dân. Trên các đường phố ở Tel Avivs và Haifa bất kể ngày hay đêm người ta đều thấy các nhóm thanh niên mặc ka ki đồng phục IDF.

Ở Israel có luật nghĩa vụ quân sự, cả con gái cũng phải đầu quân. Khác với nam giới, các cô gái có quyền từ chối sử dụng vũ khí. Từ nghĩa vụ không mấy dễ chịu này nhưng không ít bạn trẻ coi điều này là một vấn đề đạo đức: họ tình nguyện đăng ký quân sự từ 5 đến 8 năm và tìm mọi cách để được ra nhập đơn vị quân tinh nhuệ lừng danh ở nước này.

Nhất là những người đã từng học đại học về máy tính hay các môn kỹ thuật thì có nhiều cơ may được ra nhập đơn vị 8200 nổi tiếng: nó được coi là bàn đạp để tạo dựng công danh sự nghiệp và là lò ấp cho các startup công nghệ cao. Cho đến cách đây chín năm IDF luôn phủ nhận về sự tồn tại của đơn vị 8200. Ngày nay người ta có thể tìm thấy khá nhiều dấu vết của “cánh 8200“, đó là cái tên  mà các cựu binh ở đây tự gọi mình, và điều này cũng thể hiện trong hồ sơ LinkedIn của nhiều doanh nhân Israel.

Đơn vị 8200 và các startup công nghệ

Drone của Israel

Giờ đây khó mà giữ được bí mật về thành công của các lò ấp quân sự: Có thể nói gần như tất cả các hãng công nghệ cao đều do các cựu binh 8200 tạo dựng. Dịch vụ dẫn đường Waze (Google đã mua), người khổng lồ về an ninh IT CheckPoint Software, AudioCodes và ICQ cũng như nhà sản xuất cảm biến MobilEye là những ví dụ nổi bật nhất.

Đơn vị này có khoảng 5000 binh sỹ  –  IDF giữ bí mật về con số chính thức – mỗi năm đơn vị này tạo ra khoảng 100 nhà khởi nghiệp mới về công nghệ cao; có thể nói đơn vị này đơn thương độc mã trở thành điểm nóng về Hightech và startup của thế giới: không nơi nào có số vốn rủi ro tính theo đầu người lớn như ở đất nước này; Israel nhỏ bé nhưng lại có số doanh nghiệp khởi nghiệp tính theo đầu người nhiều nhất thế giới, có số lượng chuyên gia IT vào loại nhiều nhất thế giới trên cơ sở số dân và sau Hoa kỳ và Trung quốc Israel có nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán công nghệ Hoa kỳ Nasdaq.

Chính xác thì đơn vị 8200 hoạt động như thế nào? Điều gì làm cho các cựu binh 8200 có nhiều thành công về kinh tế? Mọi chuyện bắt đầu từ những năm 1930 khi các tình báo người Do Thái nghe trộm các cuộc điện thoại nói tiếng Ả rập; sau năm 1948 các nhân viên tình báo chủ yếu là các chuyên gia về mật mã. Tương truyền, nội trong một buổi chiều họ đã giải được mật mã của vô tuyến điện Ai cập trong cuộc chiến tranh sáu ngày. Ngày nay đơn vị 8200 chủ yếu sử dụng chuyên gia mạng và Hacker. Họ đã lập trình loại virus Stuxnet khét tiếng, loại virus này năm 2010 đã làm tê liệt phần mềm điều khiển một nhà máy điện hạt nhân của Iran, nhà máy này bị nghi là có khả năng làm giàu Uran để làm vũ khí.

Mạng lưới nhân lực

Ai muốn ra nhập đơn vị 8200 đều phải trải qua một quá trình chọn lọc hết sức kỹ lưỡng và sự chọn lọc bắt đầu từ khi còn học phổ thông trung học. Đặc biệt học sinh có điểm cao ở các môn toán, tin học và vật lý thì được Aman, cơ quan tình báo quân đội, để mắt tới nhiều hơn. “Nhiều người thậm chí còn không biết họ đang trải qua quá trình tuyển lựa“, Svet Cohen, nữ quân nhân dự bị kể. “Cho tới một hôm họ nhận được một cuộc gọi mời tham dự tuyển sinh.”

Bằng cách đó hàng năm IDF chọn ra được những học sinh xuất sắc nhất về toán và Coder-Cracks. Cách làm này không thể thực hiện ở Đức hay Hoa kỳ vì các nước này không có nghĩa vụ quân sự. Những người trải qua cuộc thử thách đầy khó khăn chỉ phải thực hiện một khóa học quân sự cơ bản ngắn hạn và nói chung không tham gia các nhiệm vụ chiến đấu. Thay vào đó các chiến sỹ đặc nhiệm này được giao ngay các nhiệm vụ cụ thể: thí dụ, thâm nhập vào mạng lưới máy tính của các cơ quan chính phủ nước khác. “Họ lập thành các nhóm nhỏ từ 8 đến 10 người, và được giao ngay các nhiệm vụ cụ thể”, Ofer Tziperman nói, ông là đồng sáng lập doanh nghiệp Anagog ở Tel Aviv, chuyên về xử lý dữ liệu địa lý, “các chiến sỹ phải giải quyết các vấn đề, giải quyết như thế nào, cấp trên không quan tâm, điều chủ yếu là phải giải quyết nhiệm vụ một cách nhanh gọn nhất.”

Trong các quân đội khác điều này là không thể: Không một viên tá, không một thượng sỹ nào chỉ thị các kỹ thuật viên trẻ phải làm một cái gì đó. “Với phong cách làm việc này các kỹ thuật viên sớm biết tự chịu trách nhiệm”, Cohen nói. Các cựu binh của đơn vị 8200 mang theo phong cách làm việc này cũng như tri thức kỹ thuật ứng dụng vào cuộc sống nghề nghiệp của họ.

Công nghệ an ninh

Giải quyết các vấn đề một cách nhanh gọn và tập trung và thực hiện phân cấp theo chiều ngang  – đó là những tính cách mà các startup rất cần phải có, nếu như các startup đó muốn khẳng định được mình trước những phòng, ban nghiên cứu được trang bị tốt, có nhân sự hùng hậu, có nguồn tài chính dồi dào thuộc các tập đoàn công nghệ to lớn. Trước đây, đơn vị 8200 hợp tác nghiên cứu với đồng minh thân thiết nhất là Hoa kỳ để cải tiến các loại vũ khi từ lựu đạn, súng cối cho đến xe tăng và tên lửa. Từ những năm 80 quân đội Israel được coi là dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công của bọn Hacker.

Tại Hod HaSharon, một vùng ngoại ô điển hình của Tel Aviv, có trụ sở của Karamba Security với khoảng 40 nhân viên. Hầu như tất cả những người sáng lập các doanh nghiệp hightech của Israel kể cả các cán bộ lãnh đạo của Karamba Security từng có quá khứ binh nghiệp: Chief Scientist Assaf Harel và giám đốc phụ trách nghiên cứu Tal Ben-David cả hai đều từng là cựu binh tinh nhuệ thuộc đơn vị 8200 lừng danh. CEO Ami Dotan trước đây làm việc cho Rafael Defense Systems (RDS). RDS nguyên là dự án thuộc National Research & Development Defense Laboratory, phòng nghiên cứu quan trọng nhất của IDF. Những tri thức và các mối quan hệ mà họ có được khi là quân nhân nay nhiều người đưa vào sử dụng trong hoạt động dân sự. Điều tương tự cũng đang diễn ra đối với Karamba Founder, cơ quan này hiện đặc trách về an toàn ô tô – nói chính xác hơn: về an ninh mạng. Thực ra điện tử và Software trong xe ô tô dân sự bản thân nó hoàn toàn không có gì mới, Barzilai, giám đốc của Karamba giải thích. “Tuy nhiên trước đây xe ô tô là một hệ thống khép kín, quá lắm kiểm tra mỗi năm một lần, khi bộ nhớ có lỗi mới tiếp xúc với một máy tính khác.”

Ngày nay tình hình hoàn toàn khác, và chỉ ít năm nữa xe của chúng ta luôn kết nối với các máy tính khác qua mạng di động Internet. Thí dụ Tesla từ lâu đã xử dụng Over-the-air-Updates để cập nhật cho khách hàng các phiên bản phần mềm mới thông qua Internet GSM, UMTS hay LTE. “Khi ô tô tự lái và hoạt động ở các thành phố thông minh, nó sẽ phát và tiếp nhận thường xuyên một lượng lớn dữ liệu”, Barzilai giải thích.

Khi sự kết nối mạng của ô tô tăng lên thì nguy cơ tấn công mạng sẽ rất lớn. Khi tên hacker đã có măt trong ô tô nó có thể thông qua mạng trong xe gây nhiễu các thiết bị điều khiển như hệ thống phanh, khí ga hay tay lái.

Mặc dù có nhiều doanh nghiệp về an ninh mạng, có nhiều năm kinh nghiệm về lập trình cho các chương trình chống virus, tường lửa và các loại tương tự. “Nhưng các chương trình đó chỉ phát huy tác dụng sau khi xảy ra các vụ tấn công”, Barzilai giải thích. Có nghĩa là dựa vào các cuộc tấn công diễn ra trước đó, theo các khuôn mẫu nhất định trong các mã khóa hoặc các số liệu thống kê. “Nhà sản xuất hứa sẽ giảm tới 99% các vụ tấn công trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng điều này đối với một chiếc ô tô đang chạy thật không có ý nghĩa, bởi vì chi cần một giây sau khi xẩy ra sự truy cập không được phép đã có thể xẩy ra một tai nạn chết người”, Barzilai bổ sung.

Vì thế vấn đề mà Karamba đặt ra là vô hiệu hóa ngay từ đầu mọi cuộc tấn công của bọn Hacker. “Chúng tôi sẽ là những người lập trình hệ thống điều khiển trên ô tô, mọi sự thay đổi đối với thiết bị điều khiển chỉ có thể diễn ra với sự đồng ý của nhà sản xuất chiếc xe đó. Mọi sự can thiệp khác sẽ bị chặn đứng ngay tức khắc”, nhà khoa học trưởng Harel giải thích.

Ý tưởng về dự án an ninh Karamba nảy sinh ở các nhà khởi nghiệp khi họ xây dựng tường lửa để chống lại các cuộc tấn công của bọn hacker thù nghịch. “Khi người ta từng tham gia xúc tiến mươi, mười hai dự án loại này, thì thường có một dự án trong số đó sau này trở thành start-up để sử dụng trong đời sống dân sinh”, Barzilai nói.

Công nghệ quang-điện tử

Tại đơn vị mang số hiệu 81 Rosenzweig làm việc về các hệ thống quang-điện tử. Đơn vị 81 trong 8200 có chức năng như một tàu ngầm, khác với 8200, đơn vị 81 hầu như không được đề cập tới trong các website của hãng hoặc trong hồ sơ LinkedIn; Wikipedia chỉ đề cập dúng hai dòng về đơn vị 81 này. IDF về cơ bản không có phản ứng gì trước những câu hỏi liên quan đến đơn vị này.

Nhưng đơn vị đó có tồn tại: Rosenzweig và ba người đồng sáng lập từng làm việc ở đơn vị này về MEMS – Microsystem quang – điện tử. Công nghệ này được ứng dụng thí dụ đối với các loại vũ khí có điều khiển, thiết bị nhìn ban đêm hoặc dùng cho máy bay do thám. Không lâu nữa nó cũng sẽ được sử dụng trong ô tô tự điều khiển. Sau một số năm ở Mỹ, Rosenzweig đã thành lập ở Kfar Saba phía bắc Tel Aviv doanh nghiệp Innoviz, chuyên về Lidar. Công nghệ này làm cho chùm tia laser có thể nhìn thấy hình bóng trong đêm tối hoặc khi trời đầy sương mù, công nghệ này là chìa khóa cho xe tự lái.

Không chỉ kiến thức về chuyên môn mà cả thái độ trong công tác mà các cựu binh hấp thụ được ở đơn vị 81 đều có tác dụng tốt đối với các nhà sáng lập Innoviz trong hoạt động kinh doanh hiện nay. Họ chỉ mất một năm để phát triển và hoàn thiện hệ thống Lidar để cung cấp cho các nhà chế tạo ô tô, ông Rosenzweig kể đầy tự hào, và: “doanh nghiệp đứng đầu thị trường Velodyne ở San José thuộc California đã mất gần bảy năm để hoàn thành công việc này”.

Rosenzweig nói “IDF khác với quân đội Liên bang Đức hay quân đội Pháp, nó na ná như mạng lưới cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ưu tú của Hoa kỳ. Các cựu sinh viên duy trì cả đời mối quan hệ khăng khít với nhau; họ giới thiệu cho nhau các nhà đầu tư cũng như khách hàng tiềm năng, họ trao đổi với nhau về các vấn đề công nghệ.” Rosenzweig từng sống mười năm ở Silicon Valley và biết khá rõ về những nét tương đồng. “Nhưng Tel Aviv nhỏ bé hơn, các mối quan hệ giữa các cựu binh IDF chặt chẽ, khăng khít hơn“, ông nói. Ông quen biết cả ba nhà đồng sáng lập từ thời là quân nhân; họ cùng lứa tuổi với nhau và ở cùng một đơn vị. “Và chúng tôi quen biết cả hai chục nhân viên đầu tiên của doanh nghiệp cũng từ cái lò IDF.”

 Hoài Trang tổng hợp

Nguồn: https://www.wiwo.de/technologie/forschung/in-staendiger-alarmbereitschaft-warum-die-militaerforschung-in-israel-so-erfolgreich-ist/22797116.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)