Tầng lớp trung lưu đang lụi tàn

Tyler Cowen, một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trong thập niên vừa qua theo khảo sát của tạp chí The Economist, dự đoán tầng lớp trung lưu sẽ “lụi tàn” do với máy tính thông minh, một nhân viên cũng làm được nhiều việc như một chuyên gia.

Thưa ông Cowen, máy tính đã thay thế những công việc của nhân viên thư ký, bảo vệ hay nhân viên tổng đài điện thoại. Tới đây máy tính sẽ còn thay thế những nghề gì nữa?

Máy móc, chương trình máy tính và người máy sẽ xuất hiện nhiều hơn trong nhiều nghề khác nhau, từ người lái xe tải cho đến thầy thuốc. Hiện nay, đã có các chương trình máy tính làm công việc của các luật sư, người máy tiến hành phẫu thuật ở người bệnh và cũng đã có ô tô tự lái. Sẽ hay hơn nếu bạn hỏi: những nghề gì trong vài chục năm tới không dễ gì thay thế.

Thưa ông, liệu có nguy cơ xảy ra thất nghiệp hàng loạt hay không?

Tôi nghĩ là không, máy móc sẽ không dễ gì thực hiện nhanh chóng mọi công việc. Có những công việc cũ sẽ bị huỷ bỏ nhưng sẽ xuất hiện những công việc mới. Chỉ có điều, phần lớn những vị trí làm việc mới có mức lương không cao bằng những công việc cũ. 10 đến 20 % lao động trình độ cao sẽ kiếm được rất bộn tiền – những người khác thì ít hơn. Tầng lớp trung lưu sẽ tàn lụi.

Thưa ông, tại sao lại như vậy?

Bởi vì với việc sử dụng máy tính thông minh một nhân viên phụ trợ trong tương lai sẽ làm được nhiều việc như một chuyên gia hiện nay. Thí dụ một công ty luật ngày nay ít sử dụng những đối tác trẻ để nghiên cứu các văn bản luật với mức lương 160.000 đôla một năm – một thực tập sinh kết hợp với một chương trình máy tính cũng đủ để hoàn thành công việc này.
 
Chương trình phần mềm sẽ thay thế cho tấm bằng bác sỹ?

Nhiều người sẽ nhận ra rằng, việc họ đầu tư nhiều cho đào tạo đã bị lỗi thời. Để có thể làm chẩn đoán trong phòng bệnh, không lâu nữa người ta không nhất thiết phải có bằng bác sỹ. Vì đã có phần mềm giúp họ. Có nghĩa là người ta chỉ cần có chút ít kiến thức về y học nhưng phải biết sử dụng máy tính thành thạo.

Có nghĩa là tất cả chúng ta sẽ phải học lập trình?

Không, không phải như vậy. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu một chương trình máy tính nhất định sẽ hoạt động như thế nào. Và bạn phải biết đánh giá, máy tính tốt ở điểm nào và dở ở điểm nào.

Thưa ông, thế còn những người không làm được điều đó?

Không phải mọi người sẽ đều làm việc với máy móc. Số việc làm trong ngành dịch vụ sẽ ngày càng nhiều – là lao động chân tay, xã hội và tâm lý, những loại việc này không dễ gì tự động hoá.

Người đặc biệt tinh thông nghề nghiệp của mình sẽ có thể kiếm được nhiều tiền: một trợ lý giỏi, đáng tin cậy, một huấn luyện viên Yoga giỏi, một thợ làm vườn đặc biệt tài hoa.

Một dự báo không mấy sáng sủa.

Triển vọng không mấy sáng sủa. Phân chia thu nhập sẽ rất không bằng nhau, người được nhiều không hẳn đã có hạnh phúc. Nhiều người có thể tự do hơn khi quyết định về công việc của mình, đảm đương những nhiệm vụ thú vị, và nhiều người sẽ có một cuộc sống, có quan hệ xã hội phong phú. Bạn hãy nhìn Berlin mà xem. Ở đó, nhiều người tuy có ít tiền nhưng lại có một cuộc sống kiểu người Bô-hê-miêng. Nhiều người thông minh, có năng khiếu nghệ thuật và kiếm sống bằng cách liên kết nhiều nghề với nhau.

Nhưng ở Berlin giá thuê nhà tăng và đẩy những nghệ sỹ ra ngoài lề.

Họ bao giờ cũng tìm được một chỗ mà ở đó cuộc sống dễ chịu hơn. Những người Mỹ trẻ thường kéo tới Texas, nơi đây đất rộng nên tiền thuê nhà khá rẻ. Texas vì thế trở nên có tính nghệ sỹ hơn.

Thưa ông sự phân hoá giầu-nghèo trong xã hội chẳng phải là một đặc điểm của Mỹ đó sao? Ở Đức nền kinh tế phát triển bùng nổ, 42 triệu người có việc làm.

Chỉ có điều sự không đồng đều ở Mỹ thể hiện sớm hơn so với nhiều nước khác. Hiện chỉ có 8% dân Mỹ trong độ tuổi lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất, và tỷ lệ này sẽ tụt xuống bằng không. Ở Đức nền công nghiệp mạnh hơn, vì vậy sự chuyển đổi sẽ diễn ra chậm hơn. Tuy nhiên sự tự động hoá sẽ tăng lên. Và mặc dù nền kinh tế phát triển bùng nổ nhưng 15 năm nay tiền lương lại không tăng.

Về lâu dài không một ai muốn cùng một lúc làm ba công việc khác nhau để có thể trụ lại ở Berlin khi tiền thuê nhà tăng lên. Liệu có nguy cơ bất ổn sẽ xảy ra nay mai không, thưa ông?

Tôi tin rằng cách mạng sẽ không xảy ra. Lần cuối cùng xảy ra bạo loạn là những năm 1960, đúng vào thời điểm tầng lớp trung lưu phát triển. Xã hội Đức và Mỹ giờ đây nói chung già hơn nhiều – và vì vậy người ta bảo thủ hơn và ôn hoà hơn.

Thưa ông những loại công việc gì trong tương lai vẫn sẽ được trả công hậu hĩnh?

Nếu bạn là một nhà quản lý giỏi, có khả năng tâm lý tốt, bạn biết cách động viên con người và giỏi về Marketing thì trong tương lai gần như máy móc sẽ không thể cạnh tranh với bạn. Mọi công ty luật vẫn cần có đối tác, để qua đó nhận được những bản hợp đồng mới. Những loại công việc như thế hiện nay đã được trả công khá hơn trước.

Trong tương lai chủ yếu máy móc tạo nên sự thịnh vượng, vậy sự phân chia thịnh vượng đó có buộc phải khác với hiện nay hay không?

Có lẽ phúc lợi xã hội sẽ tăng hơn, điều này tại Mỹ đã thể hiện qua cuộc cải cách y tế Obamacare. Có lẽ máy móc và sở hữu trí tuệ sẽ bị đánh thuế cao hơn trong tương lai.

Phải chăng đó chẳng qua chỉ là một sự đánh bóng bề ngoài? Chỉ có một số ít người trở nên giàu có, phong lưu hơn.

Đúng vậy, nhưng người thông minh có thể thoát nghèo và tìm đường ngoi lên tới đỉnh. Những người trẻ tuổi ở Ấn Độ hay Trung Quốc có thể học đại học qua mạng Internet. Vì tất cả diễn ra online, mọi sự đều được đánh giá thường xuyên, liên tục. Việc phát hiện tài năng diễn ra nhanh chóng hơn nhiều. Ai thực sự là người có tài thì nhất định sẽ được chào đón, lôi kéo cho dù người đó đang sinh sống ở tận Ấn Độ.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)