Táo bạo

Israel, một quốc gia nhỏ bé với 7,1 triệu dân, liên tục xảy chiến tranh từ khi ra đời, không có tài nguyên thiên nhiên nhưng lại có nhiều doanh nghiệp mới hơn hẳn các quốc gia lớn, hòa bình và ổn định như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada và Anh. Fraud Sciences và Haifa-Intel là hai trong số các ví dụ nổi bật.

Shvat qua mặt PayPal

Scott Thompson, Tổng giám đốc và trước kia từng là Giám đốc Công nghệ của mạng PayPal – hệ thống thanh toán trên Internet lớn nhất thế giới hiện nay, dù luôn luôn bận rộn với nhiều việc phải làm nhưng vẫn dành cho Shvat Shaked, một “cậu nhóc con” trong ngành khoảng 20 phút để nghe anh này nói về một giải pháp xử lý các mưu đồ gian lận trong thanh toán tiền qua mạng, lừa đảo thẻ tín dụng và trộm cắp qua mạng.

“Ý tưởng của chúng tôi rất đơn giản, ông Thompson ạ. Chúng tôi tin rằng thế giới này có 2 loại người: người tốt và người xấu, do đó để chống gian lận trên mạng internet thì ta cần phân biệt được ai tốt – ai xấu ngay trên các trang web”. Shvat nhẹ nhàng bắt đầu trình bày.

Thompson cố gắng kìm chế sự thất vọng khi nghe chàng trai nói. Trước khi làm việc cho PayPal, ông từng là quản lý cấp cao của công ty thẻ tín dụng VISA – một thương hiệu lớn trên toàn cầu và có kinh nghiệm chống gian lận. VISA và các ngân hàng đối tác của nó đã tập hợp được khoảng 10,000 nhân viên chuyên trách chống gian lận, trộm cắp, lừa đảo qua hệ thống thẻ tín dụng. Còn PayPal hiện có 2,000 người làm việc này. Thế mà chú nhóc con này nói về việc “phân biệt người tốt, người xấu…”. Nhưng ông vẫn lắng nghe thêm khi Shvat tiếp tục “Những người tử tế vẫn để lại dấu vết sau khi lên internet, đó là những vết truy cập, được mã hóa theo kỹ thuật số bởi vì họ đàng hoàng, không cần che dấu điều gì cả. Trong khi bọn gian lận, bất lương lại cố gắng xóa dấu vết để ẩn mình. Chúng ta cần dõi theo các dấu vết trên internet dạng này. Nếu nhận diện được các cách để lại hay xóa dấu vết, chúng ta có thể tối thiểu hóa rủi ro xuống mức chấp nhận được. Đơn giản như vậy thôi”.

“Lì lợm, gan góc, không ngượng ngập, quyết tâm đến mức khó tin được, và đầy kiêu ngạo đến mức không có ngôn ngữ nào diễn tả chính xác được.”

Ông Leo Rosten, một học giả Do Thái mô tả sự táo bạo của người Do Thái như vậy

“Cậu học được điều đó từ đâu vậy?” Thompson tò mò hỏi.

Và Shvat Shaked đáp “Từ khi tôi săn lùng bọn khủng bố. Tôi từng tham gia quân đội, hỗ trợ lực lượng chống khủng bố bằng cách truy tìm dấu vết chúng trên mạng. Bọn khủng bố thường chuyển tiền qua website. Chúng tôi đã dõi theo hàng ngàn giao dịch, và đã tìm ra 4 vụ”.

Thompson chấp nhận ý tưởng này, và đề xuất như sau: PayPal có 100,000 giao dịch qua mạng và Shvat với công ty của anh tên là Fraud Sciences (tạm dịch: Phân tích Gian lận) đặt tại Israel sẽ thử kiểm tra, đồng thời phòng ban chuyên môn của PayPal cũng làm, sau đó hai kết quả sẽ được đem ra so sánh. Trước kia, Shvat và công ty nhỏ bé của mình làm “thủ công” khi phân tích, dò tìm dấu vết gian lận trên mạng, nhưng với số lượng 100,000 giao dịch của PayPal đưa ra thì anh biết là phải xử lý bằng hệ thống máy tính tự động.

Vài ngày sau, hai kết quả truy tìm gian lận được đem ra so sánh và thật bất ngờ đối với Thompson: Shvat và đội ngũ nhỏ bé của anh ta cho ra kết quả còn chính xác hơn kết quả mà PayPal thu được, trong thời gian ngắn hơn ngay cả khi họ thiếu dữ liệu hơn so với PayPal. Thompson nhận ra đây là một công cụ hữu hiệu để phòng chống gian lận trong thanh toán qua mạng internet. Ông nói “chúng tôi từng là đơn vị giỏi nhất trong lĩnh vực quản lý rủi ro. Vậy mà một doanh nghiệp nhỏ, chỉ với vài chục con người của Israel với lý thuyết “phân biệt người tốt – người xấu trên mạng” lại qua mặt được cả một tên tuổi lớn như PayPal! Thompson quyết định: phải mua lại cái công ty nhỏ, mới thành lập này để nắm được công nghệ mang tính đột phá của nó. CEO của eBay, Meg Whitman cũng sững sờ trước kết quả của “người tí hon” Phân tích Gian lận, đến từ Israel. Vấn đề bây giờ là: nói chuyện như thế nào với chàng trai trẻ Shvat?

Tạm thời, Thompson trả lời e-mail cho Shvat rằng: bên ông cần thêm thời gian để so sánh hai kết quả phân tích và sẽ thông báo cho anh sau. Chiến thuật này chỉ nhằm “câu giờ” để Thompson tìm cách đặt vấn đề mua lại công ty của Shvat. Nhưng ông không biết là Shvat cùng với người đồng sáng lập của Phân tích Gian lận chưa có ý muốn bán lại doanh nghiệp của họ. Cho nên khi Thompson đề xuất giá mua lại là 79 triệu dollar, Shvat từ chối ngay vì anh tin rằng doanh nghiệp của mình trị giá khoảng 200 triệu, hoặc hơn. Sau vài vòng đàm phán tiếp theo, Shvat chấp nhận bán lại công ty Phân tích Gian lận của mình cho Thompson với giá 169 triệu dollar.

Sau khi thương lượng kết thúc, Thompson đáp máy bay đi thăm công ty mà mình vừa mua lại. Khi máy bay gần hạ cánh, Thompson mới chợt nghĩ: “tôi mua lại một công ty trong khu vực đang có chiến tranh ư? Những địa danh mang mùi súng đạn: Lebanon, Damascus, Syria, Jordan, Ai Cập ….” Ông cũng biết những quốc gia láng giềng của Israel là ai, nhưng khi đến tận nơi ông mới thấy đất nước của người Do Thái nhỏ bé và bị các nước láng giềng bao vây chặt như thế nào. Đi vào bãi đậu xe của công ty Phân tích Gian lận, ông còn kinh ngạc bởi vì tất cả các xe hơi ở trong bãi đều đã được dán logo của PayPal. Kế đến, thái độ của các nhân viên làm việc tại đây cũng làm ông vui sướng: mọi người chăm chú quan tâm đến ông, họ không ngần ngại thách thức những logic trong phương pháp làm việc của PayPal – những nguyên tắc đã có từ nhiều năm nay. Họ đều là những thanh niên trẻ tuổi, và trong đầu Thompson lúc đó nghĩ “không biết ai đang làm việc cho ai?”

Đó mới chỉ là những trải nghiệm đầu tiên của Thompson về sự táo bạo của người Israel mà ông Leo Rosten, một học giả Do Thái đã mô tả là “lì lợm. gan góc, không ngượng ngập, quyết tâm đến mức khó tin được, và đầy kiêu ngạo đến mức không có ngôn ngữ nào diễn tả chính xác được.” Sự táo bạo này ở khắp nơi trên đất nước Israel: trong cách nói chuyện của sinh viên với giáo sư đại học, nhân viên phản biện sếp trên, trung sĩ nói chuyện với chỉ huy cấp tướng …

Israel là đất nước chấp nhận sự thất bại trong kinh doanh, vì quốc gia này tự coi mình là “đất nước được hồi sinh”. Vậy nên luật pháp và các quy định về phá sản doanh nghiệp và đăng ký thành lập mới đều thuận lợi, cởi mở nhất trong khu vực Trung Đông.

 Haifa – Intel

Trong máy tính, tốc độ xử lý dữ liệu phụ thuộc rất nhiều vào các transitor trong con chip điện tử của bộ vi xử lý. Nhưng cho đến thập niên 70 thì máy tính vẫn phục vụ chủ yếu cho công nghiệp quốc phòng chứ chưa phổ biến đại trà. Ý tưởng sử dụng máy tính trong văn phòng còn quá xa vời. Mãi đến năm 1980 thì nhóm nghiên cứu Haifa của Intel, bao gồm những người Israel mới hoàn tất bộ vi xử lý với con chip 8088 tốc độ 4.77 megahertz và có kích thước đủ nhỏ để có thể sử dụng trong văn phòng, hộ gia đình – các ứng dụng dân sự thông thường. Đến năm 1986, tốc độ chip Intel đã được nâng cấp thành 33 megahertz. Và sự tăng trưởng về tốc độ cứ thế diễn ra cho đến năm 2000, khi đó chip siêu tốc độ được ứng dụng trong laptop. Tuy nhiên vấn đề là chip sẽ rất nóng, giải pháp khi đó vẫn còn là dùng quạt làm mát bằng không khí; nhưng nếu gắn quạt vào laptop thì sẽ rất bất tiện: kích thước không cho phép.

Một lần nữa, nhóm nghiên cứu Haifa của Intel tại Israel lại thức trắng nhiều đêm, bên tách cà phê nóng và tư duy miệt mài. Khác với quan điểm của văn phòng chính của Intel: nếu muốn chip chạy nhanh hơn thì phải cung cấp năng lượng nhiều hơn cho các transitor trong chip; và hướng giải quyết sẽ là “bức tường năng lượng”, nhóm Haifa của Intel Israel lại nghĩ theo phương hướng lấy cảm hứng từ hộp số xe hơi: xe hơi chạy nhanh khi vào số lớn, vậy có thể làm “hộp số” ngay trong chip điện tử hay không? Câu trả lời là CÓ. Vậy là họ thiết kế lại chip điện tử, sao cho các transitor trong đó sẽ chạy “số nhỏ” khi yêu cầu xử lý không cao; và chuyển sang “số lớn” hơn khi cần giải quyết khối lượng công việc lớn hơn. Thế là con chip sử dụng năng lượng ít được ra đời, giải quyết được vấn đề sức nóng của laptop. Giá thành tuy có đắt hơn, gần gấp đôi chip thường, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về tốc độ và kích thước của laptop.

Phát kiến mới mang tính cách mạng này của nhóm Haifa – Intel tại Israel đã làm thay đổi cả hệ thống tư duy của tập đoàn này giúp Intel giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với nhiều tên tuổi sừng sỏ khác của ngành máy tính. Doanh thu của Intel tăng 13% trong giai đoạn 2003 – 2005 và vị thế của Intel thống lĩnh thị trường vi xử lý.

Sự sẵn sàng phản biện của nhóm Haifa, đi ngược lại các quan điểm phổ biến ở trụ sở chính Intel.  

Thực tế thì những người Mỹ của tập đoàn Intel đã rất khác với định hướng từ trên áp đặt xuống, mà họ còn công kích ngược từ dưới lên trên. Đối với người Do Thái thì đây là cách tốt nhất để có giải pháp cho vấn đề. Người Mỹ sau đó đã nói với nhau: hiếm khi dân Israel nói sau lưng người khác về bất cứ cái gì, họ nói thẳng trước mặt nhau. Văn hóa này sau đó lan tỏa rộng khắp trong tập đoàn Intel: luôn luôn hoài nghi, phản biện, thách thức, đặt câu hỏi đối với tất cả mọi thứ, rồi cải tiến. Kết luận của nhóm lãnh đạo  Intel Hoa Kỳ: quản lý 5 nhân viên người Israel còn khó hơn quản lý 50 nhân viên Mỹ; bởi vì 5 người Israel luôn luôn đặt các câu hỏi đại khái như là “Tại sao ông lại là sếp của tôi? Còn tại sao tôi không được làm sếp của ông?”

Trích đăng từ cuốn “Quốc gia của các công ty non trẻ” của Dan Senor và Saul Singer

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)