Tập trung hóa và nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa (Phần 2)

Sau khi đối sánh các đặc trưng của sự tập trung và phi tập trung, Kornai János kết luận rằng, tai họa chủ yếu nhất với mô hình tập trung là nó càng hoạt động hiệu quả thì càng có nguy cơ trở thành công cụ của sự thống trị bạo ngược.

Các lý lẽ ủng hộ và chống đối

Những người đề xướng chính thống và những người thực thi chính của những thay đổi này thường viện dẫn: hình thức tổ chức trước đây, cơ chế trước đây đã không hiệu quả, đã dẫn đến lãng phí và đến việc xử lý công việc chậm chạp. Họ lập luận rằng có một phương thuốc vạn năng để chữa trị căn bệnh hiệu quả thấp và chậm chạp: hợp nhất các đơn vị, loại bỏ sự trùng lặp, giảm bớt các năng lực thừa – tóm lại, tăng cường sự tập trung hóa.

Từ cổ xưa đã xảy ra tranh luận về các lợi ích và bất lợi của tập trung hóa và phi tập trung hóa. Xuất hiện ở đây trong ký ức của tôi các tên như Adam Smith, Marx, Hayek và Lenin, hay các bậc vĩ đại của kinh tế học toán lý thuyết, Arrow và Hurwicz, những người được giải Nobel Kinh tế. Tôi đã tin, một cách ấu trĩ, rằng ở Hungary các cuộc tranh luận này chỉ có thể xuất hiện lại trong các giờ lịch sử lý thuyết kinh tế, như món lý thú trí tuệ. Đâu phải thế! Cuộc tranh luận, có vẻ, lại hợp thời. Như một sự hâm nóng, tôi ở lại trên bình diện đẹp và trong sạch của phân tích lý thuyết.

Cần điều hòa các hoạt động con người phức hợp. Nhiều loại cơ chế có thể tham gia vào việc này, trong số ấy bây giờ chúng ta nhấn mạnh đến hai cơ chế.

Một là cơ chế điều phối dọc. Hãy tưởng tượng một hình chóp. Trên đỉnh là Thủ trưởng Tối cao, người đưa ra các mệnh lệnh để chỉ huy, chẳng hạn, 10 Thủ trưởng dưới ông ta. Dưới tầng này lại trải ra một tầng rộng hơn của hình chóp, mà ở đó có thể thấy các Phó Thủ trưởng. Mỗi Thủ trưởng có vài Phó Thủ trưởng dưới quyền, trong khi mọi Phó Thủ trưởng chỉ dưới quyền một Thủ trưởng duy nhất. Khi chúng ta đi xuống dọc hình chóp theo hướng các Phó-Phó Thủ trưởng và Phó-Phó-Phó Thủ trưởng, các mức rộng hơn và rộng hơn và số những người tham gia tăng lên. Cuối cùng chúng ta đến đáy hình chóp. Ở đây là tất cả những người nhận các mệnh lệnh từ trên, nhưng họ không chỉ huy bất cứ ai cả. Lý thuyết gọi kết cấu này là “hệ thống thứ bậc hoàn hảo”. (Này, những người say mê tập trung hóa chắc hẳn khát khao nghĩ tới khả năng này!) Hoàn hảo, bởi vì mọi quan hệ trên-dưới là rành mạch; không có sự phụ thuộc kép hay nhiều lần.


Mô hình khác là cơ chế điều phối ngang. Cơ chế này hoạt động trên bình diện phẳng; không ai là cấp trên của ai ngay từ đầu. Những người tham gia phải thỏa thuận với nhau.


Mô hình đầu tiên là trường hợp thuần khiết của tập trung, mô hình thứ hai là trường hợp thuần khiết của phi tập trung.


Trong mô hình thứ nhất các bàn tay là hữu hình, là có thể nhìn thấy: lệnh của Thủ trưởng là bàn tay cảnh báo và – nếu cần – đe dọa. Trong trường hợp thứ hai, với cách diễn đạt tuyệt vời của Adam Smith, “bàn tay vô hình” điều khiển sự điều phối.


Hình thái giống như mô hình thứ nhất được hiện thân trong nhà nước (tuy chẳng bao giờ ở dạng thuần khiết như mô hình lý thuyết mô tả): còn hai lĩnh vực giống mô hình thứ hai. Một là thị trường, nơi sự điều phối được thúc đẩy bởi động cơ của những lợi ích vật chất có thể nhận thức rõ, và được thể hiện trong những thỏa thuận giữa người mua và người bán. Lĩnh vực được điều phối ngang khác bao gồm các tổ chức phi vụ lợi, các hội và hiệp hội tự do khác nhau, các nhóm “xã hội dân sự”. Ở đây các động cơ thúc đẩy là hỗn hợp của các khuyến khích vật chất và phi vật chất.


Chúng ta hãy đối sánh các đặc trưng của sự tập trung và phi tập trung.

1.    TÍNH HIỆU QUẢ NGẮN HẠN. Sự phi tập trung hiển nhiên đi cùng với nhiều loại lãng phí. Hoạt động bên cạnh nhau là các tổ chức, mà phạm vi hoạt động của chúng lấn (gối lên) nhau. Phần đáng kể của năng lực không được sử dụng. Như thế việc hợp nhất nhiều tổ chức và đặt chúng dưới một trung tâm chung mang lại hầu như ngay lập tức các khoản tiết kiệm về chi phí hành chính, một phần nhân lực có thể sa thải ngay lập tức. (Thí dụ về điểm này là chi phí hành chính của bảo hiểm tư nhân được phi tập trung hóa hiển nhiên cao hơn chi phí hành chính của hệ thống bảo hiểm nhà nước tập trung.)

Lý lẽ này luôn luôn vang lên một cách đắc thắng. Thế nhưng bởi vì người ta thường áp đặt các biện pháp tập trung hóa một cách vội vã, với nhịp độ cưỡng bức, không có sự thảo luận cặn kẽ với các chuyên gia am tường nên v
iệc loại bỏ sự chồng lấn, việc cắt chi phí hành chính, và sự tăng ngắn hạn về hiệu quả dẫu có tạo ra kết quả, thực ra riêng nó là một lý lẽ khá yếu. Phải cân nhắc cẩn trọng các lý lẽ pro (ủng hộ) và contra (phản đối) khác nữa.

2.    CẠNH TRANH. Trong chừng mực có thể, sự tập trung hóa loại bỏ cạnh tranh. Ngược lại, thành phần cốt yếu của phi tập trung hóa là sự ganh đua. Đúng, cạnh tranh đi cùng với những chi phí lớn. Cần phải quảng cáo, phải thuyết phục người mua để mua hàng hóa hay dịch vụ của mình chứ không phải của người khác. Cần đến những năng lực tự do để đáp ứng tức thì nhu cầu của người mua. Tất cả những việc này cột nhiều nguồn lực lại – còn nền kinh tế tập trung không cần đến những nguồn lực dư này. Thế nhưng cạnh tranh là động lực to lớn. Nó thúc đẩy, thậm chí hầu như ép buộc để đưa ra các sản phẩm mới trước đối thủ cạnh tranh – đấy là động cơ của quá trình đổi mới sáng tạo làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nền kinh tế cạnh tranh, phi tập trung đã sinh ra tất cả những đổi mới quan trọng của thế kỷ vừa qua.

Cần đến cạnh tranh không chỉ trong đời sống kinh tế hiểu theo nghĩa hẹp, mà cả trong đời sống tinh thần nữa, trong đào tạo, khoa học và nghệ thuật. Một kinh tế gia tỏ ra rất triển vọng đã tốt nghiệp ở Đại học Harvard, và đã rất muốn dạy ở trường này. Họ đã không nhận ông. Rồi ông đã đăng ký ở trường kỹ thuật gần đó, ở Massachusetts Institute of Technology (MIT), nơi kinh tế học đã không được dạy trước đó, và ông đã đề nghị bắt tay vào tổ chức việc dạy kinh tế học. Ông đã được nhận được cơ hội. (May cho ông đã không có việc với Bộ Nguồn lực Quốc gia Hungary, nơi người ta biết trước chính xác: cần bao nhiêu đại học, bao nhiêu khoa, bao nhiêu học sinh.) Tên ông là Paul A. Samuelson; ông đã trở thành nhà kinh tế học nổi tiếng nhất Hoa Kỳ; ông đã là kinh tế gia Mỹ đầu tiên được giải Nobel. Ngày nay MIT là một trong những nơi nổi tiếng nhất về đào tạo kinh tế. Kể từ đó, các khoa kinh tế học của hai trường đại học cạnh nhau đã ganh đua nhau, cạnh tranh với nhau (“chồng lấn” nhau), chúng đua nhau xem ở đâu sinh viên giỏi hơn, ở đâu có những kết quả nghiên cứu có giá trị hơn, và lôi kéo thầy giáo của nhau. Bất chấp sự ganh đua có sự hợp tác giữa họ; thí dụ họ tổ chức các seminar chung.

3.    SỰ THÍCH NGHI VÀ CHỌN LỌC. Các nhà tập trung hóa Hungary tin rằng, giữa bốn bức tường của cơ quan họ có thể lên kế hoạch một cách chính xác, rồi trong các luật và các quy định cứng nhắc khác họ có thể xác định các cấu trúc không có sự chồng lấn, được giải thoát khỏi những chi phí hành chính tăng lên nhiều lần. Chúng ta hiểu được các lợi thế khổng lồ của sự phi tập trung hóa, nếu chúng ta theo dõi chuyển động của xã hội. Các tổ chức mới liên tục xuất hiện, một số tổ chức hợp nhất với nhau, các tổ chức khác chia tách, còn các tổ chức khác thì chấm dứt. Các tổ chức nhỏ, vừa và lớn sinh ra và tồn tại cạnh nhau; một số lớn lên, số khác co lại. Trong nhiều khía cạnh, tất cả những thứ này giống sự tiến hóa và chọn lọc tự nhiên quan sát được trong thế giới sinh học.

Không phải một giám khảo, người đưa ra quyết định về các gói thầu, đã chọn ra rằng Google hay Apple hãy hình thành và hãy lớn lên (thành các công ty khổng lồ). Không có bộ nào đã quyết định liệu Metropolitan và Bảo tàng Guggenheim, nằm cách nhau vài trăm mét ở New York, có nên hợp nhất hoặc vẫn là các tổ chức tách biệt hay không.


Các sản phẩm, các công nghệ, các phương pháp quản lý, các nguyên lý giảng dạy, các hình thức tổ chức, và bản thân các tổ chức nếu có sức (khả năng) sống thì sống; còn nếu không có khả năng thích nghi và tự sửa chữa thì sớm muộn sẽ chết. Cần đến sự tự tin kiêu ngạo đến thế nào, đến lòng tin vào sự không thể bị nhầm của bản thân mình lớn đến bao nhiêu để cho Cơ quan hoặc Thủ trưởng tự mình quyết định về sự sống và cái chết! Hơn nữa, họ đã không làm từ từ, thử nghiệm đi thử nghiệm lại như xảy ra trong các quá trình tiến hóa, mà họ đã ép buộc những thay đổi có tính chất quyết định và hầu như không thể đảo ngược được với nhịp độ chóng mặt, trong (vài) ngày hoặc thậm chí trong (vài) giờ.

4.     THÔNG TIN. Một điều kiện cho sự hoạt động không sai sót của điều phối tập trung là, người ra quyết định tiên đoán chính xác về diễn tiến của tình hình. Khi đó có thể đưa ra quyết định không sai sót, và cũng chẳng cần đến thứ khác, ngoài việc thực hiện toàn bộ quyết định với bàn tay sắt. Đúng, nhưng cuộc sống đầy những sự không chắc chắn và thông tin thì không chính xác. Thậm chí, nhiều khi không chỉ có lỗi ngẫu nhiên ẩn nấp trong chúng, mà cả sự bóp méo có chủ ý nữa. Chẳng hạn các lợi ích của cấp dưới có thể gắn với chuyện phủ nhận rằng có rắc rối (hay tùy vào lợi ích, rắc rối có thể bị thổi phồng). Thủ trưởng không biết sửa các quyết định sai của mình, bởi vì người ta không dám bảo ông ta rằng Thủ trưởng đã sai.

Từ khía cạnh này, sự phi tập trung hóa có nhiều ưu thế. Người thu thập thông tin và người sử dụng thông tin thường là cùng một người, cho nên có lợi ích cá nhân để thu thập thông tin càng chính xác càng tốt. (Rất tóm tắt và hơi đơn giản hóa đi, đấy là lý lẽ chính của Friedrich von Hayek để ủng hộ phi tập trung hóa.) Ai quyết định dựa trên thông tin sai sẽ phải trả giá: bị loại khỏi cạnh tranh, không được chọn lọc. Những người cởi mở với thông tin, với sự phê phán, và với sự tự sửa chữa, thì tồn tại.


Tóm tắt các lý lẽ được phác họa ở các điểm 2, 3 và 4, có thể khẳng định rằng điều phối ngang phi tập trung có hiệu quả trong dài hạn hơn rất nhiều so với điều phối dọc tập trung. Ai cân nhắc một cách khách quan các lý lẽ kể trên (tất nhiên được trình bày chi tiết hơn nhiều trong các tài liệu khoa học phong phú về đề tài này), người đó sẽ nhận ra rằng, khẳng định này là đúng dựa hoàn toàn vào cơ sở logic. Nhưng cũng có bằng chứng thực tế có ý nghĩa và mạnh hơn thế rất nhiều. Hệ thống xã hội chủ nghĩa, ở dạng cổ điển, Stalinist của nó, là cấu trúc lịch sử đã đạt gần nhất đến “hệ thống có thứ bậc hoàn hảo”, đến mô hình về điều phối dọc cùng cực. Lenin đã tuyên bố rằng hệ thống Soviet có thể được coi như một nhà máy khổng lồ duy nhất. Ban đầu, trong ngắn hạn nó đạt những kết quả ngoạn mục… Và cuối cùng đã sụp đổ! Về tính hiệu quả dài hạn của nó (về mặt đổi mới sáng tạo, năng suất và mở rộng sản xuất liên tục), nó tụt lại rất xa đằng sau thành tích của hệ thống tư bản chủ nghĩa phi tập trung.


Tính hiệu quả của hệ thống là không thể thiếu được cho sự gia tăng phúc lợi vật chất. Nhưng cũng có các giá trị khác nữa, mà chúng ta cần tính đến.

5.     SỰ TỰ QUYẾT, TỰ THỰC HIỆN VÀ TỰ TRỊ. Tôi dẫn ra việc học tập làm thí dụ. Thật rõ ràng là quan trọng để cho cung và cầu lao động hài hòa với nhau; cơ cấu, mức độ đào tạo, ngành nghề vân vân của lực lượng lao động mới ra trường đừng tách khỏi cơ cấu, mức độ đào tạo, ngành nghề… cần thiết để lấp vào những chỗ làm việc có thể kỳ vọng. Tại một hội thảo ở Thụy Điển tôi đã nghe thấy dòng tư duy sau đây. Bố của Mozart đã có thể suy luận thế này: Salzburg đầy nhạc sỹ. Nannerl, con gái cả, đã học đánh đàn dương cầm thành thục. Có lẽ tốt hơn Wolfgang bé nhỏ nên trở thành một thợ cả giỏi, đang thiếu thợ cả lành nghề.

Trên cơ sở đạo đức nào người ta đưa ra khung khổ cứng nhắc cho việc những người trẻ hãy học cái gì? Cái gì xảy ra ở đây với quyền tự chủ của cá nhân và gia đình?


Có thể là, các bộ máy tự quản địa phương hay chuyên môn, các hội đồng tự trị mắc phải nhiều sai sót. Cũng có thể là, một cơ quan nhà nước siêu-thông minh có thể đưa ra những quyết định tốt hơn thay cho chúng. Nhưng trong con mắt của nhiều người có một giá trị nội tại của việc để cho một làng, một thành phố, một nghề, một ngành nghệ thuật, hay một cộng đồng khác, tự mình có thể quyết định về công việc riêng của mình. Bibó István đã viết về “các giới nhỏ của tự do”, khi ông ủng hộ sự tự quản.

6.     CHỦ NGHĨA GIA TRƯỞNG VÀ TỰ CHĂM LO. Điều phối nhà nước tập trung càng bao trùm toàn bộ xã hội nhiều hơn, thì nhiệm vụ chăm lo cho tất cả công dân trong mọi khía cạnh càng đổ dồn lên vai nhà nước nhiều hơn. Tập trung hóa và chủ nghĩa gia trưởng là anh em sinh đôi, phi tập trung hóa và tự-chăm lo cũng vậy.

Ai thích dựa vào nhà nước, trong mắt của người ấy thì khẳng định trên là lý lẽ ủng hộ tập trung hóa. Thế nhưng không phải tất cả mọi người cảm thấy vậy. Có những người không tin vào nhà nước chăm lo; và những kinh nghiệm sốt dẻo còn khiến nhiều người hơn trở nên ngờ vực. Biết đâu nhà nước lại không giữ lời hứa? Biết đâu nếu hóa ra là người cha không chăm sóc tử tế con mình? Và còn một quan điểm nữa: nhiều người chúng ta không thích, nếu người ta coi mình là trẻ con. Chúng ta gánh vác trách nhiệm về chính mình. Chúng ta muốn chăm lo cho chính mình và cho gia đình mình, ngay cả nếu việc này kéo theo nhiều gánh nặng hơn. Việc này đẩy bảo hiểm tư nhân, khả năng dùng tín dụng để trang trải các chi phí đào tạo, và các cơ chế phi tập trung hóa khác lên phía trước. Tất nhiên không cần đến sự đối sánh gay gắt không cần thiết: giá trị đạo đức của sự đoàn kết kêu gọi nhà nước đảm nhiệm phần lớn việc giúp đỡ những người bệnh, những người già, những người có vị thế bất lợi, những người nghèo túng. Thế nhưng, sự tự chăm lo, trách nhiệm vì chính mình là lý lẽ quan trọng để ủng hộ mức độ cần thiết của phi tập trung hóa và để chống lại mức độ thái quá của tập trung hóa.

7.     SỰ ĐA DẠNG. Sự đa dạng, diversity: một nét đẹp của cuộc sống là, chúng ta muôn màu muôn vẻ. Không nhất thiết cần lùa một cách không tự nhiên nhiều cơ sở nghiên cứu, nhiều trường học vào một chuồng cừu – cũng chẳng cần ngay cả khi, nếu sự đứng riêng của chúng có thể đi kèm các chi phí thêm. Mỗi cái có lịch sử riêng của mình, truyền thống riêng của mình và ký ức tập thể riêng của mình; chúng đã cùng nhau sống qua những thời kỳ khó khăn và đã hình thành ý thức cộng đồng của chúng. Những sự tái tổ chức mang tính kỹ trị với cái đầu lạnh phá tan các cộng đồng gắn bó, tước mất quá khứ riêng của các tổ chức và thay vào đó tạo ra môi trường xa lạ một cách không tự nhiên.

8.    TIÊU CHUẨN CHÍNH TRỊ. Cho đến nay tôi đã cân nhắc các tiêu chuẩn hiệu quả và đạo đức. Tôi đã để tiêu chuẩn chính trị cuối cùng. Hãy để các điểm 1–7 sang một bên trong chốc lát và giả sử rằng có bộ máy được bôi (dầu) trơn, hoạt động trôi chảy. Câu hỏi: ai ở trên đỉnh? Tài liệu chuyên môn lý thuyết về đề tài thường đặt ra câu hỏi này, và khi đó sử dụng khái niệm sau: “nhà độc tài nhân từ” đứng ở trên đỉnh của hình nón.

Và cái gì xảy ra, nếu nhân từ nhưng tầm thường, nhiều lần mắc sai lầm? Hoặc nếu chẳng nhân từ đến thế, mà cũng có các tính xấu: hà hiếp, thích sự nịnh bợ, không dung thứ sự phê phán, ngoan cố, cố chấp, và không có khả năng thích nghi với tình hình, thì sao?


Đấy có lẽ là tai họa chủ yếu nhất với mô hình tập trung. Nó càng hoạt động hiệu quả, thì mối nguy hiểm càng lớn rằng nó trở thành công cụ của sự thống trị bạo ngược. Các cơ chế dựa vào sự phi tập trung hóa, theo cách của chúng, tạo ra những “giám sát và đối trọng” đối lại trung tâm có quyền lực vô hạn. Càng nhiều cơ chế phi tập trung và chúng càng sống động, thì chúng tạo ra đối trọng càng mạnh đối lại đỉnh của hình chóp tập trung.

Nguyễn Quang A dịch từ nguyên bản tiếng Hungary,
có tham khảo bản dịch tiếng Anh

Phần 1: http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=114&CategoryID=7&News=4921

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)