Terry Hughes: “Lính canh” đá ngầm

Nhân vật thứ ba trong danh sách 10 nhà khoa học xuất sắc năm 2016 do Nature bình chọn là Terry Hughes, nhà nghiên cứu về san hô đã rung tiếng chuông cảnh báo về hiện tượng tẩy trắng nghiêm trọng tại Great Barrier Reef.

Terry Hughes nghiên cứu về hiện tượng tẩy trắng tại các rạn san hô. Ảnh: The Caim Post

Khi bay qua Great Barrier Reef vào tháng 3/2016, trái tim Terry Hughes thắt lại trước các dấu hiệu chết chóc hoặc mất dần sức sống ngay trên bề mặt rạn san hô.

Hughes, giám đốc Trung tâm xuất sắc về nghiên cứu rạn san hô thuộc Hội đồng nghiên cứu Australian Research Council (ARC) kể lại, ông và các nghiên cứu sinh đã bật khóc khi chứng kiến những thiệt hại nặng nề ngay từ những cuộc khảo sát trên không. Sự tẩy trắng diễn ra gần như khắp bãi ngầm, nặng nề nhất là khu vực phía bắc với độ tẩy trắng tới 81% diện tích. Đây là hiện tượng tẩy trắng lớn nhất trong lịch sử của Great Barrier Reef được ghi nhận – và chỉ là một phần cúa hiện tượng phá hủy san hô ở quy mô lớn hơn, trên biển Thái Bình Dương.

Khi hiện tượng El Niño gây ảnh hưởng ở Thái Bình Dương vào năm 2015, các nhà nghiên cứu Australia đã lo ngại đến khả năng các rạn san hô của quốc gia mình bị tàn phá. Vì vậy Hughes, một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới về san hô, đã tập hợp một nhóm gồm 300 nhà khoa học để tiến hành khảo sát Great Barrier Reef. Ông cho biết “Dù cùng nhau đề ra một kế hoạch khá tỉ mỉ [để kiểm soát hiện tượng tẩy trắng] nhưng chúng tôi vẫn hy vọng là điều đó sẽ không xảy ra”. Sau khi tiến hành khảo sát, ông trở thành người đại diện của nhóm và trao đổi với báo giới về thảm họa này. Ở cao điểm thu hút báo giới, có ngày Hughes đã trả lời 35 cuộc phỏng vấn.

Tác động của những thông tin mà Hughes cung cấp như thế nào? Bob Pressey, một nghiên cứu viên tại Trung tâm ARC nhận xét: “Ở Australia, ngay cả những người chưa bao giờ đến Great Barrier Reef và có thể là sẽ không bao giờ tới đó vẫn coi nó như một biểu tượng [về sự tàn phá môi trường biển]”.

Những gì diễn ra trên các rạn san hô bất chấp một số quy luật sinh học. Hughes cho biết, những suy nghĩ thông thường về hiện tượng tẩy trắng là san hô chết từ từ vì đói sau khi zooxanthellae, các động vật nguyên sinh đơn bào sống cộng sinh, rời đi. Nhưng năm 2016, nhiệt độ nước biển tăng lên quá cao đến mức “chúng tôi thấy rất nhiều rạn san hô chết trước khi ‘nạn đói’ bắt đầu. San hô đã bị ‘chín’ thực sự”.

Trong vài năm trở lại đây, các rạn san hô trên khắp thế giới đã phải vật lộn để tồn tại vì nhiệt độ toàn cầu đã tăng tới mức kỷ lục. Theo công bố của Cơ quan quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ vào tháng 10/2015, hiện tượng tẩy trắng toàn cầu diễn ra trên các rạn san hô ở Hawaii, Papua New Guinea, Maldives.

Năm 2016, hiện tượng tẩy trắng lan rộng tới Australia, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác ở Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu cho rằng, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng nhiệt độ lên cao hơn, nạn tẩy trắng sẽ có thể gây tác hại lớn hơn cho các rạn san hô. Theo một vài kịch bản, điều này có thể diễn ra thường xuyên đến nỗi, các rạn san hô có thể sẽ chết dần mòn.

Hughes không từ bỏ việc nghiên cứu về Great Barrier Reef. Một trong những hậu quả của sự tẩy trắng là sự suy yếu của các rạn san hô, dẫn đến việc san hô dễ bị mầm bệnh, và cả những thợ săn san hô, tấn công. Trong tương lai gần, một hiện tượng tẩy trắng khác có thể còn gây nhiều thiệt hại hơn nữa. “Thông điệp chúng tôi gửi đến mọi người là hãy cùng chúng tôi đối phó với biến đổi khí hậu”.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: http://www.nature.com/news/nature-s-10-1.21157

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)