Thành công từ lần phóng đầu tiên cho tên lửa khổng lồ của Elon Musk

Tên lửa Falcon Heavy với 27 động cơ của SpaceX đã phóng lên vũ trụ thành công từ bang Florida (Mỹ), mang theo "hàng hóa" là chiếc xe Tesla mui trần màu đỏ anh đào.

Bảy năm trước, Falcon Heavy chỉ là một mô hình tên lửa, đặt trên bàn trong một phòng hội nghị ở Thủ đô Washington (Mỹ), trước một số phóng viên và một vài chiếc ghế trống.
Thứ Ba vừa rồi, tên lửa được “thai nghén” bởi Elon Musk, CEO của SpaceX, đứng sừng sững cao 70 mét, trên bệ phóng huyền thoại của Trung tâm Vũ trụ Kennedy, nơi tên lửa Saturn V đã đưa con người lên mặt trăng lần đầu tiên. Khoảng 100.000 người đã tới đây để chứng kiến Falcon Heavy khởi động và phóng lên bầu trời. 

Vào lúc 3:45 chiều, 27 động cơ của chiếc tên lửa gầm lên và theo đó là đám mây khói trắng dày tuôn ra từ bệ phóng. Chỉ trong vài giây, tên lửa đã cất cánh và bay lên trên nền trời trong xanh của Space Coast (bờ biển Không Gian), bang Florida (Mỹ). Bay cùng là chiếc xe Tesla mui trần màu đỏ anh đào và một hình nhân có tên là Starman mặc bộ đồ phi hành gia của SpaceX ngồi ở ghế lái. Bài hát “Space Oddity” của David Bowie vang lên từ loa xe. 

Quả là một ngày hoàn hảo để phóng tên lửa. 

Đám đông reo hò tại bờ biển Playalinda tại Bờ biển quốc gia Canaveral (Canaveral National Seashore) khi tên lửa Falcon Heavy được phóng lên. Ảnh: Orlando Sentinel/AP

Sau khi tên lửa Heavy rời bệ phóng và xuyên qua tầng khí quyển trên cùng của Trái đất, hai tên lửa đẩy ở hai bên sườn tách ra. Với cách thức điều khiển phức tạp và tinh tế mà SpaceX đã thực hành đến mức gần như hoàn hảo trong vòng mấy năm vừa qua, hai tên lửa đẩy đổi hướng và quay trở lại mặt đất chỉ chưa đầy 10 phút sau khi cất cánh và hạ cánh tại bãi hạ cánh trong Trạm không quân Cape Canaveral. 

Tên lửa đẩy trung tâm mà SpaceX dự kiến sẽ hạ cánh xuống con tàu không người lái chờ ở ngoài khơi Đại Tây Dương đã không thể hoàn thành nhiệm vụ. Musk xác nhận điều này vào tối thứ Ba trong buổi họp báo với các phóng viên tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Musk nói tên lửa đẩy này đã lao xuống mặt biển với tốc độ 480 km/h. Dù nó đã gần như làm được. Musk cho biết vụ va chạm đã làm các mảnh vỡ văng tung tóe trên tàu. Anh cũng nói rằng sẽ cố gắng khôi phục vài đoạn băng video ghi lại cú va chạm. 
“Nếu các camera không bị nổ tung thì chúng tôi sẽ công bố chúng” – Anh nói. 

Trong khi đó, tầng trên cùng của tên lửa, mang theo Tesla, lướt đi bình thường. Một giờ sau khi cất cánh, Musk chia sẻ video về chiếc xe nhờ vào một loạt các camera được gắn xung quanh xe.

 

Chuyến bay thử nghiệm thành công của Falcon Heavy đã khôi phục lại năng lực mà nước Mỹ đã để mất vài năm trước. Lần cuối cùng một tên lửa phóng hạng nặng rời Cape Canaveral là vào năm 2011, khi Tàu con thoi Space Shuttle thực hiện chuyến bay cuối cùng sau 30 năm chuyên chở phi hành gia đi đi về về tới quỹ đạo tầm thấp quanh Trái đất. Trước đó là tên lửa Saturn V, một con tàu khổng lồ mà NASA từng dùng để đưa những phi hành gia Apollo lên mặt trăng. 

Vào năm 2018, kỷ niệm 60 NASA ra đời, chính phủ Mỹ không còn thực hiện những chuyến phóng hạng nặng như vậy nữa. Công việc này, ít nhất là trong thời điểm hiện nay, lần đầu tiên trong lịch sử hàng không vũ trụ của Mỹ, rơi vào tay một công ty tên lửa thương mại. 

NASA hiện đang xây dựng tên lửa hạng nặng của riêng mình, Hệ thống phóng vũ trụ – Space Launch System, gọi tắt là SLS. SLS sẽ vượt qua Heavy về khả năng phóng và tải trọng và có nhiệm vụ một ngày nào đó đưa con người quay trở lại mặt trăng. Nhưng chuyến bay đầu tiên của SLS dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2019 và có thể bị hoãn lâu hơn nữa, vậy nên SpaceX sẽ tận hưởng, ít nhất là trong một thời gian, lợi thế của việc giữ kỷ lục Mỹ. 

Một ngày trước khi phóng, Musk nói rằng anh không hề cảm thấy lo lắng. 

“Điều kì lạ về chuyến bay này là, bình thường thì tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng vào hôm trước”, Musk nói với các phóng viên trong cuộc điện đàm ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy. “Lần này thì không. Có thể nó là điềm báo xấu. Tôi không biết nữa. Nhưng thực sự tôi thấy rất tự tin và hạnh phúc. Tôi tràn trề hi vọng chuyến bay này sẽ diễn ra đúng như kế hoạch. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể. Tôi chắc chắn chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tối đa hóa khả năng thành công trong lần phóng này.” 

Falcon Heavy có chuyến bay thành công đồng nghĩa với việc đây là tên lửa đang hoạt động mạnh nhất hiện nay, vượt qua đối thủ gần nhất, Delta IV Heavy của United Launch Alliance về mặt tải trọng. Trong tương lai, tên lửa này sẽ có khả năng chở một khối lượng lớn hơn bất kì tên lửa nào do Mỹ sản xuất kể từ Saturn V. Với giá khoảng 90 triệu USD cho mỗi lần phóng, Falcon Heavy là lựa chọn dùng tên lửa hạng nặng với giá rẻ nhất cho những khách hàng tiềm năng trải từ các công ty vệ tinh thương mại cho đến NASA. Những lần phóng của Delta IV Heavy có giá lên tới 400 triệu USD và SLS, tên lửa không sử dụng lại, dự kiến sẽ tiêu tốn 1 tỷ USD cho mỗi lần phóng. 

Lần phóng này cũng đánh dấu lần đầu tiên SpaceX thử nghiệm quy trình tách và thu hồi tên lửa đẩy vô cùng phức tạp. 

Đây là đường bay Musk chia sẻ trên mạng xã hội vài tiếng trước khi phóng: 

 

Tên lửa đẩy trung tâm tách ra thành công. Tầng trên cùng của tên lửa, mang theo chiếc Tesla, tiếp tục hành trình của mình. Trên quỹ đạo, tầng này sẽ trôi trong vòng 6 tiếng và rồi khởi động động cơ một lần nữa để giúp đưa Tesla vào quỹ đạo hình elip quanh mặt trời, nằm giữa Trái đất và sao Hỏa. Đó là ý của Musk khi anh nói sẽ gửi chiếc Tesla của mình đến hành tinh đỏ.

“Tôi không lo lắng cho chiếc xe” Musk nói vào thứ hai. “Nó sẽ ổn thôi”. 

Musk nói rằng anh mong đợi chiếc Tesla sẽ trôi tự do trên quỹ đạo trong hàng trăm triệu năm. “Có những thời điểm nó sẽ tiến cực kì gần đến sao Hỏa” anh nói. “Và có một khả năng vô vùng nhỏ là nó sẽ đâm vào sao Hỏa. Cực kì nhỏ”.      

Cuộc du hành có một không hai của Starman và chiếc Tesla Roadster được khởi sinh từ việc Musk muốn tạo ra một điều gì đó thú vị hơn so với những khối bê tông hoặc sắt vẫn được sử dụng để làm hàng hóa tượng trưng cho lần bay thử của những tên lửa hạng nặng. Musk nói rằng, những khối đó “cực kì buồn tẻ”: “Điều gì buồn tẻ, dĩ nhiên, đều kinh khủng, nhất là các công ty, vậy nên chúng tôi quyết định gửi đi một cái gì đó thật kì lạ, một thứ gì đó khơi gợi cảm xúc”. Ảnh: AFP/SpaceX

Rất nhiều người, kể cả Musk, nghĩ rằng vụ phóng Heavy sẽ kết thúc với một vụ nổ khi tên lửa rời khỏi Trái Đất. Musk nói với các phóng viên vào thứ hai rằng nếu tên lửa Heavy nổ tung, anh hi vọng lúc đó nó đã bay đủ xa để tránh làm tổn hại đến bệ phóng lịch sử, vì để sửa chữa sẽ rất tốn kém và mất hàng tháng trời. 

SpaceX giờ đây đang ở đỉnh cao. Công ty này khép lại năm 2017 với kỷ lục 18 lần phóng loại tên lửa nhỏ hơn, Falcon 9, chiếm hầu hết số lần phóng vào quỹ đạo từ đất Mỹ. Những thất bại của công ty này, bao gồm các vụ nổ vào năm 2015 và 2016, phá hủy tên lửa, hàng hóa và hủy hoại một bệ phóng giờ đây đã lùi vào dĩ vãng. Điều họ tập trung giờ đây là tần suất các lần phóng dày hơn mà công ty đặt ra cho năm 2018, và tên lửa lớn hơn rất nhiều BFR, tên lửa trước đây được biết là Hệ thống vận chuyển liên hành tinh (Interplanetary Transport System). Musk nói việc phát triển BFR đang “tiến triển nhanh chóng”. Anh hi vọng BFR sẽ giúp việc di chuyển quốc tế nhanh hơn hẳn, phóng vệ tinh và tàu vũ trụ, chở phi hành gia vào quỹ đạo tầm thấp quanh Trái đất, đến mặt trăng và sao Hỏa. 
Khi Saturn V phóng lên từ Trái đất vào những năm 1960 chở theo các phi hành gia Apollo, việc ai đó không phải là cơ quan vũ trụ liên bang quốc gia đòi phóng một thứ gì đó – bất kể là cái gì – từ vệ tinh truyền thông đến con người, chưa nói đến một chiếc xe ô tô điện – dường như là điều bất khả. Thậm chí chưa ai dám suy nghĩ về ý tưởng này. Thế mà trong một thời gian ngắn – thực sự là mới chỉ vài năm trở lại đây – SpaceX đã nắm lấy tiềm năng này, không chỉ biến nó thành hiện thực mà thành một sự kiện thường xuyên. 

“Rất nhiều người nghĩ rằng chúng tôi không thể làm được – thực sự là cực kì nhiều”, Musk nói vào năm 2008, vào thời điểm, sau ba lần phóng thất bại, SpaceX phóng tên lửa Falcon 1 vào quỹ đạo từ một đảo san hô trong quần đảo Marshall, trở thành công ty tên lửa tư nhân đầu tiên làm được điều này. “[Vươn tới quỹ đạo] thông thường là việc của nhà nước, chứ không phải là việc của công ty”. 

Một thập kỉ sau đó, vươn tới quỹ đạo và xa hơn nữa đã hoàn toàn trở thành việc của công ty.  

Hảo Linh dịch

Nguồnhttps://www.theatlantic.com/science/archive/2018/02/spacex-falcon-heavy-launch-watch/552407/

Tác giả