Thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo

Giới quản lý và chuyên môn đang thảo luận về kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) giống như cách mà châu Âu đã thành lập Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN).

Lo ngại hoạt động nghiên cứu AI bị các big tech tư nhân chi phối, Nhóm cố vấn khoa học cấp cao của Ủy ban châu Âu mong muốn Ủy ban tài trợ cho một “cơ sở hiện đại dành cho nghiên cứu học thuật ở châu Âu”.

Cơ quan mới này, được đề nghị đặt tên là European Distributed Institute for AI in Science (EDIRAS), được các nhà khoa học gọi là mô hình “CERN cho AI”, mô phỏng hoạt động của Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu. Việc thành lập một tổ chức nghiên cứu châu Âu như vậy là nhu cầu lâu dài của cộng đồng chuyên môn AI trong bối cảnh cuộc đua nghiên cứu và phát triển AI ngày càng nóng lên và châu Âu đang có dấu hiệu tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc.

EDIRAS được thành lập nhằm mang lại sức mạnh tính toán hiệu suất “khổng lồ”, với cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, dữ liệu chất lượng cao, các nhóm nghiên cứu tài năng, theo nội dung báo cáo của Tổ Tư vấn về cơ chế trong Khoa học (SAM – tổ tư vấn gồm các nhà khoa học độc lập, chuyên tư vấn về cơ chế chính sách của Ủy ban châu Âu), gửi tới Ủy ban châu Âu.

Nicole Grobert, giáo sư vật liệu nano tại Đại học Oxford, Chủ tịch SAM, cho biết, với khả năng AI tiến bộ chóng mặt, nhóm cũng đưa ra khuyến nghị này đặc biệt nhanh chóng – một dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của vấn đề.

Bà nói: “Thông thường phải mất một năm (để xây dựng báo cáo), nhưng ở đây yêu cầu được đưa ra vào tháng bảy và áp lực phải hoàn thành là rất lớn. Ủy ban thực sự muốn báo cáo này được công bố”.

Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, đề xuất này vẫn còn hẹp so với những gì mà giới chuyên môn kỳ vọng khi vận động cho ra đời một “CERN cho AI” của châu Âu.

Holger Hoos, giáo sư Alexander von Humboldt về AI tại Đại học RWTH Aachen và là người sáng lập Liên đoàn các phòng thí nghiệm nghiên cứu AI ở châu Âu (Claire), nói rằng mặc dù ông vui mừng khi thấy đề xuất này thu hút được sự chú ý nhưng nó lại thiếu “tham vọng, tầm nhìn và động lực thuyết phục” trong việc xây dựng trung tâm về AI mà Claire đã đề nghị trong sáu năm qua.

Vấn đề chính, theo quan điểm của Hoos, là EDIRAS được đề xuất tập trung chủ yếu thúc đẩy AI trong khoa học, thay vì đề cập đến mục đích sử dụng lớn lao hơn là có thể mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp hoặc chính phủ.

Ông nói: “Tất cả chúng tôi đều ủng hộ việc đầu tư vào AI cho khoa học, nhưng chúng tôi tin rằng đây không phải là trọng tâm duy nhất hoặc thậm chí là trọng tâm chính của ‘AI made in châu Âu’”. Ví dụ: ‘AI cho kỹ thuật’, ‘AI cho sản xuất’, ‘AI cho hành chính công’ đều rất quan trọng.

Trong nội bộ Ủy ban, có quan điểm cho rằng việc phát triển ra các công cụ AI khoa học cuối cùng có thể thúc đẩy sự đổi mới của châu Âu hơn nhiều so với làn sóng chatbot hiện tại, chẳng hạn như ChatGPT.

Giải thích về điều này, Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu phụ trách Các vấn đề kỹ thuật số cho biết: “Phát triển AI trong khoa học có lẽ là một trong những trường hợp sử dụng tốt nhất”.

Thay vì chỉ đơn giản cố gắng bắt chước các mô hình ngôn ngữ lớn của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, EU có thể cố gắng tạo ra những lối đi phù hợp để họ có thể dẫn đầu thế giới; và việc đầu tư vào AI trong khoa học là một địa hạt mà khối này có tư duy tương đối tiến bộ, theo nhận định của một nhà quản lý trong Ủy ban châu Âu.

Mô hình Viện EDIRAS được đề xuất cũng sẽ phủ rộng khắp lục địa. “Điều này có lợi thế là thu hút mọi người cùng tham gia. Tất cả các khu vực của châu Âu đều có thể tham gia và có quyền truy cập minh bạch, dễ dàng”, Grobert cho biết. Bà nói, một cơ sở ở một địa điểm duy nhất sẽ lỗi thời trong thời đại làm việc từ xa.

Một mẫu hình có thể tham khảo là Elixir, cơ sở hạ tầng dữ liệu liên kết do Tổ chức Sinh học Phân tử châu Âu thiết lập, một nhà quản lý của Ủy ban cho biết.

Kimmo Koski, Giám đốc Điều hành của Trung tâm Khoa học CSC-IT ở Phần Lan và là điều phối viên của tập đoàn quản lý siêu máy tính LUMI, cho biết một viện nghiên cứu phân tán sẽ có ý nghĩa nhất và chỉ ra rằng hầu hết các nhà khoa học của CERN ngày nay ở khắp thế giới.
Ông nói: “Việc mở rộng theo các khái niệm hiện tại sẽ khả thi hơn, tiết kiệm chi phí hơn và cũng chất lượng hơn so với việc bắt đầu lại từ đầu”.

Các siêu máy tính như LUMI trong dự án chung EuroHPC của EU đã được thiết kế tốt để hỗ trợ phát triển hệ thống AI. Koski nói: “Tôi nghĩ tình hình đôi bên cùng có lợi ở châu Âu và EuroHPC là khi chúng tôi có thể cung cấp các loại tài nguyên khác nhau cho các loại nhu cầu khác nhau, với cùng một hệ sinh thái”.

Nhưng Hoos muốn có một trung tâm mới với các siêu máy tính được sử dụng riêng cho AI. Ông nói: “Tôi tin rằng bất kỳ nỗ lực đột phá nào cũng cần có một tiêu điểm rõ ràng”.

Giải thích thêm về điều này, Grobert thừa nhận rằng EDIRAS sẽ bao gồm các cơ sở AI hiện có, nhưng cũng sẽ liên quan đến việc “đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng mới”.

Một nguồn tin của Ủy ban châu Âu cũng cho thấy rằng sẽ rất khó để các quốc gia EU đồng ý về một địa điểm tập trung cho một cơ sở mới giống như CERN, do tính nhạy cảm của AI.

Báo cáo đề xuất chưa nêu rõ chi phí cho EDIRAS, mà Grobert cho biết đó là quyết định của Ủy ban. Bà nói: “Cần phải có một cách tiếp cận táo bạo” để có thể cạnh tranh. Trong khi đó, Claire và hiệp hội phi lợi nhuận euRobotics đã đề nghị 100 tỷ Euro trong sáu năm.

Nhưng theo một nguồn tin của Ủy ban, con đường phù hợp nhất là thí điểm EDIRAS như một phần của Chương trình Horizon châu Âu – tới đây sẽ mở rộng quy mô từ năm 2028. Hiện thời chưa có cơ chế tài trợ rõ ràng nào khác của EU được đưa ra.

Khi chưa có những thông tin rõ ràng hơn về ngân sách tài trợ, vẫn có sự e ngại về tính không nhất quán giữa các tham vọng chính trị và các quyết định cắt giảm ngân sách cho các chương trình như Horizon Europe.

Báo cáo SAM cũng khuyến nghị các mối quan hệ hợp tác công-tư “sáng tạo” để cung cấp dữ liệu riêng tư cho nghiên cứu AI và mang lại nguồn tài chính để phát triển các công cụ chuyên dụng cho các nhà khoa học, như mô hình nền tảng và trợ lý nghiên cứu AI.

Các cố vấn khoa học cho biết, những nỗ lực này không chỉ tập trung vào khoa học vật lý và đời sống mà còn vào khoa học xã hội và nhân văn, đồng thời phải đảm bảo rằng các hệ thống AI phù hợp với “các giá trị châu Âu”.

Nguyễn Hậu

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)