Thành phố hoàn hảo trong tương lai

Những gì diễn ra ở nam Tokyo làm người ta nhớ đến Truman-Show. Bên cạnh những con đường thẳng như kẻ chỉ là những ngôi nhà giống hệt nhau được xây đều tăm tắp. Ranh giới của nó là những cái cây và dăm mét vuông cỏ được tỉa tót gọn ghẽ.

Camera được gắn dọc các tuyến đường để giám sát toàn bộ khu vực còn nhân viên an ninh đi tuần không ngừng nghỉ. Mọi công dân đều nằm trong tầm ngắm của họ. Tất cả đều diễn ra đúng trật tự, trong tầm kiểm soát nhằm đạt mục đích duy nhất: xây dựng một thành phố hoàn hảo trong tương lai.

Fujisawa Smart Town, thành phố vệ tinh ở miền đông Nhật bản, một nơi mà ngay cả người Mỹ cũng phải mơ ước. Khoảng 3000 người sống tại thành phố tương lai của kỷ nguyên Internet này – tất cả đều do máy tính  điều khiển, giám sát. Tham vọng của cha đẻ thành phố tương lai này là xây dựng một thành phố [hầu như] không sản sinh ra khí thải CO2.

Cảm biến giám sát mọi hành động

Đứng đằng sau thành phố kiểu mẫu này là tập đoàn điện tử khổng lồ Panasonic của Nhật Bản. Trên khuôn viên một nhà máy cũ ở phía nam Tokyo với diện tích khoảng 190.000 mét vuông, Panasonic đã xây dựng một thành phố như trong phim khoa học viễn tưởng trong vòng hai năm. Trên 400 triệu Euro đã được đầu tư triển khai dự án và từ đầu năm 2014, những người dân đầu tiên đã nhập cư tại đây.

Panasonic đặt tên thành phố này là PanaHomes, tại đây có hàng tá cảm biến (sensor) đo lượng ánh sáng và lượng vận động của con người để điều tiết tối ưu mức tiêu thụ điện năng. Hệ thống điều hòa khí hậu, tủ lạnh, tivi của Panasonic tự động chuyển các dữ liệu vào internet, nhờ đó nhu cầu điện năng phù hợp một cách hoàn hảo với điều kiện môi trường – tất cả đều chịu sự kiểm soát bởi hệ thống năng lượng.

Mái các tòa nhà ở đây đều có hệ thống điện mặt trời, tùy theo nhu cầu nguồn điện thu được sẽ được kết nối với mạng lưới điện công cộng hoặc để lưu điện trong hệ thống bình ác quy  Lithium-Ion khổng lồ. Mỗi ngôi nhà đều có tế bào nhiên liệu riêng để tự tạo ra điện từ nước và Oxy khi trời nhiều mây hoặc vào ban đêm. Tất nhiên các công nghệ này đều là sản phẩm của Panasonic.

Không chỉ vì mục tiêu thương mại, các nhà kế hoạch hướng đến mục đích lớn hơn là để thành phố này bền vững tối thiểu 100 năm. “Fujisawa là một giải pháp mang tính toàn diện cho mọi lĩnh vực của cuộc sống“, Michael Langbehn, nhà quản lý văn phòng đại diện Panasonic ở Đức phát biểu trong dịp khai trương dự án, dự kiến sẽ hoàn thành vào  năm  2018. “Cư dân ở đây sẽ là những người đầu tiên có thể trải nghiệm một lối sống bền vững và thông minh về mọi phương diện”.

Cả công ty Car-Sharing cũng sẽ góp phần thực hiện dự án này. Thông qua bảng điện tử nội bộ, người dân sinh sống tại đây có thể biết vào thời điểm nào loại xe ô tô chạy điện nào còn rảnh để sử dụng. Họ cũng có thể nạp điện cho xe qua những trạm điện trong thành phố hoặc từ ổ điện ngay tại gia đình mình.

Ngoài ra sẽ có các seminar về môi trường hay các khóa học dạy mọi người cách tự làm (do it yourself) để có thể tự giải quyết nhiều vấn đề. Ước vọng của Panasonic là kinh nghiệm từ dự án này sẽ là tiền đề để xây dựng hàng loạt thành phố tương tự trên khắp thế giới.

Sự riêng tư cá nhân và dữ liệu được bảo vệ như thế nào?

Điều này hoàn toàn không có gì là phi thực tế: từ nhiều năm nay, các chuyên gia đã từng tiên đoán về một thị trường khổng lồ hoàn toàn được kết nối mạng của các thành phố sinh thái. Hiện nay 200 dự án được áp dụng thử nghiệm trên khắp thế giới để tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ người dân bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất, tạo cơ hội cho họ có cuộc sống đầy đủ tiện nghi mà không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Nỗ lực xây dựng, thiết kế các thành phố thông minh (Smart Cities) của Fujisawa rất đáng khen ngợi nhưng vẫn còn vướng những vấn đề như đảm bảo tính độc lập, tự chủ của mỗi cư dân, sự riêng tư và bảo mật dữ liệu… Những ngôi nhà kết nối hoàn toàn sẽ giúp cho các doanh nghiệp, ví dụ như Panasonic, giám sát con người suốt ngày đêm. Thế nhưng trong trường hợp các hacker thâm nhập vào hạ tầng cơ sở ở các thành phố này thì toàn bộ hệ thống dễ bị bị tê tiệt và mất tầm kiểm soát.

Xuân Hoài dịch

 

Tác giả