Thanh thiếu niên có tốc độ trao đổi chất tương tự như người lớn

Lâu nay, cha mẹ thường trêu chọc rằng con cái “ăn hết cơm hết gạo”, “ăn đến sạt nghiệp” cha mẹ, nhưng nghiên cứu gần đây cho thấy mức tiêu thụ năng lượng hằng ngày của người trẻ thực chất không nhiều hơn là bao so với người lớn.

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia đã theo dõi tổng số năng lượng cần thiết cho cơ thể trong một ngày của hơn 6.000 người từ 8 ngày tuổi đến 95 tuổi, từ đó đưa ra những kết luận về sự trao đổi chất của mỗi người.

“Nghiên cứu này cho thấy có rất nhiều quan niệm sai lầm về việc tốc độ trao đổi chất sẽ thay đổi theo độ tuổi”, GS John Speakman, đồng tác giả của nghiên cứu, thuộc Đại học Aberdeen, cho biết.

Công bố trên tạp chí Science, Speakman và các đồng nghiệp đã trình bày cách họ sử dụng kỹ thuật nước dán nhãn kép để có được dữ liệu về mức tiêu thụ năng lượng của 6.421 người thuộc 29 quốc gia, kết hợp với dữ liệu từ những nghiên cứu bổ sung liên quan đến phụ nữ mang thai hoặc mới sinh con.

Cụ thể, người tham gia sẽ uống nước có chứa các dạng nặng hoặc đồng vị của hydro và oxy, sau đó nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi sự tồn tại của chúng trong nước tiểu của người tham gia theo thời gian. Oxy nặng bị rửa trôi nhanh hơn hydro: sự khác biệt đó liên quan để tỷ lệ khí cacbonic được tạo ra, và từ đó các nhà khoa học có thể đưa ra ước tính về tổng năng lượng tiêu hao.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tổng mức tiêu hao năng lượng hằng ngày và “tiêu hao duy trì sự sống” – mức năng lượng cần thiết để thực hiện các chức năng trao đổi chất cơ bản như thở, tăng lên theo kích thước cơ thể. Sau khi tính toán, họ nhận thấy trẻ sơ sinh dưới một tháng tuổi tiêu hao năng lượng một ngày tương đương với người lớn, và con số này tăng nhanh lên khoảng 50% khi đứa bé lên một tuổi.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng sau độ tuổi này, tiêu hao năng lượng hằng ngày giảm từ từ suốt thời thơ ấu cho đến thanh thiếu niên, với tốc độ giảm khoảng 2,8% một năm, sau đó đến khoảng 20 tuổi thì dừng lại. Mức tiêu hao năng lượng ở người trưởng thành đó vẫn giữ nguyên cho đến khoảng 60 tuổi, rồi nó bắt đầu giảm dần một lần nữa. Tổng tiêu hao năng lượng ở người lớn thậm chí vẫn ổn định trong thời kỳ mang thai.

Tuy nhiên, kích thước cơ thể tăng lên không phải là lý do duy nhất khiến trẻ em sử dụng nhiều năng lượng hơn người lớn. Xu hướng tương tự – tuy không giống y hệt – cũng diễn ra đối với mức tiêu hao năng lượng duy trì sự sống. “Có thể thấy, sự thay đổi trong mức độ chuyển hóa mô đã góp phần vào tổng mức tiêu hao năng lượng trong suốt đời người”, các nhà nghiên cứu viết.

“Quá trình lớn lên, hoạt động thể chất nhiều hơn và mức độ chuyển hóa tế bào cao hơn…. là những lý do khiến trẻ em sử dụng nhiều năng lượng hơn. Nói chung là cơ thể chúng phải làm nhiều thứ hơn”, ông phân tích.

Lật lại nhiều quan niệm

Speakman cho biết phát hiện về mức tăng đáng kể trong tiêu thụ năng lượng của trẻ nhỏ và tốc độ trao đổi chất ổn định trong độ tuổi trưởng thành từ 20 đến 60 tuổi, đã giúp lý giải nhiều quan niệm sai lầm. Trái với suy nghĩ của nhiều người, thanh thiếu niên không nhất thiết lúc nào cũng cần phải ăn. “Tổng tiêu hao năng lương của họ chỉ cao hơn một chút so với người trưởng thành.”

Bên cạnh đó, “trước đây có ý kiến cho rằng sự trao đổi chất có thể chậm lại ở đuổi 30, và điều đó có thể xem là nguyên nhân gây ra tính cách nhạy cảm ở tuổi trung niên”, ông nói. “Chúng tôi không tìm thấy bằng chứng nào chứng minh điều đó. Vì vậy, nếu bạn đang trong độ tuổi 30 hoặc 40, bạn nhận ra mình đang tăng cân và vòng eo thì nở ra, thì có thể là do bạn đang ăn nhiều thức ăn hơn, nhưng lại tiêu hao ít năng lượng hơn.”

Gareth Lavery, giáo sư về chuyển hóa phân tử tại Đại học Birmingham và là người không tham gia vào nghiên cứu, cho rằng nghiên cứu sẽ góp phần giúp “định hình các chiến lược dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng, hướng đến duy trì chất lượng sống của con người cho đến cuối đời.”

Hà Trang dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/aug/12/energy-to-burn-teenage-metabolism-rate-similar-to-adults-says-study

Tác giả

(Visited 22 times, 1 visits today)