Thể chế với sự thịnh vượng của quốc gia

Nhiều nhà nghiên cứu gần đây cho rằng thể chế mới là yếu tố cơ bản quyết định cho tăng trưởng kinh tế.

Nếu như các mô hình kinh tế về tích tụ các yếu tố sản xuất thay đổi công nghệ nội sinh chỉ cung cấp những lời giải thích gần đúng cho tăng trưởng kinh tế tương đối, thì những mô hình nào đưa ra lời giải thích đáng tin cậy hơn cả? Nhiều nhà nghiên cứu gần đây cho rằng thể chế mới là yếu tố cơ bản quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết thể chế và các thể chế kinh tế, để có các đánh giá khách quan hơn, cần xem xét tới yếu tố địa lý, văn hoá, các thành tố dẫn đến việc hình thành các động cơ kinh tế và một số cơ may có được từ một số xã hội.

Thể chế kinh tế

Có giả thiết cho rằng sự khác biệt về thể chế kinh tế là nguyên nhân cơ bản của các mẫu hình khác nhau trong tăng trưởng kinh tế. Cốt lõi của giả thiết này dựa trên luận điểm cách thức con người tổ chức xã hội của họ quyết định xã hội đó có thịnh vượng hay không. Một cách tổ chức xã hội khuyến khích mọi người đổi mới, chấp nhận rủi ro, tiết kiệm cho tương lai, học tập, giải quyết những vấn đề chung và cung cấp các hàng hoá công cộng… là một xã hội đạt tới mức thu nhập cao hơn. Ngược lại với cách tổ chức này thì xã hội đó sẽ rơi vào tình cảnh nghèo đói.

Ý tưởng về sự phồn vinh của một xã hội phụ thuộc vào các thể chế kinh tế, ít nhất đã được Adam Smith đề cập trong các cuộc thảo luận về chủ nghĩa trọng thương và vai trò của thị trường, và nổi bật hơn với luận điểm xã hội thành công về kinh tế khi họ có được thể chế kinh tế tốt. Chúng ta có thể cho rằng, thể chế kinh tế tốt bao gồm một số các sự vật có liên quan đến nhau. Đó là, quyền sở hữu phải được thực thi trên diện rộng trong một xã hội, để cho tất cả các cá nhân có cơ hội đầu tư, đổi mới công nghệ và các đổi mới đó tham gia vào các hoạt động kinh tế, có một mức độ hình đẳng về xã hội (kể cả bình đẳng trước pháp luật), ngăn chặn người có quyền lực thâu tóm các cơ hội đầu tư.

Một loại hình khác của thể chế kinh tế là thị trường. Các quan điểm truyền thống của các nhà sử học về tăng trưởng kinh tế nhấn mạnh tới sự lan toả của thị trường, đại diện tiêu biểu của những quan điểm này là Pirenne (1937). Các mô hình về bẫy nghèo đói của Acemoglu (1995,1997), của Murphy và Shleifer (1989), dựa trên ý tưởng cho rằng thị trường không hoàn hảo có thể dẫn đến sự tồn tại của điểm cân bằng tối ưu Pareto. Kết quả là một quốc gia có thể gặp khó khăn trong một trạng thái cân bằng Pareto kém, gắn liền với nghèo đói. Nhưng để nhận ra bẫy nghèo đói, đòi hỏi phải có sự hợp tác các hoạt động mà thị trường không cung cấp. Các nghiên cứu được  khởi xứng bởi Banerjee và Newman (1993), Glor và Zeira (1993) dựa trên ý tưởng thị trường không hoàn hảo, vấn đề phân phối của cải cho những người có cơ hội đầu tư, cùng với việc phân phối thu nhập sai lệch thì xã hội đó sẽ bị mắc kẹt trong nghèo đói, nói khác đi là rơi vào bẫy nghèo đói.

Các lý thuyết này đưa ra một số mô hình thú vị về động cơ mong muốn phụ thuộc vào hành vi của một nhóm người khác hoặc phân phối của cải cho một nhóm người nào đó khi mà thị trường không hoàn hảo. Tuy nhiên, cấu trúc của thị trường là nội sinh, và được xác định bởi quyền sở hữu. Một khi cá nhân có quyền sở hữu an toàn và bình đẳng trước các cơ hội, động cơ sẽ tồn tại để tạo ra và cải thiện thị trường (mặc dù rất khó đạt tới một thị trường hoàn hảo). Vì vậy, sự khác biệt về thị trường là một kết quả của các hệ thống khác nhau về quyền sở hữu và thể chế chính trị tạo nên sự khác biệt giữa các nước về hoạt động kinh tế. Như vậy, vấn đề trọng tâm của thể chế kinh tế là những nội dung có liên quan tới việc thực thi các quyền sở hữu trên diện rộng trong các nhóm xã hội, tạo ra sự khác nhau về thu nhập.

Yếu tố địa lý

Trong khi các lý thuyết thể chế nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố do con người tạo ra, để hình thành các động cơ thì một lý thuyết khác lại tập trung vào vai trò tự nhiên có nghĩa là môi trường vật chất và vị trí địa lý. Trong bối cảnh hiểu biết về sự khác biệt giữa các quốc gia trong hoạt động kinh tế, cách tiếp cận này nhấn mạnh tới sự khác biệt địa lý, khí hậu, sinh thái quyết định các sở thích và cơ hội của từng tác nhân kinh tế ở các xã hội khác nhau. Phương pháp tiếp nhận này gọi là giả thuyết địa lý. Hiện tại, có ít nhất ba phiên bản về giả thuyết địa lý, mỗi giả thiết nhấn mạnh một cơ chế khác nhau của yếu tố địa lý ảnh hưởng thế nào tới sự thịnh vượng của một quốc gia.

Thứ nhất, khí hậu có thể là một yếu tố quan trọng quyết định tới nỗ lực làm việc, động cơ và năng suất. Nhiệt độ quá cao, làm cho cơ thể giảm sức mạnh. Vì vậy, sự kiệt sức sẽ làm giảm tinh thần hăng say, giảm sức sáng tạo, thậm chí làm cho con người không còn rộng lượng với nhau. Thực tế cho thấy con người ở xứ lạnh táo bạo và dũng mạnh hơn. Một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng là Marshall đã cho rằng thể chất phụ thuộc phần nào vào chất lượng của chủng tộc, một phần khác quan trọng hơn là phụ thuộc vào khí hậu.

Thứ hai, địa lý là yếu tố quyết định cho công nghệ phát triển tại một xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp. Khi bắt đầu của thời kỳ tăng trưởng kinh tế hiện đại, công nghệ của các vùng ôn đới có năng suất cao hơn so với vùng nhiệt đới. Khẳng định của nhà kinh tế học Sachs (2001) cũng giải thích sự chinh phục ồ ạt của người Châu Âu vào Châu Mỹ là do sự khác biệt về công nghệ. Châu Âu truyền thống là nơi tập trung dân cư đông đúc, công nghệ trong nông nghiệp nhằm vào mục tiêu cung cấp thực phẩm. Tiến bộ công nghệ đã giúp cho Châu Âu khai phá các vùng đất mới tại các quốc gia Bắc và Nam Mỹ trong các thế kỷ trước.

Thứ ba, các giả thuyết địa lý đặc biệt phổ biến trong thập kỷ qua, liên quan tới gánh nặng bệnh tật. Tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở Châu Phi cận Sahara, HIV đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của Châu Phi.

Yếu tố văn hoá

Nghiên cứu nổi bật nhất về quan hệ giữa văn hoá và phát triển là của Weber (1930), ông lập luận rằng, nguồn gốc của công nghiệp hoá ở Tây Âu, xuất phát từ cải cách đạo Tin Lành. Theo quan điểm của ông, nhóm niềm tin về thế giới trong đạo Tin Lành, có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đạo Tin Lành, nhấn mạnh tới ý tưởng của lý thuyết định mệnh ở chỗ, một số cá nhân được Chúa chọn và được ưu ái, trong khi những người khác thì không, và một phần của nhân loại được cứu rỗi, còn phần khác thì bị nguyền rủa. Những ai được chọn, còn ai thì không? Weber đã giải thích điều này là do thuyết định mệnh. Đạo Tin Lành dẫn đến một tập hợp các niềm tin, trong đó nhấn mạnh tới thành công về kinh tế là nơi phù hợp với sự lựa chọn của Chúa. Nếu so sánh với Đạo Tin Lành thì Công giáo và các tôn giáo khác thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển yếu hơn. Đạo Tin Lành khoan dung hơn với sự đổi mới.

Gần đây Landes (1998), cũng cho rằng nguồn gốc của sự thống trị kinh tế của phương Tây là do có một tập hợp tín ngưỡng về thế giới, và họ biết cách chuyển các niềm tin đó thành nỗ lực của con người. Ý tưởng về văn hoá ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế bị giới hạn bởi tôn giáo. Thường thì các nghiên cứu độc lập cố gắng giải thích sự phát triển là do các đặc điểm văn hoá ban đầu của một quốc gia, chủng tộc. Thí dụ, Mỹ Latinh nghèo bởi vì áp dụng di sản của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trong khi Bắc Mỹ thịnh vượng là do áp dụng di sản Anglo-Saxon của nó. Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu khác về nhân chủng học lập luận rằng, các xã hội có thể trở nên năng động khác thường với hoàn cảnh là do họ có một hệ thống niềm tin và cách thức hoạt động để phát huy thành công, tiến tới thịnh vượng. Ngược lại, các xã hội không thích nghi với hoàn cảnh thì rơi vào nghèo đói. Thí dụ, người nghèo ở vùng miền Nam nước Italia do chịu ảnh hưởng niềm tin vào các thành viên gia đình và từ chối hợp tác với người khác. Những xã hội như thế là thiếu hụt vốn xã hội. Mối tương quan giữa xã hội và tăng trưởng kinh tế là chặt chẽ, cùng chiều. Mức độ chặt chẽ khác nhau tạo ra các tỷ lệ tăng trưởng khác nhau.

Thể chế chính trị dân chủ và tăng trưởng

Quan điểm trung tâm cho rằng dân chủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên các thể chế chính trị dân chủ, và các thể chế đó vận hành có hiệu quả dưới chế độ dân chủ. Thể chế này bao gồm chế độ pháp quyền, bảo vệ quyền sở hữu, tự do cá nhân nhằm phát huy sáng tạo năng lực hoạt động trong các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Trong công trình nghiên cứu của Iqbal, Jong-Ilyou (2001), tiến hành khảo sát 115 quốc gia trong thời kỳ 1960 – 1980 đã cho thấy các nước có mức độ chính trị dân chủ, mở cửa cao, đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2,5 – 3%, so với mức tăng trưởng 1,4% của những nước có nền kinh tế thiếu dân chủ và đóng cửa với bên ngoài.

Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế đã được một số tác giả tập trung nghiên cứu, dựa vào các yếu tố về pháp quyền, chế độ chính trị tác động tích cực đến mức nào tới tăng trưởng. Đại diện tiêu biểu nhất lý giải cho mối quan hệ này là North (1990). Theo ông thì pháp quyền được hiểu là quyền lực tối cao của định chế pháp luật, được củng cố nhờ bộ máy tư pháp độc lập thường là tam quyền phân lập, và thiết chế quan trọng để bảo đảm các quyền sở hữu. North cho rằng, các thiết chế dân chủ phải được xem là một phần của cơ sở chính trị pháp quyền. Hoạt động của thể chế dân chủ sẽ bảo đảm cho cạnh tranh chính trị công bằng hơn và không cho phép thế lực chính trị nào giành được quyền lực hơn để áp đảo thế lực khác. Nghiên cứu của ông đã đi đến kết luận rằng, thứ nhất thể chế dân chủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng. Thứ hai, những nước có thể chế chính trị dân chủ và quyền tự do dân sự có lợi cho phát triển kinh tế. Thứ ba, những thành quả kinh tế đạt được to lớn hơn là do có môi trường kinh tế tự do hơn. Các kết luận này đã giúp cho các tổ chức quốc tế đưa ra một số giải pháp giúp đỡ cho các nước nghèo. Theo quan điểm của các tổ chức này, ưu tiên hàng đầu không phải là đẩy mạnh cải cách dân chủ ngay tức thì mà phải cải cách các thể chế hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Không nên hy vọng quá nhiều vào cải cách chính trị, do đó cải cách chính trị theo hướng dân chủ phải được tiến hành đồng thời với cải cách kinh tế. Nhiều nước quá vội vàng thực hiện cải cách chính trị đã thất bại trong cải cách kinh tế, thí dụ là nước Nga trong đầu thập niên 1990 dưới thời Eltsin làm tổng thống.

Các bằng chứng hiện tại

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy giả thuyết thể chế kinh tế khác nhau tạo ra tỷ lệ tăng trưởng khác nhau và mức thu nhập bình quân đầu người khác nhau.

Dựa vào chuỗi số liệu trong thời kỳ 1985-1995 về thu nhập bình quân đầu người và số liệu về quyền sở hữu chống lại rủi ro do quốc hữu hoá hoặc xung công. Các nước có quyền sở hữu an toàn (nghĩa là có thể chế kinh tế tốt hơn) sẽ có thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Thí dụ đầu tiên về những thử nghiệm rõ ràng nhất về thể chế là trường hợp Hàn Quốc (Nam Triều Tiên).

Trước khi đi theo hai con đường phát triển khác nhau thì Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều chung một nguồn gốc văn hoá. Bắc Triều Tiên được thiên nhiên ưu đãi hơn về tài nguyên có các mỏ than trữ lượng lớn, vonfram, kẽm, magie, sắt, đường, vàng, muối, thuỷ điện… Hàn Quốc cũng có một số khoáng sản. Nếu so sánh thì thấy rằng cả hai đều có cùng khả năng về vị trí địa lý và tiếp cận thị trường, chi phí vận tải, nhưng về bất cứ phương diện gì khác thì Bắc Triều Tiên vẫn vượt trội hơn. Thí dụ, đã đạt tới trình độ công nghiệp hoá tương đối khi các công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động trên miền Băc. Điển hình là nhà máy thuỷ điện trên sông Yalu lớn thứ hai thế giới lúc đó do tập đoàn Suiho xây dựng. Nippon Chisso, một tổ hợp hoá chất lớn thứ hai thế giới cũng hoạt động trên Bắc Triều Tiên, ngoài ra Chongjin là một cảng lớn trên biển Nhật Bản cũng ở đất Bắc. Mặc dù, miền Bắc có một số tiềm năng, Maddison (2001), ước tính rằng tại thời điểm chia cắt thì hai miền đều có mức thu nhập tương đương nhau. Nhưng đến cuối thập niên 1960 Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thần kỳ ở châu Á, một quốc gia nổi lên nhanh nhất về sự thịnh vượng tại Đông Á, trong khi đó Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng kinh tế trì trệ. Năm 2000 thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 18.000USD, trong khi Triều Tiên là 1.000USD, tương đương với mức thu nhập của các quốc gia Châu Phi cận Xahara.Hàng triệu người thiếu đói lương thực.

Có thể lãnh đạo Kim Nhật Thành và các cộng sự của ông tin rằng các chính sách kinh tế theo mô hình Xô Viết tốt hơn cho đất nước. Tuy nhiên, những năm 1980 đã cho thấy các chính sách kinh tế của Chính phủ Triều Tiên là không hiệu quả. Tiếp tục đi theo đường lối kinh tế này, theo Acemoglu (2009) là do các nhà lãnh đạo muốn duy trì quyền lực và lợi ích riêng của mình mà quay lưng với lợi ích chung của đại đa số nhân dân. Khi mà thể chế kinh tế chỉ phục vụ cho một nhóm người có quyền lực thì hầu hết các quốc gia đi theo mô hình thể chế đó đều có kết cục thất bại.

Hàn Quốc đã áp dụng thể chế kinh tế thị trường tự do cùng với quá trình dân chủ hóa đã đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ ở mức cao, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, nhanh chóng trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại. Nhiều ngành công nghiệp như điện tử, ô tô, đóng tàu, hóa dầu…có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Nền văn minh duy nhất đáng lẽ có thể vượt qua châu Âu là Trung Quốc. Bảng liệt kê danh sách các phát minh của Trung Quốc khá dài như la bàn, giấy và mực in, kỹ thuật in, thuốc nổ, dệt lụa, sành sứ, xe ngựa… Vào thế kỷ 12, công nghiệp dệt của Trung Quốc đã vượt xa nước Anh, luyện thép tại Trung Quốc đã biết sử dụng than đá. Nhưng lịch sử công nghiệp hoá của Trung Quốc là những bước lùi do không có công nghệ mới. Bởi vì, Trung Quốc thiếu vắng thị trường tự do, nhà nước luôn can thiệp vào thị trường và hoạt động kinh doanh của tư nhân. Thứ hai, nhà nước đã cấm đoán nhiều hoạt động kinh tế, thao túng giá cả, tham nhũng và không muốn để cho tư nhân làm giàu. Thứ ba, cung cách làm việc theo kiểu truyền thống, bóp chết sáng kiến, làm tăng các chi phí giao dịch, loại bỏ các tài năng về công nghệ và kinh doanh khỏi lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Không có một biểu hiện nào của đời sống công cộng thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước, thể chế chính trị mất dân chủ đã ngăn chặn quá trình phát triển của Trung Quốc.

—-

* Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Acemoglu, Daron (2009), Modern Economic Growth, Princeton Iniversity press.

2. Acemoglu, Daron (1995), Reward Structures and the Allocation of Talent, European Economic Review, 39, 17-33

3. Acemoglu, Daron (1997), Training and Innovation in an Inperfect Labor Market, Review of Economic Studies, 64, 445-464

4. Acemoglu, Daron, Simon Johnson and James A. Robinson (2002), Reversal of Fortune: Geography and Institutions in the Making of Modern World Incom Distribution, Quarterly of Journal of Economics 118, 1231-1294

5. Banerjee, Abihyit and Adrew F. Newman (1993), Ocupational choice and the Process of Development, Journal of Political Economy 101,274-198

6. Davis, Ralph (1973), The Rise of the Atlantic Economics, Cornell University Press

7. Galor Oded and Joseph Zeina (1993), Income Distribution and Macroeconomics, Review of Economic Studies 40, 35-52

8. Greif, Avner (1994), Cultural Beliefs and the Organization of Society, Journal of Political Economy 102, 912-950

9. Iqbal, Jong – Ilyou (2001), Democracy, Market Economics and Deverlopment: An Asian Perspctive, World Bank Press.

10. Knack, Steven and Philip Keefer (1997), Does Social capital have an Economic Impact? A cross – Country Investigation? Quarterly Journal of Economics 112, 1252-1288

11. Landes, Davids (1998), The wealth and The Poverty of Nations: Why some are so rich and some so poor, Norton & Co, New York

12. Maddision, A17. Maddision, Angus (2001), The world Economy: A Millenial perspective, OECD Paris

13. Murphy, Kevin J, Andrei Shleifer and Robert W. Vishny (1989) Industrialization and the Big Push, Journal of Political Economy, 97, 1003-1026

14. North, Douglas (1990), Institution, Instutution change, and Economic performance, Cambridge University Press

15. Pirenne, Henri (1937), Economic and Social History of Medieval Europe, New York, Brace & Co press

16. Trần Văn Trùng (2003), Quan hệ giữa thiết chế dân chủ với tăng trưởng kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 11-2002

17. Tân tử Lăng (2007), Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, NXB Thư tác Phường Hồng Kông. Thông tấn xã Việt Nam xuất bản.

18. Weber, Max (1930), The protestal Ethic and the Spirit of Capitalism, Allen and Unwin, London.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)