“Thị trường tự do không mang lợi lộc cho các nước nghèo”

Nhà kinh tế học người Mỹ đồng thời là người đặc trách về chống đối nghèo của Liên hiệp quốc Jeffrey Sachs cho rằng có thể thực hiện xóa đói nghèo trong vòng hai chục năm tới. Sachs đã bày tỏ với tạp chí  Stern.de về kế hoạch  đầy hấp dẫn và hết sức mạnh bạo của mình.

Thưa giáo sư  Sachs, từ hàng chục năm nay, hàng tỷ đôla viện trợ phát triển đã đổ vào các nước nghèo – nhưng kết quả thu được lại chẳng là bao. Nay giáo sư lại nói, sẽ giảm đói nghèo xuống một nửa trong mười năm tới và sau 20 năm sẽ xóa hết đói nghèo. Giáo sư là một người vô cùng lạc quan hay là một kẻ ngây thơ?
Có lẽ chúng ta một lần nữa cần nói thật rõ rằng, mỗi ngày trên trái đất này có khoảng 20.000 người bị chết vì  cuộc sống quá cơ cực. Trên một ti người thuộc diện cực kỳ nghèo khổ. Có nghĩa là mỗi ngày họ chỉ sống với khoảng 70 cent (1 đô la=100 cent). Trong số này hơn một nửa sinh sống ở Châu Phi. Hàng ngày họ phải vật lộn để tồn tại. Một sự thật đáng buồn là: từ hàng chục năm nay thế giới đã cố gắng hỗ trợ để giải quyết tình trạng này. Nhưng sự giúp đỡ đó thường chỉ xoay quanh những vấn đề về tư tưởng và những khái niệm rất kêu đại loại như phải xây dựng  “thị trường tự do” hay phải có “kỷ luật ngân sách chặt chẽ”. Đó là những chẩn đoán sai lầm.
 
Thế tại sao cách làm của ông mới là đúng?

Chúng ta cần đại loại một cái như là  kế hoạch Marshall mới. Tất cả các nước đến một lúc nào đó đều trải qua một giai đoạn khó khăn và cần sự giúp đỡ để thoát khỏi khó khăn đó. Kế hoạch Marshall đã từng cứu giúp, vực châu Âu đứng lên. Những nước nghèo hiện nay có ba lĩnh vực khó khăn nổi cộm nhất, đó là: dịch bệnh, lương thực thực phẩm và hạ tầng cơ sở. Người dân các nước đó cần có những khoản đầu tư chứ không cần có những chương trình cải cách kinh tế rầm rộ. Họ cần có những sự hỗ trợ rất cụ thể để tiêu diệt bệnh Aids và sốt rét, cần thuốc men và các loại thuốc tiêm phòng. Họ cần có hạt giống với năng xuất cao, cần phân bón cho ruộng đồng đã trở nên cằn cỗi. Họ cần xe tải và xây dựng đường xá để có thể mở mang buôn bán với các vùng. Đói nghèo đang là một cái bẫy đối với một tỷ người trên trái đất mà họ không thể tự mình thoát ra khỏi cái bẫy đó.


Trên một tỉ người trên thế giới thuộc diện nghèo khổ, sống mỗi ngày với món tiền chưa tới 1 đô la trong đó hơn một nửa thuộc Châu Phi

Thưa giáo sư , tại sao có những nước không thoát ra khỏi cái bẫy đó trong khi đó lại có những nước đã thoát bẫy đói nghèo, như Ấn Độ chẳng hạn?
Cách đây chưa lâu lắm cả thế giới còn nghèo. Các bậc cụ kỵ của chúng ta có lẽ cũng là những người nông dân nghèo khổ. Nhưng trong 180 năm qua ở hầu hết các phần của trái đất đã diễn ra một hình thức gì đó về thăng trưởng kinh tế…

… mà thành công nhất là cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Hoa Kỳ…
… tuy nhiên một số nước không leo lên được cái thang – phát triển này. Phần lớn các nước này là những nước nằm ở những vùng xa xôi hẻo lánh, đi lại khó khăn ở châu Phi và châu Á. Người nông dân ở đây hoàn toàn chẳng có cái gì cả. Chẳng có đường xá cũng chẳng có điện. Họ luôn bị đói ăn, bị bệnh tật lại không được học hành. Những gì họ có, họ đều tiêu thụ hết để tồn tại. Họ không thể tiết kiệm và càng không thể đầu tư. Những người khác cần giúp đỡ họ làm việc này. Tại Trung Quốc, đất nước này còn có rất nhiều người cực kỳ nghèo khổ, nhưng những vùng duyên hải trù phú có thể chu cấp cho những vùng nghèo khổ này. Nhưng ở nhiều nước khác người ta lại lệ thuộc quá nhiều vào đầu tư  từ bên ngoài.  Giờ đây nhiều chuyên gia lên tiếng đòi đình chỉ viện trợ tài chính. Những khoản viện trợ đó chỉ nuôi béo bọn độc tài và bộ máy quan liêu tham nhũng. Và điều tồi tệ hơn, nó làm cho người ta trở thành những kẻ chỉ biết xin ăn.

Như thế viện trợ phát triển phải chăng là “viện trợ kinh khủng”?

Phải. Đúng thế. Nhất là khi chúng ta cử chuyên gia của chúng ta được trả lương hậu hĩnh từ khoản viện trợ tài chính này để ban phát những ý kiến hay ho. Không thể tiếp tục tồn tại các tờ séc ký khống.  Ngay cả viện trợ cứu đói cũng không phải là viện trợ thực sự. Tôi yêu cầu một cái gì khác: phải đầu tư vào những dự án thiết thực. Những dự án đó phải kiểm tra được, phải chứng minh được là  mang lại lợi ích cụ thể cho người dân ở địa phương.

 

  Giáo sư Jeffrey D. Sachs, sinh năm  1954 ở Detroit, ông giảng dạy về kinh tế học tại Đại học Harvard. Sachs nổi tiếng từ những năm là cố vấn kinh tế cho một số chính phủ ở Mỹ La tinh và Liên xô và là cố vấn của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức OECD. Ngoài ra Sachs còn là đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hiệp quốc  Kofi Annan về chống đói nghèo.

Chú thích ảnh: Giáo sư Jeffrey D. Sachs

Nhưng thưa giáo sư ý tưởng này đã có từ lâu rồi. Tại sao đúng vào lúc này ý tưởng đó lại có thể phát huy tác dụng?
Vì chúng ta đã thu được kết quả. Cách đây 40 năm bệnh đậu mùa là một trong những căn bệnh nghiêm trọng nhất đối với nhân loại. Sau đó có thuốc tiêm chủng và thế giới đã cam kết tiêu diệt triệt để bệnh dịch này. Lúc đầu hầu như không mấy ai tin sẽ thành công. Hôm nay thì sao? Bệnh đậu mùa đã bị tiêu diệt ở tất cả các nước, ngay cả ở những thôn xóm ở xa xôi nghèo khổ nhất. Xin nêu một ví dụ khác: bằng tiền của Quỹ tư nhân Rockefeller (Hoa Kỳ) cách đây 30 năm Mêhicô và Châu Á đã tiến hành cuộc “cách mạng xanh”…

Vậy giáo sư cần có bao nhiêu tiền cho kế hoạch của mình nhằm giảm đói nghèo cùng cực trên toàn thế giới xuống một nửa trong mười năm tới ?

Chúng tôi dựa vào những mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ đưa ra cách đây năm năm. Trong năm tới chúng tôi cần một khoản tiền là 135  tỷ đôla. Nhiều hơn số tiền hiện có khoảng 75 tỷ. Sau đó cho đến năm 2010 mỗi năm cần có khoảng 195 tỷ đôla.

Vậy ai sẽ là người cung cấp khoản tiền bổ sung này?

Cái hay là ở chỗ: các nước tài trợ như Hoa Kỳ hoặc các quốc gia EU từ lâu đã có cam kết. Từ lâu họ đã nhận trong mười năm tới trích tới 0,7% tổng sản phẩm xã hội của mình giành cho viện trợ phát triển. Các nước EU, trong đó có cả Đức, một lần nữa khẳng định vấn đề này. Điều này rất quan trọng. Giờ là lúc phải biến lời nói thành hành động.

Vậy nhà tài trợ Hoa Kỳ thì sao, thưa giáo sư ?
Hoa kỳ không thực hiện cam kết của mình. Hoa Kỳ cần phải bù đắp khoảng một nửa phần còn thiếu của năm nay – trong năm tới phải bổ sung thêm 38 tỷ đôla. Đất nước chúng tôi còn rất xa cái khoản tiền đã cam kết này. Một lần nữa chúng tôi lại đứng ngoài cộng đồng thế giới.

Nhưng tổng thống Bush đã tăng khoản viện trợ tài chính cho các nước nghèo và tuyên bố sẽ triển khai một dự án lớn về chống Aids.

Điều đó làm xuất hiện những dòng tít lớn, mới  rất hay ho, nhưng không thêm được một cent nào.  Chúng tôi chi 5% tổng sản phẩm xã hội cho ngân sách quân sự và chỉ chi 0,16% cho viện trợ phát triển. Tất nhiên phần lớn người dân ở nước chúng tôi không biết  điều này.

Người ta viện cớ rằng Hoa Kỳ phải tiến hành một cuộc chiến chống khủng bố trên toàn thế giới.
Nhưng chủ nghĩa khủng bố không phải là mối đe doạ duy nhất đối với nhân loại. Chúng ta phải nhìn nhận ngày 11 tháng 9 đúng với ý nghĩa của nó. Ngày hôm đó đã có 3000 người bị chết một cách bi thảm và vô nghĩa. Nhưng ở châu Phi mỗi ngày có tới 10.000 người chết bi thảm, vô nghĩa vì các loại bệnh tật như Aids, sốt rét và lao phổi. Loài người đã thủ tiêu chế độ nô lệ, đã chiến thắng chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa phát xít. Tiêu diệt đói nghèo trên thế giới là một thách thức đối với thế hệ chúng ta. Và đây cũng là một cơ hội to lớn. Qua đó chúng ta cũng có thể phục vụ nền dân chủ và an ninh toàn cầu. Chưa bao giờ lại có các điều kiện dẫn đến thành công như hiện nay. Tôi tin chắc rằng nội trong 20  năm tới chúng ta sẽ hoàn thành công việc này. Chúng ta được lựa chọn. Chúng ta phải đi đến quyết định.

Xuân Hoài dịch từ Tạp chí Stern (Đức)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)