Thiết bị thông minh đang ở đâu?

Các phân tích đã nhiều lần tiên đoán rằng “internet của vạn vật” với khả năng thu thập dữ liệu và gắn kết nối internet vào các đồ dùng thân thuộc, có thể thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người giống như sự phát triển của mạng di động. Tuy nhiên cho đến nay, đa phần người tiêu dùng đều tỏ ra thờ ơ với việc biến ngôi nhà của họ trở nên “thông minh.”


Liệu người dùng có hào hứng hơn với xu hướng IOT?

Các công ty hiện nay đang đẩy mạnh quảng bá những sản phẩm mà họ cho là có thể dễ dàng sử dụng và mang lại những lợi ích rõ rệt như: bình pha cà phê hoạt động khi đồng hồ đổ chuông, đèn và rèm cửa điều chỉnh tùy vào thời điểm trong ngày, tủ lạnh có thể báo động khi sữa bị đổ ra ngoài, cảm biến chuyển động giúp gửi báo động khi cửa sổ hoặc cửa chính bị mở ra, một số thiết bị như máy dò khói thông minh – được các công ty bảo hiểm hỗ trợ tài chính để sử dụng nhằm đề phòng hỏa hoạn… Nhưng sự thờ ơ của khách hàng đã buộc các công ty phải suy nghĩ lại về cách thu hút người dùng.

Bức tranh về IOT

 Các công ty công nghệ cao đã bỏ ra những khoản tiền lớn nhằm đẩy mạnh việc kết nối các vật dụng hằng ngày vào Internet. Năm 2014, Google đã bỏ ra 3.2 tỷ đô la để sở hữu Nest, một doanh nghiệp sản xuất bộ điều nhiệt thông minh, và 550 triệu đô la để mua lại Dropcam, nhà sản xuất camera an ninh cho ngôi nhà. Tuy vậy Nest đã khiến cho Google thất vọng. Họ chỉ bán được 1.3 bộ điều nhiệt thông minh trong năm 2015, và chỉ 2.5 triệu sản phẩm trong vài năm qua. Một vài năm gần đây, công ty này chỉ tập trung vào tinh chỉnh những sản phẩm hiện có hơn là tạo ra sản phẩm mới. Điều đó giải thích lý do tại sao Tony Fadell, người sáng lập và là ông chủ của Nest, đã rời khỏi vị trí cố vấn tại công ty mẹ Google vào ngày mùng 3 tháng 6. Ông Fadell là cựu giám đốc điều hành tại Apple và là cha đẻ của iPod, đã thất bại trong việc mang công nghệ cảm ứng ma thuật của mình ứng dụng vào công nghệ nhà thông minh.

 Vấn đề của Nest đã được dự đoán từ trước. Năm ngoái, người tiêu dùng trên toàn cầu đã dành chỉ khoảng 60 tỷ đô la vào các phần cứng và thiết bị cho nhà thông minh, chiếm một phần nhỏ trong tổng kinh phí dành cho thiết bị công nghệ. Ở Mỹ chỉ có 6% các hộ gia đình có sử dụng thiết bị nhà thông minh, bao gồm các thiết bị kết nối internet, hệ thống giám sát ngôi nhà, loa hoặc đèn chiếu sáng. Theo điều tra của Frank Gillett of Forrester, một công ty nghiên cứu thị trường, tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này cho đến năm 2021 sẽ chỉ đạt 15%. Có quá ít khách hàng bị thuyết phục rằng internet đóng vai trò quan trọng trong mọi ngõ ngách của đời sống họ. Một cuộc khảo sát ở Anh được thực hiện bởi PricewaterhouseCoopers – một công ty tư vấn, có  72% người dân không có kế hoạch áp dụng công nghệ nhà thông minh trong khoảng 2 đến 5 năm tới và họ cũng không sẵn sàng để chi trả cho nó.

 Có một vài lý do giải thích tại sao xu hướng này chưa thể trỗi dậy mạnh mẽ. Rất nhiều thiết bị thông minh vẫn còn quá đắt. Một tủ lạnh thông minh của Samsung, với camera giúp kiểm tra đồ ăn nào bị ôi thiu và hoặc món nào sắp hết để người dùng đi mua (thông qua một ứng dụng trên điện thoại), bán với giá 5.000 đô la. Những người có khả năng tài chính cũng chưa chắc đã mua loại tủ này. Đồng thời, những thiết bị gia dụng như tủ lạnh là loại mà các hộ gia định có thể thay thế thường xuyên, điều này khiến họ hạn chế sử dụng những thiết bị theo công nghệ hoàn toàn mới. Công nghệ IOT cũng chưa phải là hoàn hảo. Người dùng mong đợi mức độ chất lượng cao và sự liền mạch trong công nghệ và việc thiếu đi một nền tảng chuẩn có nghĩa là các thiết bị của các hãng khác nhau không thể giao tiếp được với nhau.

Nỗ lực của những người khổng lồ công nghệ

 Có lẽ bất ngờ tích cực nhất thuộc về Amazon, mặc dù đã thất bại thảm hại trong tham vọng phát triển điện thoại thông minh, nhưng lần này họ đã nắm được hướng đi. Amazon Echo là loại loa thông minh có thể ghi nhận và phản hồi giọng nói lệnh. Nó có thể chia sẻ thông tin về thời tiết hay tỷ số bóng đá, có thể phát nhạc và bật, tắt đèn. Thiết bị này được bán với mức giá phải chăng là 180 đô la. Amazon không công bố doanh số bán hàng, nhưng các công ty nghiên cứu thị trường ước tính có khoảng 1 triệu loa Echo đã được bán từ khi nó được ra mắt vào tháng 10 năm 2014. 

 Ý tưởng về một giao diện dựa trên các giọng nói lệnh có thể khắc phục nhược điểm của phương pháp tiếp cận còn thiếu đồng bộ trong hệ thống nhà thông minh. Các đối thủ cạnh tranh có thể sử dụng thành công của Echo như một phần quan trọng trong các thiết bị. Google đã tuyên bố kế hoạch xây dựng một nền tảng độc lập cũng dựa vào giọng nói lệnh giống như Echo, gọi là Google Home. Apple cũng kỳ vọng có thể công bố các khả năng mới của căn hộ thông minh: có những tin đồn rằng họ sẽ ra mắt nền tảng độc lập với các mạch Echo với tên gọi HomeKit vào hội nghị thường niên của các nhà phát triển. Ông Geoff Blaber – chuyên gia đánh giá xu hướng điện thoại di động – chỉ ra rằng: mặc dù Apple có nền tảng tài chính vững mạnh, nhưng điểm yếu của họ là chưa từng va chạm trong lĩnh vực nhà thông minh.

 Những người khổng lồ công nghệ đang nỗ lực để vượt qua được sự thờ ơ của khách hàng, và để phát triển hơn hữa công nghệ nhà thông minh. Echo là lợi thế giúp Amazon thuyết phục khách hàng dành thời gian và tiền để mua những sản phẩm mới. Google cũng hoạch định chiến lược để thu lợi nhuận từ nguồn dữ liệu khổng lồ của IOT bằng thế mạnh kinh doanh quảng cáo, họ đang tìm hiểu về người dùng nhiều nhất có thể, từ đó đề ra kế hoạch quảng cáo thích hợp. Apple, với thành tích xuất sắc trong việc tạo ra những hệ điều hành tiện lợi đang nhắm đến việc sản xuất những thiết bị ngõ vào giúp người dùng tổ chức cuộc sống của họ.

 Nếu những người khổng lồ công nghệ vẫn kiên định với tham vọng dẫn đầu trong lĩnh vực nhà thông minh, thì họ cần xác định rằng bức tranh lợi nhuận vẫn còn rất mơ hồ. “Không có gì rõ ràng về mô hình kinh tế của nhà thông minh,” Andy Hobsbawm, một chuyên gia xây dựng nền tảng IOT cho biết. 

Phương Thảo lược dịch.

Tác giả