Thịt nhân tạo sẽ là tương lai của ngành công nghệ thực phẩm Đông Nam Á?
Các startup công nghệ thực phẩm đang phát triển các loại thịt làm từ thực vật hoặc nuôi cấy từ tế bào nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ protein ngày càng tăng trên toàn cầu.
Nhu cầu thực phẩm ở các nước châu Á sẽ tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ tới. Theo báo cáo “Thách thức thực phẩm châu Á: Hiểu người tiêu dùng châu Á thời kỳ mới”, vào năm 2030, người tiêu dùng châu Á sẽ chi tiêu 4,4 nghìn tỷ USD cho thực phẩm – nhiều hơn 2,4 nghìn tỷ USD so với hiện tại. Trong đó, Đông Nam Á dự kiến sẽ là một trong những khu vực chi tiêu nhiều nhất châu lục, tốc độ tăng trưởng gộp hằng năm (CAGR) của khu vực này là 4,7%.
Nhu cầu về lương thực ngày càng tăng bắt nguồn một phần từ việc mọi người có xu hướng ăn nhiều thịt và hải sản hơn. Từ năm 1961 đến năm 2021, lượng protein tiêu thụ hằng ngày từ thịt và các sản phẩm có nguồn gốc động vật của mỗi người châu Á đã tăng hơn 600%. Dân số bùng nổ, thu nhập cao hơn và tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh chóng sẽ thúc đẩy nhu cầu về thịt và hải sản tăng 78% từ năm 2017 đến năm 2050.
Các phương pháp chăn nuôi truyền thống không thể đáp ứng đủ số lượng và chất lượng thực phẩm cho nhu cầu khổng lồ này. Thêm vào đó, hiện nay ngành chăn nuôi đang phải chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Cứ theo đà này, việc tăng cường sản xuất theo hướng truyền thống sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu.
Điều này gợi mở cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tìm kiếm những ý tưởng mới để tạo ra nguồn protein thay thế – với cách thức sản xuất bền vững và lành mạnh hơn.
Thịt từ thực vật và thịt trong ống nghiệm
Các nhà khoa học đã tạo ra một số loại protein thay thế như thịt “chay” từ đậu nành, trái cây hoặc một số loại cây trồng khác. Thậm chí, có loại thịt được tạo từ phương pháp nuôi cấy tế bào từ động vật trong dĩa thí nghiệm. Quá trình sản xuất các loại protein này thường tốn ít tài nguyên hơn so với chăn nuôi truyền thống, và việc áp dụng các loại protein thay thế có thể giúp giảm phát thải nông nghiệp tới 60% .
Tiềm năng về môi trường và khả năng mở rộng kinh doanh của protein thay thế đã khiến các công ty dồn nhiều nguồn lực hơn cho bộ phận R&D chuyên nghiên cứu và thử nghiệm thực phẩm từ thực vật. Trong một cuộc khảo sát do Economist Impact thực hiện, 26% người đứng đầu doanh nghiệp nông sản cho hay họ sẽ quan tâm đến việc áp dụng các công nghệ về protein thay thế trong vòng năm năm tới. Vào năm 2020, ngành công nghiệp thịt thực vật và thịt trong ống nghiệm (nuôi cấy từ tế bào) sẽ lần lượt đạt 2,1 tỷ USD và hơn 360 triệu USD tiền đầu tư.
Trong khu vực Đông Nam Á, hầu hết các hoạt động kinh doanh thực phẩm có nguồn gốc thực vật và nuôi cấy từ tế bào đều tập trung ở Singapore. Gần đây, quỹ đầu tư mạo hiểm Good Startup đã đầu tư 34 triệu USD vào lĩnh vực protein thay thế. Next Gen Foods, công ty nổi tiếng với các sản phẩm thịt gà làm từ thực vật, đã gây tiếng vang trên toàn cầu vào tháng hai năm nay sau khi nhận số tiền đầu tư lên tới 100 triệu USD, vòng tài trợ Series A lớn nhất từng được huy động bởi một công ty sản xuất thịt có nguồn gốc thực vật.
Karana là công ty đầu tiên tại châu Á ra mắt sản phẩm thịt lợn làm từ thực vật. Các nhà nghiên cứu đã giới thiệu những món ăn Trung Hoa phổ biến như bánh bao xá xíu và há cảo, trong đó thịt lợn được làm từ… mít. Công ty Umami Meats thì tập trung vào việc tạo ra các loại hải sản nuôi cấy từ tế bào – không chứa kim loại nặng, vi nhựa và kháng sinh, là những lựa chọn thay thế lâu dài cho các loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng như lươn Nhật Bản.
Nhằm tạo thuận lợi cho ngành thịt nhân tạo của Singapore phát triển nhanh chóng, nhiều công ty đã tạo ra các nền tảng sản xuất quy mô lớn, cung cấp cơ sở hạ tầng dùng chung. Cụ thể, SGProtein, một nền tảng sản xuất theo hợp đồng, cho phép các công ty còn non trẻ mở rộng quy mô sản xuất nhanh chóng, giúp các doanh nhân dễ dàng tham gia thị trường hơn mà không cần thiết lập cơ sở hạ tầng riêng. Tương tự, FoodPlant là cơ sở đầu tiên tại Singapore chia sẻ nền tảng sản xuất thực phẩm quy mô nhỏ, cung cấp cho các công ty thiết bị để thử nghiệm, đẩy nhanh quá trình tạo ra sản phẩm mới.
Một nguồn protein thay thế khác, mặc dù ít được nhắc đến hơn, là côn trùng – thực phẩm giàu chất xơ, protein. So với các vật nuôi thông thường, côn trùng ăn ít thức ăn hơn, phát triển và sinh sản nhanh. Quá trình nuôi côn trùng cũng tạo ra ít chất thải hơn và thải ra lượng khí nhà kính nhỏ hơn, dẫn đến lượng khí carbon phát thải ít hơn nhiều so với chăn nuôi gia súc.
Công ty khởi nghiệp Cricket One của Việt Nam đã phát triển một hệ thống nuôi dế có thể chế biến dế thành các nguyên liệu giàu protein cho các nhà sản xuất thực phẩm. Công ty khởi nghiệp Malaysia Ento thì trực tiếp chế biến dế và ấu trùng thành đồ ăn nhẹ và bánh quy, đồng thời phát triển thêm món bánh kẹp thịt làm từ côn trùng.
Cho đến nay, người tiêu dùng ở châu Á vẫn chưa thực sự chấp nhận protein từ côn trùng, ngay cả với một số nước Đông Nam Á, nơi có những khu vực vẫn ăn nhộng, châu chấu, đuông dừa. Thái độ của người tiêu dùng thành thị và nông thôn đối với thực phẩm làm từ côn trùng rất khác nhau.
Ngoài những tác dụng trên, côn trùng còn là một nguồn nguyên liệu nông nghiệp và vật liệu sinh học bền vững. Công ty Insectta có trụ sở tại Singapore đã nuôi ruồi lính đen theo phương pháp không chất thải. Họ tận dụng thức ăn thừa làm thức ăn cho giòi ruồi lính đen. Chất bài tiết từ giòi có thể được chuyển thành phân bón nông nghiệp. Insectta cũng đã tìm ra cách xử lý lớp vỏ của ruồi lính đen thành một nguồn nguyên liệu sinh học bền vững trong nhiều loại dược phẩm và mỹ phẩm.
Tuỳ chỉnh hàm lượng dinh dưỡng
Bên cạnh vấn đề về protein thay thế, trong ngành công nghệ thực phẩm, thực phẩm in 3D cũng là một lĩnh vực mới nổi khác đang được quan tâm. Các kỹ sư có thể sử dụng máy in 3D để sản xuất thức ăn ở dạng bột nhão hoặc gel. Nhờ đó, các công ty có thể chế biến thức ăn theo hướng cá nhân hóa – phục vụ nhu cầu dinh dưỡng và sở thích của từng người tiêu dùng.
Chẳng hạn, công ty khởi nghiệp Anrich3D thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) – đang phát triển công nghệ thực phẩm in 3D dựa trên nhu cầu dinh dưỡng cá nhân. Mục tiêu của họ là sản xuất hàng loạt món ăn liền, đóng gói sẵn, dành riêng cho mỗi người như bánh mì kẹp thịt, pizza và bánh sandwich.
Các công ty còn có thể dùng công nghệ in 3D để tùy chỉnh giá trị dinh dưỡng trong món ăn. Mới đây, các nhà khoa học đã tìm ra cách in 3D sô-cô-la để giảm hàm lượng đường trong đó. Với khả năng tuỳ chỉnh hương vị và hàm lượng dinh dưỡng trong thực phẩm, công nghệ này có thể giúp các bác sĩ thiết kế những bữa ăn dinh dưỡng, ngon miệng, dễ nhai cho người già và bệnh nhân
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore đã phối hợp với Bệnh viện Khoo Teck Puat để tạo ra các món ăn nghiền nhuyễn in 3D bổ dưỡng với hình thức hấp dẫn cho người già và bệnh nhân trong bệnh viện – những người gặp khó khăn khi nuốt thức ăn. Khi dân số châu Á già đi nhanh chóng, công nghệ in 3D thực phẩm có thể trở thành một công cụ vô giá đối với người cao tuổi.
Bài toán về hương vị, kết cấu và giá cả
Thị trường thịt làm từ thực vật ở khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng 25% từ năm 2020 đến năm 2025, thậm chí tăng tới 200% ở Trung Quốc và Thái Lan. Nhìn chung, theo khảo sát, 75% người tiêu dùng châu Á Thái Bình Dương sẵn sàng trả tiền cho thịt có nguồn gốc thực vật nếu giá cả tương đương với thịt thông thường. Bất chấp tiềm năng thị trường, các công ty công nghệ thực phẩm của châu Á đang phải đối mặt với những thách thức về chi phí, khả năng mở rộng và các quy định của chính phủ.
Hai tiêu chí lớn mà người tiêu dùng đặt ra đối với các protein có nguồn gốc thực vật là hương vị và kết cấu. Ngoài vấn đề giá cả, hầu hết người dân thường chỉ cân nhắc chuyển sang thịt nhân tạo nếu chúng hợp khẩu vị. Điều này khá hợp lý khi tầng lớp trung lưu ở châu Á ngày càng tăng – đó là những người tiêu dùng trẻ trung và có học thức, họ mong đợi những thực phẩm chất lượng cao.
Ngành công nghiệp protein thay thế còn phải đối diện với các rào cản pháp lý và quy trình phê duyệt kéo dài ở nhiều quốc gia. Mặc dù tại Singapore đã có sẵn một số hệ thống sản xuất, nhưng nhìn chung cơ sở hạ tầng để sản xuất protein thay thế ở Đông Nam Á vẫn còn rất ít ỏi. Do đó, nhiều sản phẩm protein thay thế có sẵn trên thị trường được định giá cao hơn hẳn thịt thông thường để bù đắp chi phí sản xuất.
Dù biết rằng thị trường này cực kỳ tiềm năng khi nhu cầu của người dân dành cho protein thay thế ngày càng lớn, nhưng trước mắt cần phải có cơ sở hạ tầng đầy đủ để phủ sóng và mở rộng dần dần những sản phẩm đã có sẵn. Vấn đề này cần được giải quyết ngay lập tức nếu muốn thịt nhân tạo thực sự trở thành loại thực phẩm thay thế khả thi trong khu vực.
Ngành công nghệ thực phẩm đã hình thành và phát triển mạnh khi các startup liên tục tung ra những phương thức chế biến thức ăn mới lạ và đầy sáng tạo. Dẫu vậy, chính phủ các nước lẫn các startup Đông Nam Á vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong tương lai, chí ít là nỗ lực mở rộng hoạt động sản xuất để giá thành sản phẩm sau cùng sẽ hạ xuống mức hợp lý.
Thuyết Xuân
(Visited 1 times, 1 visits today)