“Thời kỳ giá lương thực thấp đã vĩnh viễn qua rồi”

Giá bơ, sữa, gạo và nhiều loại lương thực, thực phẩm khác đều tăng vọt trên thế giới. Thị trường tự do bị suy yếu. Chuyên gia tài chính Leslie Maasdorp trả lời phỏng vấn SPIEGEL ONLINE cho rằng phải nhanh chóng cải cách nền thương mại thế giới - nếu không phương Tây sẽ hứng chịu sự nổi giận của người nghèo.

SPIEGEL ONLINE: Thưa ông, tạp chí “Economist” mô tả cuộc khủng hoảng đói khát đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới là một “cơn sóng thần thầm lặng”. Phải chăng tạp chí này đã cường điệu tình trạng hiện nay?
Maasdorp: Không – ngược lại là đàng khác: nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này đã diễn ra ngấm ngầm từ nhiều năm nay, mà không một ai cảm thấy điều đó. Thí dụ trong vòng ba chục năm vừa qua hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát cảnh nghèo đói triền miên, giờ đây họ được ăn uống no đủ hơn. Mô tả về một “cơn sóng thần thầm lặng” theo tôi là hay, vì nó cho ta thấy tầm vóc to lớn của cuộc khủng hoảng này và không ai có thể phủ nhận.

Nhưng thưa ông, dân số Trung quốc đâu phải mới tăng lên từ ngày hôm qua. Nhưng riêng trong ba năm gần đây giá lương thực đã tăng tới 75% .

Sở dĩ như vậy trước tiên là do giá năng lượng tăng mạnh. Từ đó chi phí vận tải cũng tăng lên. Hơn nữa cũng mãi tới ba năm gần đây mới diễn ra việc chế biến với khối lượng lớn lương thực thành nhiên liệu.

Và hoạt động đầu cơ trên thị trường nguyên liệu đang ngày càng nghiêm trọng hơn…
Đúng thế. Việc đẩy mạnh buôn bán nguyên liệu thực sự là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá lương thực.

Ông Bộ trưởng Tài chính Pakistan thậm chí còn nói, giới đầu cơ làm cho các nước đang phát triển bị phá sản...
Các chính khách bao giờ cũng tìm cách đổ lỗi lên đầu ai đó mỗi khi có khó khăn. Tuy nhiên tôi cho rằng phản ứng của một số nước châu Á là không đúng. Thật là thiển cận khi người ta quyết định đóng cửa thị trường của mình và ra lệnh cấm xuất khẩu gạo hay một số loại lương thực, thực phẩm khác. Điều này chẳng giúp gì vào việc chống đầu cơ.

Vậy thưa ông tại sao việc đầu cơ nguyên liệu lại trở nên hấp dẫn?

Vì cuộc khủng hoảng thực sự hiện hữu: hằng ngày đang diễn ra các cuộc biểu tình, phản đối và tại khoảng 30 nước đã xảy ra bạo loạn. Thị trường không thể phủ nhận điều này. Thực ra dân chúng không phản đối vì thiếu lương thực, thực phẩm mà phản đối việc giá tăng quá cao. Giá lương thực, thực phẩm góp phần đáng kể vào việc gây ra lạm phát, vì thế các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương phản ứng bằng cách giảm lãi xuất – và điều này tác động đến tăng trưởng.

Thưa ông, xét về khía cạnh đạo đức thì đầu cơ lương thực có thể chấp nhận được không?
Đầu cơ lương thực đã diễn ra hàng trăm năm nay. Mọi chủ trang trại đều thỏa thuận giá cả với người mua từ lâu trước khi mùa thu hoạch kết thúc. Sự có mặt của thị trường chính là để tiếp tục truyền các tín hiệu về giá cả và đưa chúng vào trật tự. Các vị không thể buộc thị trường tài chính phải chịu trách nhiệm về việc giá cả lương thực tăng vọt. Vấn đề đáng quan tâm hơn là ở chỗ, hệ thống tài chính sẽ phản ứng như thế nào.

Nhưng giá lúa, ngô đã tăng vọt chính là do đầu cơ.

Đúng – vì thị trường không hoạt động như mong muốn. Thông thường cung tăng lên sẽ dẫn đến tăng giá, nhưng sau đó sẽ làm cho sản xuất tăng lên và từ đó về lâu dài giá sẽ lại giảm. Nhưng lĩnh vực nông nghiệp lại khác.

Thưa ông, trong lĩnh vực này thị trường không còn có sự tự điều tiết?

Không, vì không có thị trường tự do. Không có lĩnh vực nào lại có sự kiểm soát giá cả, có rào chắn thương mại và có sự trợ giá nhiều như ở lĩnh vực nông nghiệp. Người nông dân Châu Âu chỉ làm việc bởi họ nhận được sự trợ cấp của Nhà nước – nếu không có sự trợ cấp đó thì họ sản xuất nhưng chẳng thu được lợi lộc gì.

Cho đến nay các nước công nghiệp phương Tây quyết không thay đổi cơ chế này, vậy căn cớ gì nay họ lại chấp nhận điều đó?
Vì các tinh hoa chính trị đã nhận ra được tầm cỡ của cuộc khủng hoảng này. Đành rằng cuộc khủng hoảng lương thực trước mắt chưa ảnh hưởng nhiều tới người dân các nước giàu có…

…họ chỉ phải chi thêm vài ba Cent cho sữa, bơ vv…
Maasdorp: …nhưng đối với các nước đang phát triển đây là vấn đề giữa cái sống và cái chết.

Nghe có vẻ như mỉa mai, nhưng cho đến nay vấn đề này vẫn chưa nhất thiết là lý do buộc các nước phương Tây phải hành động.
Nhưng nay thời điểm đó đã đến- vì phương Tây sẽ gặp nhiều vấn đề về an ninh. Các cuộc bạo loạn sẽ tăng lên và đến một lúc nào đó các cuộc bạo loạn này sẽ nhằm vào biểu tượng của chủ nghĩa tư bản: chống lại các hãng của phương Tây.

Vậy các nước công nghiệp có ý thức được điều này không, thưa ông?

Có, tôi nghĩ rằng phương Tây ý thức rất rõ về mức độ của cuộc khủng hoảng này. Điều này thể hiện qua những lời phát biểu của các chính khách và các vị lãnh đạo Nhà nước.  Hãy chờ xem họ sẽ áp dụng các biện pháp cụ thể như thế nào.

Đây sẽ là một sự thay đổi có tính cơ bản.
Chúng ta cần có sự thay đổi đó. Không phải trên bình diện chính trị mà cả về mặt công nghệ: chúng ta cần có những đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, để từ đó tăng hiệu quả hơn nữa và chúng ta cũng phải xem xét lại quan niệm đối với cây trồng biến đổi gene.

Thưa ông cách đây vài tuần Chương trình lương thực thế giới lại nêu lên những yêu cầu trái  ngược: đó là quay trở lại một nền nông nghiệp phi công nghiệp hoá và định hướng theo yêu cầu.
Đây là một vấn đề đang còn gây tranh cãi: một số chuyên gia lại quan niệm rằng những doanh nghiệp nông nghiệp lớn thí dụ như ở Brazil có nhiều khả năng thu được sản lượng lớn hơn. Trong khi đó nhiều nước ở châu Phi do nền nông nghiệp tiểu nông nhỏ lẻ chỉ đạt năng suất lao động như cách đây 50 năm. Nhưng dù tán thành hay không tán thành quan điểm này, năng suất lao động nhất thiết phải tăng lên.

Nhưng thưa ông liệu các doanh nghiệp lớn có phá vỡ các cấu trúc địa phương?

Không. Chính việc kiểm soát giá cả và hạn chế xuất khẩu mới thực sự tạo nên ảnh hưởng xấu. Bởi vì người nông dân của chúng ta sẽ không còn được kích thích để sản xuất một khi người ta chỉ cần chi một ít tiền để nhập khẩu nông sản từ bên ngoài.

Nhưng đấy chính là điều mà các nước công nghiệp phương Tây đang làm: một mặt họ đóng cửa thị trường của mình, mặt khác lại đòi các nước nghèo phải mở cửa thị trường của họ.
Đúng vậy, vì người nông dân (ở phương Tây) có lực lượng lobby hùng mạnh và gây sức ép đáng kể lên các Chính phủ. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng, chưa bao giờ thời điểm để thương thảo lại về cơ chế này lại thuận lợi như bây giờ – đó là nhờ có cuộc khủng hoảng này.

Theo ông thì bước đi cần thiết đầu tiên là gì?
Chúng ta phải điều phối cầu trên toàn thế giới, thí dụ thông qua một ngân hàng lương thực thế giới. Ngoài ra cần nhanh chóng mở rộng chương trình lương thực thế giới – giá lương thực cao gây hậu quả nặng nề đối với các hộ nghèo.

Liệu chúng ta có cần phải làm quen với thời kỳ mà giá lương thực, thực phẩm rẻ đã vĩnh viễn chấm dứt?

Phần lớn các chuyên gia phủ nhận điều này- điều đó làm cho tôi, một nhà kinh tế, không khỏi ngạc nhiên. Vì các yếu tố gây tăng giá lương thực vẫn còn đó: đó là biến đổi khí hậu, giá năng lượng, tăng trưởng dân số trên thế giới. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng: thời kỳ giá lương thực, thực phẩm rẻ đã qua rồi.

(Theo Spiegel 24.5)

Xuân Hoài

Tác giả