Thông báo mời tham dự Hội thảo: Xác định các chương trình mục tiêu quốc gia cho Nghiên cứu ứng dụng

Năm 2011 Việt Nam đã may mắn được bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình và đang có mong muốn trở thành nước công nghiêp hóa sau 2020. Tình hình này cũng tương tự như các nước và vùng lãnh thổ quanh ta (Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Philippine…) cách đây 30, 40 năm. Tuy nhiên trong những nước đó thì sau 20, 30 năm có những nước vươn lên được thành nước công nghiệp như Hàn Quốc, Singapore... một số nước khác thì vẫn thất bại do mặc dù có phát triển nhưng hoàn toàn không bền vững. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là những nước này đã bị thất bại trong việc tạo lập hệ thống sáng tạo quốc gia (NIS-National innovation system).

Trong số rất nhiều việc phải làm nếu Việt Nam không muốn lặp lại vết xe đổ của những nước thất bại, trước mắt chúng ta hãy bàn đến một tác nhân chủ yếu trong NIS là xây dựng và phát triển Khoa học Công nghệ của Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện nay kinh phí KHCN hằng năm vào khoảng 2% ngân sách, trong đó dành cho KHCB một tỷ lệ rất nhỏ, còn phần lớn là dành cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai (R&D). Vậy làm thế nào để cho kinh phí R&D, dù còn rất khiêm tốn, không dừng lại chỉ là chi tiêu nghiệp vụ của các viện nghiên cứu? Làm thế nào để kinh phí R&D thực sự mang lại hiệu quả như là một thành phần chủ chốt, liên kết và tương tác chặt chẽ với các định chế  khác (các doanh nghiệp, các cơ quan công quyền, các đại học, các hiệp hội…) trong hệ thống sáng tạo quốc gia.

Một trong những cách làm có hiệu quả ở nhiều nước thành công là thiết lập các chương trình mục tiêu quốc gia cho nghiên cứu ứng dụng và triển khai (Targeted national R&D Programs) cộng với một lộ trình (road map) và những giải pháp tổ chức thực hiện hết sức chặt chẽ và chi tiết. (những năm trước đây chúng ta cũng đã từng tổ chức thực hiện những chương trình này như chương trình 10 năm tiêu diệt bệnh sốt rét (1955-1964) do GS Đặng Văn Ngữ phụ trách; chương trình Quốc gia về CNTT (1993-1998) do GS Đặng Hữu, Phan Đình Diệu chủ trì; chương trình sản xuất lúa lai…).

Để làm được việc này thì cần phải thực hiện rất nhiều bước chuẩn bị. Chẳng hạn như:
* Tiền lực công nghệ hiện nay của Việt Nam
* Định hướng những ưu tiên chiến lược, từ đó xác định cần bao nhiêu chương trình mục tiêu Quốc gia cho R&D của Việt Nam;
* Đánh giá được các khoảng trống công nghệ;
* Thiết lập được các chính sách hữu hiệu;
* Cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các nhà hoạch định chính sách trọng yếu/các Bộ ban ngành;
* Xác lập một lộ trình với các mốc cụ thể cũng như các giải pháp thực thi.
v.v…

Như vậy, thiết lập những chương trình mục tiêu quốc gia cho R&D cùng lộ trình và các giải pháp thực thi là một việc làm vô cùng khó khăn, đòi hỏi tập hợp trí tuệ của rất nhiều nhà quản lý, khoa học, doanh nghiệp cùng những cơ quan có liên quan.

Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Ban biên tập tạp chí TIA SÁNG tổ chức cuộc Hội thảo với chủ đề: Xác định các chương trình mục tiêu quốc gia cho Nghiên cứu ứng dụng và triển khai giai đoạn 2011- 2015, dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4 năm 2011 tại Hà Nội.

Ban biên tập tạp chí Tia Sáng trân trọng mời các nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nhân, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo cùng đóng góp trí tuệ cho công việc chung rất đáng quan tâm này. Các ý kiến sẽ được trình bày trao đổi trên TIA SÁNG online, được chọn đăng trên các trang tạp chí TIA SÁNG và trình bày tại hội thảo.

Bài viết tham gia Hội thảo xin gửi về Tòa soạn trước ngày 20/4/2011.

                                           BBT Tia Sáng

Địa chỉ gửi tham luận, ý kiến:
Phạm Trần Lê, email: [email protected]

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)