Thông điệp độc hại của phố Wall

Với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, thanh danh của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ sẽ bị tổn hại – chủ yếu do sự khác biệt giữa lý thuyết thường được rao giảng và thực tiễn hành động của Washington. Và cho dù có thê lương như cuộc khủng hoảng hiện nay thì nó cũng sẽ qua đi, thế nhưng không cuộc khủng hoảng kinh tế nào, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khắc nghiệt lần này, trôi qua mà không để lại những di sản tệ hại. Một trong những di sản này là cuộc tranh cãi toàn cầu về các học thuyết kinh tế - mô hình nào sẽ đem lại phúc lợi cao nhất cho người dân.

Hơn bất kỳ nơi nào khác, thế giới thứ ba là chiến địa gay gắt nhất cho cuộc tranh cãi lần này, trong số 80% dân số thế giới đang sống ở châu Á, Mỹ Latinh và châu Phi, có đến 1,4 tỉ người đang sống với nguồn thu nhập ít ỏi 1,25 USD/ngày. Ở Mỹ, bêu xấu một người có khuynh hướng xã hội có thể chỉ là lời phê bình rẻ tiền. Thế nhưng, ở hầu hết những nơi khác trên thế giới, cuộc chiến giữa đường hướng tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – hoặc những gì mà người Mỹ cho là thuộc xã hội chủ nghĩa – vẫn còn tiếp diễn khốc liệt. Có lẽ không có kẻ thắng trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện thời, mà chỉ có người thua, và người thua đậm nhất lại là những người chủ trương đường lối kinh tế tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ. Điều này có tầm quan trọng đối với tương lai cuộc sống chúng ta.

Qua cuộc khủng hoảng, các nước kém phát triển sẽ hiểu rõ điều cần thiết cho sự thành công chính là một thể chế bảo đảm được sự cân bằng giữa thị trường và chính quyền, một Nhà nước có khả năng điều tiết một cách hữu hiệu. Họ hiểu rằng phải hạn chế tối đa vấn đề đặc quyền đặc lợi.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989 cùng với sự thất bại của chủ nghĩa xã hội ở một số nước là sự lên ngôi khải hoàn của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là đường hướng kinh tế tư bản kiểu Mỹ. Francis Fukuyama hồ hởi tuyên bố đây là “hồi kết của lịch sử”, xác định nền kinh tế thị trường định hướng dân chủ tư bản là hồi kết của kịch bản thăng tiến xã hội, và nhận định nhân loại đang hướng theo đường hướng này. Thật ra, các sử gia sẽ đánh dấu mốc 20 năm kể từ năm 1989 là thời kỳ hoàng kim ngắn ngủi của Mỹ. Thời kỳ này đã chấm dứt với sự sụp đổ của hàng loạt các ngân hàng và tập đoàn tài chính khổng lồ, đi cùng với những nỗ lực cứu vãn nền kinh tế chao đảo và hỗn loạn. Nó cũng đã kết thúc cuộc tranh luận về khái niệm “thị trường chính thống”, một khái niệm đã từng chủ trương rằng chỉ cần những thị trường không bị ràng buộc là có thể thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và đem lại thịnh vượng. Ngày nay, chỉ có những kẻ giả dối mới lý sự rằng nền kinh tế sẽ tự điều chỉnh, hay chính chúng ta phải dựa vào hành vi tư lợi của các thành phần kinh tế để bảo đảm nền kinh tế sẽ vận hành một cách trung thực và đúng đắn.
Người phương Tây thường hay quên,190 năm trước đây, 1/3GDP của thế giới xuất phát từ Trung Quốc. Nhưng sau đó, thật bất ngờ, sự bóc lột của chế độ thuộc địa cùng những thỏa thuận thương mại bất công, kết hợp với cuộc cách mạng kỹ thuật ở châu Âu và Mỹ, nền kinh tế phương Tây đã bỏ xa các nước đang phát triển. Cho đến năm 1950, nền kinh tế Trung Quốc chỉ đạt dưới 5% GDP toàn thế giới. Vào khoảng giữa thế kỷ 19, Vương quốc Anh và Pháp đã tiến hành một cuộc chiến tranh để đưa Trung Quốc vào thương trường quốc tế. Đây là cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ II, đã đổ những thứ rác rưởi vào thị trường Trung Quốc, và góp phần làm lan tràn thói nghiện ngập. Đây chính là nỗ lực đầu tiên của người phương Tây trong việc điều chỉnh cán cân thương mại.
Trong số những đường lối dẫn dắt để thoát khỏi chủ nghĩa thực dân, học thuyết Mác-xít đã cho rằng, sự bóc lột là nền tảng căn bản của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Các nước thuộc địa giành được độc lập chính trị sau cuộc chiến tranh Thế giới thứ II đã không thoát khỏi tình trạng thuộc địa kinh tế. Ở những vùng như châu Phi, tệ nạn bóc lột quá hiển nhiên – đó là sự vơ vét tài nguyên thiên nhiên và sự tàn phá môi trường với cái giá thật rẻ mạt. Một vài nơi khác, những thể chế đa quốc gia như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) được xem như là những công cụ của quyền lực thực dân hiện đại. Những thể chế này thúc đẩy nền kinh tế thị trường chính thống (thường được gọi là “nền kinh tế thị trường tự do kinh điển”), một khái niệm được Mỹ lý tưởng hóa qua châm ngôn “thị trường tự do và không ràng buộc”. Họ nhấn mạnh đến việc bãi bỏ các luật lệ trong lĩnh vực tài chính, tư nhân hóa và mở rộng thị trường tự do.
WB và IMF nói rằng tất cả những gì họ đã và đang làm chỉ để giúp ích cho sự phát triển Thế giới thứ ba… Họ được sự trợ lực của đội ngũ các kinh tế gia ủng hộ thị trường tự do, mà nhiều người xuất thân từ Viện Đại học Chicago, thánh địa của nền kinh tế thị trường tự do. Nhưng cuối cùng, các chương trình của những “môn đồ Chicago” đã không đem lại kết quả như mong muốn. Thu nhập đình đốn. Ở những nơi tăng trưởng, chỉ có tầng lớp đặc quyền đặc lợi được hưởng. Những cuộc khủng hoảng kinh tế riêng biệt tại các nước xảy ra ngày càng thường xuyên hơn – với mức độ khốc liệt dữ dội hơn gấp trăm lần so với những cuộc khủng hoảng trong quá khứ cách đây 30 năm.
Không nên quá ngạc nhiên khi người dân các nước đang phát triển ngày càng đặt nghi vấn vào sự giúp đỡ với tấm lòng vị tha của người phương Tây. Họ hoài nghi về những ngôn từ hoa mỹ từng là nền tảng của thị trường tự do – được mệnh danh ngắn gọn là “sự đồng thuận Washington” – đó chỉ là tấm bình phong che đậy quyền lợi thương mại ích kỷ và cổ lỗ. Sự ngờ vực này được củng cố bởi thái độ đạo đức giả phương Tây. Châu Âu và Mỹ đã không mở rộng thị trường của họ cho những mặt hàng nông sản của các nước thuộc Thế giới thứ ba, mà nông sản là tất cả những gì mà những nước nghèo có thể chào bán. Họ cưỡng ép các nước đang phát triển khước từ nguồn trợ cấp công để kiến tạo những ngành công nghiệp mới, trong khi đó Tây Âu vẫn cung cấp những khoản trợ cấp khổng lồ cho các nông gia của họ.
Tư tưởng nền kinh tế thị trường tự do đã trở thành lời bào chữa cho sự tha hóa của tình trạng bóc lột. “Tư nhân hóa” có nghĩa là những người ngoại quốc có quyền mua những quặng mỏ và những giếng dầu của những nước đang phát triển với giá bèo. Nó cũng có nghĩa là người ngoại quốc được hưởng những lợi nhuận khổng lồ từ địa vị độc quyền hoặc gần như độc quyền, trong những ngành như viễn thông. “Mở rộng thị trường tự do” có nghĩa là họ được hưởng mức lời cao ngất trên những khoản tín dụng cho vay– và khi những khoản cho vay trở thành những món nợ khó đòi, thì IMF cưỡng ép xã hội hóa các khoản mất mát, có nghĩa là toàn thể người dân phải gánh chịu sự bòn rút để bù đắp cho khoản nợ xấu đó. Tự do hóa thị trường cũng có nghĩa là những người ngoại quốc chắc hẳn sẽ quét sạch những ngành công nghiệp non trẻ, triệt tiêu sự phát triển của những doanh nghiệp tiềm năng. Trong khi nguồn vốn được tuôn chảy tự do, mà nguồn nhân lực thì không – ngoại trừ phần lớn những người có tài năng thật sự, những người này tìm được những công việc khá tốt trong thương trường toàn cầu hóa.
Toàn cảnh bức tranh này quá rõ ràng với đường nét vẽ của cây cọ thô thiển. Tuy nhiên, lúc nào cũng có một vài quốc gia, nhất là tại châu Á, kháng cự lại “sự đồng thuận Washington”. Họ đặt ra những rào cản hạn chế nguồn vốn chảy vào. Hai gã khổng lồ của châu Á – Trung Quốc và Ấn Độ – quản lý nền kinh tế theo cách riêng của họ, và đã tạo được sự tăng trưởng chưa từng có. Còn những nơi khác, đặc biệt tại những quốc gia trong tầm ảnh hưởng của WB và IMF, thì mọi thứ đều không khá hơn. Khắp mọi nơi, cuộc tranh luận về các học thuyết kinh tế vẫn tiếp diễn. Ngay cả tại những quốc gia chèo lái nền kinh tế khá tốt, giới có học vấn và có ảnh hưởng ngày càng tin chắc rằng các luật chơi không công bằng. Họ tin tưởng rằng họ đã thành công bất chấp điều đó, và họ tỏ ra cảm thông với những quốc gia bè bạn trong khối các nước kém phát triển đã vấp phải thất bại.
Các quốc gia đang phát triển đang nghiên cứu kỹ lưỡng sự lụn bại của nền kinh tế Mỹ, để rút ra những điều cần thiết cho mình trong tương lai. Họ biết rõ ảnh hưởng dây chuyền lan tỏa từ sự suy thoái kinh tế ở Mỹ đã đẩy hơn 200 triệu người vào cảnh bần cùng trong một thời gian quá ngắn, chỉ một vài năm. Và họ ngày càng nhận thức rằng hãy lánh xa bất kỳ mẫu mực lý tưởng nào mà Mỹ theo đuổi, hơn là ôm ấp lấy chúng.
Tại sao chúng ta phải lo lắng trước hiện tượng thế giới vỡ mộng về chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ?
Mỹ thường đóng vai trò chủ chốt trong việc nắm giữ nguồn vốn toàn cầu bởi vì người ta tin tưởng chúng ta có khả năng đặc biệt trong việc quản trị rủi ro và trong phương cách phân phối nguồn vốn hữu hiệu. Không ai nghĩ ra rằng hiện tại châu Á – là nơi cất giữ nguồn vốn tiết kiệm nhiều nhất trên thế giới– đã tự gây dựng cho mình một trung tâm tài chính. Mỹ không còn là nhân vật chính nắm giữ nguồn vốn. Ba ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay là của Trung Quốc. Ngân hàng lớn nhất của Mỹ đã tụt xuống hạng thứ 5.
Một thời gian dài đồng USD là nguồn ngoại tệ dự trữ – các quốc gia cất giữ đồng USD để bảo chứng cho đồng tiền và chính thể của mình. Thế nhưng dần dần, các ngân hàng quốc gia trên thế giới đã nhận ra rằng có lẽ đồng USD chưa chắc đã là đơn vị dự trữ an toàn. Giá trị đồng USD xuống dốc với chiều hướng dao động cao. Trong suốt cuộc khủng hoảng, số tiền nợ của Mỹ vùn vụt tăng nhanh đến khủng khiếp, cùng với sự can thiệp và cho vay ồ ạt của ngân hàng Dự trữ Liên bang, đã làm dâng cao mối âu lo cho tương lai của đồng USD. Người Trung Quốc đã phác họa sáng kiến sử dụng một đồng tiền khác làm ngoại tệ dự trữ thay thế cho đồng USD.
Nhưng ở đây, tôi quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực tư tưởng. Điều làm tôi lo lắng là các nước kém phát triển chắc hẳn sẽ rút ra những kết luận sai lầm sau khi họ đã nhận diện khá rõ ràng những nhược điểm của hệ thống quản lý kinh tế và xã hội Mỹ.
Họ sẽ hiểu rõ điều cần thiết cho sự thành công chính là một thể chế bảo đảm được sự cân bằng giữa thị trường và chính quyền, một Nhà nước có khả năng điều tiết một cách hữu hiệu. Họ hiểu rằng phải hạn chế tối đa vấn đề đặc quyền đặc lợi.
Từ đó, có lẽ nhiều quốc gia sẽ kết luận rằng không những tư bản thả lỏng, theo kiểu Mỹ, đã thất bại mà ngay cả khái niệm kinh tế thị trường tự do cũng đã thất bại, và quả thực họ không thể áp dụng khái niệm này trong mọi hoàn cảnh. Mô hình kinh tế tập trung quan liêu không thể quay trở lại, nhưng sẽ xuất hiện, dưới nhiều hình thức, hiện tượng can thiệp quá trớn vào thị trường. Và tất cả các hình thức can thiệp trên rồi sẽ thất bại. Người nghèo đã chịu tổn thất dưới nền kinh tế tự do chính thống – chúng ta có dòng chảy kinh tế hướng lên chứ chưa bao giờ hướng xuống. Tuy nhiên, người nghèo sẽ chịu tổn thất thêm lần nữa dưới những thể chế mới vì chúng còn làm tình hình tồi tệ hơn. Chưa có nền kinh tế nào thành công mà không biết nương tựa triệt để vào thị trường.
Nền kinh tế Mỹ rồi cũng sẽ hồi phục. Ở một chừng mực nào đó, địa vị của chúng ta bên bàn cờ thế giới cũng sẽ phục hồi. Mỹ là một quốc gia được thế giới ngưỡng mộ từ lâu, và dù muốn hay không, mỗi hành động của chúng ta đều là đối tượng, xem xét, nghiên cứu của nhiều người. Thành công của chúng ta đem lại sự ganh đua. Thất bại của chúng ta được đánh giá với con mắt miệt thị. Điều này đưa tôi trở lại với ý tưởng của Francis Fukuyama. Ông ta đã sai lầm khi nghĩ rằng sức mạnh của nền dân chủ tự do và khả năng của kinh tế thị trường tất thắng, và không thể đảo ngược. Thế nhưng ông ta không sai khi tin tưởng rằng dân chủ và động lực của thị trường là điều kiện cốt yếu cho công bằng và sự phồn vinh của thế giới. Cuộc khủng hoảng kinh tế, mà nguyên nhân chính xuất phát từ cách hành xử của Mỹ, đã làm tổn hại những giá trị căn bản nhiều hơn so với bất kỳ một chế độ chuyên chế nào từ trước đến giờ. Có lẽ đúng là thế giới đang hướng đến hồi kết của lịch sử, thế nhưng thế giới hiện đang cố chèo lái chống chọi với trận cuồng phong, trên tiến trình chúng ta đã tự hoạch định.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)