Thống kê thú vị về các giải Nobel kinh tế

Tờ Tuần kinh tế Đức đã có một bài tổng kết những điểm chung thú vị về các giải Nobel kinh tế dưới góc nhìn dí dỏm hài hước.

Chính xác thì giải Nobel kinh tế không được đề cập trong di chúc của nhà khoa học Thuỵ điển Alfred Nobel, mà tới năm 1969 mới được Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển đề xuất. Ngày nay giải Nobel về kinh tế học có một chỗ đứng vững chắc bên cạnh giải Nobel về vật lý, hoá học, y học, văn học và hoà bình. Các nhà kinh tế coi giải thưởng này là một niềm vinh dự to lớn. Ngoài ra giải thưởng còn mang lại một số lợi ích khác cho các nhà khoa học như được mời tham dự các hội nghị quốc tế, được mời viết bài, một số sách bán chạy… Và cuối cùng tài khoản của người được giải tăng thêm 8 triệu kron Thuỵ điển (khoảng 840.000 Euro). Tuy vậy, nhà kinh tế nào muốn nhận được một cuộc điện thoại từ Stockholm nhất thiết phải đạt được các điều kiện trong bản hướng dẫn gồm sáu bước dưới đây:

Quy tắc 1: Hãy nghiên cứu về những hiện tượng kinh tế vĩ mô

Kinh tế vĩ mô là một chủ đề được Ủy ban giải thưởng ưa thích. Những người đề ra các mô hình tổng thể mô phỏng tiêu dùng, lãi suất hay giá cả tác động tới sự phát triển của nền kinh tế như Paul Samuelson, John Hicks, Kenneth Arrow, Gerard Debreu và Maurice Allais… đã “đáp ứng” được điều kiện này.

Lĩnh vực thương mại và kinh tế đối ngoại cũng có nhiều triển vọng. Các các nhà kinh tế học như Bertil Ohlin, James Meade, Robert Mundell và Paul Krugman đã được giải Nobel về các lĩnh vực này.

Quy tắc 2: Đừng bận tâm đến lịch sử kinh tế

Đến nay mới chỉ có một giải Nobel cho các nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, đó là Robert Fogel và Douglass North vào năm 1933. Hai nhà kinh tế học này nghiên cứu về sự phát triển kinh tế ở Hoa kỳ và châu Âu trong cuộc cách mạng công nghiệp.

Quy tắc 3: Các nhà nghiên cứu kinh tế lý thuyết thường có ý tưởng tuyệt với ở độ tuổi  20

Nhà kinh tế học Paul Samuelson làm trợ lý giáo sư tại Học viện công nghệ Massachusett khi mới 25 tuổi, xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Foundations of Economic Analysis” vào năm 30 tuổi và được giải Nobel vào năm 1970. Phải chăng Samuelson là một trường hợp ngoại lệ khi thành công từ rất sớm? Hai nhà kinh tế Bruce Weinberg ở đại học Ohio và David Galenson ở đại học Chicago muốn biết rõ điều này và đã phân tích quá trình thăng tiến của 31 người được giải Nobel. Họ đã chia các nhà nghiên cứu kinh tế thành hai loại: nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm và sau đó đánh giá xem các nhà khoa học này thường đưa ra những ý tưởng to lớn ở độ tuổi nào. Căn cứ để đánh giá các ý tưởng, công trình khoa học của các nhà kinh tế đó là số lượng trích dẫn. Bruce Weinberg và David Galenson đã phát hiện ra một quy luật thú vị: Các nhà nghiên cứu lý thuyết thường là thần đồng và họ có những ý tưởng tuyệt vời nhất ở độ tuổi từ 23 đến 29. Còn các nhà nghiên cứu thực nghiệm thì có con đường thăng tiến chậm hơn, họ thường cho ra đời những ấn phẩm có ảnh hưởng lớn khi ở tuổi ngũ tuần.

Quy tắc 4: Sau khi được giải sẽ nghiên cứu ít hơn

Hai nhà tin học và toán học Santo Fortunato và Raj Kumar Pan ở đại học Aalto, Phần Lan đã nghiên cứu về năng suất lao động của 12 người được giải Nobel. Fortunato và Kumar Pan đã so sánh số lượng các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học này trước và sau khi được giải. “Số lượng bài đăng tạp chí giảm sau khi họ được giải” hai nhà nghiên cứu nhận xét. Có thể sau khi được giải thưởng, các nhà khoa học này có thêm các nhiệm vụ khác và phải đi công tác nhiều hơn.

Quy tắc 5: Muốn được giải hãy sang Mỹ cư trú

Ai muốn được giải Nobel phải cư trú ở Mỹ vì không có nước nào có nhiều người được giải Nobel như Mỹ. Trong số 76 người được giải Nobel cho tới nay thì 53 người là công dân Mỹ. Ngay cả trong số ít ỏi những người được giải không phải là người Mỹ thì cũng đã làm việc lâu năm ở các đại học của Mỹ.

Trường đại học Chicago là cái nôi đào tạo những nhà khoa học được giải Nobel với 28 người được giải Nobel. Các trường đại học nổi tiếng khác như Harvard, Princeton và Berkeley cũng không sánh nổi đại học Chicago.

Quy tắc 6: Phải là nam giới

Cho đến nay 99% những người được giải Nobel đều là nam giới. Một ngoại lệ duy nhất là nữ kinh tế gia Hoa kỳ Elinor Ostrom, được giải Nobel năm 2009.

Xuân Hoài lược dịch theo Tuần kinh tế Đức.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)