Thử đặt lại vấn đề phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên
Thực tế cho thấy: hiện đại hóa ở Tây Nguyên về cơ bản vẫn là quá - trình - một - công - đoạn, quá trình từ bên ngoài, quá trình từ bên trên. Trong khi đó, nội lực cần thiết từ nền tảng cộng đồng lại hầu như bị lãng quên. Đây vừa là hạn chế căn bản, vừa là nguyên nhân dẫn đến những mặt trái của hiện đại hóa Tây Nguyên hiện nay.
Khoảng hai thập niên trở lại đây, các cụm từ phát triển bền vững quốc gia và phát triển bền vững vùng, đặc biệt là phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên ngày càng trở nên quen thuộc trong đời sống xã hội Việt Nam. Chúng phổ cập đến nỗi, trong nhiều trường hợp, đã hóa thành những khẩu hiệu chung chung, hình thức. Với cụm từ phát triển bền vững Tây Nguyên, không ít người mặc nhiên xem nó như một ý niệm đã hoàn tất và không hề truy vấn về nội dung cốt lõi ẩn sau lớp vỏ ngôn từ: Vậy thì, thực chất của phát triển bền vững Tây Nguyên là gì? Trong bối cảnh Tây Nguyên đang đối diện với hàng loạt nhan đề của công cuộc phát triển, và chương trình Tây Nguyên III1 sắp được triển khai nhằm mở đường cho các kiến tạo chính sách, thể chế đối với khu vực cao nguyên này, việc tiếp tục đặt lại câu hỏi vừa nêu, xét đến cùng, vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự của nó.
Thách thức của hiện đại hóa
Phát triển bền vững Tây Nguyên, về bản chất, là hiện đại hóa sao cho hợp lí và hiệu quả một khu vực yếu lược và đặc thù trong bối cảnh phát triển của Việt Nam. Một khu vực mà nếu xét trên bình diện tổng thể, bất cứ chuyển động nào của nó cũng tác động không chỉ đến cấu trúc nội vùng, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các cấu trúc ngoại vùng, liên vùng, liên quốc gia.
Tây Nguyên là quê hương của trên 20 tộc người bản địa – những cộng đồng mà cho đến trước cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX, về cơ bản, vẫn nằm ngoài lề của các qui hoạch thể chế. Vì suốt quãng thời gian dài dằng dặc đó, toàn bộ khu vực mà ngày nay ta gọi là Tây Nguyên luôn nằm ngoài tầm với của các bàn tay nhà nước. Do vậy, Tây Nguyên gần như vô can trước những áp lực, tác động của thế giới bên ngoài – đặc biệt là thế giới đồng bằng phía Đông, phía biển – thế giới của văn minh, đổi mới và hiện đại. Bởi thế, các sử gia Trung Quốc thế kỉ XIV đã xếp người Thượng vào nhóm Seng-Li (man di sống) – là nhóm các dân tộc vẫn giữ được phong tục truyền thống của mình mà không/chưa bị Hán hóa, nhà nước hóa2.
Cho nên, thật dễ hiểu khi vào thập niên 1960, tại một xứ trung tâm như Buôn Ma Thuột, nhà dân tộc học người Pháp Anna. de Hautecloque còn chứng kiến tình trạng lạc lõng của người bản địa trước đời sống hiện đại: “Xứ Đắk Lắk được bình định và ổn định, có thể nói, đã tư sản hóa. Còn về tác động [của hiện đại hóa] đối với các cá nhân, cung cách ứng xử cùng nếp suy nghĩ của họ, qua nửa thế kỷ tiếp xúc với thế giới gọi là “văn minh” – nếu ta đưa ngược sự tiếp xúc này lên đến thời xứ sở mở cửa cho các hãng châu Âu vào năm 1926 – vô vàn chi tiết chứng minh rằng ảnh hưởng đó thường chỉ hời hợt và trong mọi trường hợp đều cực kì chậm chạp”3. Đến nay, dù đã có một thời gian khá dài làm quen với thế giới phát triển, nền tảng cổ truyền vẫn còn tác động đáng kể đến đời sống của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, cả ở dạng hiển hình lẫn tàng hình.
“Thực tại Tây Nguyên hiện tồn, mà chúng ta sẽ phân tích, kỳ thực là một quá khứ còn sống cho đến ngày hôm nay, nhưng nó không nhất thiết phải biến mất đi… với điều kiện ta cứu vãn được những điều kiện tối thiểu để hoàn thiện được cuộc thử nghiệm… Toàn bộ vấn đề là làm thế nào cho vận động đang diễn ra có được những điều kiện một mặt vẫn giữ được một diện mạo truyền thống và mặt khác, ứng dụng vào một ngày mai mới mẻ, tìm thấy được sự tiến bộ làm cho Truyền thống ấy nảy nở.”
Jacques Dournes |
Từ những năm 1950, nhờ vốn hiểu biết sâu sắc về các tộc người xứ Thượng, Jacques Dournes – một nhà Tây Nguyên học tầm cỡ của nước Pháp, đã cảnh báo về một tương lai bất trắc của các nền văn hóa bản địa Tây Nguyên khi chúng trực diện với chủ nghĩa thực dân phương Tây – một quá trình đã bắt đầu từ vài chục năm trước đó. Trước hết, ông thuật lại một nhỡn tiền từ công cuộc khai hóa Tây Nguyên: “Ngày hôm nay, người ta đem đến cho họ những gì cần có để xây dựng một ngày mai mới mẻ, và đấy là một nghĩa vụ mặc dầu nó hàm chứa những mạo hiểm có thể lường trước. Nếu họ không cầm lấy những công cụ người ta đưa cho họ, ấy là hoặc vì người ta đã đưa cho họ không phải cách, hoặc là vì họ bị mê hoặc bởi một quá khứ co cụm, nó sẽ làm cho họ trở thành một kẻ cùng khổ của nhân loại, họ sẽ là một người Mọi, không có ngày mai”4.
Bởi vì các tộc người cao nguyên rất dễ tổn thương trước tác động của cái mới – từ bên ngoài, nên Jacques Dournes tỏ ra trăn trở về một hướng đi có khả năng giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản địa và ngoại lai. Ông viết bằng lương tri và trách nhiệm của một người trong cuộc, một phần tử máu thịt của đồng bào Tây Nguyên: “Thực tại Tây Nguyên hiện tồn, mà chúng ta sẽ phân tích, kỳ thực là một quá khứ còn sống cho đến ngày hôm nay, nhưng nó không nhất thiết phải biến mất đi … với điều kiện ta cứu vãn được những điều kiện tối thiểu để hoàn thiện được cuộc thử nghiệm … Toàn bộ vấn đề là làm thế nào cho vận động đang diễn ra có được những điều kiện một mặt vẫn giữ được một diện mạo truyền thống và mặt khác, ứng dụng vào một ngày mai mới mẻ, tìm thấy được sự tiến bộ làm cho Truyền thống ấy nảy nở”5.
Theo Jacques Dournes, hiện đại hóa không nhất thiết phải từ bỏ truyền thống nếu truyền thống còn khả dụng. Do đó, hiện đại hóa còn là tìm cách hỗ trợ truyền thống, tái cấu trúc truyền thống, giúp truyền thống có thêm những tính năng mới để hội nhập thành công với hiện đại. Đây là một luận điểm thú vị, một gợi dẫn hữu ích cho một tiếp cận hợp lí về phát triển bền vững Tây Nguyên sau này.
Tác động một chiều từ bên ngoài vào
Theo chúng tôi, căn cứ vào các điều kiện đặc thù, quá trình hiện đại hóa Tây Nguyên phải là một quá trình gồm hai công đoạn diễn ra đồng thời: một mặt, từ ngoài vào, là sự chuẩn bị và cung cấp các nguồn lực vật chất cần thiết (lao động, hạ tầng, vốn, chính sách …); mặt khác, từ trong ra, là hình thành các điều kiện cho phép các cộng đồng bản địa đủ sức thích ứng với hiện đại hóa (năng lực tham gia thị trường, năng lực xã hội hóa, ý thức cá nhân, tâm lí chấp nhận thay đổi …).
Giữa hai công đoạn ấy, cái sau đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn cái trước, nhưng lại hết sức cần thiết để cân bằng và phòng ngừa những khuyết tật mà cái trước gây ra. Vì vậy, cái sau là tiền đề của cái trước, một đảm bảo để cái trước thành công. Nếu thiếu cái sau thì hiện đại hóa không còn là một diễn tiến vận động mang tính quá trình như ý nghĩa tự thân của nó, mà chỉ là phép cộng cơ học của các dự án – chương trình đơn lẻ, thậm chí bị biến dạng so với mục tiêu, tính chất ban đầu.
Hiện đại hóa là tìm cách hỗ trợ truyền thống, tái cấu trúc truyền thống, giúp truyền thống có thêm những tính năng mới để hội nhập thành công với hiện đại. |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy: hiện đại hóa ở Tây Nguyên về cơ bản vẫn là quá – trình – một – công – đoạn, quá trình từ bên ngoài, quá trình từ bên trên. Trong khi, một nội lực cần thiết từ nền tảng cộng đồng lại hầu như bị lãng quên. Đây vừa là hạn chế căn bản, vừa là nguyên nhân dẫn đến những mặt trái của hiện đại hóa Tây Nguyên hiện nay – đã được Dự thảo chương trình Tây Nguyên III khái quát thành 5 điểm chính: (1) Tăng trưởng không bền vững, GDP đầu người thấp, tỷ lệ nghèo đói cao; (2) Khai thác tài nguyên ồ ạt và sử dụng đất không hợp lý; (3) Suy thoái môi trường diễn ra nhanh chóng; (4) Gia tăng dân số quá nhanh, đặc biệt là tình trạng di dân tự do không kiểm soát được; (5) Phân hóa và mâu thuẫn xã hội gia tăng6.
Dĩ nhiên, đối tượng thiệt thòi hơn cả từ quá trình biến đổi Tây Nguyên vẫn là các cộng đồng bản địa. Sau 1975, đặc biệt từ sau thập niên 1990, khi công cuộc phát triển Tây Nguyên được đẩy mạnh cả về quy mô lẫn cường độ, các tộc người thiểu số đối mặt với hàng loạt thử thách mang tính sống còn. Ngoại trừ một bộ phận nhỏ thích ứng thành công với hiện đại hóa, nhiều cộng đồng đã “nếm trái đắng” của quá trình này khi nền tảng văn hóa tộc người bị xáo trộn, giải thể, vỡ tan trước tác động dồn dập của các làn sóng văn hóa mới.
Câu hỏi chưa có lời đáp
Rõ ràng, vấn đề nổi cộm của công cuộc phát triển Tây Nguyên hiện nay là tình trạng mất cân đối giữa một bên là các chương trình hiện đại từ bên trên/từ bên ngoài không ngừng được triển khai, với một bên là một số lượng không nhỏ các cộng đồng bản địa chưa hội đủ các điều kiện chủ quan để tiếp nhận hiện đại hóa.
Như vậy, thực chất của phát triển bền vững Tây Nguyên là tìm cách giải quyết tình trạng mất cân đối trầm trọng giữa hai công đoạn của quá trình hiện đại hóa. Thay vì đề cao quá mức công đoạn từ bên ngoài như hiện nay, cần thừa nhận và đưa công đoạn từ bên trong trở về vị trí xứng đáng của nó trong chu trình hiện đại hóa. Nói khác đi, phát triển bền vững Tây Nguyên trước hết và thực chất phải bắt nguồn từ phát triển bền vững cộng đồng, cụ thể là cộng đồng làng buôn – đơn vị nền tảng của các cộng đồng thiểu số ở Tây Nguyên. Hơn nữa, bởi lẽ công cuộc phát triển cộng đồng diễn ra trong bối cảnh hiện đại hóa – toàn cầu hóa, nên để hiện thực được mục tiêu này, tất yếu phải đi đến trả lời câu hỏi: các cộng đồng bản địa cần những điều kiện tối thiểu nào để thích ứng thành công với hiện đại hóa?
Có thể nói, đấy là câu hỏi mang tính bản thể luận trong mọi trầm tư liên quan đến cục diện Tây Nguyên đương đại – một câu hỏi tưởng chừng hết sức hiển nhiên, nhưng đến nay, vẫn chưa hề được quan tâm đúng mực để tìm ra một lời giải thích đáng. Cần nhấn mạnh thêm rằng, chất lượng của lời giải sẽ ảnh hưởng quyết định đến mức độ thành công của các đề án hiện đại hóa đã, đang và sẽ triển khai trên xứ Thượng, và không chỉ xứ Thượng: nó còn là một cứu cánh cho những khu vực đang hăm hở chuyển mình để trở nên hiện đại, văn minh trên đất nước này.
—
1. Tên đầy đủ của nó là Chương trình nghiên cứu đánh giá tổng hợp tài nguyên – môi trường, kinh tế – xã hội và đề xuất luận cứ khoa học công nghệ phục vụ chiến lược phát triển bền vững Tây Nguyên giai đoạn 2011
2. Đối lập với họ là Cho-Li, tức các tộc người đã bị Hán Hóa, Hoa hóa. Dẫn theo Jacques Dournes, PÖTAO, một lí thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương (Nguyên Ngọc dịch), bản word.
3. Anna.de Hautelocque, Người Ê-đê – một xã hội mẫu quyền (Nguyên Ngọc và Phùng Ngọc Cửu dịch), bản PDF, tr. 17.
4. Jacques Dournes, Miền đất huyền ảo (Nguyên Ngọc dịch), bản PDF, tr. 6.
5. Jacques Dournes, Miền đất huyền ảo (Nguyên Ngọc dịch), bản PDF, tr. 5 – 6
6. Đề cương chương trình nghiên cứu Tây Nguyên giai đoạn 2011 – 2015 (Dự thảo) do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam đồng chủ trì.