Thu hút vốn FDI đã vượt mục tiêu cả năm

Theo số liệu cập nhật của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thì thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả nước cho đến thời điểm này đã vượt qua mục tiêu đặt ra cho cả năm nay, song vẫn còn nhiều khó khăn phía trước trong thu hút đầu tư của Việt Nam.

Từ đầu năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trích dẫn đánh giá của các tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế rằng, nền kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2013 sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chưa thể phục hồi mạnh trong năm nay. Vì vậy, dự kiến năm 2013 vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 13-14 tỉ đô la Mỹ (bằng với kết quả thu hút vốn FDI năm 2012 là 13,01 tỉ đô la Mỹ).

Tuy nhiên theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20-8 đã đạt 12,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Và số liệu cập nhật của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho thấy đến nay nhiều địa phương đã cấp phép thêm cho các dự án đầu tư mới, nâng tổng vốn FDI được cấp phép từ đầu năm đến nay vượt 14 tỉ đô la Mỹ.

Dự báo này được dựa trên những dự án cấp phép mới nhất của hai địa phương là TPHCM và tỉnh Quảng Ngãi với khoảng 285 triệu đô la Mỹ vốn FDI vừa được cấp vào tuần rồi.

Nhưng đáng kể nhất phải là dự án đầu tư tổ hợp sản xuất điện tử có tổng vốn đăng ký 1,5 tỉ đô la Mỹ của tập đoàn điện tử LG Electronic (Hàn Quốc) đầu tư vào khu công nghiệp Tràng Duệ, thành phố Hải Phòng vừa được cấp phép.

Tổng hợp các số liệu trên cho thấy tổng nguồn vốn FDI cả nước thu hút được đến nay đã vượt 14,4 tỉ đô la Mỹ, cao hơn cả con số dự báo cao nhất trong năm nay mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra từ đầu năm là 14 tỉ đô la Mỹ. Số liệu này cũng chưa bao gồm những kết quả của các địa phương khác cấp phép đầu tư trong tháng 9 này.

Từ đây đến cuối năm còn đến hơn 3 tháng nữa, việc thu hút nguồn vốn FDI được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Do đó nguồn vốn FDI thu hút cho cả năm nay có thể tăng cao hơn rất nhiều so với kế hoạch.

Tương tự, tình hình giải ngân vốn thực hiện của các doanh nghiệp FDI, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đang theo đà thuận lợi và có thể đạt khoảng 10,5-11 tỉ đô la Mỹ như kế hoạch đề ra.

Mặc dù thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong năm nay cao hơn so với kế hoạch, nhưng giới phân tích cho rằng môi trường đầu tư trong nước vẫn còn nhiều yếu kém khi cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Ngay lãnh đạo của cơ quan xúc tiến và cấp phép đầu tư nước ngoài cũng thừa nhận những yếu kém này. Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” của Đài truyền hình Việt Nam gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhận xét: “Việt Nam đang mất dần lợi thế thu hút FDI so với các nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, do mất dần lợi thế về nhân công, tài nguyên và chính sách ưu đãi”.

Theo phân tích của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện tại Việt Nam đang phải chọn lựa những dự án đầu tư có công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, và ít ô nhiễm môi trường hơn, khiến thu hút vốn FDI trở nên khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng Việt Nam không tốt, thủ tục hành chính chưa được cải thiện nhiều vì thế môi trường đầu tư của Việt Nam bị giảm sút. Vì lẽ đó, việc thu hút FDI thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng.

Tại một hội thảo tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư nước ngoài diễn ra mới đây tại TPHCM, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng nêu những khó khăn tương tự. Chủ trương của Chính phủ Việt Nam hạn chế các dự án thâm dụng lao động, thay bằng những dự án công nghệ cao mang lại giá trị gia tăng nhưng sự sẵn sàng về nguồn lao động cho các lĩnh vực này lại rất yếu. Mặt khác, một khi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp chưa được bảo vệ tốt, việc cung cấp điện không đảm bảo… thì doanh nghiệp nước ngoài sẽ không dám đưa công nghệ vào.

Thực tế dù vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đổ nhiều vào Việt Nam nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền môi trường đầu tư còn gặp nhiều vấn đề, từ thủ tục hành chính đến các vấn đề hàng ngày. Theo ông Kimio Yahaguchi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp Nhật vẫn than phiền về dịch vụ logictics, cơ sở hạ tầng, an toàn giao thông… Thủ tục hành chính phức tạp, chồng chéo, chi phí không chính thức cao, thiếu lao động có tay nghề và công nghiệp phụ trợ chưa phát triển là những trở ngại cho hoạt động của doanh nghiệp.  

Việc có nhiều thay đổi trong Luật Đầu tư, Luật Lao động, Luật Môi trường, Luật thuế… trong những năm gần đây đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Những thay đổi này, theo các nhà đầu tư khiến họ không kịp xoay xở và không yên tâm đầu tư kinh doanh.

Theo giới phân tích, để Việt Nam trở thành điểm dừng chân và phát triển lâu dài cho các nhà đầu tư quốc tế đòi hỏi Chính phủ phải có những chiến lược và định hướng rõ ràng và hơn hết cần phải nhận thức môi trường thu hút đầu tư sau 25 năm đã thay đổi rất nhiều và các nước trong khu vực hiện nay.

Tác giả