Thử nghiệm dùng tế bào gốc chỉnh sửa gene điều trị HIV

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR điều trị cho một người đàn ông bị nhiễm HIV.

Các nhà khoa học ở Trung Quốc đã chỉnh sửa những tế bào gốc của người thành dạng tương tự loại đột biến có miễn dịch tự nhiên hiếm gặp có thể chống virus và cấy chúng vào cơ thể một người đàn ông bị nhiễm HIV và mắc bệnh ung thư máu. 

Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 11 tháng 9. Trưởng nhóm nghiên cứu Hongkui Deng, là nhà sinh vật học tại Đại học Bắc Kinh, chia sẻ rằng nghiên cứu này được truyền cảm hứng từ một ca cấy ghép tủy xương rất đáng chú ý cách đây khoảng 10 năm, đã chữa trị thành công cho một người đàn ông nhiễm HIV.

Vào năm 2007, Timothy Ray Brown đã trải qua một ca cấy ghép tủy xương để điều trị bệnh ung thư bạch cầu. Người hiến tủy rất đặc biệt, bởi anh ta mang gene CCR5 đột biến có khả năng miễn dịch với HIV. Sau gần 13 năm cấy ghép, không còn dấu hiệu nhiễm HIV trong máu và bệnh bạch cầu của ông đã thuyên giảm. Vào tháng 3/2019, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng bệnh nhân thứ hai đã trải qua một ca cấy ghép tương tự ở Anh và đã được chữa khỏi.

Deng muốn sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR vào việc tạo ra các tế bào gốc tạo máu được biến đổi gene từ những người hiến bình thường thành tế bào có khả năng kháng HIV, nhằm giúp phương pháp chữa bệnh tiềm năng này được tiếp cận một cách rộng rãi hơn. Ông và các đồng nghiệp đã thử nghiệm phương pháp này trên một người đàn ông 27 tuổi ở Trung Quốc được chẩn đoán nhiễm HIV và mắc bệnh ung thư bạch cầu. Các nhà khoa học đã trích xuất tế bào gốc tủy xương từ một người hiến tặng và sử dụng phương pháp CRISPR-Cas9 để biến chúng thành đột biến CCR5.

Ban đầu, các nhà nghiên cứu không thể sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR để cắt CCR5 trong tế bào gốc. “Tôi đã nghĩ, chà, những tế bào này quả là rắn mặt,” Deng nói. Cuối cùng, họ đã có thể chỉnh sửa 17,8% tế bào gốc của người hiến tặng.

Các nhà nghiên cứu đã trộn lẫn các tế bào gốc được chỉnh sửa với các tế bào gốc chưa được chỉnh sửa. Họ theo dõi tình trạng của người đàn ông sau khi được cấy ghép để xem liệu các tế bào được chỉnh sửa có khả năng tồn tại và tiếp tục tái tạo không, liệu họ có thể thành công trong việc chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV hay không, và quan trọng nhất là liệu rằng việc điều trị có an toàn hay không.

Công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR ở người vẫn còn gây tranh cãi, một phần vì nhiều nhà nghiên cứu lo ngại về tác dụng phụ của nó. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng CRISPR đôi khi tạo ra các đột biến không mong muốn trong phòng thí nghiệm — và nếu điều này xảy ra trong cơ thể con người thì sẽ cực kỳ tai hại.

Sau 19 tháng thử nghiệm, các tế bào gốc được chỉnh sửa gene CRISPR vẫn tồn tại, mặc dù chúng chỉ chiếm 5-8% tổng số tế bào gốc của người nhận. Điều này có nghĩa là hơn một nửa số tế bào gốc được chỉnh sửa đã không thể tồn tại sau khi được cấy ghép. Và mặc dù căn bệnh bạch cầu đã thuyên giảm, bệnh nhân vẫn bị nhiễm HIV.

“Tôi không lấy làm ngạc nhiên khi 5% là không đủ để giảm lượng virus,” Urnov nói, “nhưng hiện tại chúng tôi biết được rằng các tế bào được chỉnh sửa gene CRISPR vẫn có thể tồn tại, và chúng tôi cần phải làm tốt hơn so với con số 5%.” Đối với Deng, điều quan trọng nhất là người đàn ông không phải chịu bất kỳ tác dụng phụ nào do các tế bào chỉnh sửa gene gây ra. 

 “Đây quả là một tin vui trong lĩnh vực này,” Carl June, một nhà miễn dịch học thuộc Đại học Pennsylvania ở Philadelphia nhận xét. “Hiện tại chúng ta biết được rằng, về nguyên tắc có thể sử dụng công nghệ CRISPR để chỉnh sửa tế bào gốc của con người, rằng chúng có thể tồn tại trong cơ thể một bệnh nhân mà vẫn an toàn.”

June cho rằng những cuộc kiểm chứng ấy sẽ mở ra cơ hội nghiên cứu thử nghiệm công nghệ này để điều trị bệnh nhân mắc các bệnh về máu khác như bệnh hồng cầu hình liềm. Ông cũng lưu ý rằng nghiên cứu này tuân thủ các nguyên tắc đạo đức tiêu chuẩn, bao gồm cả việc có được sự đồng ý của những người tham gia.¨

Anh Thư lược dịch

Nguồn tin và ảnh: https://www.nature.com/articles/d41586-019-02719-w

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)