Thử nghiệm thành công mô hình hệ thống hầm lạnh cho tàu đánh cá xa bờ

Dù chỉ mới áp dụng thử nghiệm mô hình hệ thống bảo quản hầm lạnh ở 1/5 hầm lạnh trên tàu, ông Đồng Văn Đền (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) đã thu lãi ròng từ 10 đến 20 triệu cho mỗi chuyến đánh bắt xa bờ.

Đây là kết quả của việc thử nghiệm bước đầu đề tài nghiên cứu “Lắp đặt hệ thống lạnh cho tàu đánh bắt xa bờ” do TS Phan Quý Trà, Trường Cao đẳng Công nghệ thuộc Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm tiết kiệm năng lượng và tư vấn chuyển giao công nghệ thuộc Sở KH & CN TP Đà Nẵng thực hiện.

TS Phan Quý Trà cho biết, hạn chế của hệ thống làm lạnh trên các tàu đánh bắt xa bờ của Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành bạn khác tuy có nhiều cải biến nhưng hệ thống này vẫn rơi vào tình trạng bị ô xi hóa mạnh, hiệu suất làm lạnh không ổn định, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm sau những kỳ đánh bắt…

Trước thực tiễn này, TS Phan Quý Trà và cộng sự đã cùng bàn bạc nhằm thiết kế hệ thống bảo quản lạnh có khả năng cách nhiệt, giảm tổn thất lạnh, vật liệu chống ăn mòn, chịu được môi trường biển. Cuối cùng, một giải pháp hợp lý đã được đưa ra: vách trần hầm lạnh bằng innox 304 dầy 2mm, vật liệu cách nhiệt bằng inox kết hợp với phun lớp foam cách nhiệt bằng vật liệu bột xốp (Polyurethane).

Bên cạnh đó, nhóm kỹ sư còn thiết kế thiết bị bay hơi gọn nhẹ, chiều dài đường ống giảm  nhưng vẫn đảm hệ thống lạnh hoạt động hiệu quả và ổn định trong những chuyến đánh bắt cả tháng trời trên biển. Để tạo tính thân thiện với môi trường cho thiết bị bay hơi, họ đã sử dụng môi chất mới R134a, không sử dụng R12, R21 và R22, những môi chất phá hủy tầng ozon, gây hiệu ứng nhà kính…

Một trong những bộ phận không thể thiếu trong hệ thống làm lạnh là máy nén lạnh. Các kỹ sư đã chọn máy nén lạnh kiểu hở với phương pháp truyền động từ trục chính của động cơ máy tàu để vận hành máy. Để đảm bảo sự truyền nhiệt thông suốt trong hệ thống, họ đã dùng phương pháp đối lưu tự nhiên với chất tải lạnh, sử dụng dầu truyền nhiệt Shell-Thermia Oil B.

Trải qua quá trình nghiên cứu và đạt độ an toàn cao, TS Phan Quý Trà và cộng sự quyết định đưa ra thử nghiệm từ cuối năm 2014 trên tàu cá DNa 90621 của ông Đồng Văn Đền. Tàu cá của ông Đền có năm hầm lạnh và ông chọn một trong năm hầm này để lắp đặt và vận hành thử trong những chuyến đánh bắt xa bở của mình. Phản hồi của ông Đền sau những chuyến đánh bắt thử nghiệm hết sức tích cực: cá được bảo quản tốt hơn, giảm thiểu số lượng cá hư hao theo cách bảo quản kiểu cũ. Hơn nữa, do áp dụng làm lạnh kiểu mới mà số lượng đá cây, tiêu hao dầu máy cũng giảm đi đáng kể. Tính ra, mỗi chuyến ông Đền lãi được từ 10 đến 20 triệu đồng.

Ông Đền cho rằng, để phát huy tính năng vượt trội của mình thì mô hình làm lạnh cũng nên điều chỉnh thêm như cần lắp một dàn lạnh đối xứng với dàn lạnh thử nghiệm để điều chỉnh độ lạnh đều khắp cả hầm, nâng cao hiệu quả bảo quản cá.

Theo tính toán của nhóm kỹ sư tác giả, nếu đưa vào sử dụng rộng rãi sẽ lắp đều cả bốn vách hầm để đảm bảo chất lượng sản phẩm đánh bắt. Ngoài ra, khi mô hình được sản xuất đại trà, giá thành sẽ được giảm xuống đáng kể, qua đó tạo điều kiện cho các tàu cá đánh bắt xa bờ nào cũng đủ khả năng trang bị cho những chuyến vươn khơi.

 

Tác giả

(Visited 7 times, 1 visits today)