Thúc đẩy liên kết với người sản xuất trong nông nghiệp

Nhằm khắc phục những điểm yếu của nền nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ và thiếu gắn kết trong chuỗi sản xuất hướng tới một nền nông nghiệp có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam đã ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất từ những năm 2000.

Tương tự với vùng sản xuất chè và mía ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ của miền Bắc, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp ở ĐBSCL chỉ thu gom nông sản thô, hoặc sơ chế đóng gói. Doanh nghiệp không tiếp cận tới được người tiêu dùng thông qua thương hiệu của mình. Vì vậy, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ mang tính thời vụ, không ổn định, không đủ điều kiện để liên kết với nông dân về chất lượng, cung ứng và chia sẻ rủi ro. Do vậy, để đẩy mạnh các hình thức liên kết với người dân, xây dựng các mô hình liên kết thành công như cánh đồng lớn, hay các hình thức liên kết khác, nhà nước cần đầu tư các doanh nghiệp chế biến sâu, có phương án tiêu thụ sản phẩm lâu dài và có khả năng xây dựng được thương hiệu với mặt hàng nông sản đó.

Các hình thức doanh nghiệp ký kết hợp đồng, triển khai tiến bộ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân sau hơn 15 năm chính sách được ban hành, mặc dù đã có những thành công nhất định, tuy nhiên bức tranh tổng thể về kinh tế hợp tác giữa doanh nghiệp và người dân trong sản xuất nông nghiệp chưa thực sự như mong muốn. Liên kết trong tổ chức sản xuất kinh doanh tại Việt Nam chưa là động lực thúc đẩy sản xuất của tổng thể ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Để thúc đẩy liên kết doanh nghiệp và nông dân trong khâu tổ chức sản xuất, ứng dụng KH&CN và tiêu thụ sản phẩm, ngoài những chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất một số giải pháp tập trung vào chính sách đất đai, đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, phát triển công nghệ chế biến và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp có tiềm năng và tham gia liên kết với người sản xuất và nhà khoa học.

Thực trạng liên kết trong chuỗi sản xuất nông nghiệp

Sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Viêt Nam đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Năng suất lúa gạo tăng một cách bền vững từ những năm 1990 đã góp phần giảm nghèo đói, đảm bảo an ninh lương thực và ổn định xã hội. Việt Nam đồng thời cũng trở thành quốc gia đứng đầu thế giới trong xuất khẩu một số mặt hàng nông sản như tôm, cà phê, hạt điều, lúa gạo và hạt tiêu.
Mặc dù có năng suất cao trong một số sản phẩm nông sản nhưng Việt Nam lại đứng sau các nước trong khu vực về hiệu quả sản xuất, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước. Đây là nguyên nhân làm giảm tăng trưởng nông nghiệp trong những năm gần đây. Ngoài ra, thương mại và xuất khẩu nông sản Việt Nam chủ yếu tồn tại dưới dạng nguyên liệu thô, chất lượng thấp nên giá bán luôn thấp hơn các nước khác. Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp đang là vấn đề báo động tại Việt Nam. Nguyên nhân chính của những tồn tại nói trên đó là khâu tổ chức sản xuất, bất cập kéo dài trong sản xuất manh mún, nhỏ lẻ do thiếu liên kết mang lại. Giữa sản xuất các nông sản hàng hoá và các hoạt động chế biến và tiêu thụ không có sự gắn bó1 khiến sản xuất phát triển không ổn định và thiếu bền vững, “vòng xoáy trồng – chặt” thường xuyên xuất hiện ở nhiều loại cây trồng (Trần Đại Nghĩa và cộng sự 2015).

Một số mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân quy mô lớn trên cả nước (Trần Đại nghĩa và cộng sự 2014). (1) Doanh nghiệp sản xuất nông sản nguyên liệu tập trung quy mô lớn – Mô hình của CTCP Mía đường Lam Sơn. (2) Các mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp sản xuất lúa nguyên liệu tập trung quy mô lớn ở cánh đồng mẫu lớn tại vùng ĐBSCL. (3) Mô hình HTX trồng cây ăn trái theo các tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu. (4) Mô hình liên kết “bốn nhà” sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng GAP và VietGAP.

Phát triển hợp tác xã để thúc đẩy liên kết người sản xuất chưa thành công tại Việt Nam

Trong thời kỳ cạnh tranh kinh tế thị trường cần phải có sản phẩm khối lượng lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế; giá thành cạnh tranh. Với 45 triệu nông dân (11 triệu hộ dân) làm nông nghiệp đang sản xuất trên 70 triệu mảnh ruộng manh mún nhất thế giới, Việt Nam không thể làm được điều này (Trần Đức Viên, 2015). Theo nghiên cứu của World Bank (WB, 2016), Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy người nông dân hợp tác (hình thức hợp tác xã-HTX) nhưng về số lượng và cả chất lượng trong phát triển HTX còn nhiều bất cập. Trong thời gian qua, số lượng HTX tại Việt Nam giảm đi một cách rõ rệt, đa số những HTX còn tồn tại là HTX cung cấp dịch vụ thuỷ lợi. Cũng theo công bố của WB (2016), chất lượng của các HTX nông nghiệp Việt Nam cũng là một vấn đề cần xem xét khi có tới khoảng 85% trong số 9.200 HTX được thống kê vào năm 2012 đóng góp không đáng kể cho xuất khẩu sản phẩm nông sản, có dưới 1% người sản xuất cà phê tham gia HTX có định hướng thương mại (commercially oriented cooperatives) và tỉ lệ thấp tương tự cũng được tìm thấy cho nguồn cung xuất khẩu trong sản xuất lúa gạo.
Đứng trước thực tế trên, ngay từ những năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày ngày 24/06/2002 khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng, tạo cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu, nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Từ những quyết định trên, một số hình thức liên kết mới được ra đời bao gồm:

Mô hình liên kết cánh đồng mẫu lớn
Nhằm khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ và thiếu gắn kết giữa người dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, hình thức cánh đồng mẫu lớn – tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) theo quy mô lớn – đã được bắt đầu triển khai từ vụ đông xuân 2006-2007. Trước năm 2011, nhiều mô hình kỹ thuật canh tác theo hướng tăng năng suất, giảm giá thành: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Bên cạnh đó, một số mô hình kỹ thuật có khuynh hướng cải thiện chất lượng như “cánh đồng một giống”, “cánh đồng hiện đại” “cánh đồng lúa chất lượng cao” được một số tỉnh xây dựng.
Ngoài lúa gạo, trái cây cũng là một trong những ngành hàng trọng điểm ở ĐBSCL được nhiều địa phương, doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất lớn. Điển hình có thể kể đến mô hình liên kết giữa doanh nghiệp Thương mại Chánh Thu, Viện Cây ăn quả ĐBSCL với 26 hộ nông dân trồng nhãn thuộc tổ hợp tác (THT) Long Hoà, xã Long Hoà, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre.
Hiện nay tất cả 13 tỉnh trồng lúa ĐBSCL đều hưởng ứng chương trình liên kết này. Đây đã được xem là bước khởi động quá trình đột phá thứ hai trong nền nông nghiệp nước ta “chuyển lượng thành chất” trong điều kiện quy mô của các nông hộ nước ta vẫn còn rất nhỏ. Hiện tại ĐBSCL có 180 doanh nghiệp, 149 HTX, 590 THT có thực hiện liên kết, tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Liên kết theo cánh đồng lớn không ngừng phát triển mạnh về diện tích và chất lượng sản phẩm. Theo thống kê, từ năm 2013 đến vụ đông xuân 2015-2016, đã có hàng ngàn mô hình cánh đồng lớn được liên kết, xây dựng ở các địa phương với diện tích hơn 550.000 ha, trong đó ĐBSCL có diện tích lớn nhất, khoảng 450.000 ha (Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ NN&PTNT.
Hiện nay, cả nước có gần nửa triệu héc-ta canh tác theo mô hình cánh đồng lớn, nhưng ở ĐBSCL – nơi tập trung nhiều nhất diện tích cánh đồng lớn, cũng mới chỉ đạt 11% tổng diện tích canh tác lúa của vùng. Tuy nhiên mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa ở ĐBSCL hiện nay đang gặp phải khó khăn đó là thừa đầu vào và thiếu đầu ra2. Việc bao tiêu sản phẩm ở đa số các mô hình cánh đồng mẫu lớn chỉ đảm bảo được 10-20%.
Chính vì vậy nếu không có những chủ trương chính sách và sự hỗ trợ tích cực thì mô hình cánh đồng mẫu lớn có thể sẽ gặp phải những khó khăn như việc phát triển HTX trước đây của Việt Nam.
 

Liên kết nông dân với doanh nghiệp

Liên kết ngang giữa nông dân với nhau để cung cấp sản phẩm theo nhu cầu thị trường mới là một khía cạnh, là yếu tố “đẩy” trong mô hình liên kết. Mô hình này cần yếu tố “kéo”, chính là thị trường tiêu thụ đầu ra mà hoạt động cốt lõi là xây dựng được liên kết dọc giữa nông dân với doanh nghiệp. Xây dựng mối liên kết này về bản chất là xây dựng kênh tiêu thụ mới trong chuỗi giá trị thông qua loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ. Nếu không có liên kết này, việc tổ chức sản xuất thông qua liên kết ngang không đạt được lợi ích như mong muốn.
Việc thực hiện các hợp đồng liên kết theo Nghị quyết 80 của Thủ tướng Chính phủ cũng đa dạng tuỳ thuộc vào điều kiện đất đai, quy mô doanh nghiệp và thay đổi theo ngành hàng. Nghiên cứu trên vùng sản xuất chè và mía đường ở Sơn La, Nguyễn Hữu Ảnh và các cộng sự (2011) xác định tồn tại bốn hình thức liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Trong đó có các hình thức khai thác quỹ đất của công ty (HĐSX I), của người dân (HĐSX II và III); cung ứng vật tư và hỗ trợ kỹ thuật cho sản xuất (HĐSX I, II, và III); và hình thức chỉ ký hợp đồng bao tiêu (HĐSX IV) thường gặp ở các doanh nghiệp nhỏ. Trong đó hình thức IV bộc lộ sự kém ràng buộc và hiệu quả. Trong sản xuất chè HĐSX I chiếm ưu thế và trong ngành hàng mía HĐSX II chiếm ưu thế (Bảng 1).

 


Các yếu tố khác ảnh hưởng đến liên kết sản xuất nông nghiệp

Trong các mô hình liên kết, liên kết giữa nông dân và nông dân, nông dân và doanh nghiệp chưa thể hình thành nên một mô hình phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, có thể bổ sung các yếu tố khác trong chuỗi sản xuất nông sản liên kết lại với nhau để hình thành nên mối liên kết “bốn nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Trong chuỗi liên kết này, doanh nghiệp cần được xem là chủ thể của liên kết. Chính vì vậy Chính phủ cần tiếp tục có chính sách để hình thành và thu hút các tập đoàn tiêu thụ sản phẩm đa quốc gia kéo các ngành hàng của chúng ta vào chuỗi tiêu thụ toàn cầu. Đối với nền nông nghiệp còn đang manh mún và ở trình độ thấp như chúng ta hiện nay, việc xây dựng “niềm tin” là chiến lược để kết nối các thành phần trong chuỗi giá trị. Theo kinh nghiệm và cách làm của doanh nghiệp trên thế giới, để làm việc này chúng ta cần xây dựng các công ty có cung cách tổ chức và làm việc chuyên nghiệp3 (Trần Đức Viên và cộng sự 2015).
Một số mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân quy mô lớn trên cả nước (Trần Đại nghĩa và cộng sự 2014). (1) Doanh nghiệp sản xuất nông sản nguyên liệu tập trung quy mô lớn – Mô hình của CTCP Mía đường Lam Sơn. (2) Các mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp sản xuất lúa nguyên liệu tập trung quy mô lớn ở cánh đồng mẫu lớn tại vùng ĐBSCL. (3) Mô hình HTX trồng cây ăn trái theo các tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu. (4) Mô hình liên kết “bốn nhà” sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng GAP và VietGAP. Theo bài viết tổng hợp từ kinh nghiệm của chuyên gia và thực tiễn sản xuất nông nghiệp trên website của Pan group, một vấn đề khác cần quan tâm là phải có đủ diện tích sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí cánh đồng lớn. Phải có đủ bốn nhà cùng thực hiện liên kết nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện các hợp đồng sản xuất. Trong đó, chủ yếu là nhà doanh nghiệp và nhà nông cùng thực hiện trong một dự án – có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho năng suất cao, chất lượng tốt, giá thành sản phẩm hạ… của nhà khoa học. Bên cạnh đó, phải có đủ máy móc, kho bãi phục vụ chăm sóc, thu hoạch phù hợp với quy mô diện tích, sản lượng của từng cánh đồng liên kết.
Việc tiếp cận nguồn vốn vay của các HTX và THT tại Việt Nam hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Đối với các HTX và THT, việc đầu tư trang thiết bị, máy móc là rất cần thiết nhưng đa phần đều thiếu vốn và gặp khó trong vay vốn. Nhiều vùng sản xuất lớn có diện tích lúa của HTX tới 1.400 ha nhưng chỉ có thể tiêu thụ sản phẩm lúa cho bà con khoảng 10-20%. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu vốn. Thực tế, vốn của HTX là do các xã viên góp lại nên khó có thể dùng để vay ngân hàng.
 

Một số mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân quy mô lớn trên cả nước (Trần Đại nghĩa và cộng sự 2014).
(1) Doanh nghiệp sản xuất nông sản nguyên liệu tập trung quy mô lớn – Mô hình của CTCP Mía đường Lam Sơn.
(2) Các mô hình liên kết nông dân – doanh nghiệp sản xuất lúa nguyên liệu tập trung quy mô lớn ở cánh đồng mẫu lớn tại vùng ĐBSCL.
(3) Mô hình HTX trồng cây ăn trái theo các tiêu chuẩn VietGAP xuất khẩu.
(4) Mô hình liên kết “bốn nhà” sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng GAP và VietGAP. 

Đề xuất giải pháp

1. Việt Nam rất cần thúc đẩy các chính sách ưu tiên phát triển nghiên cứu và sản xuất các loại rau quả bản địa là thế mạnh của Việt Nam4 và có khả năng xuất khẩu; ưu tiên phát triển các doanh nghiệp mạnh có khả năng đảm bảo tiêu thụ nông sản bền vững, hoạt động trong lĩnh vực rau, hoa quả thúc đẩy liên kết với nông dân trong lĩnh vực này. Suốt một thời gian dài, Việt Nam tập trung đầu tư nghiên cứu và sản xuất lúa, trong khi đó có xuất phát điểm giống như Việt Nam nhưng Thái Lan, Trung Quốc đã nhanh chóng đầu tư cho đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chú trọng đến các nông sản giá trị cao như rau, hoa, và quả, nhờ vậy hai nước láng giềng của Việt Nam đã có một nền nông nghiệp giá trị cao và hiệu quả.
2. Đẩy mạnh xây dựng chính sách tích tụ ruộng đất là cơ sở thúc đẩy doanh nghiệp liên kết nông dân: Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, nông nghiệp không thể phát triển nếu trang trại không đủ lớn (tối thiểu/ 2 hecta). Sản xuất nông nghiệp manh mún của Việt Nam hiện nay đang là cản trở lớn nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn mới, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh trên sân nhà cũng như năng lực xuất khẩu. Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu và chính sách để tích tụ ruộng đất, nhưng ngay cả những nơi người dân bỏ đất hoang thì việc tích tụ ruộng đất vẫn tiến triển rất chậm. Việc tích tụ ruộng đất cần gắn với đầu tư vốn và năng lực, hỗ trợ hợp tác doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ví dụ: Hiện nay nhiều vùng ở đồng bằng sông Hồng nơi có điều kiện đất đai tốt cho việc sản xuất rau vụ đông nhưng bà con thường bỏ hoang do việc sản xuất cây vụ đông truyền thống như ngô/khoai lang trên diện tích đất nhỏ không hiệu quả. Nếu có phương án hợp tác tốt với doanh nghiệp thì họ có thể tích tụ bán thời gian (chỉ dùng vụ đông sản xuất rau để xuất khẩu) mang lại giá trị kinh tế cao.
3. Ngoài việc đa dạng hoá sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hoá như phân tích ở 1 và 2, Việt Nam cần chính sách ưu tiên chế biến và đẩy mạnh sự hiện diện của nông sản và sản phẩm chế biến nông sản của Việt Nam ra thị trường thế giới, khai thác tối đa lợi thế khí hậu, vùng miền và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam. Muốn vậy, cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp và cơ sở chế biến sản phẩm nông sản, hệ thống logistics, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm nông sản có chất lượng cao của Việt Nam.  
4. Việc thiếu gắn kết của nhà khoa học trong chuỗi sản xuất của Việt Nam một phần là do thực trạng KH&CN của Việt Nam nói chung và KH&CN trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn mới nói riêng đang tồn tại vấn đề là hệ thống nghiên cứu công lập quá lớn (so với các thành phần khác) và trùng nhau về lĩnh vực nghiên cứu. Do đó thực trạng thiếu kinh phí nghiên cứu (mặc dù trang bị cơ sở vật chất hiện tại có thể tương đối đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu) là phổ biến. Điều này dẫn đến các nghiên cứu phục vụ nông thôn mới thường là các nghiên cứu nhỏ, lẻ, thiếu tính liên ngành và khó có thể giải quyết bài toán tổng thể. Vì vậy, cần có chính sách từng bước tái cơ cấu hệ thống KH&CN và đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn; ưu tiên đầu tư trọng điểm cho các cơ sở nghiên cứu mạnh, có năng lực. Đồng thời có những chính sách ưu tiên doanh nghiệp tham gia cùng đầu tư ở các cơ sở nghiên cứu khoa học để phát triển công nghệ mà thị trường yêu cầu.
5. Việt Nam chưa có chính sách và chương trình rõ rệt phục vụ việc đào tạo nguồn nhân lực KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới một cách bền vững. Hệ thống đào tạo phục vụ nông nghiệp, nông thôn hiện nay được xem là nặng về lý thuyết, thiếu thực tiễn và không đáp ứng tốt được nhu cầu ngay cả thị trường trong nước, thị trường thế giới còn rất xa vời. Chúng ta cần xác định: Nguồn lực con người là chìa khoá của thành công trong KH&CN phục vụ phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hợp đồng, cần đầu tư trọng điểm cho một số trường đại học, viện nghiên cứu có năng lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
6. Cần quy định cụ thể hơn về các mô hình liên kết trong lĩnh vực trồng trọt (cánh đồng lớn), thủy sản, chăn nuôi, và trồng rừng tập trung. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đa dạng hơn như các chính sách chung là hỗ trợ phát triển cơ sở phát triển kết cấu hạ tầng cho cánh đồng lớn, chính sách tín dụng, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, đăng ký chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.
————–
Tài liệu tham khảo
1. Lê Hữu Ảnh và cs. 2011. Hình thức hợp đồng sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân- trường hợp nghiên cứu trong sản xuất chè và mía đường ở Sơn La. 2011. Tạp chí Khoa học và Phát triển. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội.
2. Luu Tien Dung. Efficiency of economic linkage between enterprise and farmers in the southeast region, the current situation and affecting factor. Conference paper. 2015. Lac Hong University.
3. Trần Đại Nghĩa và cộng sự, 2014. Báo cáo liên kết nông dân- doanh nghiệp tại Cánh đồng mẫu lớn vùng ĐBSCL.
4. Trần Đức Viên, Nguyễn Việt Long. Kinh tế hợp tác gắn sản xuất nhỏ lẻ với chuỗi giá trị toàn cầu. Hội thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ chính sách đến thực tiễn. 2015. Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
5. Trần Đức Viên, Nguyễn Việt Long. Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn tri thức trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam.  Hội thảo tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ chính sách đến thực tiễn. 2015. Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
6. World Bank 2016. Transforming Vietnamese Agriculture: Gaining More from Less.
7. http://thepangroup.vn/lien-ket-trong-san-xuat-xu-the-phat-trien-tat-yeu-cua-nong-nghiep-hien-dai-tim-chat-ket-dinh-vi10865.htm#.WBax6yN95dg
8. http://www.vietgap.com/thong-tin/1052_5150/canh-dong-lon-vuong-gi-thua-dau-vao-thieu-dau-ra.html.
——–
1Ý nghĩa trong việc liên kết sản xuất tiêu thụ của nông dân với nông dân và doanh nghiệp với nông dân là giảm chi phí trung gian và tạo ra giá trị gia tăng cho chuỗi sản xuất hàng hóa nông sản. Các doanh nghiệp thường mong muốn hợp tác với các nhóm nông dân có tổ chức hơn là làm việc trực tiếp với các tiểu nông sản xuất nhỏ lẻ mặc dù có một thực tế là khi nông dân liên kết với nhau trong một tổ chức sẽ làm tăng vị thế trong đàm phán kinh doanh. Liên kết với một một số lượng lớn người nông dân có tổ chức sẽ giúp cho doanh nghiệp tránh được các vấn đề về thị trường hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ không hiệu quả, khó có điều kiện tiếp cận về khoa học kỹ thuật, nguồn vốn, lượng cung và chất lượng sản phẩm bấp bênh, mẫu mã sản phẩm kém và khó quản lý rủi ro. Các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trên thế giới đều có chung đặc điểm là nâng cao hiệu quả của chuỗi lợi ích từ người nông dân sản xuất – doanh nghiệp chế biến – thị trường bán lẻ hàng hóa.
2Chỉ thị số 25/2008/CT-TTg ngày 25/08/2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng” đã xác nhận, “doanh nghiệp, hộ nông dân chưa thực sự gắn bó và thực hiện đúng cam kết đã ký; tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp (lúa hàng hóa 6-9% sản lượng, thủy sản dưới 10% sản lượng, cà phê 2-5% diện tích); doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, chưa điều chỉnh kịp thời hợp đồng bảo đảm hài hòa lợi ích của nông dân khi có biến động về giá cả; trong một số trường hợp, nông dân không bán hoặc giao nông sản cho doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký; xử lý vi phạm hợp đồng không kịp thời và chưa triệt để; tình trạng tranh mua, tranh bán vẫn xảy ra khi đã có hợp đồng”.
3Trong kinh doanh nông nghiệp, các công ty không chỉ cung cấp hạt giống thử nghiệm ban đầu để bán được giống như đa số công ty trong nước hiện nay đang làm mà cần phải có cam kết và trách nhiệm với sự phát triển của hạt giống do công ty mình cung cấp cho người dân, phải lấy tiêu chí “người nông dân thành công là thành công của công ty” giống như văn hoá của các công ty châu Âu đó là “Seed & Service”. Ngoài ra công ty cần phải có khả năng tư vấn cho người sản xuất về kế hoạch sản xuất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, có khả năng tập huấn cho người sản xuất nhỏ và tập hợp họ trong thành phần sản xuất của công ty mình, từ đó mà hình thành vùng nguyên liệu ổn định và tin cậy của công ty.
4Tháng 9 năm 2016 lần đầu tiên xuất khẩu một số loại quả như ổi, chuối, xoài… của Việt Nam đạt 1,68 tỷ USD vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô (http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160926/rau-qua-ruong-dong-viet-xuat-khau-da-vuot-dau-tho/1177581.html).

 

 

Tác giả

(Visited 59 times, 1 visits today)