Thực hiện tốt luật đã có trước khi chờ luật mới về AI
“Quy định” luôn là từ gây khó chịu đối với các công ty công nghệ trên toàn thế giới bởi theo họ, nếu mọi người muốn có điện thoại thông minh và ô tô bay thì phải bỏ qua những quy định cũ kỹ được tạo ra từ thời tiền internet.
Nhưng một vấn đề quan trọng đang diễn ra, ban đầu chỉ là những thảo luận nho nhỏ nhưng giờ đã thu hút sự chú ý của giới chuyên môn lẫn cả xã hội: cần phải đưa các quy định trở lại trong thời kỳ trí tuệ nhân tạo (AI).
Ed Husic, Bộ trưởng Úc chịu trách nhiệm về chính sách công nghệ của Úc, đang dẫn đầu một cuộc đánh giá thế kỷ. Ông tham vấn ý kiến người dân về việc luật pháp Úc nên thay đổi thế nào cho kỷ nguyên AI. “Tôi nghĩ rằng kỷ nguyên tự điều chỉnh (self-regulation) đã kết thúc.”, ông nói với ABC. Husic nói rõ, các quy định cho AI nên tập trung vào “các yếu tố rủi ro cao” và đạt được “sự cân bằng hợp lý”.
Thực tế, các công ty công nghệ cũng yêu cầu phải có các quy định. Ngày 16/5, Sam Altman – Giám đốc điều hành OpenAI, công ty chịu trách nhiệm về ChatGPT – tuyên bố trước Quốc hội Mỹ rằng “quy định về AI là điều cần thiết”.
Đây là một sự chuyển biến đáng kinh ngạc. Chưa đầy một thập kỷ trước, phương châm của Facebook là “di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ”. Khi người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg thốt ra những lời đó, anh đã nói thay lời cho cả một thế hệ làm công nghệ ở Thung lũng Silicon, những người coi luật lệ như một chiếc phanh kìm nén đổi mới sáng tạo.
Chúng ta nên hỏi tại sao thế giới công nghệ đột nhiên trở nên say mê với các quy định như thế? Một lời giải thích là các nhà lãnh đạo công nghệ thấy rằng nếu không có các quy định hiệu quả hơn thì mối đe dọa gắn với AI có thể làm lu mờ tiềm năng tích cực của nó.
Hãy nghĩ về OceanGate, công ty đứng sau chiếc tàu lặn Titan đã chìm vào đầu năm nay, dẫn đến cái chết của tất cả mọi người trên tàu. OceanGate đã cố tình không đăng ký kiểm định an toàn vì “đưa một bên thứ ba từ bên ngoài vào để đi theo mọi hoạt động đổi mới trước khi nó được đưa vào thử nghiệm thực địa là sự nguyền rủa đối với đổi mới sáng tạo nhanh”.
Có lẽ, các công ty công nghệ biết chắc rằng sản phẩm của mình sẽ có cả mặt hại và mặt lợi [cho người dùng] và họ đang thực sự muốn thay đổi. Tuy nhiên, một vấn đề khác lại nổi lên ở đây. Khi kêu gọi chính phủ làm luật cho AI, các công ty có một mặc định ngầm là ‘hiện tại không có luật nào áp dụng cho AI’.
Nhưng điều này hoàn toàn sai. Các luật hiện hành vẫn có thể áp dụng cho AI. Các quy định hiện nay nêu rõ, dù sử dụng bất kể hình thức công nghệ nào thì công ty cũng không thể làm ra những hành vi lừa đảo hoặc bất cẩn. Giả sử như tư vấn cho khách hàng về các gói bảo hiểm y tế tốt nhất. Không quan trọng là công ty đưa ra lời khuyên dựa trên các tính toán bằng tay hay các dạng AI tinh xảo nhất, việc đưa ra tư vấn cẩu thả đều bất hợp pháp như nhau.
Điều quan trọng trong kỷ nguyên AI không phải là nội dung của luật pháp, mà thực tế nó không được thực thi nhất quán trong quá trình phát triển và sử dụng AI. Điều này có nghĩa là các nhà quản lý, tòa án, luật sư và cộng đồng cần phải nâng cao năng lực để đảm bảo các quyền con người và thực thi hiệu quả quyền bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực AI.
Úc đã trải qua một giai đoạn thờ ơ chính sách cực đoan trên lĩnh vực AI trong khi Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và một số quốc gia ở châu Á (bao gồm cả Trung Quốc) đã bắt đầu xây dựng các khung pháp lý.
Trong bối cảnh này, việc xem xét các quy định cho AI rất quan trọng. Một số chuyên gia Úc nhấn mạnh rằng không nên sao chép một cách vô thức các quốc gia khác, nhưng luật pháp của họ phải đảm bảo sự bảo vệ bình đẳng cho người Úc. Điều đó có nghĩa là Quốc hội nên thông qua một khuôn khổ pháp lý phù hợp với hệ thống chính trị và pháp lý của nước này, dù cho họ có phải tách ra khỏi Dự thảo luật AI của EU. □
Trang Linh dịch