Thực phẩm không đường không giúp giảm cân

Qua công bố mới xuất bản trên tạp chí “Applied Physiology, Nutrition and Metabolism”, các nhà nghiên cứu tại Massachusetts General Hospital (MGH) đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc giảm cân và thực phẩm sử dụng chất tạo ngọt.

Tốt nhất là uống nước thường hoặc chè không bổ sung đường cũng như chất tạo ngọt

Lâu nay người ta vẫn tin rằng các chất tạo ngọt hóa học sẽ hỗ trợ việc giảm cân nhưng các nghiên cứu cho thấy chất tạo ngọt thay thế cho đường trong đồ ăn kiêng thường ảnh hưởng đến chức năng của loại enzyme có khả năng ngăn chặn bệnh béo phì.

Các nhà dinh dưỡng đã nghi ngờ rằng chất tạo ngọt hóa học – thường xuyên được sử dụng để thay thế đường trong cà phê hoặc các loại nước giải khát có ga – không giúp người uống giảm cân. Do chưa có bằng chứng xác thực nên các nhà khoa học vẫn cố gắng lý giải nguyên nhân vì sao dẫn đến hiện tượng này.

Với công bố trên “Applied Physiology, Nutrition and Metabolism”, nhóm nghiên cứu của Richard Hodin ở Massachusetts General Hospital (MGH) đã trở thành những người đi tiên phong trong việc lý giải nguyên nhân. Họ đã điều tra về một loại chất tạo ngọt là aspartame (vốn được EU ấn định mã E951). Cùng với một phụ gia thực phẩm khác, aspartame-acesulfame (E962), aspartame là chất được sử dụng phổ biến để thay thế đường trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Các nhà sản xuất đã đưa Aspartame vào sản phẩm để có thể thoải mái ghi tên cho nhãn hàng là “không đường”, ví dụ như các loại đồ uống có gas, các loại kẹo bánh và dĩ nhiên là cà phê hòa tan.

Sự chuyển hướng của thực phẩm chứa đường hóa học

Tại sao aspartam lại không giúp người sử dụng giảm cân? “Chúng tôi đã tìm ra bằng chứng cho thấy, aspartam đã ngăn sự hoạt động của intestinal alkaline phosphatase (IAP), một loại enzyme có chức năng loại bỏ các nhóm phosphat của nhiều hợp chất như nucleotide, protein, và alkaloid”, giáo sư Hodin giải thích. Ông cũng hiện phụ trách công tác hướng dẫn nghiên cứu tại Khoa Y trường đại học Harvard.

IAP có mặt trong ruột non. “Trước đây, chúng tôi đã từng chứng minh là loại enzyme này có thể ngăn chặn được nguy cơ béo phì, bệnh tiểu đường và hội chứng chuyển hóa [một loại bệnh có đặc điểm kết hợp các bệnh béo phì, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa và tích tụ insulin]. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng khi được bổ sung vào thực phẩm và đồ uống thay cho đường, aspartame có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến IAP”.

Tuy vậy, aspartame lại không tác động trực tiếp đến loại enzyme một cách trực tiếp mà thông qua phenylalanine, một sản phẩm từ quá trình chuyển hóa của aspartame trong cơ thể.

Đường hóa học làm gia tăng chỉ số đường huyết

Các nhà nghiên cứu cho biết, các điều tra của họ dựa trên những thí nghiệm trên chuột. Trong một thí nghiệm, họ cấy thẳng IAP vào những con chuột đã trải qua quá trình ăn kiêng giàu chất béo, kết quả thu được là IAP có thể ngăn chặn một cách hiệu lực hội chứng chuyển hóa. Nó cũng giúp ngăn chặn các triệu chứng liên quan đến bệnh béo phì ở động vật.

Các nhà nghiên cứu cũng đã chứng tỏ rằng việc tiêm thẳng aspartam vào ruột non đã làm IAP không còn hoạt động hiệu quả, tuy nhiên nếu tiêm đường hoặc muối thì IAP vẫn hoạt động bình thường.

Chất tạo ngọt thường được dùng trong sản xuất các nhóm thực phẩm, đồ uống ăn kiêng, với một người bình thường thì giới hạn cho phép là ba lon rưỡi nước giải khát có gas mỗi ngày. Với nhóm ăn kiêng giàu chất béo thì số lượng này là hai lon.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khó phân biệt sự khác nhau giữa hai nhóm chuột ăn kiêng thông thường và ăn kiêng giàu chất béo, tuy nhiên những con chuột ở nhóm hai khi được uống nhiều nước có đường hóa học đã lên cân và chỉ số đường huyết cũng cao hơn so với đồng loại uống nước thường. Thêm một yếu tố nữa là lượng TNF-alpha, một loại protein trong máu chuột uống nước bổ sung đường hóa học cũng tăng lên. TNF-alpha có liên quan mật thiết đến hội chứng chuyển hóa.

Vậy điều gì xảy ra với chuột sẽ xảy ra trên cơ thể người? Trong trường hợp này thì người ta nên uống nước lọc, hay chè mà không nên bổ sung thêm đường tự nhiên hay đường hóa học hơn là uống một loại nước giải khát “không đường”.

Nguồn: http://www.dw.com/en/sugar-free-products-stop-us-getting-slimmer/a-36504096

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)