Thương mại Việt Nam -Trung Quốc mất cân đối nghiêm trọng
Bài phỏng vấn Tiến sĩ Lê Đăng Doanh của Tạp chí Tia Sáng về vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc.
Gần đây dư luận ít nhiều quan ngại về vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc. Liệu mối quan ngại này có xác đáng trên khía cạnh kinh tế?
Việt Nam đã và đang tiếp tục nhập siêu rất nặng nề từ Trung Quốc và trong năm 2011 còn có dấu hiệu gia tăng. Theo các con số thống kê chính thức, trong 4 tháng đầu năm 2011, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 3 tỷ USD, nhập khẩu 7,1 tỷ USD, nhập siêu 4,1 tỷ USD, tức bằng 136,6% xuất khẩu. Số xuất khẩu của Việt Nam công bố thường cao hơn số nhập khẩu từ Việt Nam do Trung Quốc công bố, cho thấy số xuất khẩu thực của Việt Nam có thể còn thấp hơn, sai số có thể có liên quan đến gian lận để hoàn thuế khống. Ngoài số nhập khẩu chính thức cần kể đến lượng nhập khẩu biên mậu, nhập khẩu lậu qua đường biên giới có quy mô rất lớn. Chính phủ có chính sách cho phép người dân địa phương mỗi ngày được qua biên giới một lần và nhập về số hàng hóa tương đương 2 triệu VNĐ không phải chịu thuế. Lợi dụng chính sách này, rất nhiều người đã trở thành “dân địa phương” với giấy tờ hợp pháp và nhập khẩu chắc chắn không chỉ một lần và 2 triệu VNĐ. Công thêm số lượng nhập lậu qua đường biên giới dài, khó kiểm soát, buôn lậu trên biển, thâm hụt thương mại thực tế của Việt Nam với Trung Quốc còn cao hơn nhiều so với con số đã được Tổng Cục Thống kê công bố.
Quan hệ thương mại không chỉ bất bình đẳng về số lượng như trên đã đề cập đến mà còn nghiêm trọng hơn về chất lượng và cơ cấu mặt hàng. Theo Trần Văn Thọ cho thấy Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là than đá (30%), nông, lâm hải sản, quặng kim loại, hàng công nghiệp chỉ chiếm 12% trong khi cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam như hình dưới đây (Nguyễn Minh Cường, Sài Gòn Tiếp thị 6.6.2011) cho thấy Việt Nam chủ yếu nhập vật tư sản xuất, trang thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải. Cơ cấu này thể hiện rõ tính chất quan hệ Bắc-Nam, tức là Việt Nam là nền kinh tế xuất khẩu nguyên, vật liệu và nhập khẩu hàng công nghiệp, máy móc. Thật là cay đắng khi thấy Việt Nam xuất khẩu cao su để nhập săm, lốp, xuất khẩu than để nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Người ta cho rằng Trung Quốc thặng dư thương mại với đa số các quốc gia khác phần nhiều là nhờ chính sách đồng Nhân dân Tệ yếu. Đây có đồng thời là nguyên nhân chính gây ra thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc?
Thế mạnh của xuất khẩu của Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: quy mô sản xuất (economy of scale) của Trung Quốc rất lớn nên có lợi thế tuyệt đối về hiệu quả đầu tư, giá đất rẻ, giá lao động tương đối thấp, lãi suất ngân hàng thấp v.v. Một nguyên nhân là đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc được coi là định giá thấp, theo Mỹ thấp tới 30-40%, nên hàng hóa của Trung Quốc rẻ không thể giải thích được và chiếm lĩnh thị trường ở tất cả các nước, không chỉ Việt Nam.
Liệu có khả thi không tại thời điểm này nếu Việt Nam tìm cách cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc?
Việc cắt giảm thâm hụt thương mại nói chung và với Trung Quốc nói riêng là hoàn toàn không đễ dàng. Trong tổng số hàng nhập khẩu, tỷ trọng hàng cần hạn chế nhập khẩu như ô tô, hàng xa xỉ chỉ chiếm 6,8% trong khi hàng cần nhập khẩu chiếm đến 86,5%. Thí dụ như hàng dệt may của Việt Nam phải nhập khẩu đến 75% tổng giá trị xuất khẩu và nhập chủ yếu từ Trung Quốc thì có thể thấy, cắt giảm nhập khẩu cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của công nghiệp dệt-may Việt Nam. Viêc Ngân Hàng Nhà Nước công bố điều chỉnh tỷ giá 9,3% để giảm nhập khẩu đã hoàn toàn không có kết quả, trái lại nhập siêu vẫn tăng mạnh. Nhập siêu tháng 4 trên kim ngạch xuất khẩu là 19,64%, tháng 5 là 22,6%, cả năm tháng đã lến đến 6,59 tỷ USD, cao nhất trong 17 tháng qua.
Về giải pháp chống thâm hụt thương mại, gần đây người ta thường đề cập nhiều tới việc hạn chế nhập khẩu hàng xa xỉ. Biện pháp này có phù hợp và cần thiết hay không? Để giải quyết tốt nhất vấn đề nhập siêu với Trung Quốc, Chính phủ nên tiến hành chính sách, biện pháp gì?
Giả định như có thể giảm số nhập khẩu ô tô, hàng xa xỉ từ 2,4 tỷ USD xuống còn 1,2 tỷ USD thì cũng chỉ giảm được khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu. Để giải quyết một cách căn bản vấn đề nhập siêu nói chung và từ Trung Quốc nói riêng phải tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ (supporting industries and services) và cũng không từ chối các biện pháp hành chính mạnh để cắt giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng chưa cấp thiết và chống buôn lậu. Đáng chú ý là buôn lậu vàng lên đến 40-60 tấn vàng /năm mà chưa hề đặt vấn đề chống buôn lậu vàng trong khi buôn lậu hàng hóa thì chỉ bắt được cửu vạn, chưa bắt được ông trùm nào bao giờ cả.
Xin cảm ơn ông!
Ý kiến một độc giả: Quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh về tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp và dịch vụ phụ trợ, về chủ trương là đúng đắn nhưng chỉ có thể thực thi trong khoảng thời gian rất dài hạn. Còn với quan điểm là không từ chối các biện pháp hành chính mạnh để cắt giảm nhập khẩu hàng tiêu dùng, thì cần cẩn trọng vì đây là con dao hai lưỡi, có thể khiến Việt Nam vi phạm các cam kết về tự do thương mại với các đối tác WTO. Trong khi đó vấn đề nhập siêu sẽ vẫn tiếp tục tồn đọng mà chưa được giải quyết căn bản. Tuy nhiên, một chính sách rất nên thực thi ngay là tăng cường kiểm soát, hạn chế nhập khẩu những hàng hóa kém chất lượng, hàng nhái, thậm chí hàng hóa có chất gây độc hại xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là biện pháp cần thiết, vừa bảo vệ được lợi ích người tiêu dùng, vừa đảm bảo cạnh tranh công bằng, và vẫn giúp giảm trừ được thâm hụt thương mại? |