Thụy Sĩ xem xét lại kế hoạch khôi phục điện hạt nhân
Ảnh: Reuters
Ngày 28/8/2022, theo tin từ hãng thông tấn Reuters, một nhóm các chính trị gia Thụy Sĩ đã thành lập một tổ chức với tên gọi là ‘Stop Blackouts’ (ngừng cúp điện). Stop Blackouts sẽ triển khai một bản kiến nghị với mục đích tìm cách sửa đổi chính sách năng lượng của đất nước để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng và coi năng lượng hạt nhân là một phần của cơ cấu năng lượng.
Thụy Sĩ có kế hoạch đóng cửa năm lò phản ứng hạt nhân sau một quyết định năm 2017 do những lo ngại về vấn đề an toàn sau thảm họa hạt nhân vào năm 2011 ở Fukushima, Nhật Bản và đã đóng cửa một lò phản ứng.
Theo quy định về nền dân chủ trực tiếp của Thụy Sĩ, hiến pháp của nước này có thể được thay đổi thông qua trưng cầu dân ý nếu thu thập được 100.000 chữ ký trong vòng 18 tháng, cho dù kết quả trưng cầu dân ý này sẽ kéo dài trong nhiều năm.
Stop Blackouts công bố: Họ có kế hoạch khởi động bản kiến nghị của mình vào thứ Ba (30/8/2022). Năm trong số sáu thành viên ủy ban của nhóm là các nhà lập pháp từ các đảng trung hữu và cánh hữu.
Trang web của Stop Blackouts cho biết: “Trong thời gian gần đây, Thụy Sĩ đã sản xuất điện bằng sự kết hợp của thủy điện và năng lượng hạt nhân với mục tiêu thân thiện với môi trường, khí hậu, đảm bảo an toàn và hầu như không phát thải CO2”.
Ông Vanessa Meury, Chủ tịch ủy ban Stop Blackouts và là thành viên ủy ban duy nhất không phải là chính trị gia, chia sẻ với tờ báo SonntagsZeitung của Thụy Sĩ: “Chúng ta sẽ không thể làm gì nếu không có các nhà máy điện hạt nhân”. Sự thay đổi hiến pháp mà nhóm tìm kiếm sẽ khiến Bern chính thức chịu trách nhiệm đảm bảo cung cấp năng lượng, sử dụng “bất kỳ hình thức sản xuất điện thân thiện nào với khí hậu”.
Hôm thứ Ba, Chính phủ Thụy Sĩ chuẩn bị công bố kế hoạch đối phó với tình trạng thiếu năng lượng tiềm tàng do chiến tranh ở Ukraine gây ra. Kế hoạch này dự kiến sẽ ưu tiên việc cắt giảm nhu cầu sử dụng điện tự nguyện của người tiêu dùng. Thụy Sĩ sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ của quốc gia này nhưng lại phụ thuộc vào các nước láng giềng để nhập khẩu điện vào mùa đông.
Một quan chức cấp cao trong ngành điện của Thụy Sĩ cho biết vào tháng 7, trong trường hợp thiếu hụt năng lượng, nước này có thể xảy ra tình trạng mất điện cục bộ lên tới 4 giờ.
Cuộc khủng hoảng khí đốt cũng đang khiến cho quốc gia sử dụng nhiều năng lượng tái tạo như Đức cũng phải tính đến việc xem xét kéo dài tuổi thọ cho 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này.
Thu Hà dịch
Nguồn tin: https://www.reuters.com/business/energy/swiss-group-launch-petition-rethink-nuclear-power-plans-2022-08-28/
(Visited 1 times, 1 visits today)